Phát huy vai trò nòng cốt của Bộ đội Biên phòng trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống tại khu vực biên giới trong tình hình hiện nay

LÊ ĐỨC THÁI
Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

16:39, ngày 29-04-2023

TCCS - Phát huy vai trò là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ và kịp thời ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới của Tổ quốc trong tình hình mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cán bộ, sĩ quan Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng _Ảnh: TTXVN

Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Khủng bố, xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo xảy ra ở nhiều nơi. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. Tình hình vi phạm chủ quyền, an ninh trên các tuyến biên giới, nhất là trên Biển Đông tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Ở trong nước, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội. Bên cạnh đó, những thách thức an ninh phi truyền thống, như thiên tai, dịch bệnh, khủng bố có vũ trang, khủng bố bằng vũ khí sinh học, cùng hoạt động của các loại tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, như mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, mua bán người... diễn ra ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh, đã tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018, của Bộ Chính trị, “Về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” xác định: Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước,... lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện tốt 3 chức năng về an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Qua đó, khẳng định vai trò nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; chủ trì giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, vùng biển; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển; là thành phần trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng; phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ; chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó với các tình huống, nhất là tình huống an ninh phi truyền thống. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như sau:

Một là, chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình; phối hợp với các lực lượng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, “Về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, Luật Biên phòng Việt Nam; đề xuất với Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nội dung của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời, tham mưu với Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ ban hành 2 nghị định, Bộ Quốc phòng ban hành 2 thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Biên phòng Việt Nam; tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất Ban Bí thư ban hành Kết luận số 68-KL/TW, ngày 5-2-2020, “Về 2 năm thực hiện chủ trương thí điểm tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng vào cấp ủy cấp huyện biên giới ở tỉnh Quảng Ninh”; tham mưu, đề xuất xây dựng và quyết tâm, quyết liệt tổ chức thực hiện các đề án “Tổ chức lực lượng Bộ đội Biên phòng giai đoạn 2017 - 2021 và những năm tiếp theo”, “Quy hoạch hệ thống đồn, trạm biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo”... Đây là những văn bản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ, là tiền đề để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế, xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Hai là, tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; thực hiện nhiều chủ trương, đối sách xử lý hiệu quả các tình huống trên biên giới, không để bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng tuần tra, duy trì các hiệp định về quy chế quản lý biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng; tham mưu và trực tiếp tham gia phân giới, cắm mốc, xây dựng các văn bản pháp lý hóa 84% kết quả phân giới, cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; tích cực, chủ động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở khu vực biên giới, biển, đảo. Năm 2022, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng điều động, tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; tổ chức 42.112 tổ tuần tra đơn phương/235.028 lượt cán bộ, chiến sĩ; tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng 122 lần/1.387 lượt cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên duy trì 1.000 tổ, chốt, với trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm khắc phục khó khăn, gian khổ, bám trụ trên biên giới; điều động 10.169 lượt cán bộ, chiến sĩ/321 lượt phương tiện tổ chức ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai được 405 vụ, cứu vớt 385 người/235 phương tiện, tham gia chữa cháy 47,5ha rừng; cử 9 cán bộ cùng 6 chó nghiệp vụ sang Thổ Nhĩ Kỳ giúp bạn cung cấp hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn sau thảm họa động đất...

