Hà Nội đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền: Rõ thẩm quyền, cá thể hóa trách nhiệm
TCCS - Với diện tích tự nhiên 3.328,89km2, quy mô dân số 8.587.141 người, nhiều đơn vị hành chính, các cấp ủy, chính quyền, khối lượng công việc trên địa bàn thành phố lớn, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong nội bộ thành phố Hà Nội là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Tăng tính chủ động cho địa phương
Sau 16 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29-5-2028, của Quốc hội, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố Hà Nội đã và đang tập trung đẩy mạnh là công tác phân cấp, ủy quyền. Đây là nhiệm vụ thiết thực và là sự cụ thể hóa một trong ba khâu đột phá chiến lược chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, với nội dung: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế”. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả; đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII: “Xây dựng quy định phân cấp mạnh mẽ hơn cho các quận, huyện, thị xã về quản lý kinh tế - xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi”.
Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP, ngày 10-1-2022, của Chính phủ về “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước”, với mục tiêu cụ thể là hoàn thiện hệ thống pháp luật và xác định rõ trách nhiệm giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND thông qua Đề án phân cấp, ủy quyền; Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND, ngày 12-9-2022, quy định phân cấp quản lý nhà nước về một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố ban hành các quyết định về phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên 16 lĩnh vực, bao gồm quản lý đất đai, tài chính, xây dựng và các lĩnh vực khác. Thành phố thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 37%.
Đến tháng 1-2024, UBND thành phố Hà Nội đã công bố quyết định ủy quyền và danh mục thủ tục hành chính ủy quyền đối với 574/613 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94%. Đồng thời, thành phố phê duyệt 578 quy trình nội bộ cho các thủ tục này, đạt tỷ lệ 100%. Điều này phản ánh sự nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền, giúp giảm thiểu thủ tục rườm rà và nâng cao hiệu quả công việc.
Trong đó, Hà Nội đã phân cấp, ủy quyền từ Chủ tịch UBND thành phố về chủ tịch UBND huyện đối với 19 thủ tục hành chính. Đồng thời, từ các sở về UBND cấp huyện có 129 thủ tục hành chính được phân cấp; 1 thủ tục hành chính được phân cấp từ sở về trưởng phòng thuộc UBND cấp huyện, 30 thủ tục hành chính từ các phòng thuộc sở về trưởng phòng thuộc UBND cấp huyện.
Từ tháng 9-2022 đến tháng 9-2023, 14 quận, huyện, thị xã đã đề xuất và được phê duyệt chủ trương đầu tư cho 55 dự án với tổng kinh phí hơn 22,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư cho 45 dự án với kinh phí hơn 18,9 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, thành phố đã điều chỉnh phân cấp quản lý các trường trung học phổ thông về cấp huyện, đồng thời chuyển hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư.
Nhiều địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, như quận Ba Đình, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, có kế hoạch bổ sung ngân sách để thực hiện đầu tư các dự án trường trung học phổ thông trên địa bàn.
Tăng hiệu quả quản lý nhà nước các cấp
Năm 2023, thành phố tập trung rà soát các thủ tục hành chính để thực hiện phân cấp, ủy quyền một cách hiệu quả. Đến nay, Hà Nội đã phân cấp gần 40% thủ tục hành chính, vượt chỉ tiêu đặt ra. Điều này đã góp phần giúp các địa phương chủ động hơn trong việc giải quyết công việc, đồng thời bảo đảm tính trách nhiệm và quyền hạn của từng cấp chính quyền.
Trong quá trình triển khai, Hà Nội đã thành lập các tổ công tác để phân tích và áp dụng các biện pháp phù hợp tại cơ sở, đồng thời liên tục điều chỉnh để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Việc phân cấp, ủy quyền thực sự đi vào cuộc sống, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Hà Nội đã tiến hành rà soát và điều chỉnh toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của 21 sở, ngành để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu mới về phân cấp, ủy quyền. Thành phố cũng đặc biệt chú trọng việc xây dựng chính quyền số, với nhiều kế hoạch, dự án liên quan đến chuyển đổi số và phát triển cơ sở dữ liệu điện tử.
Những nỗ lực này của Hà Nội đã được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là việc thành phố dẫn đầu trong công tác phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính, trở thành mô hình cho nhiều địa phương khác học tập.
Thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng và xác định vị trí việc làm cho tất cả các đơn vị, với tổng số 2.687 đề án về vị trí việc làm đã được phê duyệt và ban hành. Đây là một phần trong nỗ lực của thành phố để chuẩn bị cho việc thực thi Luật Thủ đô số 2024/QHQH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Theo đó, Hà Nội sẽ xác định lại biên chế và cấu trúc tổ chức phù hợp với quy mô và đặc thù của Thủ đô, nhằm nâng cao hiệu quả công việc cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực nhân sự và tài chính.
Ngoài ra, Hà Nội đã tiến hành khảo sát và đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện phân cấp, ủy quyền trong gần 2 năm qua. Trên cơ sở này, thành phố sẽ tiếp tục xem xét và báo cáo HĐND thành phố về việc có cần bổ sung hoặc điều chỉnh quy định phân cấp. Việc này nhằm tăng cường tính chủ động cho các quận, huyện trong việc sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ cấp thành phố.
Năm 2024, Hà Nội tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ, giúp các quận, huyện, thị xã cân đối nguồn lực, lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên hợp lý và tổ chức thực hiện hiệu quả bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục rà soát, xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế, đồng thời tăng cường đào tạo cán bộ gắn liền với phương án phân cấp, ủy quyền và giải quyết thủ tục hành chính. Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương ngân sách và nguyên tắc phân cấp sẽ được duy trì, với mục tiêu rõ ràng: “Trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền nào thì cấp đó phải làm”.
Thành phố sẽ tiếp tục xem xét các đề xuất từ các quận, huyện, thị xã về việc thay đổi quy mô đầu tư, tăng tổng mức đầu tư cho các dự án xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa các trường trung học phổ thông, bảo đảm hiệu quả và tránh lãng phí vốn ngân sách.
Một số giải pháp thực hiện phân cấp, ủy quyền thời gian tới
Một là, chuẩn bị nguồn lực và con người. Thành phố Hà Nội cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực và các nguồn lực khác để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Trung ương phân cấp, phân quyền. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phân cấp và ủy quyền các nhiệm vụ trong thẩm quyền theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, đặc biệt là việc phân cấp cho cấp huyện trong các lĩnh vực, như đầu tư đường bộ, đầu tư và quản lý sau đầu tư các dịch vụ công ích đô thị và thủy lợi.
Hai là, phân định rõ ràng nhiệm vụ và quyền hạn. Cần thiết lập ranh giới rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn, và trách nhiệm của từng cấp trong hệ thống chính quyền địa phương. Điều này không chỉ giúp tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính chủ động cho các cấp cơ sở mà còn bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền thành phố. Bên cạnh đó, cần bảo đảm đầy đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp và phân quyền.
Ba là, bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm. Quá trình phân cấp cần phải bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng, đồng thời gắn quyền hạn với trách nhiệm trong việc giải quyết công việc và cải cách hành chính ở các lĩnh vực được phân cấp. Cùng với đó, việc phân cấp và phân quyền cần đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện từ phía thành phố sau khi phân cấp.
Bốn là, trao quyền cho chủ tịch UBND phường. Khi phân quyền cho các phường, cần trao quyền chủ động cho chủ tịch UBND phường trong việc tuyển chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức hỗ trợ, nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay.
Năm là, tận dụng tiềm năng và đặc thù của Hà Nội. Hà Nội với đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và trình độ cao, là một đô thị lớn với nhiều tiềm năng và thế mạnh, cần đặc biệt xem xét đến tính đặc thù trong quá trình xây dựng các quy định phân cấp và phân quyền. Việc này nhằm bảo đảm Hà Nội có đủ thẩm quyền để phát huy tối đa thế mạnh, nội lực trong quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền thành phố Hà Nội là rất quan trọng. Cần sử dụng một cách đúng đắn và phù hợp các công cụ chính sách để phục vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, hiệu quả của các công cụ chính sách phụ thuộc nhiều vào vai trò của Nhà nước và khả năng phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý./.
Khai giảng 3 lớp trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của các cơ quan trung ương làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội  (16/05/2024)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại Hoàng Thành Thăng Long  (14/02/2024)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay