Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-9 đến ngày 01-10-2017
Gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi
Sáng 01-10, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã gặp mặt các tấm gương tiêu biểu đoạt Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” lần thứ IV năm 2017 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức, phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, có tính chuyên nghiệp cao trong phục vụ nhân dân là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của đất nước; góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, thực hiện mục tiêu cải cách hành chính quốc gia. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, tuyển dụng cán bộ gắn với tinh giản biên chế, thay đổi vị trí việc làm; quy định rõ chức năng, thẩm quyền giải quyết công việc của cán bộ, công chức, giảm thiểu tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phát huy tối đa khả năng cống hiến của cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy lùi quan liêu…
Phó Thủ tướng đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự xây dựng mục tiêu rèn luyện, tự nâng cao năng lực, trình độ cho bản thân, bắt kịp tốc độ phát triển của xã hội; đáp ứng tốt nhu cầu công việc và quyền được tiếp cận thông tin của nhân dân; nhận thức và thể hiện rõ vai trò là công bộc của dân, tận tụy phục vụ nhân dân, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động, phong trào thanh niên, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trí truệ sức trẻ, tinh thần sáng tạo của các cán bộ, công chức, viên chức trẻ.
Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong cho biết: Giải thưởng "Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi" nhằm tôn vinh đoàn viên, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức trẻ có thành tích xuất sắc trong rèn luyện, công tác và thực hiện phong trào “3 trách nhiệm” do Trung ương Đoàn triển khai, có nhiều sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn". 45 gương cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi nhận giải thưởng lần này được bình xét từ 208 hồ sơ của 57 tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc.
Bày tỏ vinh dự, tự hào khi được nhận giải thưởng, đại diện các cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi đã báo cáo Phó Thủ tướng về quá trình nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, những thành tích đạt được; khẳng định giải thưởng là sự động viên, khích lệ to lớn đối với mỗi cá nhân trong quá trình công tác. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ năng động, sáng tạo, tận tụy, giỏi nghề, yêu nước, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động.
Thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý tại các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương
Trong hai ngày 30-9 và 01-10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thi tuyển các chức danh Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III.
Cuộc thi được tổ chức để lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương có thêm căn cứ lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, thực sự am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức, có uy tín, xứng đáng với vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm. Qua đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển nêu rõ: Kể từ sau khi có chủ trương của Ban Bí thư và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan đầu tiên tổ chức thi tuyển với 3 chức danh: Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III. Quá trình chuẩn bị thi tuyển đã được Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng thi tuyển chuẩn bị rất kỹ càng, chặt chẽ, xem xét nhiều mặt, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo công tâm, khách quan, trung thực, đúng các quy định được ban hành. Đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh trên cơ sở thi tuyển để tạo ra phương thức, cách làm mới trong quá trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.
Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Kế hoạch thi tuyển các chức danh Vụ trưởng: Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng, Vụ Địa phương III. Có 12 đồng chí đủ điều kiện dự thi, trong đó: Hội đồng thi Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ có 5 đồng chí; Hội đồng thi Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng có 3 đồng chí; Hội đồng thi Vụ trưởng Vụ Địa phương III có 4 đồng chí. Sau 30 ngày chuẩn bị, xây dựng đề án theo quy chế, các ứng viên đã nộp đề án đúng thời gian quy định. Bước vào phần thi, 12 thí sinh dự thi đã trình bày đề án và chương trình hành động bằng công cụ trình chiếu power point với thời lượng bảo vệ đề án không quá 45 phút. Sau khi người dự thi trình bày đề án, các thành viên Hội đồng thi tuyển đặt câu hỏi phản biện để người dự thi trả lời. Sau khi bảo vệ đề án, các thành viên Hội đồng thi tuyển chấm điểm một lần bằng phiếu kín. Điểm cuối cùng là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng. Người trúng tuyển là người có điểm thi cao nhất trong số người dự thi và phải đạt từ 50 điểm trở lên trên thang điểm 100.
Hội đồng thi tuyển đã thảo luận, thống nhất và quyết định lựa chọn 3 thí sinh xuất sắc nhất trong 12 thí sinh xuất sắc dự thi. Cụ thể, đồng chí Đỗ Phương Đông, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách cán bộ trúng tuyển vào vị trí chức danh Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ; đồng chí Phạm Mạnh Khởi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Cơ sở Đảng trúng tuyển vào vị trí chức danh Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng; đồng chí Nguyễn Xuân Liết, Phó Vụ trưởng vụ Tổ chức - Điều lệ trúng tuyển vào vị trí chức danh Vụ trưởng Vụ Địa phương III.
Ngay sau khi công bố kết quả, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trao Quyết định bổ nhiệm cho Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III. Quyết định có hiệu lực từ 01-10-2017; thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.
Đơn giản hóa 46 thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chính phủ vừa thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến thủ tục hành chính trong 7 lĩnh vực: 1- An toàn lao động (4 thủ tục); 2- Bảo trợ xã hội (11 thủ tục); 3- Giáo dục nghề nghiệp (8 thủ tục); 4- Lao động - tiền lương và quan hệ lao động (2 thủ tục); 5- Phòng chống tệ nạn xã hội (6 thủ tục); 6- Quản lý lao động ngoài nước (5 thủ tục); 7- Việc làm (10 thủ tục).
Trong đó, với lĩnh vực bảo trợ xã hội, đơn giản hóa thủ tục "Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội (bao gồm cả đối tượng người khuyết tật đặc biệt nặng". Cụ thể, bỏ bản sao sổ hộ khẩu của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc văn bản xác nhận của công an cấp xã về việc cư trú của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013.
Sửa đổi Tờ khai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng (mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24-10-2014) gồm: Bỏ các thông tin về chủ hộ (ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, giấy CMND, ngày cấp, nơi cấp, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại; bổ sung số định danh cá nhân; bỏ các thông tin về người đứng ra nhận chăm sóc nuôi dưỡng (ngày, tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, nơi ở hiện tại; bổ sung só định danh cá nhân và nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).
Bỏ các thông tin về vợ hoặc chồng của người đứng ra nhận chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng: Ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, nơi ở hiện tại; bổ sung số định danh cá nhân; sửa đổi Tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội.
Với lĩnh vực việc làm, đơn giản hóa thủ tục "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp". Cụ thể, sửa đổi Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31-7-2015) gồm: Bỏ thông tin ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, dân tộc, tôn giáo, nơi thường trú, chỗ ở hiện nay; bổ sung mã số định danh cá nhân và nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).
Cũng trong lĩnh vực việc làm, đơn giản hóa thủ tục "Cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng". Cụ thể, sửa đổi Giấy đề nghị vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Mẫu số 3a và 3b ban hành kèm theo Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11-11-2015) gồm: Bỏ ngày tháng năm sinh, dân tộc, giới tính, số chứng minh nhân dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp); sửa đổi Giấy xác nhận thân nhân người có công với cách mạng (Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11-11-2015) gồm: Bỏ ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú đối với thông tin của thân nhân người có công với cách mạng; bổ sung số định danh cá nhân.
Đồng Nai: Chuyển từ hành chính mệnh lệnh sang hành chính phục vụ
Tháng 5-2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã đưa vào vận hành Trung tâm hành chính công. Trung tâm là nơi tiếp nhận tất cả các hồ sơ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và được kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống phần mềm một cửa hiện đại, giúp quy trình giải quyết hồ sơ minh bạch, rõ ràng, đúng lịch hẹn. Qua đó, giúp người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu làm các thủ tục hành chính cấp tỉnh chỉ cần đến một nơi để làm, không phải đi lại nhiều lần.
Tại Trung tâm hành chính công, có 43 quầy tiếp nhận, trả hồ sơ và 5 quầy hỗ trợ người dân làm thủ tục. Có 19 sở ngành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và 3 đơn vị gồm Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cục thuế Đồng Nai với trên 50 nhân sự để tiếp nhận, trả kết quả đối với 1.206 thủ tục hành chính cấp tỉnh và một số khu vực dịch vụ hỗ trợ khác.
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc thành lập Trung tâm hành chính công của tỉnh là nhằm phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Việc gom gọn lại thành một đầu mối sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình liên hệ, giải quyết thủ tục hành chính. Đây cũng là nền tảng để ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông giữa các cơ quan, ban ngành từ cấp tỉnh đến phường, xã.
Theo thống kê của UBND tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2017 đến ngày 29-9, các cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 833.638 hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Trong đó hiện đã giải quyết xong 833.401 hồ sơ; tỷ lệ giải quyết đúng hạn và trong hạn đạt 94,6%; chỉ có trên 200 hồ sơ trễ hạn. Trung bình mỗi tháng, các cơ quan hành chính của tỉnh tiếp nhận khoảng 100.000 hồ sơ về thủ tục hành chính.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tháng 7-2017 UNBND tỉnh Đồng Nai đã ký kết với Zalo đưa ứng dụng này vào giải quyết thủ tục hành chính. Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài các phương thức trên, hiện tỉnh đã thành lập tổng đài dịch vụ công với đầu số 1022. Tổng đài là nơi tiếp nhận các phản ánh của người dân về thủ tục hành chính, giải đáp thông tin, thắc mắc và là đầu mối liên lạc, tương tác với người dân, doanh nghiệp.
Người dân và doanh nghiệp đánh giá các quy trình tiếp nhận hồ sơ và phương thức giải quyết, thời hạn giải quyết hồ sơ của các đơn vị hành chính tỉnh Đồng Nai đã có những cải cách quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính. Việc cải cách thủ tục hành chính của Đồng Nai chính là cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ trong việc xây dựng một chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đắk Lắk: Chậm giải quyết thủ tục hành chính phải xin lỗi người dân, doanh nghiệp
Tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp bằng văn bản khi giải quyết thủ tục hành chính chậm so với quy định. Việc làm này không những nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhân viên của đơn vị trong việc giải quyết các thủ tục hành chính mà còn tạo sự hài lòng, cách ứng xử văn minh đối với người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh cho biết, mặc dù thiếu nguồn nhân lực nhưng Văn phòng yêu cầu các chi nhánh trực thuộc tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định, không để xảy ra tình trạng chậm hồ sơ mà không có lý do chính đáng. Khi giải quyết thủ tục hành chính chậm, cơ quan chức năng phải nghiêm túc xin lỗi người dân, doanh nghiệp bằng văn bản, không phải để xin lỗi lần hai.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận 221.878 hồ sơ, trong đó mới giải quyết 141.641 hồ sơ, số hồ sơ còn lại giải quyết chậm đều có đơn xin lỗi người dân, doanh nghiệp. Đơn cử ví dụ, do giải quyết chậm hồ sơ xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà Võ Thị Tịnh, ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk), Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Krông Pắk đã có thư xin lỗi bà Tịnh và hứa khắc phục, ấn định cụ thể ngay thời gian trả kết quả, mong được sự thông cảm của gia đình và bản thân bà Tịnh. Bà Võ Thị Tịnh cho biết, tuy hồ sơ giải quyết chậm nhưng đơn vị có lời xin lỗi nên bà cảm thấy hài lòng vì mình được tôn trọng...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua, tỉnh Đắk Lắk có hơn 277 hồ sơ giải quyết quá hạn, trong đó mới có 112 hồ sơ quá hạn được các đơn vị, địa phương thực hiện xin lỗi người dân, doanh nghiệp bằng văn bản./.
Thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý tại các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương  (01/10/2017)
Gia tăng căng thẳng liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của vùng Catalunya  (01/10/2017)
Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01-10  (01/10/2017)
Tuyên dương 45 cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IV năm 2017  (01/10/2017)
Khai mạc Tuần lễ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh  (01/10/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên