Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam: Nhận thức và định hướng chính sách (kỳ 1)
14:37, ngày 20-10-2020
KỲ 1: VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO TRONG NỀN KINH TẾ
TCCS - Công nghiệp chế biến, chế tạo đã chứng minh được tầm quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, từ sự trỗi dậy của Anh trong thế kỷ XIX, đến sự trỗi dậy của Mỹ, Đức, Nhật Bản vào giữa thế kỷ XX, hay các nước công nghiệp mới vào nửa cuối thế kỷ XX và gần đây là Trung Quốc. Sự thành công của các quốc gia này trong quá trình công nghiệp hóa, trở thành nước có thu nhập cao là bằng chứng cho thấy công nghiệp chế biến, chế tạo là con đường phát triển, là chìa khóa để tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.
Đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP và tạo việc làm
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia được cấu thành từ các hoạt động kinh tế khác nhau, thường được chia thành 3 khu vực kinh tế chính là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng là hai khu vực tạo ra của cải, vật chất hữu hình và khu vực dịch vụ tạo ra các sản phẩm vô hình. Các sản phẩm vô hình và hữu hình có mối liên hệ mật thiết với nhau theo chuỗi giá trị và tất cả đều mang lại giá trị cho nền kinh tế. Chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động mà một sản phẩm phải đi qua tuần tự các hoạt động đó để chuyển hóa từ một ý tưởng thành một sản phẩm cụ thể và tại mỗi hoạt động sản phẩm đó đi qua, giá trị của sản phẩm được tăng thêm.
Chuỗi giá trị thường bắt đầu từ hoạt động nghiên cứu phát triển, đến thiết kế sản phẩm, sản xuất, ma-két-ting, phân phối và dịch vụ sau bán hàng. Hoạt động sản xuất ở giữa, đóng vai trò kết nối các hoạt động ở hai đầu của chuỗi - chủ yếu là các hoạt động của khu vực dịch vụ. Hoạt động sản xuất mặc dù là khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi, nhưng không thể thiếu, bởi nếu thiếu công đoạn sản xuất sẽ không tạo nên được một chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Ngày nay, nhờ hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa, chuỗi giá trị vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ của một nước để trở thành chuỗi giá trị toàn cầu. Các công đoạn sản xuất thâm dụng lao động, mang lại giá trị gia tăng thấp được dịch chuyển sang các nước đang phát triển để tận dụng lợi thế về chi phí nhân công và lợi thế so sánh của các nước này. Mặc dù được dịch chuyển ra nước ngoài, nhưng hoạt động sản xuất của các chuỗi này vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào những doanh nghiệp đầu chuỗi, chủ sở hữu của các sản phẩm dịch vụ tạo ra từ các hoạt động nghiên cứu phát triển, hệ thống phân phối, thương hiệu sản phẩm... đặt tại các nước công nghiệp phát triển.
Hoạt động sản xuất cung cấp một nền tảng quan trọng cho việc học hỏi và phát triển kỹ năng, đổi mới sáng tạo, gắn liền với hoạt động nghiên cứu phát triển. Các nước công nghiệp phát triển cũng chính là nơi sản sinh ra những ý tưởng và phát minh, sáng chế mới, những ngành công nghiệp quan trọng đối với tương lai kinh tế của đất nước, bao gồm các vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ na-no và các thiết bị cơ khí chính xác. Sự ra đời của các công nghệ mang tính đột phá cũng đều xuất phát từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT), là nền tảng của các cuộc cách mạng công nghiệp. Thế giới ngày nay đã trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp, mỗi cuộc cách mạng đều được khởi xướng từ sự thay đổi có tính đột phá về công nghệ sản xuất. Nếu như các phát minh, sáng chế liên quan đến cơ khí, chế tạo là nền tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai thì những phát minh, sáng chế về điện tử, cơ điện tử là nền tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, thứ tư gần đây. Các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp đầu chuỗi trong các ngành công nghiệp CBCT là những người đi đầu trong việc tạo ra các công nghệ này và các tập đoàn này đa phần thuộc về các nước có ngành công nghiệp phát triển.