Ba là, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Các đơn vị luôn chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, kế hoạch phòng, chống hoạt động thu thập tin tức tình báo, xâm nhập, móc nối, tập hợp lực lượng, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới; nắm chắc tình hình hoạt động của các loại đối tượng ở trong và ngoài biên giới, xử lý kịp thời nhiều nguồn thông tin, ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều âm mưu và hoạt động xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia. Xây dựng hàng nghìn kế hoạch nghiệp vụ, xác lập nhiều chuyên án đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu và gian lận thương mại. Chỉ riêng trong năm 2022, Bộ đội Biên phòng triển khai hàng trăm kế hoạch nghiệp vụ nhằm dự báo tình hình và phòng, chống hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, triển khai thành công 5 chuyên án về tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép của người nước ngoài; xác minh, xử lý 2 vụ/4 đối tượng thuộc các tổ chức phản động xâm nhập vào địa bàn biên giới và lôi kéo người dân tham gia các tổ chức này; chủ trì, phối hợp phát hiện, xử lý 7.575 vụ/18.290 đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó đấu tranh, bắt giữ 879 vụ/1.242 đối tượng tội phạm về ma túy, thu giữ 1.031kg ma túy các loại, 24 súng, 257 viên đạn, 3 lựu đạn; bắt giữ, xử lý 58 vụ/28 đối tượng mua bán người, giải cứu 88 nạn nhân; phát hiện, xử lý 1.311 vụ/1.128 đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tạm giữ để điều tra, xác minh số hàng hóa trị giá khoảng 233,9 tỷ đồng... Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới với nhiều cách làm hiệu quả, như tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới” và các mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”, “Tiếng loa biên phòng”, “Bản làng không có tệ nạn xã hội”, “Câu lạc bộ tình thương”, “Câu lạc bộ pháp luật”, “Đối thoại cùng ngư dân”... Qua đó, góp phần phát huy vai trò của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Bộ đội Biên phòng cùng đồng bào tuần tra biên giới _Nguồn: laodong.vn

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng điều chỉnh và thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh trong điều kiện phải phòng, chống dịch bệnh COVID-19; triển khai có hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển và cửa khẩu theo cơ chế “một cửa” quốc gia, “một cửa” ASEAN. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính kết hợp với ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh, bảo đảm chặt chẽ, thông thoáng. Năm 2022, Bộ đội Biên phòng thực hiện thủ tục cho 4.785.903 người/998.452 phương tiện xuất, nhập cảnh; phối hợp kiểm tra, giám sát 304.721.685 tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu; tổ chức tiếp nhận 16.270 người cư trú, lao động trái phép do các nước trao trả qua cửa khẩu. Tích cực đổi mới các hình thức hợp tác, giao lưu hữu nghị biên giới, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại biên phòng với đối ngoại nhân dân, như giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”. Để phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch và tổ chức hội đàm trên biên giới với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của Lào và Cam-pu-chia bảo đảm gọn về số lượng và thành phần đại biểu. Đến nay, đã tổ chức kết nghĩa được 180 cặp đồn, trạm biên phòng và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa được 207 cặp cụm dân cư hai bên biên giới,... Qua đó, góp phần củng cố lòng tin, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Năm là, tập trung xây dựng, củng cố lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp theo phương châm “Nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt và Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia”. Theo đó, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ tính uy nghiêm, biểu tượng quốc gia ở biên giới, cửa khẩu, bảo vệ nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới. Đồng thời, giúp cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, quân sự, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị; có khả năng nghiên cứu, nắm và dự báo sớm, sát, đúng, đầy đủ tình hình, xử lý tốt các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ và chủ động, tích cực tham gia xây dựng, củng cố nền biên phòng toàn dân vững mạnh, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/2015/CT-TTg, ngày 9-1-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy tốt phong trào “Tổ tự quản đường biên, mốc giới”, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng, củng cố 1.546 tổ tự quản, với 45.354 hộ gia đình và 93.722 cá nhân đăng ký tự quản 4.201km đường biên, 3.285 mốc quốc giới, 111 công trình biên giới; xây dựng, củng cố 3.388 tổ tàu, thuyền, với hơn 25.200 tàu, thuyền và hơn 78.500 thành viên đăng ký tự quản hàng nghìn bến bãi ven biển; duy trì hơn 16.200 tổ an ninh, trật tự, với 320.903 thành viên...

Sáu là, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới; thực hiện nhiều chương trình, phong trào, mô hình, cuộc vận động để giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Bộ đội Biên phòng các cấp tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới; tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cấp ở khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt. Đến nay, Bộ đội Biên phòng có 165 đảng viên tham gia cấp ủy cấp huyện; 517 đảng viên tham gia cấp ủy cấp xã; 2.388 đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản biên giới; 9.402 đảng viên phụ trách 40.893 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Các đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, mô hình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, như: Ngày hội Biên phòng toàn dân; Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...

