Tư tưởng “Dân là chủ và dân làm chủ” qua bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
TCCS - Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”. Bài báo tuy rất ngắn gọn, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao và đặc biệt sâu sắc về tư tưởng, trong đó những tư tưởng của Người về “dân”, “dân là chủ và dân làm chủ”, “dân vận khéo” vẫn còn nguyên giá trị thời sự, cần được Đảng, Nhà nước ta kế thừa và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng nhân loại bị áp bức trên thế giới. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh được khẳng định là nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, trong đó tư tưởng về “dân”, “dân là chủ và dân làm chủ” rất nổi bật, đặc sắc và được coi là “linh hồn” trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cách đây tròn 70 năm, vào ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” để giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác dân vận. Đó cũng là năm mà toàn quân, toàn dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ do Người đứng đầu, đã kết thúc thắng lợi quãng đường 4 năm đầu tiên đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
“Dân vận” là bài báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết dưới bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15-10-1949. Đây là thời điểm, bối cảnh có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng cần phải đi vào chiều sâu, thực chất và thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến còn rất cam go của dân tộc.
Bài viết rất ngắn gọn, từ đầu đề (chỉ gồm hai từ) cho đến dung lượng (với khoảng hơn 600 từ), được thể hiện bằng ngôn ngữ rất mộc mạc, súc tích, gần gũi, phù hợp với quần chúng. Bài báo có nội dung không dài, văn phong giản dị, dễ hiểu, nhưng tầm vóc tư tưởng mà nó chuyển tải thì lại vô cùng sâu sắc, đặc biệt là tư tưởng của Người về “dân”, “dân chủ” và “dân vận khéo”. Chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ đưa ra những “định nghĩa” có tính hàn lâm, học thuật cao siêu về các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội và văn hóa, nhất là trong bối cảnh nhân dân ta dưới ách áp bức của chế độ phong kiến, thực dân đa phần còn mù chữ, thì lại càng không thể dùng lý luận cao siêu để tuyên truyền, vận động và giải thích cho người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ. Vì vậy, Người thường dùng những từ ngữ rất mộc mạc, giản dị, gần gũi để giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành.
Tư tưởng quan trọng mở đầu bài báo của Người chính là: Muốn hiểu rõ, hiểu sâu sắc về dân vận và công tác dân vận thì việc cần làm đầu tiên là phải hiểu cho thật rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của “dân”, đặc biệt là bản chất của nước ta “là nước dân chủ”. Bác cũng nói rõ lý do, sở dĩ Người viết bài báo này là vì: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”(1).
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ được thể hiện ở nhiều bài viết, bài nói khác nhau của Người, nhưng thể hiện tập trung, trực diện và điển hình nhất chính là ở bài báo “Dân vận”. Tư tưởng chủ đạo, “hồn cốt” của bài viết toát lên nội dung chủ yếu, then chốt về dân vận và công tác dân vận chính là vai trò, vị thế của dân, “dân là chủ dân làm chủ”.
Người nhấn mạnh, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ và dân làm chủ, nghĩa là mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, mọi lợi ích đều vì dân, mọi công việc đều do dân. Người khẳng định, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Tư tưởng đề cao nhân dân, hết lòng vì lợi ích nhân dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm niệm và coi như một chân lý để hành động trong suốt cuộc đời mình.
Tư tưởng lớn đó được Người thể hiện ngay trong Phần I - NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ, bởi những điều được Người diễn giải, biểu đạt ngắn gọn, súc tích đến mức hiển nhiên:
1- Tất cả lợi ích, quyền hạn đều vì dân và của dân.
Người khái quát và khẳng định, ở nước ta: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.
Nhà nước vì dân là nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu. Nước ta là nước dân chủ, vì tất cả quyền lực, chính sách… đều vì lợi ích của nhân dân, hướng tới phục vụ dân; ngoài ra, Đảng và Chính phủ không có bất cứ một lợi ích nào khác. Bác luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ”, “mọi lợi ích đều vì dân”; nhân dân mới thật sự là người làm chủ tối cao của chế độ mới.
Ngay từ năm 1941, trong Chương trình của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự liệu, chủ động “thiết kế” một chế độ dân chủ cộng hòa cho Nhà nước ta ngay sau khi cách mạng do nhân dân tiến hành thành công. Chương trình này hướng tới việc thực hiện mục tiêu dân chủ, xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của nhân dân đối với vận mệnh của Tổ quốc. Và khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Người đã chủ trương xây dựng và ban hành Hiến pháp mới để đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc thực thi quyền lực của nhân dân. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ nét trong Điều thứ nhất của Hiến pháp năm 1946 do chính Người là Trưởng ban soạn thảo: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
2- Trách nhiệm của dân, công việc của dân.
