Tăng cường công tác đối ngoại, đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, góp phần bảo đảm ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta

Hoàng Nam
15:10, ngày 10-11-2020

TCCS - Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của mọi người dân, phát triển toàn diện mọi năng lực vốn có của mỗi cá nhân và nhóm xã hội, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người nói chung, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, quyền của các dân tộc nói riêng, trước hết là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, đồng thời cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư với các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 _Ảnh: TTXVN

Dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là những vấn đề toàn cầu, có vị trí ngày càng nổi bật trong các quan hệ song phương và đa phương, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Liên hợp quốc xác định: hòa bình, an ninh, nhân quyền, phát triển là các lĩnh vực hoạt động trụ cột; các tổ chức toàn khu vực ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và nhiều tổ chức đa phương luôn xem vấn đề nhân quyền nói chung, dân tộc, tôn giáo nói riêng là mối quan tâm chung, hướng ưu tiên trong các hoạt động hợp tác, cũng như trong xây dựng và hoàn thiện các thiết chế, thể chế và cơ chế thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện. Những vấn đề về dân tộc, tôn giáo được đưa vào các chương trình nghị sự của các diễn đàn đa phương, song phương và quốc tế, như Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),...  Các quốc gia khi tham gia các điều ước quốc tế đều phải có trách nhiệm giải trình về việc thực hiện quyền con người nói chung, trong đó có các vấn đề liên quan đến việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng,...

Tuy nhiên, bên cạnh việc phối hợp, hợp tác và trợ giúp kỹ thuật của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người, luôn tiềm ẩn và hiện hữu những âm mưu và ý đồ thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo nhằm can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia, vi phạm và chà đạp nghiêm trọng luật pháp và đạo lý quốc tế. Đồng thời, các thế lực thù địch thường sử dụng các vấn đề này để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với mục đích lật đổ chế độ chính trị, chính quyền hợp hiến, hợp pháp của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Âm mưu, ý đồ thâm độc của các thế lực thù địch là sử dụng chiêu bài “dân tộc”, “tôn giáo”, “nhân quyền”, “dân chủ” đối với nước ta nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng cách kích động chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, phủ nhận các giá trị đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về những vấn đề này... Cách thức mà các thế lực thù địch tác động vào đội ngũ lãnh đạo trung, cao cấp của hệ thống chính trị, tầng lớp trí thức, thanh niên, sinh viên, giới trẻ, bộ phận nông dân bị thu hồi đất, công nhân bị mất việc, hay một số phần tử bất mãn với chế độ, là thông qua hàng loạt chiêu bài, như “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “tam quyền phân lập”, “công đoàn độc lập”, “xã hội dân sự”, “quyền tự trị của các dân tộc thiểu số”, “tư nhân hóa quyền sở hữu đất đai”, các hoạt động truyền đạo, các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng trái với pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của nước ta.

Do vậy, vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền trong quan hệ quốc tế không chỉ đơn thuần là việc thực thi nghĩa vụ pháp lý quốc tế, mà còn là biểu hiện trực tiếp của cuộc đấu tranh về ý thức hệ, về quan điểm giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống, giữa các quốc gia và nền văn hóa. Chính vì đặc điểm cốt yếu này, cuộc đấu tranh bảo vệ các giá trị nền tảng của hệ tư tưởng, chế độ xã hội, thể chế chính trị... trong các vấn đề dân tộc, tôn giáo là đặc biệt cần thiết và quan trọng.

Hiện nay, chủ nghĩa dân tộc ly khai và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan đã và đang đe dọa trực tiếp tới sự ổn định chính trị và chế độ của nhiều nước, nhất là những quốc gia lựa chọn con đường phát triển theo lý tưởng cộng sản và xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Thực tiễn công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng và bảo vệ chế độ, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững, trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết cần nghiên cứu, triển khai mạnh mẽ các giải pháp chiến lược.

Chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao trong các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo

Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo, cần tích cực và chủ động trong đấu tranh ngoại giao, chủ động triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế mạnh mẽ, toàn diện hơn, phát huy tư cách là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam; đồng thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Bên cạnh những cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để tăng cường năng lực bảo đảm các quyền của người dân, còn nảy sinh những thách thức từ việc một số thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá ta, nhất là trong vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.

Với phương châm chủ động trong công tác đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực nhân quyền, Việt Nam đã ban hành Sách trắng về thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam, trong đó đề cập đến nhiều chính sách và quan điểm đúng đắn, thành tựu trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo ở nước ta. Đồng thời, tăng cường chủ động thông tin đối ngoại về vấn đề dân tộc, tôn giáo, thông qua các cơ chế đối thoại đa phương và song phương. Việc nghiên cứu về dân chủ, nhân quyền trong quan hệ quốc tế và rút ra bài học kinh nghiệm trong hoạt động ngoại giao trên các lĩnh vực này là vấn đề cấp thiết hiện nay nhằm góp phần nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong đấu tranh trên lĩnh vực đối ngoại. Cụ thể trong giai đoạn 2014 - 2020, Việt Nam đã ứng cử và đang tham gia nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (nhiệm kỳ 2016 - 2018) và Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020 - 2021). Bên cạnh công tác vận động ứng cử, việc nghiên cứu, chuẩn bị kỹ các nội dung, chủ đề được cộng đồng quốc tế quan tâm tại các diễn đàn quốc tế và khu vực đã được đặt ra, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng như cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ chế này để có thể tham gia đóng góp hiệu quả, có trách nhiệm vào công việc chung; đồng thời, bảo đảm các quan điểm, sự quan tâm của Việt Nam về vấn đề này.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đại diện của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) bằng hình thức trực tuyến, ngày 10-9-2020 _Ảnh: TTXVN

Chủ động và tích cực trong đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực nhân quyền nói chung, dân tộc, tôn giáo nói riêng là phương thức hiệu quả trong tình hình hiện nay, đặc biệt thông qua các kênh ngoại giao chính thức (ngoại giao nhà nước), ngoại giao Đảng (đối ngoại Đảng) và ngoại giao nhân dân. Đây là các kênh quan trọng trong việc đấu tranh nhằm bảo vệ và khẳng định các giá trị nền tảng của chế độ, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, tăng cường đối thoại chính sách và học thuật giữa chính giới, các nhà thực thi chính sách và pháp luật, các nhà khoa học trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, thông qua các kênh chính thức và không chính thức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy và tăng cường đấu tranh hiệu quả đối với các vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Đối thoại về dân tộc, tôn giáo tại các diễn đàn đa phương, song phương, khu vực và quốc tế hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, thường xuyên cung cấp thông tin, vừa vận động, vừa đấu tranh với các biện pháp nhằm vào từng đối tượng cụ thể để tranh thủ và phân hóa lực lượng; tích cực, chủ động tham gia sâu rộng các diễn đàn quốc tế và khu vực, các cơ chế quốc tế và khu vực về nhân quyền, qua đó thể hiện chính sách, quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống các âm mưu lợi dụng các diễn đàn đa phương để vu cáo Việt Nam; chủ động xây dựng các báo cáo quốc gia về việc thực hiện các nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên; thường xuyên cung cấp thông tin, trả lời đúng hạn các kháng thư của các cơ chế Liên hợp quốc; tích cực tham gia các hội nghị quốc tế lớn, các hội nghị khu vực về nhân quyền. Thông qua đó, mở rộng các kênh đối thoại (kênh học giả, đối ngoại nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội,...), tích cực tổ chức các hội thảo, hội nghị, hoạt động quốc tế về dân tộc, tôn giáo.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành 16 vòng đối thoại với Mỹ, 18 cuộc đối thoại với Liên minh châu Âu (EU), 8 cuộc đối thoại với Ô-xtrây-li-a, 9 cuộc đối thoại với Na Uy, Thụy Sĩ...; đồng thời, tham gia nhiều diễn đàn quốc tế liên quan đến dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc. Ngoài việc tham gia các cuộc đối thoại chung, Việt Nam cũng đã tiến hành và tổ chức các cuộc đối thoại song phương định kỳ với các nước và khu vực, bao gồm Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Na Uy, Liên minh châu Âu (EU),... đặc biệt là tăng cường đối thoại với Mỹ và EU để đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo”(CPC). Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm (từ năm 2015 đến nay) Việt Nam đã tiến hành 6 cuộc đối thoại về nhân quyền với Mỹ, 5 cuộc đối thoại với EU, 3 cuộc với Na Uy, 4 cuộc với Thụy Sỹ.

Chủ động lồng ghép các biện pháp và nội dung vận động đấu tranh về dân tộc, tôn giáo trong công tác đối ngoại, đặc biệt là trong các hoạt động ngoại giao quy mô lớn và trong lộ trình thúc đẩy quan hệ ổn định, lâu dài với Mỹ và phương Tây; tăng cường thông tin, tuyên truyền đối ngoại đề cao chính sách, luật pháp và thành tựu của Việt Nam, vừa kiên quyết đấu tranh, vừa bày tỏ thiện chí đối thoại và hợp tác về dân tộc, tôn giáo với các nước này trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của mỗi nước; chủ động hơn đối với việc đưa nội dung dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo vào nội dung làm việc của lãnh đạo cấp cao của nước ta khi đi thăm các nước hoặc trong dịp đón lãnh đạo các nước thăm Việt Nam, qua đó quảng bá về các thành tựu bảo đảm quyền con người và chủ động đấu tranh trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo.

Cùng với đó là việc chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh chung về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo tại các cơ chế và diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, nhằm góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam; cùng các nước tích cực đấu tranh bảo vệ và phát huy các nguyên tắc, nội dung tiến bộ về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Đồng thời, tích cực sử dụng các cơ chế vận động (vận động hành lang) để tác động đến chính giới; vận động hình thành và thúc đẩy các nhóm nghị sĩ, chính khách ủng hộ Việt Nam. Trong đấu tranh, cần có các biện pháp tác động đến cả ba nhóm đối tượng ở Mỹ và các nước phương Tây: 1- Chính quyền; 2- Quốc hội ; 3- Các tổ chức xã hội, tôn giáo và tổ chức phi chính phủ nói chung.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; kiện toàn tổ chức, bộ máy chuyên trách về đấu tranh trong lĩnh vực nhân quyền, dân tộc, tôn giáo

Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sâu sát của các cấp chính quyền đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa tiên quyết đối với việc bảo đảm, thực hiện và đấu tranh hiệu quả trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo trong bối cảnh hiện nay. Năng lực, trình độ, phẩm chất và kỹ năng lãnh đạo nói chung của các cấp ủy đóng vai trò quyết định trong việc chỉ đạo hiệu quả công tác đấu tranh trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Vì vậy, cần không ngừng bồi dưỡng, nâng cao lập trường chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Người lãnh đạo trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo cần có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực này. Do đó, các cấp, các ngành cần xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cho việc tham mưu, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, cần xem năng lực lãnh đạo và đánh giá công tác cán bộ dựa trên mức độ quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, về bảo đảm ổn định chính trị - xã hội nói chung, bảo đảm vấn đề dân tộc, tôn giáo nói riêng. Các cấp ủy cần tăng cường nghiên cứu lý luận chính trị và tổng kết thực tiễn triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và hoạch định chủ trương, chính sách đối với tôn giáo, dân tộc trong tình hình mới; nêu cao và phát huy tinh thần tự giác đấu tranh của chức sắc, tín đồ các tôn giáo nhằm làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và làm mất ổn định chính trị.

Tăng cường xây dựng năng lực của bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, dân tộc ở địa phương, đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu của nhiệm vụ công tác tôn giáo, dân tộc trong tình hình mới. Trong bối cảnh hiện nay, công tác đối ngoại và đấu tranh trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo hiệu quả trước hết tùy thuộc vào năng lực tham mưu, hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện của đội ngũ tham vấn, chỉ đạo, quản lý và thực thi các chính sách và pháp luật liên quan. Tuy nhiên, nhận thức, hiểu biết về quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, cũng như pháp luật quốc tế về dân tộc, tôn giáo của một bộ phận đội ngũ hoạch định, thực thi, giám sát thực hiện chính sách còn yếu, chưa sâu, chưa toàn diện. Thực tiễn công tác đấu tranh ngoại giao thời gian qua cho thấy những bất cập và khoảng cách khá lớn giữa việc bảo đảm, thực hiện chính sách về dân tộc, tôn giáo, với những chủ trương, quan điểm đúng đắn của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước do sự hạn chế về năng lực tổ chức thực hiện và thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và tham mưu chính sách, pháp luật nói riêng. Vì vậy, cần tăng cường xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo và cán bộ tham mưu, tổ chức thực hiện các chính sách về dân tộc, tôn giáo; đặc biệt, cần lựa chọn các cán bộ làm công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết ngôn ngữ, văn hóa, tập quán và truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về tôn giáo, dân tộc có hiểu biết về chính sách, pháp luật, có lý luận và phẩm chất chính trị vững vàng, biết thông thạo ít nhất một ngoại ngữ (ở cấp các bộ, ban, ngành Trung ương phụ trách về hợp tác quốc tế liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo,...).

