Cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc ra sao?

PGS, TS HOÀNG ANH TUẤN
Đại sứ, nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN

21:43, ngày 28-03-2023

TCCS - Sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào ngày 24-2-2022, nhiều nhà quan sát cho rằng, Nga sẽ nhanh chóng kiểm soát được Ukraine. Tuy nhiên, hơn một năm đã trôi qua, cục diện chiến trường vẫn tiếp tục ở thế giằng co với tính chất, mức độ giao tranh ngày càng nghiêm trọng và khốc liệt hơn. Vấn đề đặt ra là, cuộc xung đột này sẽ kết thúc khi nào và như thế nào, đồng thời để lại những hệ quả gì đối với cục diện thế giới cả trong hiện tại lẫn tương lai?

Nhìn lại hơn một năm cuộc chiến

Lịch sử từ xưa đến nay cho thấy, chiến tranh luôn là một loại hình đặc biệt, liên quan đến nhiều yếu tố, như chiến lược, chính trị, kinh tế, xã hội... Trước khi chiến tranh xảy ra, các bên liên quan và các nhà quan sát quốc tế thường đưa ra khá nhiều kịch bản. Tuy nhiên, cuộc chiến trên thực tế thường là một câu chuyện không giống như những đoán định trước đó. Hơn một năm qua, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã cho thấy nhiều vấn đề cần được phân tích, nhìn nhận khách quan.

Thứ nhất, Nga được đánh giá là cường quốc có lực lượng quân đội mạnh thứ hai thế giới, với đội quân thường trực và chi tiêu quốc phòng lớn thứ năm thế giới, bao gồm 1,15 triệu quân chính thức cùng 2 triệu quân dự bị. Mặc dù chỉ dành khoảng 70 tỷ USD hằng năm cho quốc phòng, nhưng Nga lại là nước sở hữu số lượng đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới, có hạm đội tàu ngầm mang tên lửa vượt đại châu lớn thứ hai thế giới và là một trong ba quốc gia trên thế giới có máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược và bom hạt nhân...

Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr ở Biển Đen, tháng 3-2022 _Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, trong cuộc xung đột với Ukraine, quân đội Nga chưa thể hiện được đầy đủ sức mạnh của một cường quốc quân sự khi không thể dồn lực đánh nhanh, thắng nhanh như dự đoán ban đầu về cuộc xung đột. Nga gặp khó khăn trong việc tiếp tế hậu cần, đạn dược cho các lực lượng tham chiến trên tuyến đầu. Số lượng đạn, pháo, thiết bị quân sự “thông minh”, như tên lửa siêu thanh Kalibr, xe tăng T-90, máy bay SU-57 chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong kho vũ khí của Nga… Vì vậy, theo một số nguồn tin cho biết, mặc dù đã một năm trôi qua, Nga vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn được bốn tỉnh miền Đông Ukraine (Donetsk, Kherson, Luhansk, Zaporizhia)...

Thứ hai, chỉ trong vòng 8 năm (2014 - 2022) kể từ khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga, quân đội Ukraine đã có sự cải tổ rõ rệt cả về tổ chức, huấn luyện và trang bị vũ khí theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quân đội Ukraine nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ cả về quân sự và kinh tế từ Mỹ và các nước phương Tây. Tính tổng thể cho đến nay, Mỹ và các nước phương Tây đã cam kết viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine khoảng 150 tỷ USD, trong đó riêng Mỹ là 76 tỷ USD, với gói hỗ trợ an ninh lên tới 46 tỷ USD. Về trang thiết bị quân sự, các nước phương Tây cam kết viện trợ cho Ukraine 700 xe tăng, hàng nghìn xe quân sự, 1.000 khẩu pháo, 50 hệ thống phóng tên lửa và nhiều trang thiết bị quân sự khác. Nói cách khác, quân đội và đất nước Ukraine khó có thể trụ vững lâu như vậy trước sự tấn công của Nga nếu như không có sự trợ giúp, hậu thuẫn mạnh mẽ, liên tục của Mỹ và các nước phương Tây.

Thứ ba, các quốc gia phương Tây thống nhất cao độ trong cuộc đối đầu với Nga. Điểm yếu lớn nhất giữa Mỹ và châu Âu trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra là sự lệ thuộc của nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có các thành viên chủ chốt, như Đức, Pháp, Italia, vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga. Tại thời điểm năm 2021, 40% lượng nhập khẩu khí đốt và 25% lượng nhập khẩu dầu thô của EU từ bên ngoài đến từ Nga. Theo tính toán của Nga, nền kinh tế, cũng như sự tồn tại của EU với tư cách là một cường quốc kinh tế, khó có thể trụ vững nếu thiếu nguồn cung năng lượng giá rẻ đến từ Nga. Do đó, dù mối quan hệ giữa Nga với EU căng thẳng như thế nào thì EU cũng phải tìm cách “hạ nhiệt” để giảm thiểu tác động.

Tuy nhiên, sự kiện ngày 24-2-2022 mang tính bước ngoặt, thúc đẩy châu Âu quyết tâm cùng Mỹ đối đầu với Nga. Trong một năm qua, Mỹ và châu Âu đã thông qua gần 12.000 lệnh cấm vận đối với các cá nhân và thực thể của Nga khiến Nga trở thành nước bị cấm vận ngặt nghèo nhất thế giới. Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm, giá cả năng lượng, lương thực và lạm phát đồng loạt leo thang.

Lý do chính khiến các nước phương Tây đạt được sự nhất trí cao độ trong cuộc đối đầu với Nga lần này, đó là: Một là, các nước phương Tây cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã thách thức an ninh, chủ quyền và sự tồn tại của EU, NATO lẫn liên minh phương Tây. Nếu không đồng lòng lúc này, các nước phương Tây sẽ buộc phải đối đầu với Nga trong tương lai, nhưng với thế yếu hơn. Hai là, sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga tuy lớn, nhưng không có nghĩa không thể giải quyết được. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi mà xu thế “bài” năng lượng hóa thạch và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu đang tăng lên mạnh mẽ ở phương Tây; việc căng thẳng, thậm chí giảm thiểu nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga càng khiến châu Âu và phương Tây chuyển nhanh hơn sang xu thế này. Ba là, Mỹ có tính toán riêng và đẩy cuộc đối đầu lên mức độ mới khiến châu Âu nói riêng, các nước phương Tây nói chung lệ thuộc vào sự lãnh đạo của Mỹ về mọi mặt và là bước chuẩn bị cho cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc sau này mà Mỹ biết sẽ khó tránh khỏi.

Thứ tư, kinh tế Nga gặp khó khăn chồng chất, nhưng không sụp đổ. Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và các nước phương Tây thấy rằng khó có thể giành chiến thắng trước Nga về mặt quân sự do Nga có kho vũ khí hạt nhân vượt trội, vì vậy họ đã tìm cách sử dụng ưu thế áp đảo về mặt kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ... để khiến Nga suy kiệt và sụp đổ về mặt kinh tế. Tính về sức mạnh kinh tế, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Nga trước cuộc xung đột Nga - Ukraine là 1.700 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 1/10 so với GDP của EU và bằng khoảng 1/13 so với của Mỹ. Mỹ và phương Tây tính toán rằng, với việc áp đặt cùng lúc hàng loạt biện pháp cấm vận khắc nghiệt thì sự sụp đổ của nền kinh tế Nga chỉ là vấn đề thời gian. Đồng thời, khó khăn về kinh tế sẽ buộc Nga phải sớm chấm dứt “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine và khó có thể tiến hành các hoạt động quân sự tương tự, thách thức trực tiếp lợi ích an ninh của Mỹ, NATO ở châu Âu, cũng như tại các nơi khác trên thế giới.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, nền kinh tế Nga gặp không ít khó khăn vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây, tuy nhiên ngay sau đó, nền kinh tế Nga đã lấy lại đà ổn định do đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hợp tác với các khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á, nhất là với Trung Quốc, Ấn Độ. Tốc độ tăng trưởng GDP của Nga chỉ giảm 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán trước đó của phương Tây là 10%. Tỷ lệ lạm phát của Nga dù ở mức khá cao (12%), nhưng cũng chỉ tương đương với mức lạm phát của EU. Các nhà lãnh đạo Nga cho rằng, nền kinh tế của Nga năm 2023 sẽ gặp nhiều thách thức, khi xét trên khía cạnh tài chính và thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2023 được cho là sẽ khả quan hơn năm 2022, nếu không có vấn đề phát sinh, với mức dự báo dao động từ -1% đến 0%, cho dù Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm suy yếu nước Nga, như áp đặt giá trần đối với giá dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ nhập khẩu của Nga. Đồng thời, thặng dư cán cân thanh toán năm 2022 của Nga đạt mức kỷ lục là 227 tỷ USD. Trái lại, Mỹ và châu Âu sẽ đối mặt với những thách thức chưa từng có, như lạm phát tăng cao nhất kể từ hơn 50 năm qua, chủ yếu do giá năng lượng, lương thực tăng cao và hệ quả là, tăng trưởng kinh tế thấp cộng với nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Lễ ký tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Nga - Trung Quốc trong thời đại mới, ở Moskva (Nga), ngày 21-3-2023 _Ảnh: THX/ TTXVN

Tác động và triển vọng kết thúc chiến sự

Có thể nói, cuộc xung đột Nga - Ukraine là một trong những sự kiện địa - chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ XXI. Sự kiện này đã góp phần sắp xếp lại tập hợp lực lượng giữa các quốc gia và đẩy cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lên một mức độ mới chưa từng có. Thế nhưng, dù quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với Nga hết sức căng thẳng, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như giới lãnh đạo Mỹ tại hai viện của Quốc hội Mỹ lại tương đối thống nhất khi cho rằng, quan hệ cạnh tranh, đối đầu Mỹ - Trung Quốc, chứ không phải căng thẳng Mỹ - Nga, mới là trục xuyên suốt, là cuộc cạnh tranh thế kỷ có tác động lớn nhất đến cấu trúc và trật tự thế giới.

Hiện tại, dù phải dồn lực đối phó với Nga và chịu nhiều thiệt hại từ “tác động ngược” của cuộc đối đầu cũng như hàng loạt biện pháp bao vây, cấm vận Nga, nhưng trong Chiến lược An ninh quốc gia mới nhất của Mỹ được công bố vào ngày 12-10-2022, Mỹ vẫn chỉ xem Nga là mối đe dọa ngắn hạn và trung hạn. Ngược lại, Trung Quốc tiếp tục được coi là thách thức lớn và toàn diện nhất đối với Mỹ. Chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden đối với Trung Quốc không chỉ là sự tiếp nối chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà còn được thúc đẩy theo hướng cứng rắn hơn. Điều này cho thấy có sự nhất trí cao giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong việc đánh giá về “nguy cơ Trung Quốc”. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng coi Mỹ là thách thức an ninh quốc gia lớn nhất và là “vật cản” lớn nhất trên con đường vươn lên trở thành siêu cường số 1 thế giới.

Đặt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường và những phản ứng toàn cầu đang diễn ra đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, có thể rút ra một số tác động của cuộc xung đột đối với thế giới như sau:

Một là, cục diện thế giới phải chăng đang chuyển dần từ trật tự “đa cực” sang “lưỡng cực”, tập hợp xung quanh hai trục chính là Mỹ và Trung Quốc. Cùng với việc đối đầu quyết liệt với Mỹ và phương Tây, Nga cũng xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga trong 3 ngày, từ ngày 20-3 đến 23-3-2023. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách nguyên thủ quốc gia Trung Quốc, đã thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Trung Quốc đối với Nga trong bối cảnh phức tạp của thế hiện nay. Kết quả của chuyến thăm được cho là góp phần củng cố quan điểm phát triển quan hệ Nga - Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách ngoại giao và đối ngoại tổng thể của mỗi bên.

Điều tương tự cũng đang diễn ra đối với EU và các nước NATO trong quan hệ với Mỹ. Nếu như trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, châu Âu chỉ lệ thuộc vào “cái ô an ninh” của Mỹ, thì hiện nay sự lệ thuộc đó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh mà còn sang cả các lĩnh vực khác, như ngoại giao, năng lượng.

Hai là, Trung Quốc có lợi ích rõ rệt trong quan hệ đối đầu Nga - Mỹ. Cuộc đối đầu Nga - Mỹ không chỉ làm tiêu hao sức mạnh của Mỹ, mà còn khiến Mỹ không thể “toàn tâm, toàn ý” tập trung vào Trung Quốc. Đây chính là thời điểm giúp Trung Quốc có thể củng cố, gia tăng nội lực về mọi mặt để chuẩn bị đối phó với Mỹ trong cuộc đối đầu toàn diện mà Trung Quốc biết rằng sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra.

Ba là, cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy một số nét đặc trưng mới trong cạnh tranh quyền lực giữa một bên là Mỹ và phương Tây với bên kia là Nga, Trung Quốc, đó là: 1- Cạnh tranh trực tiếp ngày càng diễn ra quyết liệt trên cả hai hướng, bao gồm cả “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm”; 2- Không chỉ cạnh tranh, đối đầu toàn diện, cả Mỹ, Trung Quốc và Nga đều tìm mọi cách tập hợp lực lượng với các đồng minh, đối tác khác nhau nhằm tạo lợi thế tối đa cho mình; 3- Các khu vực địa lý xung quanh các nước lớn đang và sẽ trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt nhất, đơn cử như Ukraine hay khu vực giáp ranh với Nga ở phía bắc Kavkaz và Trung Á hoặc các khu vực giáp ranh với Trung Quốc, như Đông Nam Á, Đông Bắc Á; 4- Khoa học - công nghệ trở thành trọng tâm và trọng điểm trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, bởi đây là nhân tố quan trọng nhất giúp thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa các nước lớn một cách nhanh nhất; 5- Mặc dù cạnh tranh và đối đầu giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc ngày càng gay gắt, nhưng cả ba nước lớn, đồng thời cũng là ba cường quốc hạt nhân hùng mạnh nhất thế giới này đều cố gắng tránh gây ra những hiểu lầm chiến lược và đối đầu quân sự trực tiếp. Điều nghịch lý là dù mong muốn như vậy, nhưng sự leo thang căng thẳng giữa ba cường quốc về mặt an ninh, qua việc Mỹ và phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine hay Đài Loan (Trung Quốc), có thể làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga hay Trung Quốc với Mỹ và phương Tây lớn hơn bao giờ hết.

Bốn là, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy nhanh quy mô tái vũ trang trên phạm vi toàn cầu. Trong nhiều thập niên, Mỹ và NATO đã chủ quan và không chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản một cuộc chiến thông thường quy mô lớn, như cuộc xung đột Nga - Ukraine. Qua đó, Mỹ và NATO nhận thấy sự cạn kiệt về nguồn cung cấp vũ khí nếu như vẫn tiếp tục tăng cường trợ giúp quân sự cho Ukraine với quy mô như hiện nay. Do đó, Mỹ và NATO buộc phải tăng cường ngân sách quốc phòng và năng lực sản xuất vũ khí thông thường để chuẩn bị cho các thách thức an ninh tương lai. Năm 2022, tổng ngân sách quốc phòng của các thành viên NATO lần đầu tiên vượt 1.200 tỷ USD, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden đang đệ trình lên Quốc hội Mỹ khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục là 835 tỷ USD cho năm tài khóa 2023. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra vòng xoáy gia tăng chi tiêu quốc phòng mới trên thế giới, vào đúng thời điểm nhiều quốc gia đang phát triển và kém phát triển rất cần tăng cường nguồn lực cho phát triển kinh tế để khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.

Năm là, nhìn ở góc độ tích cực, việc cắt giảm đột ngột nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu từ Nga cộng với giá năng lượng tăng cao buộc châu Âu và nhiều nước khác phải tìm nguồn năng lượng tái tạo thay thế, như năng lượng từ gió, mặt trời, cũng như sự phát triển của công nghệ lưu trữ điện. Điều này sẽ giúp không chỉ châu Âu, Mỹ, mà cả thế giới tiệm cận gần hơn đến mục tiêu khí phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050.

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo chung với Tổng thống Ukraine Zelensky tại Kiev (Ukraine), ngày 20-2-2023 _Nguồn: Reuters/AFP

Hiện nay, chiến trường Ukraine vẫn đầy khốc liệt, trong khi đàm phán hòa bình gần như đã “đóng băng” kể từ tháng 3-2022 và chưa thấy dấu hiệu bên nào có thể nhượng bộ, mở đường cho một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột. Trái lại, hai bên vẫn tìm mọi cách để đạt được thắng lợi trên chiến trường, giúp tạo lợi thế cho các cuộc đàm phán hòa bình sau này. Điều đó cho thấy, hiện chưa có bất kỳ triển vọng nào cho các cuộc đàm phán hòa bình bởi một số lý do sau:

Thứ nhất, khi cuộc xung đột càng kéo dài và khốc liệt bao nhiêu thì chủ nghĩa dân tộc và tâm lý hận thù ở cả hai bên chiến tuyến càng tăng lên bấy nhiêu, dẫn đến triển vọng cho đàm phán hòa bình càng xa vời. Giới quan sát cho rằng, dường như chừng nào cả Nga và Ukraine còn đủ sức kháng cự và chưa đạt được mục tiêu của mình, thì cả hai bên sẽ không chịu bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài để đình chiến, đi vào đàm phán.

Đối với Nga, việc yêu cầu Tổng thống V. Putin và giới lãnh đạo quân sự Nga rút quân đội khỏi khu vực miền đông Ukraine như trước ngày 24-2-2022 để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán ngoại giao là điều không thực tế, vì Nga đã dành quá nhiều nguồn lực cả về người và vật chất đối với cuộc xung đột này. Về phía Ukraine, Tổng thống V. O. Zelensky cũng không thể chấp nhận việc mất 1/5 lãnh thổ quốc gia để đổi lấy hòa bình.

Thứ hai, Ukraine không đơn phương trong cuộc xung đột với Nga. Ukraine cầm cự và trụ được đến nay là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ cùng các nước phương Tây. Ukraine tin rằng, với sự trợ giúp về quân sự, kinh tế và ngoại giao từ phía Mỹ và phương Tây đối với Ukraine thì "sự kiệt quệ và thất bại của Nga chỉ là vấn đề thời gian". Mỹ và NATO cho rằng, nếu Ukraine bị Nga “khuất phục” thì mục tiêu của Tổng thống Nga V. Putin sẽ không dừng lại ở đó mà tiếp tục tạo ra các thách thức an ninh mới cho NATO ở khu vực khác.

Thứ ba, đối với Nga, đây không chỉ là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, mà còn là cuộc chiến với cả phương Tây. Nga là quốc gia có nền kinh tế phát triển, nhiều nguồn lực và trong lịch sử đã không ít lần bị Mỹ cùng phương Tây bao vây, cấm vận toàn diện. Nga cũng tin rằng, nếu cuộc xung đột tiếp tục diễn ra với “cường độ thấp” như hiện nay, Nga có thể can dự được lâu dài mà không quá bị ảnh hưởng. Hơn nữa, cuộc xung đột này sẽ giúp vực dậy tinh thần dân tộc của người dân Nga và cuối cùng Nga sẽ chiến thắng, trong khi sự “thống trị” của liên minh phương Tây sẽ bị lung lay, ảnh hưởng nghiêm trọng.

Như bất kỳ cuộc chiến tranh lớn nào khác trên thế giới, sự kết thúc tất yếu sẽ diễn ra trên bàn đàm phán hòa bình. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như vậy, vấn đề chỉ là thời điểm. Trên chiến trường, cuộc xung đột nhiều khả năng sẽ kết thúc trong hai trường hợp: Một là, Nga thất bại cả về quân sự lẫn kinh tế và buộc phải đi vào thương lượng để chấm dứt chiến tranh. Tuy khả năng này khó xảy ra, nhưng cũng không loại trừ. Hai là, phương Tây ngừng cung cấp vũ khí sát thương hiện đại cho Ukraine với quy mô và chất lượng như hiện nay. Nếu điều này xảy ra, quân đội Nga sẽ nhanh chóng giành chiến thắng trước Ukraine. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra trong trường hợp Mỹ và các nước phương Tây nhận thấy khó có thể giành thắng lợi trước Nga, đồng thời cuộc chiến tranh càng kéo dài thì Mỹ, phương Tây cùng Ukraine sẽ càng bị thua thiệt.

Nếu Nga và Ukraine có thể tiến hành đàm phán, theo giới phân tích, nhiều khả năng điều này sẽ diễn ra từ năm 2025 trở đi, bởi hiện nay, cả Mỹ và Nga đã bắt đầu bước vào mùa bầu cử Tổng thống năm 2024. Do đó, từ nay đến thời điểm đó sẽ có rất ít khoảng trống cho nhân nhượng, đàm phán, vì việc tỏ ra “yếu thế” trước đối phương được coi là “sự tự sát” về mặt chính trị./.