Nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn - Nhìn từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh
10:52, ngày 18-11-2022
TCCS - Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phát triển là những vấn đề cốt lõi của quản trị địa phương. Trong điều kiện thích ứng an toàn, tỉnh Quảng Ninh có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động, phân bổ, sử dụng, phát huy các nguồn lực và kiến tạo những động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
1. Nguồn lực là toàn bộ tài sản, tài nguyên, sức mạnh vốn có sẵn sàng đưa vào sử dụng hoặc dự trữ để phục vụ cho sản xuất và đời sống con người. Đối với một quốc gia, một địa phương, hoặc một doanh nghiệp, nguồn lực được hiểu là toàn bộ tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia, vị trí địa lý, quy mô thị trường, vốn, trình độ khoa học - công nghệ, sức mạnh văn hóa, con người, thể chế chính trị... tạo lợi thế, sức cạnh tranh của quốc gia, của địa phương, của doanh nghiệp trong quản lý và phát triển.
Có những loại nguồn lực do thiên nhiên ban tặng, thường gọi là nguồn lực tự nhiên, như điều kiện địa lý, tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nước, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các loại tài nguyên sinh vật và phi sinh vật khác trên mặt đất, trong lòng đất, dưới đại dương..., đóng vai trò là những yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng cho sản xuất. Nguồn lực phi tự nhiên là các loại nguồn lực chủ yếu được tạo ra bởi chính bàn tay, khối óc của con người, như thể chế quản lý, nhân lực, vốn, giá trị văn hóa, khát vọng phát triển, tư duy lãnh đạo, sở hữu trí tuệ,...
Phân biệt nguồn lực tự nhiên và phi tự nhiên nêu trên chỉ là tương đối, vì trong các yếu tố phi tự nhiên nhiều khi lại chứa đựng tính tự nhiên; ngược lại, trong các nguồn lực tự nhiên cũng luôn có dấu ấn của con người. Chẳng hạn, yếu tố vị trí địa lý là nguồn lực tự nhiên, nhưng định hình vị trí địa lý trong lịch sử gắn liền với quá trình dịch chuyển lãnh thổ luôn thể hiện ý chí, sức mạnh chính trị của các nhà nước, quốc gia - dân tộc; hoặc nhân lực là nguồn lực phi tự nhiên cấu tạo nên những con người với phẩm chất, năng lực khác nhau luôn chứa đựng trong đó các yếu tố tự nhiên bẩm sinh; hoặc kinh tế tuần hoàn đang làm thay đổi quan niệm về nguồn lực khi nhiều thứ trước đây được xem là phế thải thì ngày nay, lại trở thành nguồn lực đầu vào cho các ngành sản xuất.
Trong thời đại ngày nay, con người, thể chế và khoa học - công nghệ có vai trò quan trọng hàng đầu của nguồn lực phát triển. Bởi lẽ, các nguồn lực tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, khan hiếm, các nguồn lực con người gắn với khoa học - công nghệ, đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển, sức cạnh tranh và thực hiện tự chủ chiến lược của mỗi quốc gia. Bản thân các nguồn lực tự nhiên, như vị trí địa lý, đất đai, nước, khoáng sản,... sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững hay không đều tùy thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực, thể chế và ứng dụng khoa học - công nghệ; các nguồn lực vốn, lao động sử dụng như thế nào đều do thể chế và con người quyết định. Nhiều nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong tự nhiên chỉ trở thành nguồn lực đóng góp cho sản xuất và đời sống khi có sự tham gia của khoa học - công nghệ, nhờ đó, tạo ra những năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hydro, năng lượng sóng biển, năng lượng sinh khối) hay vật liệu mới. Kể cả kinh tế tuần hoàn cũng chỉ phát huy tác dụng khi có sự phát triển tương xứng của khoa học - công nghệ. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng tạo được bứt phá phát triển, đều nhờ vào các nguồn lực phi tự nhiên, trước hết là chất lượng con người, chất lượng thể chế và trình độ, khả năng ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, còn các quốc gia thất bại thường rơi vào “lời nguyền tài nguyên”.