Khu vực công nghiệp bao gồm 4 ngành chính là khai khoáng, công nghiệp CBCT, sản xuất phân phối điện - khí, và cấp thoát nước, trong đó công nghiệp CBCT đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp. Ở các nước công nghiệp, dù là nước đã phát triển từ lâu hay mới nổi, trong suốt 20 năm qua, công nghiệp CBCT vẫn luôn đóng góp khoảng 20% trong GDP. Năm 2019, khu vực sản xuất CBCT của Trung Quốc chiếm 27,1% GDP; Hàn Quốc: 25,3%; Thái Lan: 25,3%; Ma-lai-xi-a: 21,5%; Nhật Bản: 20,7%; Xin-ga-po: 19,8% và Đức: 19,4%, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 16,5%. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, công nghiệp CBCT của các nước phát triển đã được dịch chuyển ra nước ngoài nhờ toàn cầu hóa và phân công lao động quốc tế thông qua dòng vốn đầu tư nước ngoài, do vậy trên thực tế, năng lực công nghiệp CBCT các quốc gia này có thể còn lớn hơn nhiều.
Xét về mức độ đóng góp vào GDP của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ năm 2010 đến nay cho thấy, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển đổi tích cực theo hướng công nghiệp hóa, với sự giảm dần của nông nghiệp và tăng dần của công nghiệp và dịch vụ. Bốn ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế gồm CBCT, nông nghiệp, bán buôn, bán lẻ, và khoáng sản. Các ngành còn lại đều có mức đóng góp dưới 5%. Như vậy có thể thấy, công nghiệp CBCT đã đóng vai trò động lực cho phát triển của nền kinh tế trong thời gian vừa qua (Xem hình 1).
Công nghiệp CBCT cũng là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định. Hầu hết các công việc trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào sản xuất. Trước đây, nhờ phục hồi các ngành công nghiệp CBCT mà nước Mỹ trong những năm 1920, 1930 có thể cung cấp hàng chục triệu việc làm mới, vượt qua cuộc đại suy thoái và nhanh chóng trở thành cường quốc thế giới. Năm 2019, tại Trung Quốc, 28,2% việc làm được tạo ra từ ngành công nghiệp CBCT; tại Đức là 26,8%; Nhật Bản: 24,3%; Hàn Quốc: 24,8%; Ma-lai-xi-a: 27,2%; Thái Lan: 23,4%; Việt Nam: 25,8%. Gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của các ngành sản xuất, CBCT trong tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, Chính phủ Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để đưa hoạt động sản xuất quay trở lại đất nước.
Xét về góc độ tạo việc làm của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ năm 2010 đến nay cho thấy, thay đổi về cơ cấu kinh tế đã dẫn đến những thay đổi về cơ cấu lao động, với sự giảm sút đáng kể của lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, từ 49,5% (năm 2010) xuống còn 37,7% (năm 2018) và sự gia tăng của lao động làm việc trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Ngành công nghiệp CBCT đã cho thấy vai trò chủ đạo của mình trong việc hấp thụ lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp, với tỷ trọng lao động tăng từ 13,5% lên 17,9%; tiếp theo là ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ với tỷ trọng lao động tăng từ 11,3% lên 13,5% trong cùng giai đoạn. Các ngành còn lại đều có tỷ trọng lao động chưa đến 10%. Như vậy, hơn 60% lao động cả nước đang làm việc ở 3 ngành kinh tế chính là nông nghiệp, công nghiệp CBCT và dịch vụ bán buôn, bán lẻ. Với xu hướng giảm dần lao động trong ngành nông nghiệp, trong giai đoạn tới, ngành công nghiệp CBCT và dịch vụ bán buôn, bán lẻ sẽ phải tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội (Xem hình 2).
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với dân số ở độ tuổi lao động chiếm trên 50% tổng dân số, đây vừa là nguồn lực cho phát triển, vừa là áp lực tạo việc làm đối với nền kinh tế. Công nghiệp CBCT là ngành tạo việc làm chủ yếu cho nền kinh tế, nhưng trong nội bộ ngành CBCT, vai trò của mỗi ngành cấp 2 cũng khác nhau. May mặc, da giày và chế biến thực phẩm vẫn là các ngành tạo việc làm chính cho nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng về lao động bình quân giai đoạn 2014 - 2017 đạt 6%. Điện tử thời gian gần đây nổi lên như một ngành thâm dụng lao động, tạo việc làm chủ yếu, với tốc độ tăng trưởng việc làm trong cùng giai đoạn đạt 21%. Các ngành khác, như cao-su - nhựa, cơ khí, ô-tô cũng có xu hướng tăng nhu cầu lao động, phù hợp với sự dịch chuyển cơ cấu công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8% (Xem hình 3).