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội thăm và trò chuyện với giáo viên, học sinh Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) _Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, tăng cường việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và các cấp, vững về bản lĩnh chính trị, sâu sắc và kinh nghiệm về tri thức và chuyên môn, kỹ năng đấu tranh, đặc biệt là cán bộ chuyên trách về ngoại giao đa phương và về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, để có thể tiếp cận và đấu tranh hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế song phương và đa phương. Nâng cao nhận thức luật pháp quốc tế về quyền con người cho đội ngũ tham mưu chính sách và thực thi chính sách đối ngoại; tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin và tham vấn, kết hợp giữa các đơn vị, bộ, ngành liên quan trong công tác đấu tranh về vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Cùng với việc xây dựng năng lực thì vấn đề hoàn thiện, tăng cường tính hiệu quả và hiệu lực của thiết chế, bộ máy và cơ chế phối hợp trong công tác đấu tranh cũng được đặt ra cấp thiết. Cần rà soát, sắp xếp lại tổ chức, cơ cấu và bộ máy của các thiết chế quản lý tôn giáo và quản lý dân tộc, ở cả cấp Trung ương và địa phương. Tăng cường về năng lực, sửa đổi, bổ sung các chức năng, thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ... Đặc biệt, ở cấp chính quyền địa phương, phát huy hơn nữa vai trò, sức mạnh của ban dân tộc và ban tôn giáo từ cấp tỉnh đến cấp huyện; đồng thời, cần được sắp xếp lại tinh gọn, hiệu quả và phù hợp. Tăng cường vai trò đầu mối, thường trực và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhân quyền thuộc Chính phủ và Ban Tôn giáo Chính phủ đối với việc ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia về vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định, thông lệ quốc tế về dân tộc, tôn giáo. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tầm quan trọng của công tác tôn giáo trong tình hình mới, vì vậy, trong giải quyết các vấn đề liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo thường rơi vào tả khuynh hoặc hữu khuynh. Nòng cốt của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, nhưng phương pháp, cách thức và nội dung vận động quần chúng của các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị còn thiếu cụ thể, cứng nhắc, xa dân, chậm được đổi mới nên chưa thu hút được đông đảo tín đồ tôn giáo. Bộ máy làm công tác tôn giáo chưa thực sự được đầu tư đúng mức, chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp nên giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị còn hiện tượng chồng chéo, “lấn sân” hoặc bỏ trống khi giải quyết vấn đề tôn giáo. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là ở cấp cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới.

Công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền cần được đa dạng hóa với các hình thức và sâu rộng ở nhiều cấp độ, bao gồm: thông qua giáo dục chính thức (nhà trường) và giáo dục không chính thức (truyền thông, mạng xã hội,...), tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn,...; đồng thời, tăng cường xã hội hóa các ấn phẩm tuyên truyền về thành tựu bảo đảm trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, giới thiệu các ấn phẩm này ra nước ngoài, tăng cường hội thảo, hội nghị quốc tế ở các cấp nhằm vận động, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc cho chính giới và các nhà khoa học quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức giáo dục và tuyên truyền, nhất là tuyên truyền, đấu tranh qua hệ thống mạng xã hội.

Tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin trong nước và khu vực trong việc bảo đảm, thực hiện và đấu tranh trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo

Một là, tăng cường các cơ chế phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các chương trình hành động và chiến lược đấu tranh có hiệu quả đối với những luận điệu sai trái, xuyên tạc Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.

Xây dựng hệ thống quản trị và chia sẻ thông tin cập nhật, kịp thời giữa các bộ, ban, ngành, Trung ương và địa phương, nhằm tăng cường tính hiệu quả và hiệu lực của những hành động ứng phó và đấu tranh trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, lợi dụng quyền tự do, dân chủ gây mất đoàn kết dân tộc, tôn giáo ở nước ta hiện nay. Thường xuyên làm tốt công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước, kiện toàn bộ máy phối hợp đấu tranh trên các vấn đề dân chủ, quyền con người, dân tộc, tôn giáo; chủ động kiến nghị các biện pháp đấu tranh cụ thể trên mặt trận đối ngoại, phù hợp với tình hình mới; kiến nghị hướng xử lý giải tỏa thông tin kịp thời khi xảy ra một số vụ, việc mà một số nước phương Tây quan tâm, nhất là các vụ, việc liên quan đến yếu tố dân tộc, tôn giáo. Xây dựng và quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu đồng bộ, hệ thống và toàn diện, trên cơ sở chia sẻ và sử dụng chung của các bộ, ban, ngành và địa phương phục vụ hiệu quả cho công tác tham mưu, hoạch định, thực thi và giám sát chính sách về dân tộc, tôn giáo, cũng như đấu tranh trên lĩnh vực này trong tình hình hiện nay. Cơ sở dữ liệu được lưu trữ hiện đại, dễ truy cập và thường xuyên cập nhật sẽ góp phần hiệu quả vào việc bảo đảm và tăng cường đấu tranh trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam.

Tình quân dân _Ảnh: Hà Quốc Thái

Hai là, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ tri thức, kinh nghiệm về dân tộc, tôn giáo. Nghĩa vụ hợp tác quốc tế nhằm thực thi đầy đủ, thiện chí của các quốc gia thành viên đối với các điều ước quốc tế về quyền con người đòi hỏi mỗi quốc gia đẩy mạnh và tăng cường hợp tác trong tiến hành giáo dục, phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật quốc tế và cam kết quốc tế về vấn đề quyền con người nói chung và vấn đề dân tộc, tôn giáo nói riêng. Thông qua hợp tác quốc tế, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam sẽ được thẩm thấu, là nhân tố đề kháng và phản kháng đối với những quan điểm lệch lạc, phiến diện nhằm vu cáo, xuyên tạc về tình hình dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Hợp tác quốc tế giữa các quốc gia với quốc gia, giữa các tổ chức quốc tế, đa phương và song phương với quốc gia, giữa các quốc gia với các tổ chức quốc tế,... sẽ góp phần quan trọng vào việc thiết lập các kênh ngoại giao hữu hiệu và đấu tranh hiệu quả về vấn đề dân tộc, tôn giáo trên trường quốc tế.

Tăng cường hợp tác trên nhiều phương diện liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo với các nước nhằm tạo thế đan xen về lợi ích, mở rộng các mối quan hệ với chính giới, doanh nghiệp, học giả phương Tây, làm cho họ hiểu rõ chính sách của ta và các lợi ích của họ trong quan hệ hợp tác với Việt Nam, nhằm giảm sức ép, kiềm chế thái độ tiêu cực của chính quyền các nước này, góp phần phân hóa họ thành các nhóm đối tượng khác nhau để vừa tranh thủ, vừa đấu tranh, hạn chế sự tập hợp lực lượng của họ trong việc gây sức ép đối với Việt Nam.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu, tham vấn chính sách cho Chính phủ và các cơ quan Trung ương; xây dựng và công bố định kỳ báo cáo quốc gia về vấn đề nhân quyền, tình hình thực hiện, bảo đảm vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham vấn chính sách để phục vụ công cuộc đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo và nhân quyền, góp phần hiệu quả vào công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Do vậy, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, nhất là Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và Ban Tôn giáo Chính phủ là việc làm quan trọng. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan để xem xét việc tổng kết và xuất bản định kỳ hằng năm báo cáo quốc gia (hay còn gọi là “Sách trắng”) về vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Đây là việc làm cần thiết bởi hằng năm, Mỹ và một số quốc gia phương Tây thường đưa ra báo cáo về tình hình tôn giáo và việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các nước, trong đó có Việt Nam, với những thông tin sai lệch và xuyên tạc về tình hình thực tiễn và những thành tựu, tiến bộ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Với việc đưa ra báo cáo hằng năm về tình hình tôn giáo ở Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta.

Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, những thuận lợi và thách thức to lớn đang đặt ra đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có vấn đề đấu tranh chống những luận điệu vu cáo, xuyên tạc về quan điểm, lập trường, tư tưởng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những vấn đề dân tộc, tôn giáo nếu không được xử lý triệt để và hiệu quả sẽ trở thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc tăng cường các giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, cấp thiết đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định và sự phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta hiện nay./.