Vì vậy, cơ chế bảo đảm cho nguồn lực hữu hình từ tiềm năng biến thành động năng, rồi chuyển hóa thành các yếu tố đầu vào cho phát triển, chính là thông qua con người, thể chế, khoa học - công nghệ. Thông qua đó, nhân lực, thể chế, khoa học - công nghệ không chỉ hiện diện với tư cách chuyển tải các nguồn lực vật chất khác, mà bản thân nó cũng trở thành nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển. Vì vậy, đột phá vào thể chế phát triển, vào nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ luôn phải được xem là đột phá chiến lược. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các quốc gia về tốc độ và chất lượng phát triển thì cạnh tranh nhân tài và cạnh tranh khoa học - công nghệ đang nổi lên trở thành tâm điểm của cạnh tranh chiến lược.
2. Động lực là động cơ thúc đẩy, dẫn dắt một cá nhân hay một tổ chức theo một mục tiêu nào đó, có ý nghĩa kích thích nhu cầu, hướng dẫn hành vi một cách tích cực nhất, nhờ đó mà con người được giải phóng năng lực thể chất và năng lượng tinh thần để tạo nên các đột biến năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Động lực hữu hình thường đồng nhất với các cơ chế kích thích, thỏa mãn các lợi ích vật chất - kinh tế của con người; còn động lực vô hình là các cơ chế kích thích giá trị tinh thần. Động lực chỉ phát huy tác dụng khi đối tượng được kích thích thay đổi hẳn ý thức, trách nhiệm, hành vi đối với công việc thực hiện, như hứng thú với công việc, làm việc năng suất hơn, đam mê với sự nghiệp, dấn thân cho lý tưởng, thường xuyên tìm tòi phương thức cải tiến kỹ thuật,... Đó là xét động lực với mỗi cá nhân, còn động lực cho một tập thể, một cộng đồng dân tộc có khi được hình thành từ những phong trào thi đua được kích hoạt bởi một biểu tượng được ảnh hưởng lan truyền từ cá nhân ra tập thể, từ nhóm ra cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ ra cộng đồng lớn.
Các hình thức kích thích lợi ích vật chất - kinh tế, như tăng lương, thưởng hiện vật, phân phối theo kết quả lao động, theo vốn đóng góp, theo hiệu quả kinh tế,... tạo động lực có hiệu ứng tức thì cho phát triển. Trong những năm đầu đổi mới, chỉ bằng cách áp dụng một số kích thích lợi ích vật chất đã tạo ra động lực mạnh mẽ giải phóng sức sản xuất, như khoán trong các xí nghiệp quốc doanh, phân phối theo kết quả lao động, giao quyền tự chủ cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp. Nhưng sau hơn 35 năm đổi mới, nhiều chính sách đã gặp giới hạn, không còn tạo động lực cho phát triển, cần phải tiếp tục đổi mới, nhất là chính sách tiền lương, chính sách phân bổ nguồn lực. Động lực vật chất - kinh tế cũng chỉ phát huy trong thời gian nhất định, khi người lao động nhận thấy muốn giành được lợi ích nhất định thì phải nỗ lực phấn đấu. Còn khi người lao động cảm thấy việc hưởng các lợi ích vật chất - kinh tế như là sự đương nhiên, giảm sút ý chí nỗ lực vươn lên, thì ý nghĩa động lực không còn. Điều đó cho thấy, động lực vật chất - kinh tế phải được kết nối, liên thông, phối hợp đồng bộ với động lực tinh thần thì mới tạo được hệ động lực cho phát triển.
Các hình thức kích thích năng lượng tinh thần của con người lại gần như không có giới hạn, như phát huy tinh thần dân tộc, lương tâm nghề nghiệp, nhu cầu khẳng định mình, khát vọng cống hiến, định hướng giá trị, sử dụng hiệu ứng lan tỏa để cổ vũ, động viên, khích lệ,... thông qua giáo dục, tuyên truyền, vận động, thi đua - khen thưởng. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, chính tinh thần yêu nước - động lực tinh thần đã tạo nên sức mạnh to lớn giúp chúng ta chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để chiến thắng các thế lực đế quốc, thực dân. Hệ động lực tinh thần lúc đó được khơi dậy thông qua nhiều cơ chế, như hình thành phong trào yêu nước sâu rộng; Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối trở thành biểu tượng truyền cảm hứng, khát vọng cho toàn dân tộc; lựa chọn, tôn vinh các nhân tố anh hùng xả thân vì nước tiêu biểu tạo ra hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, lấy giá trị cao nhất là giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Hệ động lực trong thời kỳ mới, bên cạnh những cách làm truyền thống, cần chú ý đến nhu cầu khẳng định cá nhân con người trên từng lĩnh vực, ngành, nghề; lương tâm nghề nghiệp, khát vọng cống hiến dựa trên tôn trọng, phát huy năng khiếu, sở trường từng cá nhân; tuyên truyền, cổ vũ, tạo nên các phong trào thi đua - yêu nước kích hoạt trúng các giá trị của con người Việt Nam để nhân lên sức mạnh gấp bội; xây dựng biểu tượng, nhân tố mới có sức ảnh hưởng lan tỏa trong từng ngành, nghề, giới, lớp tuổi, thế hệ. Tuy nhiên, động lực tinh thần nếu không đi kèm với động lực vật chất - kinh tế dễ dẫn tới duy ý chí, khó duy trì lâu bền các tính năng của động lực, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường. Vì vậy, phối hợp linh hoạt giữa phát huy các động lực vật chất - kinh tế mà bản chất là kích thích lợi ích vật chất, với phát huy các động lực văn hóa - tinh thần mà bản chất là định hướng giá trị sống, lao động, cống hiến - đây là yêu cầu đặt ra khi xây dựng hệ động lực cho phát triển.
3. Tỉnh Quảng Ninh có những lợi thế về nguồn lực tự nhiên, như tài nguyên thiên nhiên ban tặng (vị trí địa lý, hình thái lãnh thổ, cảnh quan vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, có mỏ than lớn nhất cả nước, có cảng biển, hệ sinh thái, các tài nguyên địa phương, có vùng biển, có biên giới trên cả đất liền và trên biển); các nguồn lực văn hóa, như các di tích - danh thắng nổi tiếng, giá trị truyền thống vùng mỏ, bản sắc văn hóa địa phương,... đã trở thành lợi thế so sánh, tạo nên tính độc đáo, khác biệt. Tuy vậy, các nguồn lực này hoặc đã khai thác cạn kiệt, hoặc chỉ mới khai thác ở phân khúc có giá trị gia tăng thấp. Trong đại dịch COVID-19, các nguồn lực liên quan đến lợi thế phát triển du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề, cần phải có cơ chế đặc thù thúc đẩy phục hồi nhanh chóng, hiệu quả.
Đối với nguồn lực tự nhiên, tiếp tục định hình chiến lược sử dụng một cách thông minh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, hoàn thổ và phủ xanh các mỏ đã hoàn thành khai thác, gia tăng nhân tố khoa học - công nghệ, tính nhân tạo lên cảnh quan thiên nhiên để có sức ảnh hưởng, lan tỏa rộng lớn hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Xử lý tốt mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp với phát triển dịch vụ - du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái. Áp dụng mạnh mẽ kinh tế tuần hoàn, mà cốt lõi chính là ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để cho phép tối ưu hóa sử dụng các nguồn lợi tự nhiên, hạn chế phát thải gây hại, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái phục vụ cho phát triển du lịch. Các sản phẩm nông nghiệp dựa trên tài nguyên địa phương của tỉnh Quảng Ninh cần có giải pháp căn cơ để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị mà người dân địa phương phải được hưởng lợi ở các cấu phần có giá trị gia tăng cao hơn gắn với tạo cơ sở cho phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu địa phương. Hình thái lãnh thổ dài, có nhiều vùng, miền với lợi thế so sánh riêng, cần phải ưu tiên đẩy nhanh hoàn thành các công trình giao thông chiến lược, tăng tính kết nối, nhờ đó phát huy tốt hơn lợi thế nổi trội, nhất là kết nối với các tỉnh dọc tuyến biên giới, như Lạng Sơn, Cao Bằng.
Đối với các giá trị, nguồn lực văn hóa, ý chí, khát vọng vươn lên của con người Quảng Ninh, cần được nhìn nhận toàn diện trong tính tổng thể, kết nối, liên thông. Các di tích lịch sử - văn hóa cần được quy hoạch bài bản từng không gian - cảnh quan gắn bảo tồn với phát triển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới mô hình quản trị, hướng vào phục vụ cho phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, bản sắc, sức ảnh hưởng của địa phương trên toàn cầu. Các di sản văn hóa phi vật thể cần được nghiên cứu công phu, phân loại thành các lớp lang rõ ràng, phục vụ có hiệu quả hơn cho kinh tế du lịch. Các tài nguyên địa phương, như giống, cây con, tri thức địa phương,... hình thành nên các sản phẩm nông nghiệp độc đáo không chỉ mang ý nghĩa kinh tế thuần túy, mà còn chứa đựng cả giá trị văn hóa địa phương cần được nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng, bài bản. Là vùng đất du lịch, tỉnh Quảng Ninh phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp đều cần tính toán đầy đủ yếu tố văn hóa, môi trường sinh thái. Nếu thoát ly chúng thì sẽ khó giành được các phân khúc có giá trị gia tăng cao khi thu hút khách du lịch và phát triển bền vững trong tương lai. Lấy thị trường làm động lực cho phát triển văn hóa, phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa, thúc đẩy phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong phục hồi và phát triển du lịch, dịch vụ.
Đối với các nguồn lực về thể chế, con người, khoa học - công nghệ, đây là những yếu tố có ý nghĩa kiến tạo phát triển, có vai trò quyết định sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực khác, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh địa phương. Thể chế phát triển đang ngày càng tỏ rõ là nguồn lực đóng vai trò quyết định nhất, tạo tốc độ bứt phá cho tỉnh Quảng Ninh thời gian qua, từ những quyết định đột phá về tinh gọn bộ máy, xây dựng các chính sách địa phương vượt trội, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện cạnh tranh trong tuyển chọn cán bộ, rồi các thể chế về quy hoạch, về đầu tư công dẫn dắt đầu tư ngoài nhà nước, về kết nối và hợp tác, về đào tạo nguồn nhân lực,... Nhờ đó đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành “tốp” đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trên cơ sở những kết quả đó, cần có những bước tiến mới trong cải cách thể chế, bảo đảm đủ sức tạo nên bứt phá mạnh mẽ hơn, nhất là những thể chế vượt trội để thu hút, phát triển các lĩnh vực kinh tế có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, công nghiệp văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch, dịch vụ, liên kết vùng, phát triển kinh tế đô thị và kinh tế nông thôn gắn với thúc đẩy đô thị hóa. Phát huy nguồn lực con người hướng vào thúc đẩy cạnh tranh nhân tài, thu hút, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực. Chú trọng khơi dậy, kích hoạt các giá trị văn hóa của con người Quảng Ninh tạo thành động năng cho phát triển, như khát vọng vươn lên; tính hào sảng, tính “mở” sẵn sàng tiếp nhận cái hay, cái tiến bộ, ghét thói bảo thủ; tính năng động, đổi mới sáng tạo, nhanh chóng thích ứng với mọi thay đổi. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh là vùng đất mỏ với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” kiên cường, cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, cần có cơ chế khơi dậy, phát huy trong rèn luyện bản lĩnh, ý chí của người lao động trong thời kỳ mới. Cần tính toán đầy đủ giữa đào tạo tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác, thực hiện tốt liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực. Cơ cấu lại hệ thống đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, sát với yêu cầu của thị trường, của quá trình phát triển, nhất là chú trọng kỹ năng thực hành. Phải có chính sách đột phá trong ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống gắn với sự đầu tư xứng đáng và phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp. Phải xem tỉnh Quảng Ninh là hiện thân cho đổi mới sáng tạo không ngừng trên các lĩnh vực để góp phần nâng cao sức cạnh tranh địa phương, cạnh tranh của nền kinh tế. Thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh cần coi trọng yếu tố thâm dụng khoa học - công nghệ, loại bỏ công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Đối với động lực lợi ích vật chất - kinh tế, cần được phát huy dựa trên đổi mới căn bản tư duy về sử dụng các nguồn lực vật chất sẵn có của Nhà nước, của địa phương cùng với các công cụ, cơ chế có vai trò kích thích, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong điều kiện thích ứng an toàn. Về kích thích thúc đẩy đầu tư, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công một cách hợp lý để bảo đảm tính tập trung cho các công trình hạ tầng chiến lược có khả năng tạo đột phá cho phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đủ năng lực thu hút khu vực ngoài nhà nước đầu tư theo đúng phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, logistics, hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ. Về kích thích tiêu dùng, trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiêu dùng đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho thị trường khởi sắc, thông qua cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng,... giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, thúc đẩy thông thương, chuỗi cung ứng sản phẩm. Trong điều kiện thích ứng an toàn, phải rà soát lại tổng thể những khâu, những mắt xích đã được thiết lập ở giai đoạn “tiền thích ứng an toàn” có khả năng cản trở lưu thông, chuỗi cung ứng, cần chỉ đạo quyết liệt đổi mới, không để ngưng trệ dòng chảy thương mại, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, cản trở thông thương và giao lưu. Tiếp tục thực hiện tốt các gói chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng là một cách kích thích tiêu dùng. Tăng cường năng lực hợp tác giữa chính quyền với người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn nhằm bảo đảm duy trì tốt các chính sách an sinh, tiền lương, bảo hiểm cho người lao động khu công nghiệp.
Động lực văn hóa - tinh thần được khơi dậy, phát huy thông qua cơ chế động viên, khen ngợi, cổ vũ, định hướng giá trị, kích thích năng lượng tinh thần tích cực, phát động phong trào,... hoặc bằng cơ chế động viên, khen thưởng, cơ chế thúc đẩy chuyển hóa thành giá trị vật chất. Trong điều kiện thích ứng an toàn, động lực văn hóa - tinh thần quan trọng nhất cần phát huy chính là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, vượt khó, khát vọng vươn lên, ý chí tự lực, tự cường, tự tin vào bản thân mình, vào cộng đồng, niềm tin vững chắc vào các quyết sách lớn của Đảng và chính quyền. Có nhiều cơ chế cần được sử dụng tổng hợp, đồng bộ, như xây dựng các biểu tượng, tấm gương điển hình tiên tiến để cổ vũ, nhân rộng, lan tỏa thông qua hiệu ứng xã hội của truyền thông; đổi mới công tác thi đua - khen thưởng thật sự thiết thực, hiệu quả, không phân biệt khu vực công hay khu vực tư; phát động các phong trào thi đua tạo nên ảnh hưởng lan truyền đối với những việc làm tốt; kèm theo khen thưởng vật chất có giá trị khi tôn vinh một biểu tượng nào đó khiến cho giá trị văn hóa - tinh thần càng được nhân lên gấp bội; thực hiện định hướng giá trị đúng đắn cho toàn xã hội thông qua các hình thức truyền thông, giáo dục đa dạng, nhất là trong điều kiện thích ứng an toàn. Tất cả cùng tạo nên sức mạnh cộng hưởng cho con người tỉnh Quảng Ninh có được động lực mạnh mẽ, khát vọng bứt phá vươn lên, tự tin vào năng lực của chính mình, hòa nhịp cùng đất nước thực hiện thích ứng an toàn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.