Tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực
TCCS - Đến hết tháng 9 năm 2020, tình hình tai nạn giao thông ở nước ta đang xu hướng giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông cho người dân trên cả nước.
Quyết liệt ra quân bảo đảm an toàn giao thông
Trong năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng phải dàn trải tham gia phòng, chống dịch, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của “Năm an toàn giao thông 2020” với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”, nhất là ngay từ ngày đầu tiên của năm.
Lực lượng chức năng cả nước ra quân quyết liệt thực hiện Nghị định số 100 đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông từ thành thị, đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo, là động lực quan trọng kéo giảm tai nạn giao thông và thực sự đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào đời sống.
Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải phối hợp với ngành y tế và các ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương đã triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể vừa phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải; tiếp tục tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt theo kế hoạch. Do đó, tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Ngày 9-8-2020, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện số 1503/CĐ-TTg yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện diễn biến mới, phức tạp của dịch COVID-19. Trong đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để nâng cao ý thức người dân; không lái xe khi đã uống rượu, bia, sử dụng chất ma túy; không phóng nhanh, vượt ẩu; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện và các biện pháp hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy, tai nạn đò ngang, tai nạn đường sắt.
Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
Theo Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, tính đến tháng 9-2020 (tính từ ngày 15-12-2019 - 14-9-2020), toàn quốc xảy ra 10.354 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.876 người, bị thương 7.609 người. Đối chiếu với tình hình tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2019 cho thấy, tai nạn giao thông năm nay đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí; số vụ tai nạn giao thông giảm 2.321 vụ (giảm 18,31%), số người chết giảm 783 người (giảm 13,84%), số người bị thương giảm 2.010 người (giảm 20,9%).
Về tình hình tai nạn giao thông cụ thể trong từng lĩnh vực giao thông, trong 9 tháng năm 2020, đường bộ xảy ra 5.849 vụ, làm chết 4.770 người, bị thương 3.106 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 695 vụ, giảm 756 người chết, giảm 479 người bị thương.
Tương tự, trong 9 tháng năm 2020, đường sắt xảy ra 71 vụ, làm chết 57 người, bị thương 16 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 50 vụ, giảm 44 người chết, giảm 25 người bị thương.
Cùng thời điểm trên, đường thuỷ xảy ra 50 vụ, làm chết 40 người, làm bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm trước, tăng 7 vụ, tăng 21 người chết, giảm 2 người bị thương.
Riêng hàng hải xảy ra 10 vụ, làm chết 9 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ không thay đổi, giảm 4 người chết và mất tích, số người bị thương không thay đổi.
Tính riêng tháng 9-2020 (từ 15-8-2020 - 14-9-2020), cả nước xảy ra 1.184 vụ tai nạn giao thông, làm chết 534 người và làm bị thương 882 người. So với tháng cùng kỳ năm 2019 giảm 160 vụ, giảm 29 người chết, giảm 150 người bị thương.
Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải (xe tải, xe chở khách, xe container), làm chết và bị thương nhiều người. Điển hình là các vụ tai nạn giao thông tại: Đắk Nông ngày 13-6-2020 làm 5 người chết, 5 người bị thương; Kon Tum ngày 11-7-2020 làm 6 người chết, 35 người bị thương; Bình Thuận ngày 21-7-2020 làm 8 người chết, 7 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn giao thông ngày 26-7-2020 tại Quảng Bình làm 15 người chết, 22 người bị thương. Mới đây nhất là vụ tai nạn giao thông tại quận Long Biên, Hà Nội ngày 4-8-2020 làm 3 người chết và 1 người bị thương…
Tiếp tục xử lý “điểm đen” về tai nạn giao thông
Các địa phương tiếp tục xử lý các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường đèo dốc, nguy hiểm. Trước mắt, ưu tiên cải tạo ngay các “điểm đen” xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong các tháng vừa qua.
Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu bổ sung trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) điều kiện hành nghề đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải, bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong tổ chức, lao động, bảo đảm sức khỏe cho lái xe. Cần khảo sát các điểm đen, sửa chữa, lắp đặt ngay biển báo, hộ lan, gương lồi trên những đoạn, tuyến có điểm đen về tai nạn giao thông.
Bộ Công an duy trì hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm đối với xe tải, xe khách trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị phụ trách các tuyến đường đối với tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông của xe kinh doanh vận tải; báo cáo kết quả điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả giấy khám sức khỏe cho người học lái xe, làm giả giấy phép lái xe hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và khám sức khỏe cho người học lái xe.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông các tuyến đường bộ, đặc biệt là các tuyến quốc lộ qua địa phương, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông. Người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để các sai phạm về lấn chiếm hành lang an toàn giao thông dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.../.
Giao thông đô thị Việt Nam - những gam màu sáng - tối  (18/09/2020)
Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trong học đường  (30/12/2019)
An toàn giao thông không chỉ của riêng ai  (30/12/2019)
An toàn giao thông ở nông thôn: Thực trạng và giải pháp cần triển khai  (29/12/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp