Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

VŨ HẢI SẢN
Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

22:15, ngày 12-09-2021

TCCS - Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng là quan điểm cơ bản, chủ trương chiến lược nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước trong quá trình phát triển kinh tế, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Tập đoàn (1-6-1989 - 1-6-2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2019) _Ảnh: TTXVN

Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc đã trở thành quy luật. Theo đó, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh được thực hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử. Trong thời kỳ phong kiến, điều này được thể hiện tập trung ở các chính sách, như “Ngụ binh ư nông”, “Quốc phú binh cường”,“Tĩnh vi nông, động vi binh”... của các triều đại nhà Lý, Trần, Lê Sơ. 

Kế thừa tư tưởng, truyền thống quý báu đó của dân tộc, trên cơ sở vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng, về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, bước đầu thực hiện chính sách ruộng đất, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm để ủng hộ kháng chiến... Quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng ta, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vừa chiến đấu, vừa tích cực tham gia lao động sản xuất để giải quyết khó khăn trước mắt. Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi (năm 1954), nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội có bước phát triển mới. Quân đội đã chuyển gần 8 vạn cán bộ, chiến sĩ sang trực tiếp tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm của đất nước, như Khu Công nghiệp Việt Trì, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, Nông trường Điện Biên...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng được Đảng ta lãnh đạo thực hiện phù hợp với điều kiện ở mỗi miền. Văn kiện Đại hội III của Đảng nêu rõ: “Phải kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng; trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế”(1). Theo đó, nhân dân miền Bắc vừa đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa mới của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa chăm lo củng cố quốc phòng và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ở miền Nam, quân và dân ta kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với củng cố, mở rộng vùng giải phóng; tại các căn cứ cách mạng, bộ đội vừa chiến đấu, vừa tranh thủ lao động sản xuất để có một phần lương thực, thực phẩm phục vụ trực tiếp đời sống. Việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng được thực hiện hết sức chặt chẽ, thông qua nhiều hình thức phong phú, thiết thực và phù hợp với điều kiện của thời chiến. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp để cách mạng nước ta đi đến thắng lợi.

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (từ năm 1975 đến nay), việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng được triển khai toàn diện hơn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 24 khóa III xác định: “Các lực lượng vũ trang, kể cả các đơn vị thường trực, phải tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự đối với tất cả trai tráng và chế độ quân đội tham gia xây dựng kinh tế”(2). Tại Đại hội IV (năm 1976), Đảng ta nhấn mạnh: “Trong hoàn cảnh một nước nghèo lại vừa ra khỏi một cuộc chiến tranh ác liệt, kéo dài, thì các lực lượng vũ trang, ngoài nghĩa vụ luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, còn phải tích cực làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, góp phần xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”(3). Đến Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta khẳng định: “Từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước. Trên cơ sở bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và sản xuất quốc phòng, huy động một phần lực lượng quân đội, sử dụng một phần năng lực công nghiệp quốc phòng vào việc xây dựng kinh tế”(4). Chủ trương kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được ghi nhận trong văn kiện các đại hội tiếp theo của Đảng ta, đồng thời được cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết chuyên đề của Quân ủy Trung ương(5). Nội dung này cũng được quy định tại Điều 68 Hiến pháp năm 2013 và khoản 4, Điều 3 Luật Quốc phòng năm 2018.

Trong thời gian qua, việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã thực sự góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao.

Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn _Ảnh: TTXVN

Phát huy thế mạnh của Quân đội trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng

Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Quân đội là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng trong toàn quân phát huy khả năng, thế mạnh, tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Theo đó, Quân đội tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở những khu vực, địa bàn, vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh; thiết thực góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, nhất là ở các địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; từ đó, xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc.

Với địa bàn đóng quân trải rộng khắp cả nước, trên những vị trí chiến lược dọc tuyến biên giới, các địa bàn chiến lược, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo..., các đơn vị quân đội, các đoàn kinh tế quốc phòng là lực lượng tại chỗ tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Phát huy thế mạnh về ý chí, tính kỷ luật của Quân đội trong phát triển kinh tế, các doanh nghiệp quân đội tham gia vào nhiều lĩnh vực, ngành và các vùng kinh tế quan trọng của đất nước, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Điển hình có thể kể đến, như Tập đoàn công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBBank), Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, các doanh nghiệp của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng... Những năm qua, các doanh nghiệp này có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, số hóa nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại, mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho toàn quân. Đồng thời, nghiên cứu, sản xuất được nhiều mặt hàng kinh tế chất lượng cao, tạo được thương hiệu uy tín, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần phục vụ quốc kế dân sinh, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, cân đối một phần ngân sách của Nhà nước dành cho quốc phòng và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm việc làm, thu nhập cho hàng vạn lao động... Các đơn vị, doanh nghiệp quân đội còn tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hội nhập quốc tế, xúc tiến thương mại và đối ngoại quốc phòng, góp phần củng cố, nâng cao hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế, thực hiện tốt chính sách đối ngoại kinh tế, đối ngoại quốc phòng thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Lực lượng quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế thuộc các đơn vị bộ đội khối thường trực, các đơn vị sự nghiệp công lập luôn chủ động đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của đơn vị bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần tăng nguồn thu, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, bổ sung kinh phí cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Bệnh viện Quân y 175 phối hợp với Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng) dùng trực thăng đưa bệnh nhân bệnh nặng từ đảo Song Tử Tây và đảo An Bang (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) về đất liền cấp cứu _Ảnh: TTXVN

Tăng cường kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng trong thời gian tới

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng ở nước ta thời gian qua còn có những mặt hạn chế, bất cập. Ở một số địa phương, hoạt động kết hợp còn thiếu đồng bộ, cơ chế chưa phù hợp, phương thức kết hợp chậm được đổi mới. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương của một số cơ quan quân sự trong việc kết hợp còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao; thậm chí có lúc, có nơi còn sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá. “Việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh ở một số địa phương, đơn vị thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt”(6).

Những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước những thuận lợi và cơ hội lớn, song, có không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng đặt ra những yêu cầu rất cao, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ huy các cấp trong Quân đội.

Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho hoạt động kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng được tiến hành đúng định hướng và đạt hiệu quả cao. Theo đó, cấp ủy các cấp cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ này, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012, của Quân ủy Trung ương, về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội”. Cơ quan quân sự các cấp ở địa phương phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về bảo đảm yếu tố quốc phòng, an ninh trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý các doanh nghiệp quân đội và hoạt động của các đoàn kinh tế quốc phòng; quy chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng, hoạt động kinh tế đối ngoại; chính sách đối với doanh nghiệp quân đội đứng chân trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo... Các doanh nghiệp quân đội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với đặc thù quốc phòng và chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, chủ trương kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng của Đảng ta.

Đây là giải pháp quan trọng, nhằm định hướng, thống nhất nhận thức, tư tưởng, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng. Thực tế cho thấy, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, kể cả một số cán bộ, đảng viên về vấn đề này còn chưa đầy đủ, thống nhất. Vì vậy, nội dung tuyên truyền, giáo dục phải làm rõ quan điểm, đường lối của Đảng ta và yêu cầu, sự cần thiết phải kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng; mặt khác, làm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội lợi dụng một số hạn chế trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng để xuyên tạc, chia rẽ Quân đội với Đảng và nhân dân ta. Tuyên truyền toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, để mỗi người thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, sự tất yếu, khách quan của việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, nhất là hiệu quả toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh từ hoạt động tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phải đa dạng, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên.

Cán bộ Công ty 75 (Binh đoàn 15) hướng dẫn cách cạo mủ cao su cho công nhân là đồng bào dân tộc Gia-rai ở huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai _Ảnh: TTXVN

Ba là, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch hóa, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường quốc phòng, an ninh.

Để làm được điều này, cần nghiên cứu, khảo sát, xác định rõ các nguồn lực, kể cả nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng phù hợp trong từng lĩnh vực hoạt động, ở từng khu vực phòng thủ. Xác định rõ cơ chế, trách nhiệm trong việc phối hợp thẩm định các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các cấp, các ngành; trong đó, cơ quan quân sự chủ động thẩm định, các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, thực hiện tốt cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin để nâng cao hiệu quả và bảo đảm việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng được tiến hành ngay từ khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch vùng, lãnh thổ, quy hoạch các ngành, lĩnh vực đến các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, trong từng công trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo đó, quy hoạch vùng, lãnh thổ, quy hoạch các ngành, lĩnh vực phải gắn với quy hoạch tổng thể xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các công trình trọng điểm, phải bảo đảm sẵn sàng phục vụ nhu cầu quốc phòng, quân sự khi cần thiết. Các địa phương, nhất là ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, phải coi trọng quy hoạch phân bố dân cư để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt các quy định trong Luật Quốc phòng và Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21-12-2018, của Chính phủ, “Về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng”. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các khu kinh tế quốc phòng; các đơn vị quân đội vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa tham gia giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn đóng quân và khu vực dự án. Đầu tư phát triển kinh tế biển một cách bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng biển, đảo; quan tâm phát triển lực lượng dân phòng, các tổ, đội liên kết của ngư dân trong khai thác thủy, hải sản để cùng nhau bảo vệ hoạt động sản xuất và bảo vệ biên giới, biển, đảo.

Bốn là, nghiên cứu, dự báo tốt tình hình để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng có hiệu quả và phù hợp.

Tổ chức nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình thế giới và khu vực, nắm rõ nguồn lực và xu thế vận động của tình hình mới để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, chủ động triển khai việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng một cách có hiệu quả. Tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trong điều kiện xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chiến tranh công nghệ cao; về xây dựng tiềm lực quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế. Việc xây dựng tiềm lực quốc phòng không chỉ cần chú trọng tiềm lực tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự và tiềm lực khoa học - công nghệ, mà còn phải chú trọng cả tiềm lực con người. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, đưa đất nước vươn lên tiến bước cùng thời đại./.

--------------------

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 21, tr. 535
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 36, tr. 400
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 37, tr. 587
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 47, tr. 372
(5) Như Nghị quyết số 06/NQ-ĐUQSTW, ngày 10-1-1995, “Về nhiệm vụ lao động sản xuất và làm kinh tế của Quân đội”; Nghị quyết số 150/ĐUQSTW, ngày 1-8-1998, “Về việc Quân đội tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược”; Nghị quyết số
71/ĐUQSTW, ngày 25-4-2002, “Về nhiệm vụ sản xuất xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội”; Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012, về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội”.

(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I,  tr. 88