Để tận dụng cơ hội trong thời kỳ dân số vàng một cách hiệu quả, ngoài việc tạo ra nhiều việc làm đáp ứng nhu cầu của người lao động, cũng cần chú ý đến chất lượng việc làm, tức là những việc làm tạo ra năng suất và thu nhập cao, bởi đây mới là yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước từ nước thu nhập trung bình lên nước thu nhập cao. Nếu chỉ tập trung vào tăng trưởng về lượng, phát triển các ngành thâm dụng lao động để giải quyết việc làm mà không chú trọng đến chất lượng việc làm, chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành công nghiệp CBCT từ các ngành thâm dụng lao động, năng suất thấp sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, có năng suất cao hơn, thì khi hết thời kỳ dân số vàng, nguồn lao động trở nên khan hiếm, dân số già hóa, đất nước phải đối mặt với nguy cơ “chưa giàu đã già” và mắc bẫy thu nhập trung bình.
Như vậy, mục tiêu tạo việc làm nếu chỉ dựa vào cơ cấu việc làm trong ngành CBCT thì sẽ không thực sự hiệu quả, bởi vì các ngành thâm dụng lao động, như dệt may và giày dép tạo ra nhiều việc làm nhất nhưng lại có năng suất lao động thấp nhất. Điều này phản ánh đúng thực trạng của ngành dệt may, da giày Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài. Các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao đều do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ, doanh nghiệp trong nước chỉ làm gia công cho các sản phẩm thương hiệu nước ngoài, thực hiện công đoạn sản xuất tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Một số ngành công nghiệp mới nổi, như điện tử, hóa chất, máy móc, thiết bị, ô-tô tăng quy mô về lao động nhưng vẫn giữ được tăng trưởng năng suất ổn định, cho thấy ngành CBCT Việt Nam đang có sự thay đổi cơ cấu theo chiều hướng tốt hơn, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới (Xem hình 4).
Công nghiệp chế biến, chế tạo và mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại
Với đà tăng trưởng của ngành công nghiệp CBCT như hiện nay, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ có thể gia nhập nhóm các nước công nghiệp mới nổi theo tiêu chí phân loại của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). UNIDO coi giá trị gia tăng của ngành CBCT (MVA) bình quân đầu người là một chỉ số chính, phản ánh trình độ phát triển của sản xuất công nghiệp trong mối quan hệ với quy mô dân số của một quốc gia. Khái niệm này đã được sử dụng thống nhất liên tục trong chuỗi Báo cáo Phát triển công nghiệp xuất bản hằng năm của UNIDO. Đúc kết từ quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, UNIDO chỉ ra rằng, tỷ lệ MVA trong GDP sẽ không tăng lên nữa khi đạt đến một ngưỡng nhất định - là khi quốc gia đó đã đạt tới công nghiệp hóa ở mức cao nhất. GDP bình quân đầu người lúc này được ước tính khoảng 13.000 USD (sức mua tương đương - PPP, 2010) và MVA duy trì ở tỷ lệ khoảng 20%. Trong thống kê của UNIDO, một nền kinh tế được coi là đã công nghiệp hóa nếu MVA bình quân đầu người sau điều chỉnh vượt mức 2.500 USD (PPP, 2010).
Một quốc gia được xếp hạng là “nền kinh tế công nghiệp mới nổi” nếu quốc gia đó đã có những thành tựu đáng kể về công nghiệp hóa và có MVA bình quân đầu người sau điều chỉnh nằm trong khoảng từ 1.000 USD đến 2.500 USD, hoặc GDP bình quân đầu người từ khoảng 10.000 USD đến 20.000 USD. Một tiêu chí nữa đã được đưa vào định nghĩa để bổ sung vào danh sách một số nền kinh tế đóng góp lớn cho sản xuất công nghiệp toàn cầu. Về tuyệt đối, các quốc gia này có đầy đủ các tiêu chí trên của một nền kinh tế công nghiệp mới nổi, nhưng về tương đối, do quy mô dân số lớn nên chưa đạt được mức MVA bình quân đầu người như các quốc gia khác. Vì vậy, danh sách này có bao gồm cả các công xưởng lớn của thế giới (đóng góp 0,5% hoặc nhiều hơn MVA toàn cầu), như Ấn Độ và Trung Quốc. Bảng phân loại quốc gia dựa trên trình độ công nghiệp hóa bao gồm 4 nhóm chính, với các ngưỡng thống kê và tiêu chí cụ thể như sau (xem Bảng 1):
Hiện nay, Việt Nam đang được xếp vào nhóm các nền kinh tế đang phát triển, với MVA bình quân đầu người sau điều chỉnh sắp đạt đến ngưỡng 1.000 USD. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng MVA cao, trên 8% như thời gian vừa qua, dự kiến trong vòng từ 5 đến 7 năm tới, Việt Nam sẽ đạt tiêu chí để gia nhập nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi theo tiêu chí phân loại của UNIDO.
Mối tương quan giữa công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ - định hướng chính sách trong thời gian tới
Gần đây, khi quan sát thấy ngành công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại so với dịch vụ và mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp khó có thể đạt được, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, với sự sẵn có của các công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành công nghiệp CBCT sẽ không còn vai trò quan trọng trong nền kinh tế như trước đây, thay vào đó, dịch vụ sẽ là động lực cho phát triển kinh tế, giúp đưa các nước thu nhập trung bình thành nước thu nhập cao và rằng con đường phát triển dựa vào công nghiệp hóa không còn phù hợp trong bối cảnh công nghệ và dịch vụ hóa công nghiệp đang ngày càng phát triển như hiện nay. Nhận định này có thể dựa vào thực tế diễn ra tại các nước phát triển khi đóng góp của ngành công nghiệp CBCT đang ngày càng giảm và đóng góp của dịch vụ ngày càng tăng và ở Việt Nam, mặc dù công nghiệp CBCT vẫn đang tăng trưởng, nhưng dịch vụ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn và có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận định này mới chỉ dựa vào con số thể hiện bề ngoài của ngành dịch vụ, mà không nhìn vào cấu trúc của toàn chuỗi giá trị, bởi thực tế, ngành dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào quy mô và trình độ phát triển của các ngành sản xuất, nếu không có ngành sản xuất thì dịch vụ cũng không có cơ hội phát triển.
Khu vực dịch vụ bao gồm 15 ngành khác nhau, được phân thành 4 nhóm chính: 1- Dịch vụ phân phối (bao gồm các ngành, như bán buôn, bán lẻ, vận tải, kho bãi); 2- Dịch vụ cho các nhà sản xuất (gồm các ngành, như truyền thông, tài chính, bảo hiểm, cho thuê thiết bị, quảng cáo); 3- Dịch vụ xã hội (gồm các ngành hành chính công, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, y tế); 4- Dịch vụ cá nhân (gồm các ngành khách sạn, nhà hàng, giải trí, văn hóa). Trong các ngành dịch vụ ở hầu hết các nước, phát triển hay đang phát triển, nhóm dịch vụ phân phối thường chiếm tỷ trọng lớn nhất (đóng góp khoảng 15% - 20% GDP), nhưng bán lẻ, bán buôn lại chính là hoạt động mua và bán hàng hóa do các ngành công nghiệp CBCT sản xuất ra, và lô-gi-stíc, vận tải, kho bãi cũng không thể phát triển nếu không có hoạt động trao đổi hàng hóa tạo ra bởi các ngành sản xuất này. Điều tương tự cũng xảy ra với bất động sản, cũng là ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn (đóng góp khoảng 10% GDP), hoạt động mua và bán bất động sản, như căn hộ hay tòa nhà, cũng là sản phẩm được tạo nên từ các mặt hàng của ngành sản xuất (xi-măng, sắt, thép, đồ nội thất). Mặc dù thương mại, dịch vụ đang ngày một phát triển, nhưng theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), 80% thương mại thế giới giữa các khu vực hiện nay vẫn chủ yếu là thương mại hàng hóa, nghĩa là chỉ có 20% thương mại toàn cầu là về dịch vụ. Như vậy, dịch vụ phân phối cũng không thể phát triển nếu không có thương mại hàng hóa. Điều đáng lưu ý là, lô-gi-stíc, vận tải, kho bãi vừa là ngành dịch vụ đóng góp vào GDP, vừa là một cấu phần trong chi phí đầu vào của ngành CBCT và thương mại hàng hóa. Nếu những ngành này hoạt động kém hiệu quả, sẽ làm tăng chi phí và giảm năng suất của các ngành CBCT. Ngay cả y tế hay du lịch đều là hoạt động sử dụng và tiêu dùng các sản phẩm của ngành sản xuất CBCT, như thiết bị y tế, thuốc, dược phẩm trong y tế, và các sản phẩm tiêu dùng trong khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch. Tài chính, một ngành dịch vụ mà nhiều người cho rằng không liên quan đến sản xuất, bởi hoạt động của ngành này là luân chuyển các nguồn lực dư thừa của khu vực phi tài chính trong nền kinh tế, nhưng khu vực phi tài chính lại chính là khu vực sản xuất, điều đó có nghĩa là tài chính, một cách gián tiếp, cũng phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất để phát triển. Đối tượng để phục vụ của các ngành dịch vụ chuyên môn (như tư vấn, nghiên cứu phát triển, giáo dục - đào tạo...) phần lớn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, ngành công nghiệp CBCT càng phát triển, nhu cầu về trình độ lao động, về nghiên cứu càng lớn và ngược lại.
Tóm lại, sức khỏe của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của khu vực sản xuất. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và đại dịch COVID-19 xảy ra gần đây càng cho thấy rõ tầm quan trọng của nền sản xuất tự cường và chuỗi giá trị với sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất. Trung Quốc chưa làm chủ được các công nghệ nguồn nên dù có là công xưởng thế giới, nhưng khi bị cắt nguồn cung về công nghệ, và các nhà đầu tư rút khỏi thị trường, kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các nước phát triển, như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), do dịch chuyển công đoạn sản xuất ra ngoài lãnh thổ làm đứt gãy chuỗi giá trị trong nước, nên khi xảy ra đại dịch, các nước này không thể chủ động đáp ứng nhu cầu các hàng hóa cơ bản do bị phụ thuộc quá lớn vào công đoạn sản xuất ở nước ngoài. Rõ ràng, xác định mô hình tăng trưởng kinh tế không phải là việc lựa chọn giữa công nghiệp hay dịch vụ, mà phải xác định sản xuất là cốt lõi và dịch vụ phục vụ sản xuất phải luôn đồng hành cùng sản xuất, phục vụ sản xuất và tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành sản xuất. Một quốc gia, vùng lãnh thổ quy mô nhỏ (quốc gia thành thị) như Xin-ga-po hay Hồng Công (Trung Quốc), do hạn chế về nguồn lực, cũng như có những lợi thế về địa lý và nhờ các yếu tố lịch sử mang lại nên có thể tập trung nhiều hơn vào dịch vụ và phụ thuộc vào nền sản xuất của các quốc gia khác (mặc dù vậy, đóng góp của công nghiệp CBCT trong GDP của Xin-ga-po cũng vẫn xấp xỉ 20%), nhưng với một nền kinh tế quy mô khoảng 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu việc làm cao và vẫn còn gần 70% dân số ở khu vực nông thôn, muốn độc lập, tự chủ, thịnh vượng, nền kinh tế đó phải có một ngành sản xuất CBCT phát triển lớn mạnh để quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa đất nước diễn ra nhanh và bền vững. Sự lớn mạnh của khu vực sản xuất, của các ngành CBCT sẽ tạo ra sự dịch chuyển thu hút lao động ra khỏi khu vực nông thôn, chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất nông nghiệp và áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả trong khu vực nông nghiệp.
Những số liệu và nhận định trên đây cho thấy, công nghiệp CBCT có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong thời gian tới, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy công nghiệp CBCT làm trọng tâm, song song với đó, phát triển hiệu quả các ngành dịch vụ phân phối và dịch vụ cho các nhà sản xuất để tạo động lực kép thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát triển công nghiệp CBCT chính là tạo thị trường cho các ngành dịch vụ phát triển; do vậy, nguồn lực xã hội nên tập trung vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước (bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ trên toàn chuỗi), có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển ngành công nghiệp CBCT trong nước lớn mạnh cũng là tạo nền tảng vững chắc và phát triển thị trường cho các ngành dịch vụ và ngược lại, phát triển hiệu quả các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất, chính là góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động của ngành CBCT./.
(Còn nữa)