Bên cạnh quyền lợi, Người còn chỉ rõ: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân/ Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”.
Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói tới quyền và lợi ích của dân, mà còn đặc biệt nhấn mạnh đến nghĩa vụ và trách nhiệm của dân trong đấu tranh, đổi mới, xây dựng đất nước. Điều này có nghĩa là, dân chủ không chỉ bao hàm mỗi quyền lợi, lợi ích chính đáng của dân, mà đi liền với nó, còn là phương diện nghĩa vụ và trách nhiệm của dân. Người lưu ý, “Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc” và “Công việc đổi mới, xây dựng” đều thuộc trách nhiệm, công việc của dân, tức là do dân làm chủ. Trên thực tế, khi đề cập tới “dân chủ”, người ta thường chỉ nghĩ nhiều, nhấn mạnh nhiều tới địa vị, lợi ích của dân, quyền là chủ và quyền làm chủ của dân mà ít khi nói tới chiều cạnh gắn bó hữu cơ với nó là trách nhiệm, nghĩa vụ của dân. Và dĩ nhiên, đó là một sự khiếm khuyết, có tính phiến diện, một chiều khi bàn tới nội dung của “dân chủ” và “nước dân chủ”.
“Quyền làm chủ” và “trách nhiệm làm chủ” của nhân dân là hai nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ. Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân. Trong nhiều bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện, quán triệt cả hai phương diện ấy khi bàn về dân chủ và Nhà nước ta. Bên cạnh quyền lợi, Người thường xuyên nhấn mạnh tới trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của mỗi người dân đối với sự nghiệp đấu tranh chống lại phong kiến, thực dân, đế quốc, kẻ thù xâm lược để giành độc lập, tự do và kiến thiết, dựng xây nước nhà.
3- Tất cả Chính quyền, đoàn thể các cấp đều do dân.
Bởi lẽ: “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra/Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”.
Chính quyền nhà nước các cấp từ Trung ương tới cơ sở (làng xã) do chính nhân dân tạo dựng, cử ra, có nghĩa là nhân dân đóng vai trò chủ thể gốc của quyền lực, đó là chủ thể ủy quyền, trao quyền cho Nhà nước của mình. Do đó, Người quan niệm rằng, chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền của dân, do người dân làm chủ. Nhân dân có quyền tự do lựa chọn ra những người tiêu biểu nhất để thi hành quyền được làm chủ trong những hoạt động chính trị - xã hội của mình. Vì lẽ đó, bầu cử là một trong những quyền dân chủ đầu tiên mà người dân Việt Nam phải được hưởng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhân dân có được quyền tự do lựa chọn đại diện cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình để thi hành quyền lực nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, nội dung của dân chủ không chỉ là dân chủ trong kinh tế (phải tập trung phát triển sản xuất, thoát khỏi đói nghèo) để chăm lo lợi ích vật chất cho người dân, mà còn là dân chủ trong chính trị: Nhà nước do dân cử ra, đoàn thể các cấp do dân tổ chức, vì vậy, không ai được lạm quyền, cướp quyền của dân, mà phải dùng quyền của dân để phục vụ và bảo vệ dân. Người nhắc nhở đội ngũ “công bộc” luôn luôn phải ghi nhớ: Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ, nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân; vì vậy, “chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
4- Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Đây là lời khẳng định về bản chất của Nhà nước ta cũng như về vị thế tối cao của nhân dân. Có thể thấy rõ rằng, toàn bộ phần I nói riêng và cả bài báo nói chung đã toát lên tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Chế độ ta, Nhà nước ta là chế độ và là nhà nước của dân, do dân và vì dân, vì quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Chỉ có hiểu rõ, hiểu sâu sắc được điều ấy thì cán bộ mới có thể làm tốt công tác có vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng là công tác dân vận, như ở cuối bài báo, Người nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Đây là một trong những luận điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ. Một khi có dân chủ thực sự thì mỗi người dân sẽ dám nói, dám nghĩ, dám làm, đồng thời người cán bộ đảng viên mới có gan dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Theo Người, có dân chủ thì sẽ khắc phục được thói áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền và có được quyền tự do tư tưởng, tự do thảo luận và khi ấy, tự do tranh luận, thảo luận hóa ra lại chính là quyền tự do phục tùng chân lý. Điểm cốt lõi về dân chủ ở đây, theo Người, còn là và chính là “làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình dám nói dám làm”.
Dân chủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là mục tiêu để xây dựng chế độ mới, vì lợi ích của nhân dân. Người quan tâm tới nội dung toàn diện của dân chủ. Mục tiêu dân chủ được thể hiện trước hết ở dân chủ trong kinh tế, dân chủ trong chính trị. Cùng với đó còn là dân chủ trong văn hóa, trong phát triển xã hội và quản lý xã hội, hướng trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, chính sách xã hội và an sinh xã hội cho con người, vì con người. Vì thế, theo Người, dân chủ còn là phải bảo đảm dân chủ trong đời sống tinh thần, phải tạo điều kiện, cơ hội để mọi người dân dám nghĩ, dám nói lên những suy nghĩ, mối quan tâm của mình, đồng thời phải bảo đảm cho họ có được tự do về tư tưởng, thực hiện dân chủ trong sáng tạo văn hóa và thụ hưởng văn hóa.
Bởi quan niệm dân chủ là mục tiêu, nên ngay khi chính thể dân chủ vừa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, có mặc, có nhà ở, được học hành, được tự do đi lại, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng quyền tự do mà họ xứng đáng được hưởng với tư cách người chủ. Người còn nói rõ, dân chỉ biết tới giá trị của tự do, dân chủ khi dân được ăn no, mặc ấm. Nước nhà tranh đấu được độc lập, tự do mà “dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì”(3). Chính vì vậy, Người yêu cầu Đảng và Chính phủ cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc phương châm: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Qua kinh nghiệm hoạt động, đấu tranh cách mạng vô cùng phong phú và gian khổ ở trong nước và quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhìn thấy rõ, thấu hiểu và thấu cảm sâu sắc sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, đúc rút ra những bài học có tính chân lý: “Nước lấy dân làm gốc”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(4). Tư tưởng vì dân, trọng dân, thân dân và thương dân ấy là tư tưởng lớn, chủ đạo, xuyên suốt và nhất quán trong toàn bộ cuộc đời, trong trái tim, tình cảm và trí tuệ của Người, kể từ khi bước chân ra đi tìm nước cứu nước cho đến tận những giây phút cuối đời. Tư tưởng ấy được thể hiện kết tinh trong bản Di chúc thiêng liêng mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Càng đọc kỹ Di chúc, chúng ta lại càng thấy rõ một điều rằng: độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu trước sau như một của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Người đã căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dự liệu: cùng với chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống cho nhân dân, Đảng và Nhà nước phải có kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế, sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới; củng cố quốc phòng; chuẩn bị mọi việc để thống nhất đất nước. Người chỉ rõ: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(5).
Dân chủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi như một chiếc chìa khóa vạn năng, hữu hiệu “để giải quyết mọi khó khăn”. Người khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”(6). Bởi lẽ, dân là gốc và như tinh thần trong vần thơ của Người, “Gốc có vững thì cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Dân chủ luôn được Người coi là mục tiêu phấn đấu và là động lực của sự phát triển đất nước ta. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà dân chủ lại xuất hiện trong “Điều mong muốn cuối cùng” của Người là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”, tuy rất ngắn gọn về dung lượng câu chữ, nhưng lại vô cùng lớn lao và đặc biệt sâu sắc về tư tưởng, mà khi thời gian càng lùi xa, chúng ta mới lại càng thấy rõ được tầm vóc, ý nghĩa sâu sắc của bài báo ấy. Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và về dân chủ nói riêng là di sản vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta. Tư tưởng ấy còn vẹn nguyên giá trị thời sự nóng hổi và sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng nền dân chủ xã hộ i chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự dân chủ, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta cả hiện tại và trong tương lai./.
--------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 232
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 234
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 175
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 280, 617
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 376
Khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Khóa XIII của Đảng  (05/11/2019)
Phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận trong tình hình mới  (29/10/2019)
Hội thảo khoa học kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ trao giải cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019  (15/10/2019)
Giá trị văn hóa chính trị qua Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/09/2019)
Trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở Thủ đô  (18/09/2019)
Thí điểm nhất thể hóa và việc đổi mới hệ thống chính trị  (17/09/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển