Quảng Ninh: Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính
TCCS - Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số và cơ quan nhà nước “không giấy tờ”. Đến nay, tỉnh đã tạo lập được hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin vững chắc, huy động được sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các sở, ngành, địa phương cũng như người dân trên toàn tỉnh. Đây chính là nền tảng quan trọng đưa Quảng Ninh sớm trở thành địa phương điển hình, đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, hướng đến trở thành mô hình mẫu chuyển đổi số của cả nước.
Nỗ lực chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả trong chuyển đổi số, tạo chuyển biến trong cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, việc chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được các cấp, ngành chú trọng. Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh là một trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên triển khai thực hiện thành công hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn 1. Qua đó, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thanh toán. Đến nay, đã có hơn 9.000 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% các đơn vị đủ điều kiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, trường đại học, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; trên 65,7% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 22,8% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp huyện thanh toán không dùng tiền mặt; trên 85,7% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 97,2%; trên 77% số doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 87,44%; 98,4% số thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí) bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt... Hiện việc phủ sóng thông tin di động đến các hộ dân triển khai tới 100% các xã, phường và thị trấn trong toàn tỉnh.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 đứng trong nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số đánh giá chuyển đổi số, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Trong đó 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất bảo đảm kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; 100% công việc ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã phải được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký số và trả cho người dân trên môi trường số; 100% người dân có định danh số và mỗi gia đình đều có địa chỉ số, hạ tầng mạng cáp quang băng rộng đến hộ gia đình đạt 50%...
Về cải cách hành chính, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu 100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được ban hành đúng quy trình, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; 100% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, đồng bộ với cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, Quảng Ninh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước... Với mục tiêu rõ ràng, cụ thể, đến nay, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, việc chuyển đổi số toàn diện đã có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu và hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đều đã tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, xác định việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn, cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính
Tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ được tổ chức ngày 19-4-2023, Bộ Nội vụ công bố kết quả chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022). Kết quả chỉ số cải cách hành chính 2022 của địa phương được phân theo 3 nhóm. Trong đó, nhóm A đạt kết quả từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh, thành phố. Nhóm B đạt kết quả từ 80% đến dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C đạt kết quả từ 70% đến dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố. Theo đó, Quảng Ninh trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2022 với kết quả đạt 90,10%; đây là lần thứ 5 Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân bảng xếp hạng này, tương đương với thành phố Đà Nẵng - địa phương từng có 5 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng (từ năm 2012 đến năm 2016).
Năm 2022, cả 4 chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS của tỉnh Quảng Ninh đều đứng thứ nhất toàn quốc. Đây là kết quả của cả quá trình kiên trì, nỗ lực, liên tục bền bỉ, đổi mới và phát triển của địa phương này. Để duy trì được thứ hạng cao này, Quảng Ninh đã luôn nhìn thẳng và phân tích những điểm chưa đạt, còn hạn chế trong kết quả xếp hạng của năm trước đó, để đưa ra những giải pháp sát thực nhất. Tại Hội nghị Phân tích chuyên sâu chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh, Quảng Ninh đã chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục trong năm 2022. Cụ thể, kết quả đánh giá Chỉ số SIPAS năm 2021 đạt 94,07%, song so với năm 2020 giảm 1,69% và cả 5/5 chỉ số thành phần đều giảm tỷ lệ so với năm 2020. Vẫn còn 5,25% tỷ lệ người dân đánh giá bình thường hoặc không hài lòng về công chức. Đồng thời, so với năm 2020 tỷ lệ hài lòng trung bình về công chức đạt 94,75%, thấp hơn so với năm 2020 là 0,52%. Trong 7 tiêu chí đánh giá về công chức năm 2021 có 7/7 tiêu chí đánh giá có tỷ lệ hài lòng đều thấp hơn so với năm 2020. Đối với Chỉ số PAR Index, nếu năm 2020, tổng điểm của tỉnh Quảng Ninh đạt được 91,04 điểm và đứng đầu cả nước, thì đến năm 2021, dù tổng điểm đã tăng 0,1 điểm lên thành 91,14 điểm, song xếp hạng của Quảng Ninh đã xuống một bậc, đứng sau thành phố Hải Phòng.
Thực tế, trên hành trình cải cách, Quảng Ninh đã kịp thời nhận diện những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân, doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ. Đồng thời, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp và người dân, doanh nghiệp, không ngừng nâng cao năng lực, phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền, mở rộng sự kết nối trao đổi thông tin; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế…
Trong tiến trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh, công tác cải cách hành chính được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược, góp phần đưa địa phương này trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã có 10 năm thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính và 6 năm đánh giá chỉ số đo lường sự hài lòng. Đối với các cơ quan đầu mối các chỉ số thành phần PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ động rà soát nghiên cứu kỹ các chỉ số thành phần chưa được đánh giá cao, khẩn trương nghiên cứu các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả gắn với đổi mới cách làm, sáng kiến và kiểm tra, đôn đốc, giám sát... Đồng thời, thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị hoặc tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế; cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tập trung số hóa hồ sơ, giấy tờ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh huy động, phân bổ và sử dụng tổng thể các nguồn lực; số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính ở cả 3 cấp chính quyền; tập trung triển khai kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu đối với ngành hải quan, thuế, ngân hàng; tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường tự kiểm tra, thanh tra, giám sát trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính./.
Đến năm 2030, phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững  (09/09/2023)
Quảng Ninh tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn  (08/09/2023)
Thành phố Hạ Long tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đô thị, đất đai, tài nguyên, bảo đảm phát triển bền vững  (10/08/2023)
Huyện Bình Liêu: Chú trọng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới  (09/08/2023)
Quảng Ninh nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực  (04/08/2023)
- Vĩnh Phúc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
- Vĩnh Phúc xây dựng các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng hội nhập
- Tỉnh Vĩnh Phúc: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử
- Nông dân Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Vĩnh Phúc Khẳng định vai trò chủ lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp điện tử
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên