Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25 đến 31-3-2019

Minh Huệ tổng hợp
15:54, ngày 01-04-2019
TCCSĐT - Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Kết quả phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính là tiêu chí ưu tiên trong bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ ở Lâm Đồng; Kiên Giang sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; Sau một năm sắp xếp lại, thành phố Cần Thơ giảm hơn 800 cán bộ, công chức, viên chức; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị công khai xin lỗi dân; là những tin nổi bật tuần qua.

Triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Ngày 29-3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp và mẫu hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, UBND và Sở Nội vụ các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, việc triển khai các Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tác động đến nhiều đối tượng, nhiều địa phương. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, việc xây dựng các văn bản thực hiện, các biểu mẫu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Bộ Nội vụ tiếp thu, tập trung hoàn thiện sớm dự thảo trình Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai.

Góp ý vào các dự thảo, các đại biểu đều nhất trí, đánh giá cao với việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ và cần sớm có văn bản hướng dẫn cho các địa phương để triển khai thực hiện một cách thống nhất; quá trình thực hiện, cần tinh thần và quyết tâm chính trị cao từ lãnh đạo của các địa phương; tích cực tuyên truyền cho người dân tại các huyện, xã thuộc diện sắp xếp để người dân hiểu, đồng tình ủng hộ.

Thảo luận các nội dung liên quan, nhiều đại biểu cho rằng một trong những giải pháp cơ bản là cần phải thực hiện tốt công tác vận động trong nội bộ đội ngũ cán bộ, công chức. Về tiến độ thời gian triển khai thực hiện các đề án, nhiều đại biểu cho rằng cần thực hiện dứt điểm trong năm 2019, nếu kéo dài sang năm 2020 sẽ ảnh hưởng ảnh hưởng rất lớn đến đại hội Đảng cấp xã, cấp huyện vào năm 2020. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Nội vụ cần sớm xem xét, ban hành Nghị quyết về kế hoạch thực hiện cũng như có văn bản hướng dẫn về mẫu hồ sơ đề án, để các địa phương căn cứ thực hiện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung như: trình tự, thủ tục được quy định trong các dự thảo Nghị quyết; việc sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị; giải pháp về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức sau khi sắp xếp; về cách tính bình quân dân số, diện tích các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tiến hành sáp nhập; việc lấy ý kiến của cư tri tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp; góp ý vào biểu mẫu của hồ sơ xây dựng đề án, mẫu tờ trình Chính phủ, phương án tổng thể; thời gian chuyển đổi giấy tờ của người dân, tổ chức; vấn đề xây dựng khung chính sách để hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư, sắp xếp cán bộ xã cũng như vấn đề bố trí nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất cho các địa phương sau khi sáp nhập…

Đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Sẽ giảm khoảng 200 đầu mối

Ngày 27-3, Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn đã kiểm tra hoạt động công vụ tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh, xác định mục tiêu “Xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”, toàn ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm cải cách hiệu quả thủ tục hành chính.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị tiên phong triển khai xây dựng "Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam" từ năm 2011, với danh mục 240 vị trí việc làm ngành Bảo hiểm xã hội từ Trung ương đến địa phương. Năm 2016, Bộ Nội vụ đã phê duyệt danh mục 119 vị trí việc làm ngành Bảo hiểm xã hội để thay thế danh mục 240 vị trí việc làm năm 2011. Trên cơ sở khung danh mục vị trí việc làm đã được phê duyệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện bản mô tả vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí việc làm.

Thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, tính đến cuối năm 2018, ngành Bảo hiểm xã hội đã tinh giản được 124 người theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã xây dựng đề án đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; qua đó, đề xuất giảm ít nhất 2 đơn vị cấp Ban trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; sắp xếp, kiện toàn, chuyển đổi 1 đơn vị sự nghiệp hiện có trong cơ cấu tổ chức ở cấp Trung ương; giảm 128 phòng, 58 Bảo hiểm xã hội thành phố, thị xã trực thuộc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, 12 Bảo hiểm xã hội cấp huyện trên địa bàn huyện thuộc diện không đạt 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số trên cơ sở kết quả Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính.

Cùng với việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, số lượng chức danh lãnh đạo cấp trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương tại các đơn vị hợp nhất, giải thể cũng giảm 480 người. Đến năm 2021, sẽ giảm tối thiểu 10% biên chế so với biên chế được giao năm 2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tương đương với 2.050 biên chế.

Lâm Đồng: Kết quả phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính là tiêu chí ưu tiên trong bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ

Tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn với mục tiêu theo dõi, đánh giá khách quan, chính xác và công bằng việc giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, có 5 mẫu phiếu được ban hành gồm: Mẫu phiếu số 01 với 5 tiêu chí đánh giá chấm điểm cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp tỉnh trong việc tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính. Mẫu phiếu số 02 có 9 tiêu chí sử dụng để đánh giá, chấm điểm các sở, ban, ngành trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Mẫu phiếu số 03 có 9 tiêu chí để đánh giá, chấm điểm các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, các xã, phường, thị trấn trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. 3 mẫu phiếu này dành cho cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị tự đánh giá.

Các phiếu số 04 và 05 được sử dụng để lấy ý kiến của người dân về giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong đó phiếu số 04 có 4 tiêu chí dùng để lấy ý kiến của tổ chức, người dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính, được đặt tại bàn viết hồ sơ, phát cho người dân kèm với giấy tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Mẫu số 05 được thực hiện thông qua chức năng đánh giá trực tuyến của Hệ thống thông tin 1 cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Việc đánh giá giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức, các sở, ngành, địa phương tỉnh Lâm Đồng sẽ được thực hiện 3 tháng/lần và hàng năm.

Tỉnh đặt ra nhiệm vụ lấy kết quả đánh giá này là một trong những tiêu chuẩn để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, xác định trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả này cũng là tiêu chí ưu tiên để xem xét đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Kiên Giang sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả, đến nay, Kiên Giang có 13/25 cơ quan, đơn vị đã sắp xếp kiện toàn bộ máy và nhất thể hóa một số chức danh.

Theo đó, đối với tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, tỉnh đã kiện toàn sắp xếp tổ chức Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; hoàn thành đề án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, trong đó tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, giảm 7 đơn vị trực thuộc, 7 trưởng phòng và 22 phó trưởng phòng.

Các cơ quan, sở, ngành đã sắp xếp kiện toàn bộ máy, phòng chức năng trực thuộc, gồm: Văn phòng UBND tỉnh 8 phòng, Thanh tra tỉnh 5 phòng, Nội vụ 5 phòng, Tư pháp 7 phòng, Tài chính 6 phòng, Xây dựng 6 phòng, Kế hoạch và Đầu tư 6 phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội 6 phòng, Thông tin - Truyền thông 4 phòng, Khoa học - Công nghệ 4 phòng, Ngoại vụ 3 phòng, Công Thương 4 phòng, Ban Quản lý khu kinh tế 3 phòng. Qua sắp xếp giảm 26 đầu mối thuộc sở và tương đương. Ngoài ra, cấp huyện tổng số có 189 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, qua sắp xếp giảm 24 đầu mối; giải thể 11 phòng dân tộc và 13 phòng y tế.

Đối với nhất thể hóa một số chức danh Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.

Cấp huyện cũng đã thực hiện nhất thể hóa các chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND 5/15 đơn vị; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND 2/15 đơn vị; trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị 15/15 đơn vị; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc 5/15 đơn vị; trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ 2/15 đơn vị; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra 3/15 đơn vị. Bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương tại 10/15 huyện, thành phố. Cấp xã có 54/145 đơn vị nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; 24/145 đơn vị bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND.

Sau một năm sắp xếp lại, thành phố Cần Thơ giảm hơn 800 cán bộ, công chức, viên chức

Sau hơn 1 năm đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố Cần Thơ đã rà soát, sắp xếp giảm được 2 đầu mối trực thuộc Thành ủy, 45 Ban chỉ đạo, 52 đơn vị cấp phòng, 9 lãnh đạo cấp sở, 87 trưởng, phó phòng và tương đương, 810 cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với việc thực hiện kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan đơn vị, đến nay thành phố Cần Thơ đã thực hiện xong việc bố trí Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị của 9/9 quận huyện, Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ ở 2/9 quận huyện. Bố trí thí điểm Kế toán cơ quan Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện phục vụ chung cho các đoàn thể chính trị xã hội tại 4/9 quận, huyện... Dự kiến, năm 2019, tiếp tục bố trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra tại 2 quận, huyện.

Kết quả thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND đã được thực hiện 2/9 quận, huyện và Phó Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND ở 7/9 quận, huyện còn lại. Toàn thành phố cũng có 79/85 xã, phường, thị trấn bố trí Bí thư hoặc Phó Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND; 4 xã, phường bố trí chức danh Chủ tịch HĐND chuyên trách, 2 phường khuyết chức danh Chủ tịch HĐND.

Thành phố Cần Thơ cũng đã triển khai mô hình thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND tại 1 huyện và 19/85 xã, phường, thị trấn. Đến nay, đã thực hiện được ở huyện Cờ Đỏ và 8 xã, phường, thị trấn. Triển khai thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở cấp quận, huyện ở 9/9 quận, huyện và đã thực hiện được ở huyện Cở Đỏ. Các quận huyện còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2019.

Đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, ấp, khu vực, đến nay thành phố Cần Thơ đã sắp xếp xong 82/85 xã, phường, thị trấn và 597/630 ấp, khu vực, giảm được 735 người so với trước khi có Nghị quyết 18/NQ-TW, trong đó cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn giảm 162 người, cán bộ cấp ấp, khu vực giảm 573 người.

Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tính đến ngày 01-3-2019, trên toàn địa bàn thành phố Cần Thơ đã tinh giản và cắt giảm 2.878 biên chế, đạt 95,77% kế hoạch giai đoạn 2015-2021, giảm 10,78% so với biên chế phân bổ, sử dụng năm 2015, trong đó hưởng ngân sách tinh giản là 320 biên chế, cắt giảm 2.558 biên chế.

Trong đó, các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đã tinh giản, cắt giảm 408 biên chế, giảm 28,6% so với biên chế sử dụng năm 2015. Các cơ quan Nhà nước và khối đơn vị sự nghiệp công lập, UBND thành phố đã trình Bộ Nội vụ tinh giản và cắt giảm 2.470 biên chế và 108 hợp đồng lao động, giảm 9,76% so với biên chế sử dụng năm 2015.

Năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã thống nhất chủ trương cắt giảm 900 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu đến cuối năm 2019, toàn thành phố sẽ tinh giản và cắt giảm 3.778 biên chế, tỷ lệ giảm 14,15% so với năm 2015 và đạt 125,75% kế hoạch giai đoạn 2015-2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị công khai xin lỗi dân việc gần 4.000 bộ hồ sơ tồn đọng

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố... yêu cầu phải công khai xin lỗi người dân do để tồn đọng gần 4.000 bộ hồ sơ, chưa giải quyết cho các tổ chức, cá nhân.

Theo Báo cáo số 1140/BC-VPCP ngày 13-02-2019 của Văn phòng Chính phủ về kết quả thực hiện công tác rà soát thủ tục hành chính tại các bộ ngành, địa phương năm 2018, Thanh Hóa có 3.946/2.463.339 bộ hồ sơ quá hạn (chiếm 0,16%). Để nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, tạo điều kiện cho tổ chức, công dân trong giải quyết thủ tục hành chính và hạn chế, khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 3276/UBND - KSTTCNC yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải công khai xin lỗi, thông báo lý do quá hạn, gia hạn thời gian trả kết quả kịp thời, đầy đủ cho các tổ chức, công dân theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị trên không được để xảy ra tình trạng chậm trả kết quả và chậm văn bản trả lời, xin lỗi. Các đơn vị phải rà soát số liệu hồ sơ giải quyết quá hạn, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, có biện pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời, nghiêm khắc xử lý đối với cá nhân, cơ quan, đơn vị tiếp tục để xảy ra tình trạng giải quyết quá hạn.

Trong tháng 01-2019, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 7.189 hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân; trong đó, có 9 hồ sơ quá hạn đã giải quyết; 8 hồ sơ quá hạn đang giải quyết; 220 hồ sơ chờ bổ sung; 197 hồ sơ trả lại hoặc xin rút./.