Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19
TCCS - Cùng với chiến dịch thần tốc tiêm vắc-xin cho người dân, Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19 nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các giải pháp công nghệ đã phát huy hiệu quả cao được nhất khi được các cấp chính quyền địa phương chủ động vào cuộc và người dân thực hiện nghiêm túc.
Hiện nay, mô hình tổng thể các hệ thống công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 gồm 6 mảng lớn là: 1- Hệ thống khai báo y tế và quét mã QR tại các điểm kiểm dịch, các cơ sở công cộng; 2- Hệ thống quản lý các ca nghi nhiễm, quản lý các ca truy vết; 3- Hệ thống quản lý cách ly; 4- Hệ thống bản đồ chống dịch an toàn COVID-19; 5- Hệ thống quản lý xét nghiệm; 6- Hệ thống quản lý tiêm chủng và cấp chứng nhận tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 điện tử.
Trong gần 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, truy vết, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 để bóc tách ra khỏi cộng đồng; góp phần hạn chế lây lan, tiến tới khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Có thể kể đến các ứng dụng, như NCOVI (tờ khai y tế tự nguyện), Vietnam Health Declaration (khai báo y tế cho người nhập cảnh), Bluezone, hệ thống ghi nhận người đến - đi các địa điểm công cộng thông qua quét mã QR… Nhiều nền tảng công nghệ cũng đang liên tục được cập nhật triển khai để phù hợp với diễn biến dịch bệnh, điển hình là việc “số hóa” tiêm chủng. Đây là việc làm cần thiết để tạo điều kiện thông thương cho người đi từ vùng này sang vùng khác, tỉnh này sang tỉnh khác. Trong đó, tờ khai y tế điện tử là những dữ liệu đầu vào cơ bản để cơ quan y tế nắm được thông tin về sức khỏe người dân. Trong khi đó, bằng việc quét mã QR kết hợp khai báo y tế điện tử tại các điểm công cộng, khi một trường hợp được xác định là F0, cơ quan chức năng sẽ dựa trên lịch sử quét mã QR của người đó để lần ra các mốc dịch tễ. Đồng thời, cũng thông qua mã QR mà F0 đã quét, cơ quan chức năng nhanh chóng xác định được bao nhiêu đối tượng đã đến đó và tiến hành truy vết, lập danh sách các F1.
Tính đến 12 giờ trưa 14-9, thành phố Hà Nội đã lấy được 3.128.380 mẫu, phát hiện 19 ca dương tính. Cụ thể, số mẫu gộp xét nghiệm PCR là 2.311.514, có 1.114.197 mẫu âm tính và 14 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả. Trong số 816.866 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 47 mẫu dương tính, sau đó được lấy mẫu lại xét nghiệm PCR, kết quả có 5 ca dương tính. Về công tác tiêm vắc-xin, tính đến 12 giờ trưa 14-9, Hà Nội đã tiêm được 127.093 mũi vắc-xin phòng COVID-19. Cộng dồn qua 16 đợt tiêm chủng, toàn thành phố đã tiêm được 4.855.832 mũi tiêm (mũi 1: 4.450.581, mũi 2: 405.251), đạt tiến độ 82,6% trên tổng số vắc-xin được cấp. Ngày 15-9-2021, Sở Y tế Hà Nội có yêu cầu gửi tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã,… về triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến. Việc áp dụng hệ thống công nghệ trong phòng, chống dịch giúp tiết kiệm thời gian lấy mẫu và có dữ liệu chính xác hơn. Các thao tác thực hiện khi lấy mẫu cũng được giảm thiểu tối đa. Bên cạnh đó, dữ liệu ngay lập tức được đưa lên hệ thống, nên có thể thống kê nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng được nhu cầu cần thông tin liên tục để có những chiến lược dập dịch phù hợp. Theo ước tính, việc triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến giúp tiết kiệm được khoảng 50% so với thời gian thực hiện bằng phương pháp thủ công trước đây. Kết quả xét nghiệm sẽ được gửi về trên ứng dụng di động, người dân sẽ không phải quay lại để lấy kết quả giấy, tránh được việc tụ tập đông người.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm khai báo y tế trên trang website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn tại 23 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 các cửa ngõ chính ra - vào Thủ đô do lực lượng công an thành phố làm chốt trưởng và 44 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 của các huyện, thị xã giáp ranh với các tỉnh, địa phương khác do lực lượng công an quận, huyện, thị xã làm chốt trưởng. Khi điều kiện cho phép, các lực lượng chức năng chủ động triển khai đối với 789 tổ tuần tra, kiểm soát dịch của công an các quận, huyện, thị xã.
Từ ngày 22-7-2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã vận hành 2 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố (0889.556.655 và 0889.557.755) là hòm thư phản ánh nguy cơ COVID-19 tại địa chỉ https://antoancovid.vn/phananhHN và tài khoản Zalo “Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội”, chuyên mục “Phản ánh COVID”; thành lập bộ phận trực, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, với 16 cán bộ trực 24/24/7. Thông qua các kênh tiếp nhận thông tin này, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều sai phạm được kịp thời phát hiện, xử lý; nhiều băn khoăn, kiến nghị của người dân liên quan đến điều kiện ra đường, công tác tiêm vắc-xin của thành phố hay những hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ đã được cán bộ tiếp nhận và chuyển các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, giúp người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, giảm thiểu tối đa các nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm an toàn cho người dân.
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội và gây ảnh hưởng nhất định trong công tác quản lý, vận hành xã hội bằng phương thức truyền thống. Các cuộc họp, hội nghị trực tiếp đã không còn phù hợp trong điều kiện giãn cách xã hội. Việc ghi nhận thông tin và truyền tải cơ sở dữ liệu phục vụ điều tra, quản lý dịch tễ của người dân gặp khó khăn trước yêu cầu cần phải “đi trước một bước” trong công tác truy vết, phòng, chống dịch. Chính vì vậy, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai các ứng dụng công nghệ số vào công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, từ khi bùng phát đợt thứ tư, thành phố đã đẩy mạnh tiếp nhận, phân tích dữ liệu trên ứng dụng Bluezone và Tokhaiyte; triển khai nhiều giải pháp công nghệ trong quản lý, giám sát, truy vết, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 để xử lý, cách ly,… góp phần từng bước hạn chế lây lan, tiến tới khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.
Từ ngày 19-8-2021, Sở Thông tin và Truyền thông vận hành Tổng đài 1022, với 4 nhánh kết nối đến Trung tâm Cấp cứu 115; kết nối đến CDC; kết nối đến mạng lưới thầy thuốc đồng hành và kết nối đến Sở Thông tin và Truyền thông để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch COVID-19. Sở Thông tin và Truyền thông cũng ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng mạng xã hội, các trang thông tin điện tử cùng tham gia công tác truyền thông, lan tỏa những thông tin về Hà Nội. Trên ứng dụng Zalo đã phối hợp gửi các thông báo khẩn của CDC tới hơn 7.000.000 tài khoản người dùng Zalo trên địa bàn thành phố Hà Nội, tương ứng với trên 108 triệu lượt nhận bản tin và tin nhắn... Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với Công an thành phố Hà Nội kịp thời đấu tranh, ngặn chặn, bóc gỡ và xử lý hàng chục tin giả, thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp bóc gỡ 219 video clip có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên mạng xã hội Youtube. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính 68 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 671 triệu đồng.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng ban hành các chương trình, kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thành phố thông minh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thành phố; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số,... góp phần cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội. Theo đó, Hà Nội ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai ứng dụng dữ liệu này nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp các tiện ích thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; phục vụ hiệu quả công tác quản lý dân cư và kiểm soát dịch COVID-19, quản lý xã hội trong thời gian tiếp theo. Không chỉ nâng cao hiệu quả công tác quản lý xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát bệnh tật, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân, việc ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư còn góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thực hiện công tác hỗ trợ an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu, trong quá trình thực hiện cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn, khu vực trên cơ sở bám sát và tuân thủ 6 nguyên tắc: y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Thực hiện nghiêm túc các giải pháp quản lý công dân trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi kinh tế - xã hội” trên địa bàn thành phố. Trước mắt, triển khai thực hiện ngay thông qua ứng dụng Khai báo y tế, di chuyển nội địa của Bộ Công an (VNEID) hoặc truy cập trang web http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trên điện thoại thông minh, máy tính có kết nối với camera tại cổng ra/vào nhằm kiểm soát các thông tin dịch tễ của công dân (tiêm chủng, khai báo tình trạng sức khỏe, nguy cơ liên quan đến ca bệnh) tạo sự di chuyển an toàn, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị liên quan được giao cập nhật thông tin tiêm chủng cho tất cả công dân trên địa bàn thành phố đầy đủ, kịp thời vào hệ thống quản lý của Bộ Y tế và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Cùng với xét nghiệm chủ động và tiêm vắc-xin, ứng dụng công nghệ thông tin được Chính phủ xác định là một trong ba mũi tấn công nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19. Trong giai đoạn bình thường mới, vai trò của công nghệ thông tin càng trở nên quan trọng nhằm duy trì kết quả chống dịch để khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đó, trong thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng bằng cách cài đặt, sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ như một thói quen cần thiết./.
Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài ứng dụng công nghệ cao  (29/10/2021)
Hoạt động đối ngoại của Thủ đô Hà Nội thời kỳ hội nhập toàn cầu  (29/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay