Bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu
1. Thực trạng quản lý rừng cộng đồng
Nhà nước ta chủ trương tham gia tích cực vào các sáng kiến quốc tế liên quan đến giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng các-bon ở các nước đang phát triển (khái niệm REDD+). Nhiều năm qua, Nhà nước ban hành chính sách, pháp luật giao đất, giao rừng cho các đối tượng trong xã hội và hình thành hệ thống các chủ rừng, trong đó có hộ gia đình, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng dân cư thôn, bản (quản lý rừng cộng đồng) để thuận lợi cho việc triển khai REDD+ ở Việt Nam.
Quản lý rừng cộng đồng, có thể hiểu là hình thức mà mọi thành viên của cộng đồng tham gia quản lý và phân phối sản phẩm hoặc hưởng lợi từ những khu rừng thuộc quyền quản lý, sử dụng, sở hữu của cộng đồng hoặc thuộc quyền sử dụng chung của cộng đồng. Thuật ngữ “quản lý rừng cộng đồng” trong đó “cộng đồng” được dùng trong quản lý rừng chính là nói đến cộng đồng dân cư thôn.
Hiện nay, chưa có số liệu chính xác về diện tích rừng và đất lâm nghiệp cộng đồng dân cư thôn tham gia quản lý. Song, từ năm 1991 đến nay đã có 2 đợt điều tra khảo sát mang tính chuyên đề do Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp (nay là Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức.
Kết quả điều tra lâm nghiệp vào tháng 5-2008 với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của FAO cho thấy: Tính đến năm 2008, có 10.006 cộng đồng dân cư thôn trên toàn quốc (thuộc 31 tỉnh) đang quản lý và sử dụng 2,79 triệu héc-ta rừng và đất trống đồi núi trọc (100%), trong đó: 1,92 triệu héc-ta đất có rừng (68,6%) và 0,87 héc-ta đất trống đồi trọc (31,4%). Diện tích rừng do cộng đồng quản lý chiếm khoảng 14% tổng diện tích rừng cả nước. Trong diện tích đất có rừng thì rừng tự nhiên chiếm đa số (96%), rừng trồng chỉ có 4%. Về phân chia loại rừng, cộng đồng quản lý chủ yếu là rừng và đất rừng phòng hộ, đặc dụng (71%), rừng sản xuất chỉ chiếm 29% và diện tích rừng và đất do cộng đồng quản lý (2,79 triệu héc-ta) và có thể chia làm 3 loại sau đây:
a. Rừng và đất lâm nghiệp được cấp có thẩm quyền giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng ổn định lâu dài. Với diện tích đất và rừng giao cho cộng đồng thì các thành viên cùng đầu tư, quản lý và hưởng lợi dựa trên nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi giữa các thành viên. Cộng đồng thành lập tổ, nhóm để bảo vệ rừng. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) quy định cộng đồng được giao rừng được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ về vốn theo chính sách của Nhà nước. Song đến nay, sự hỗ trợ của Nhà nước còn rất hạn chế.
b. Cộng đồng quản lý và sử dụng lâu đời về rừng và đất rừng nhưng chưa được Nhà nước công nhận. Tổng diện tích rừng và đất rừng do cộng đồng quản lý và sử dụng lâu đời là 247.029,5 héc-ta (8,9%), bao gồm: 175.395,2 héc-ta đất có rừng; 71.634,3 héc-ta đất trống đồi núi trọc. Diện tích này gồm những khu rừng và đất lâm nghiệp do cộng đồng các dân tộc thiểu số tự công nhận và quản lý theo truyền thống từ nhiều đời nay (là những khu rừng thiêng, rừng ma, rừng đình, rừng thổ công, rừng mó nước, rừng phòng hộ xóm, bản, làng; rừng cung cấp lâm sản truyền thống cho cộng đồng), có vai trò quan trọng trong sản xuất, đời sống hoặc có ý nghĩa tâm linh, tôn giáo đối với cộng đồng. Về mặt pháp lý, các khu rừng này chưa được xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng nhưng trên thực tế nó được điều tiết một cách không chính thức bởi các luật tục truyền thống, đó là các hoạt động quản lý tài nguyên của cộng đồng được thực hiện qua luật tục hay hương ước thôn. Hiệu lực của các luật tục được thực hiện một cách tự nguyện thông qua sự hợp tác gắn bó với nhau giữa các thành viên trong cộng đồng và tâm linh. Cộng đồng tự quản lý và có toàn quyền quyết định trong việc bảo vệ và sử dụng rừng cũng như hưởng lợi từ rừng.
Có một số khu rừng trồng và rừng tự nhiên là của hợp tác xã nông nghiệp trước năm 1980, nhưng sau khi hợp tác xã chuyển đổi hoặc giải thể đã giao lại cho xã hoặc thôn quản lý. Từ đó, chính quyền xã, thôn lại giao lại cho cộng đồng quản lý và bảo vệ. Những diện tích rừng này có thể Nhà nước chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã công nhận quyền sử dụng đất, song trên thực tế, cộng đồng đang tự tổ chức quản lý, sử dụng và hưởng lợi từ những khu rừng này.
c. Rừng và đất rừng do cộng đồng nhận khoán với các tổ chức nhà nước để bảo vệ và trồng mới. Tổng diện tích lâm nghiệp được cộng đồng nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng mới là 902.662,7 héc-ta (32,3%) bao gồm: đất có rừng là 753.741,1 héc-ta và đất trống là 148.921,6 héc-ta. Đây là hình thức cộng đồng nhận khoán theo quy định tại Nghị định số 01/CP (1995), nay là Nghị định số 135/2005/CP-CP, ngày 8-11-2005, của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh. Các tổ chức giao khoán cho cộng đồng chủ yếu là lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp… Về thực chất, hình thức nhận khoán này, cộng đồng chỉ là người làm thuê cho chủ rừng, ngoài những việc thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng nhận khoán, cộng đồng không có quyền lợi và nghĩa vụ nào khác.
Ngoài ra, còn có diện tích rừng và đất lâm nghiệp mà cộng đồng tham gia quản lý theo vùng kinh tế - sinh thái. Đó là rừng ngập nước cửa sông, ven biển, ven sông, khu dự trữ sinh quyển (nước - rừng) là hệ sinh thái “thủy - lâm” ở Việt Nam có diện tích trên 1 triệu héc-ta, chưa có thống kê giao cho cộng đồng dân cư thôn quản lý.
2. Chủ trương và chính sách của Việt Nam triển khai REDD+
Việt Nam là một trong 5 nước bị tác động lớn nhất về biến đổi khí hậu. Vì vậy, Nhà nước có chủ trương và ban hành nhiều chính sách hưởng ứng tích cực các sáng kiến quốc tế liên quan đến REDD+ là điều đúng đắn. Quá trình triển khai này có nhiều thuận lợi, đó là nhận được sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới; được hỗ trợ thực thi và hoàn thiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường; do lợi ích mà REDD+ mang lại nhiều hứa hẹn: giảm phát thải, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững, cải thiện đời sống của người trực tiếp tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nên tạo khả năng huy động thêm nguồn tài trợ lớn. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn, thách thức trong thực hiện vì REDD+ là vấn đề mới, phức tạp và đang trong quá trình đàm phán; nhiều khái niệm và phương pháp vẫn chưa thống nhất: kịch bản tham chiếu, khái niệm về suy thoái rừng; phương pháp theo dõi, báo cáo và và kiểm chứng (MRV), tài chính và chia sẻ lợi ích đối với REDD+; vấn đề chuyển đổi địa điểm phát thải, tính bền vững; thiếu sự đồng thuận sâu rộng về mục tiêu cắt giảm phát thải, tốc độ, phạm vi và chiến lược thực hiện...
Thực hiện chủ trương của Nhà nước, Việt Nam triển khai được một số công việc quan trọng liên quan đến REDD+:
- Việt Nam ký kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tháng 11-1994 và Nghị định thư Ky-ô-tô tháng 9-2002.
- Việt Nam nộp bản đề xuất về phương pháp và tiến trình thực hiện REDD cho Ban thư ký UNFCCC tháng 2-2008. Khái niệm REDD nghĩa là giảm phát thải nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển. Khái niệm này sau được phát triển thành khái niệm REDD+.
- Bản đề xuất ý tưởng của Việt Nam được Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) chấp nhận tại Pa-ri vào tháng 7-2008. Việt Nam là nước đầu tiên ký thỏa thuận tham gia FCPF với Ngân hàng thế giới.
- Dự thảo đề xuất chương trình chung UN-REDD của Việt Nam đã được Ban chính sách của UN-REDD phê duyệt tại Pa-na-ma tháng 3-2009.
+ Việt Nam trình dự thảo cuối cùng đề xuất kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho REDD+ (R-PP). R-PP đưa ra khung tổng thể cho cấp quốc gia để tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện cơ chế REDD+ nhằm tăng cường năng lực quốc gia để lồng ghép REDD+ vào hệ thống văn bản pháp lý và các hướng dẫn kỹ thuật.
Đồng thời, Việt Nam ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến REDD+, bao gồm:
- Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg, ngày 17-10-2005, của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định Ky-ô-tô thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
- Quyết định số 47/2007/QĐ-TTg, ngày 6-4-2007, của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện Nghị định Ky-ô-tô và cơ chế phát triển sạch.
- Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg, ngày 16-11-2007, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai, đến năm 2020.
- Quyết định số 158/QĐ-TTg, ngày 2-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Quyết định số 2730/QĐ-BNN-KHCN, ngày 5-9-2008, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khung Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008 - 2020, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp...
- Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, ngày 24-10-2010, của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
- Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu do Thủ tướng làm Trưởng ban.
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Khung thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng ban.
- Xúc tiến nghiên cứu, xây dựng Chương trình REDD+ quốc gia của Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam bắt đầu thực hiện Chương trình và 3 cơ quan của Liên hợp quốc phối hợp thực hiện (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc - UNDP; Tổ chức Nông lương - FAO; Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc - UNEP) với sự tài trợ của một số đối tác nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường năng lực thực thi UN-REDD, với 3 hợp phần chính.
Hợp phần 1: Nâng cao năng lực kỹ thuật và thể chế để quản lý và điều phối các hoạt động REDD ở cấp trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Hợp phần 2: Nâng cao năng lực của các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương để sẵn sàng thực hiện REDD tại hai huyện thí điểm: Lâm Hà và Di Linh tỉnh Lâm Đồng.
Hợp phần 3: Hợp tác và trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong việc thực hiện REDD giữa Việt Nam và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN.
Chương trình UN-REDD gồm 2 giai đoạn, do Tổng cục Lâm nghiệp là cơ quan chủ trì thực hiện.
Giai đoạn I: Thực hiện từ tháng 8-2009, với mục tiêu: (i) Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng phương thức thực hiện REDD hiệu quả. (ii) Nâng cao năng lực về kỹ thuật và thể chế của một số cơ quan có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở cấp trung ương và địa phương được tiến hành ở địa phương thí điểm bao gồm: nâng cao nhận thức, năng lực kỹ thuật; lồng ghép REDD vào quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng; xây dựng bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng; phân tích nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng; đánh giá chi phí cơ hội; đề xuất cơ chế chia sẻ lợi ích khi thực hiện REDD và thiết lập cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với các bên tham gia REDD+ và các nhà tài trợ.
Giai đoạn II: Dự kiến thực hiện trong thời gian 4 năm, sau khi kết thúc Giai đoạn I. Địa bàn: các tỉnh có nhiều rừng; chi trả thí điểm 5 - 6 tỉnh.
3. Đề xuất giải pháp
Trên cơ sở rút kinh nghiệm thực hiện Giai đoạn I, để tiến hành đạt hiệu quả, đúng thời gian Giai đoạn II, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao năng lực kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, kiểm chứng vì khi thực hiện REDD+ phải tiến hành điều tra, đo đạc rừng phục vụ cho tính toán, xác định lượng các-bon, xác định lượng giảm phát thải của rừng và các kết quả sẽ được kiểm chứng bởi tổ chức độc lập thứ ba, thông tin công khai với một hệ thống quản lý minh bạch.
Hai là, bảo đảm tính bền vững của việc giảm phát thải nhà kính. Do rừng luôn bị đe dọa bởi khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, bị tàn phá bởi thiên tai, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác nên các dự án REDD+ phải chứng minh và bảo đảm tính bổ sung của tài nguyên rừng, thể hiện sự khác biệt về giá trị (lợi ích) so với khi không tiến hành dự án REDD+.
Ba là, xây dựng cơ chế hưởng lợi minh bạch, công khai của nhiều loại rừng, nhiều chủ thể tham gia quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm được 3 nhóm vấn đề: (i) Tổ chức và quản lý quỹ REDD+; (ii) Tổ chức chi trả tiền dịch vụ về REDD+; (iii) Theo dõi, giám sát về chi trả REDD+.
Bốn là, bảo đảm ngăn ngừa và giảm dịch chuyển địa điểm phát thải.
Năm là, bảo đảm tính hiệu quả của hệ thống giám sát. Đây là một thách thức vì việc giám sát dự trữ các-bon theo hộ gia đình rất khó khăn do ở Việt Nam có nhiều hộ gia đình quản lý rừng nhưng năng lực lại hạn chế, dẫn đến khó trong việc chia sẻ lợi ích trong việc áp dụng những biện pháp của REDD+ với các cá nhân và CĐ tham gia dự án.
Sáu là, cần phối hợp chặt giữa các cơ quan, đơn vị tham gia dự án, giữa trung ương với địa phương và nhà tài trợ, giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và tài nguyên môi trường. Lồng ghép REDD+ vào chính sách phát triển cả ở tầm vĩ mô và vi mô.
Bảy là, mau chóng kiện toàn tổ chức các cấp quản lý nhà nước về lâm nghiệp từ trung ương đến địa phương nhằm tạo điều kiện và phát huy vai trò của chính quyền địa phương (nhất là cấp xã) trong quản lý và bảo vệ, phát triển rừng.
Tám là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa lâm nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về tiến độ giao đất, giao rừng, khắc phục tình trạng nhiều địa phương chưa mạnh dạn tổ chức giao rừng tự nhiên và rừng trồng cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân nhằm thúc đẩy triển khai REDD+./.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013 - 2020  (13/11/2013)
Tổng thống Liên bang Nga kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam  (13/11/2013)
Quốc hội phê chuẩn hai Phó Thủ tướng với số phiếu cao  (13/11/2013)
Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội nghị ASEM lần thứ 11  (13/11/2013)
Hà Nội sẽ có đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (13/11/2013)
Việt Nam - Lào quyết tâm gìn giữ an ninh biên giới  (13/11/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên