Nhìn lại vai trò và ảnh hưởng quốc tế của Nhật Bản dưới thời Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe
TCCS - Ngày 16-9-2020, Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe chính thức từ chức, nhường lại ghế Thủ tướng Nhật Bản cho người kế nhiệm là ông Suga Yoshihide. Trong suốt 8 năm cầm quyền liên tục, kể từ khi trở lại nắm quyền năm 2012, với phương châm “chủ nghĩa hòa bình tích cực trên thế giới”, trang bị cho Nhật Bản một “chiến lược an ninh quốc gia” thực sự và một nền ngoại giao chủ động, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng mang tầm chiến lược để nâng tầm vị thế của Nhật Bản trong quan hệ quốc tế. Vai trò và ảnh hưởng của Nhật Bản trên trường quốc tế vì thế có nhiều bước phát triển đáng kể.
Định hình vai trò mới về chính trị, an ninh và kinh tế cho Nhật Bản
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, cán cân quyền lực có sự dịch chuyển và xu hướng đa cực, đa trung tâm định hình ngày càng rõ nét, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã và đang có những điều chỉnh chiến lược thích hợp nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị cũng như kinh tế của Nhật Bản. Điều này có tác động mạnh mẽ đến cục diện an ninh ở khu vực, thể hiện ở việc Nhật Bản ngày càng trở thành nhân tố tích cực trong việc bảo đảm cam kết của Mỹ; kiềm chế, cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc và thúc đẩy khả năng hoạt động của các thể chế khu vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). “Ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” là một trong những khẩu hiệu ngoại giao quan trọng mà Thủ tướng S. Abe đưa ra kể từ khi trở lại cầm quyền vào năm 2012. Tính đến cuối năm 2019, Thủ tướng S. Abe đã công du hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham dự hơn 180 hội nghị quốc tế, bao gồm cả những hội nghị do Nhật Bản chủ trì để thúc đẩy chiến lược này.
Có thể khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng S. Abe theo một số trọng tâm chính sau:
Thứ nhất, về mục tiêu, cũng giống như những thời kỳ trước, chính sách đối ngoại của Nhật Bản từ năm 2013 đến nay không nằm ngoài việc hướng đến bảo đảm và củng cố lợi ích quốc gia - dân tộc. Cùng với đó là mục tiêu bảo đảm an ninh, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và tiếp tục quá trình phấn đấu trở thành “một quốc gia bình thường”, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Thứ hai, về nguyên tắc, song song với việc bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, Nhật Bản xúc tiến thực hiện chính sách ngoại giao mang tính chiến lược với tên gọi “Nhìn toàn cảnh bản đồ thế giới”, hướng đến duy trì các giá trị toàn cầu, như tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và luật pháp.
Thứ ba, về phương châm, Chính phủ của Thủ tướng S. Abe đưa ra chính sách ngoại giao tích cực, chủ động và hiệu quả, hướng đến việc hoàn thành các nghĩa vụ quốc gia tương xứng với vị thế của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế. Cùng với việc bảo đảm an ninh quốc gia - dân tộc và duy trì hòa bình cũng như ổn định của khu vực, Nhật Bản cũng hướng đến việc bảo đảm an ninh, hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế.
Thứ tư, ba trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, gồm: củng cố liên minh Mỹ - Nhật Bản; tăng cường quan hệ với các quốc gia láng giềng, khu vực (Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Australia, các nước ASEAN…) và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.
Nhìn chung, các chuyên gia đều đánh giá chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng S. Abe là tích cực, chủ động không chỉ ở phạm vi khu vực và toàn cầu, mà còn trên cả bình diện song phương và đa phương.
Chiến lược và ảnh hưởng của Nhật Bản tại các khu vực
Tại châu Á, dưới thời Thủ tướng S. Abe, Nhật Bản được đánh giá là một quốc gia chủ chốt, nhất là khi Nhật Bản thực hiện một chiến lược ngoại giao lấy việc ủng hộ và tăng cường quan hệ với các nước trong ASEAN làm điều kiện chủ đạo cho việc thúc đẩy vai trò của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2013, Thủ tướng S. Abe đã hoàn tất các chuyến thăm đến tất cả 10 quốc gia ASEAN. Trong bài diễn văn phát biểu ở Thủ đô Jakarta (Indonesia, tháng 1-2013), ông S. Abe đã đưa ra 5 nguyên tắc hợp tác với ASEAN, bao gồm cả các khía cạnh từ an ninh - chính trị đến kinh tế, văn hóa, con người. Điểm nổi bật là, Chính quyền của Thủ tướng S. Abe hết sức chú trọng khía cạnh an ninh. Các hình thái hợp tác kinh tế và chính trị cũng được lồng ghép các nội dung về an ninh - quốc phòng. Dựa trên các chương trình tài trợ về kết cấu hạ tầng theo các tiêu chí, như tính minh bạch, sự bền vững về môi trường và xã hội, Nhật Bản tăng cường các mối quan hệ trong khu vực Đông Nam Á bằng cách duy trì đáng kể các hoạt động đầu tư công, đồng thời giúp tăng cường khả năng hàng hải của các quốc gia trong khu vực (nhất là Philippines, Việt Nam và Indonesia) thông qua đào tạo các lực lượng bảo vệ bờ biển và chuyển giao tàu tuần tra trên biển. Nhật Bản hiện được đánh giá là đối tác tin cậy và là nước tài trợ bảo đảm an ninh hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, Nhật Bản đang trở lại khu vực Đông Nam Á với một vai trò hoàn toàn khác, chủ động hơn, tích cực hơn và đang góp tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề an ninh khu vực, so với một Nhật Bản chỉ là cường quốc kinh tế trong những thập niên trước đây.
Tại châu Âu, Nhật Bản thể hiện là một đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống đa phương và thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chí tự do trong bối cảnh cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ ngày càng căng thẳng. Điều này thể hiện một phần qua các chính sách thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản trong những năm gần đây. Hiệp định Đối tác kinh tế EU - Nhật Bản (EPA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2019 là thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từng được EU thực hiện về quy mô thị trường, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu với khoảng 600 triệu dân. Hiệp định này giúp cắt giảm mạnh thuế quan giữa EU và Nhật Bản, mở đường cho sự lưu chuyển thương mại đơn giản hơn và nhanh hơn giữa thị trường lớn nhất và thị trường lớn thứ tư trên thế giới. Đặc biệt đối với Nhật Bản, thông qua việc hoàn tất ký kết EPA với EU, “chính sách Abenomics” với chủ trương sử dụng xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục được Chính phủ của Thủ tướng S. Abe thực thi một cách quyết liệt. Bên cạnh EPA, EU và Nhật Bản cũng đã thống nhất về Hiệp định Đối tác chiến lược EU - Nhật Bản (SPA). Cả hai hiệp định đều nhấn mạnh đến các nguyên tắc và giá trị chung, và thực sự báo hiệu một cam kết tiếp tục đối với nền dân chủ tự do, xu thế đa phương và trật tự kinh tế dựa trên luật lệ.
Tháng 10-2019, EU và Nhật Bản ký kết Hiệp định về kết cấu hạ tầng và kết nối, hợp tác trong các dự án giao thông, năng lượng, kỹ thuật số,… góp phần tăng cường quan hệ giữa hai bên, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa châu Âu và châu Á. Hiệp định hợp tác về kết cấu hạ tầng chất lượng và kết nối bền vững giữa EU và Nhật Bản khẳng định tầm quan trọng của cam kết tăng cường quan hệ đối tác giữa EU và Nhật Bản; đồng thời, khẳng định sự tham gia của Nhật Bản với dự án kết nối châu Âu và châu Á. Đây được xem là bước đi cụ thể đưa hai khu vực xích lại gần nhau hơn, thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung, từ duy trì trật tự đa phương dựa trên các quy tắc đến phát triển các tiêu chuẩn về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ... Thỏa thuận này cũng là một phần trong chiến lược “kết nối châu Á” được EU đưa ra vào năm 2018 để xây dựng một liên minh toàn cầu và tăng cường tầm ảnh hưởng trong bối cảnh Mỹ đang ngày một gia tăng chính sách bảo hộ thương mại và Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng trên thế giới. Nhật Bản cũng không ngừng tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quan trọng. Năm 2018, Nhật Bản và Pháp, Anh, Canada đã ký kết Thỏa thuận tiếp nhận và dịch vụ tương trợ (ACSA) trong lĩnh vực quốc phòng. Cũng trong năm 2018, Nhật Bản thành lập văn phòng đại diện tại trụ sở của NATO; lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập an ninh mạng quy mô lớn do NATO tổ chức với tên gọi “Cyber Coalition-2019”. Có thể thấy “ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” của chính quyền Thủ tướng S. Abe là một cách mới để Nhật Bản nâng cao năng lực quốc phòng tổng hợp đa chiều.
Tại châu Phi, kể từ khi trở lại nắm quyền (năm 2012), Thủ tướng S. Abe đã nỗ lực tăng cường vị thế toàn cầu của mình, trong đó châu Phi được coi là “miền đất hứa” mà nhà lãnh đạo Nhật Bản đặt khá nhiều kỳ vọng. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại khu vực châu Phi xoay quanh các dự án hỗ trợ phát triển. Dựa trên nền tảng sự dồi dào về vốn, ODA là một phương thức rất hiệu quả trong việc sử dụng “quyền lực mềm” để tăng cường ảnh hưởng ngoại giao và chính trị. Trong những năm gần đây, trong bối cảnh ngân sách viện trợ phát triển chính thức (ODA) giảm bớt, Nhật Bản đang chuyển dần từ chính sách ODA sang cách tiếp cận dựa trên đầu tư tư nhân. Điểm nhấn của hợp tác Nhật Bản - châu Phi là “Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi” (TICAD), ra đời từ năm 1993. TICAD nhắm đến ba mục tiêu: 1- Tạo điều kiện cho các nước châu Phi thảo luận về các chiến lược phát triển; 2- Tăng cường hợp tác Nam - Nam giữa các nước châu Phi với nhau và giữa các nước châu Á với các nước châu Phi; 3- Thảo luận về các vấn đề dịch bệnh, đói nghèo… Năm 2016, Hội nghị thượng đỉnh TICAD đầu tiên được tổ chức tại châu Phi, đánh dấu sự quan tâm mạnh mẽ của Nhật Bản đến việc tăng cường sự hiện diện ở châu lục này. Tại TICAD lần thứ 7 được tổ chức ở thành phố Yokohama (Nhật Bản, tháng 8-2019), với chủ đề “Thúc đẩy sự phát triển của châu Phi thông qua con người, công nghệ và đổi mới”, Thủ tướng S. Abe đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào châu Phi để hỗ trợ châu lục này phát triển. Đặt trọng tâm vào chất lượng thay vì số lượng là đặc điểm đặc trưng trong hỗ trợ kinh tế của Nhật Bản đối với châu Phi, trong đó có việc hỗ trợ các nước châu Phi phát triển nguồn nhân lực. Cách tiếp cận này hướng tới tạo ra sự khác biệt so với cách thức sử dụng “ngoại giao tiền tệ”, thông qua các khoản tín dụng khổng lồ mà Trung Quốc đang sử dụng để gia tăng ảnh hưởng tại châu lục này. Rõ ràng, châu Phi đóng vai trò đáng kể trong tầm nhìn ngoại giao vĩ mô của Nhật Bản, tuy nhiên nhiều công ty của Nhật Bản vẫn do dự trong việc đầu tư vào châu lục này bởi lo ngại về vấn đề an ninh cũng như môi trường đầu tư.
Tại Trung Đông, an ninh năng lượng của Nhật Bản phần lớn phụ thuộc vào khu vực này. Kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong những năm 70 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã triển khai chính sách “ngoại giao tài nguyên” đặc biệt, nhằm bảo đảm nguồn cung của mình, bất chấp những biến động chính trị trong khu vực. Các chuyến công du vào đầu năm 2020 của Thủ tướng S. Abe tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Oman, được coi là cơ hội giúp thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao tại khu vực nhiều tiềm năng này nhằm bảo đảm lợi ích chiến lược của Nhật Bản. Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy ngoại giao để xoa dịu căng thẳng và ổn định tình hình khu vực, những chuyến công du này còn mang theo tham vọng tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đối với sứ mệnh hàng hải mới mà Nhật Bản triển khai trong khu vực cũng như tìm kiếm sự hợp tác nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và an toàn hàng hải. Thực tế, Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ tư trên thế giới và quốc gia châu Á này phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ khu vực Trung Đông, với 90% sản lượng dầu mỏ nhập khẩu. Vì thế, bất cứ diễn biến xung đột nào xảy ra tại khu vực Trung Đông cũng sẽ dễ đẩy Nhật Bản rơi vào kịch bản “khủng hoảng năng lượng”. Điều đó càng khiến Thủ tướng S. Abe thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ với Iran nói riêng, tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông nói chung, tránh những diễn biến xấu đe dọa đến an ninh năng lượng của nước này. Nhật Bản đã có quan điểm tương đối độc lập so với lập trường của Mỹ để duy trì các mối quan hệ với Iran và các nước Arab, nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran. Nhật Bản được nhìn nhận có một vai trò trung lập hơn hẳn, không nằm trong vòng xoáy cạnh tranh chiến lược tại khu vực Trung Đông. Nếu vai trò trung gian hòa giải được phát huy, đó cũng chính là sức hút, một thứ “sức mạnh mềm” giúp hỗ trợ Nhật Bản tìm kiếm những cơ hội kinh tế tại vùng đất này. Tuy nhiên, đây là một bài toán không dễ, do đó, các chuyên gia cho rằng Chính phủ của Thủ tướng S. Abe cần hết sức thận trọng trong từng bước đi trong tương lai.
Thế giới hiện đang đứng trước những biến động khó lường. Đại dịch COVID-19 xảy ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc diễn biến căng thẳng, châu Âu bị chia rẽ bởi sự kiện Brexit, cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu bị phá vỡ, chủ nghĩa dân tộc có chiều hướng ngày càng căng thẳng. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng một làn sóng mới của xu thế dân tộc kinh tế, đồng thời cũng mang đến cơ hội hợp tác và phản ứng đa phương. Đối với Nhật Bản, trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng tân Thủ tướng S. Yoshihide sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách còn chưa hoàn thiện dưới thời cựu Thủ tướng S. Abe, đặt việc cân bằng lợi ích trong nước, phát huy chủ nghĩa đa phương và hợp tác toàn cầu trong thế giới hậu dịch bệnh COVID-19 là mục tiêu hàng đầu nhằm gia tăng và phát huy vai trò cũng như ảnh hưởng của cường quốc tầm trung này trong khu vực và trên thế giới./.