Thời gian tới, tình hình an ninh, chính trị thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình vi phạm chủ quyền quốc gia, nhất là trên Biển Đông, vùng biển Tây Nam và một số địa bàn chiến lược tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó nhận diện, cùng với đó là những thách thức an ninh phi truyền thống, như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,... Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng ngày càng toàn diện, nặng nề, đòi hỏi Bộ đội Biên phòng phải tiếp tục phát huy vai trò chuyên trách, nòng cốt với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, biên phòng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội đại biểu Bộ đội Biên phòng lần thứ XV. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ cùng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành và toàn dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các điều ước quốc tế có liên quan đến biên giới quốc gia; nhận thức rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá, hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc ở khu vực biên giới. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho lực lượng liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới hoạt động tại địa bàn biên giới, cửa khẩu kiến thức về quốc phòng, an ninh, pháp luật về biên giới quốc gia.

Bộ đội Biên phòng vui ngày hội té nước với đồng bào Khmer Nam Bộ _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thứ hai, chủ động nghiên cứu, phối hợp với các lực lượng nắm tình hình, đánh giá, dự báo chính xác tình hình nội địa, ngoại biên; những động thái, xu thế của các nước trong giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ cũng như hoạt động của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó, chủ động, kịp thời báo cáo, tham mưu với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; chủ trương, đối sách xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng phá hoại, gây ra vấn đề phức tạp trên các tuyến biên giới, nhất là tại các khu vực còn tồn đọng trong công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia và các địa bàn chiến lược, trọng điểm. Đồng thời, làm tốt công tác phòng ngừa, chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến biên giới, vùng biển, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu và gian lận thương mại, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, trang bị. Tham mưu, đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh theo hướng hiện đại, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, trong đó chú trọng thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 68-KL/TW, ngày 5-2-2020, của Ban Bí thư nhằm tăng thêm cấp ủy viên cấp huyện là cán bộ đồn biên phòng tại các huyện biên giới, hải đảo trên cả nước; phát huy tốt vai trò của cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã khó khăn, đảng viên đồn biên phòng sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới, không để thôn, bản “trắng” tổ chức đảng và đảng viên. Tiếp tục tham mưu xây dựng các đề án, phương án, cơ chế thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10-10-2017, của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 23/NQ-CP, ngày 2-3-2022, của Chính phủ, “Về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền”, gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, phong trào, mô hình giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều chỉnh tổ chức, biên chế, xây dựng lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch và cán bộ đồn biên phòng. Đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo. Duy trì, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28-11-2019, của Bộ Quốc phòng, về “Tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; chú trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội; xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh. Tiếp tục cải cách hành chính quân sự, triển khai thực hiện ứng dụng chính phủ điện tử trong các cơ quan, đơn vị. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống đồn, trạm biên phòng, cửa khẩu, công trình bảo vệ biên giới, công trình chiến đấu liên hoàn, khép kín, kiên cố, vững chắc, bảo đảm đủ khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phòng thủ trong mọi tình huống. Chủ động nghiên cứu, đề xuất đầu tư vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện hiện đại bảo đảm cho hoạt động của Bộ đội Biên phòng, nhất là các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho công tác chỉ huy, quản lý, kiểm soát cửa khẩu, trinh sát kỹ thuật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm...

Thứ năm, đổi mới nội dung, hình thức hợp tác và các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa lực lượng chức năng và nhân dân hai bên biên giới; xây dựng lòng tin chiến lược, hướng tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trong đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng; thực hiện “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” để bảo vệ biên giới quốc gia là kim chỉ nam cho hoạt động bảo vệ biên giới của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Triển khai các mô hình hợp tác bảo vệ biên giới giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với các nước tiếp giáp và các nước có liên quan, nhất là một số mô hình, như giao lưu hữu nghị quốc phòng, biên giới; giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”; kết nghĩa đồn, trạm biên phòng; kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; duy trì “đường dây nóng”, tuần tra chung, luân phiên gặp gỡ, trao đổi thông tin; phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa ở khu vực biên giới,... Đẩy mạnh thực hiện hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế trong đào tạo, tập huấn, đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu và phòng, chống tội phạm./.