Huyện Bình Liêu: Tích cực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc
TCCS - Nhận thức đúng tính chất, vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), những năm qua, huyện Bình Liêu luôn quan tâm thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đến nay, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.
Từ những chủ trương đúng đắn đến những chuyển biến mạnh mẽ trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc ở Bình Liêu
Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS),… cùng sinh sống. Trước nguy cơ trang phục truyền thống của các dân tộc đang dần bị mai một, những năm qua, huyện Bình Liêu đã chú trọng dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa riêng của đồng bào DTTS, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững.
Xác định văn hóa là một trong 3 trụ cột cho phát triển kinh tế, huyện Bình Liêu đã cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; trong đó, đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Tiêu biểu là việc triển khai mặc trang phục truyền thống dân tộc trong cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện; đến nay, cuộc vận động đã trở thành nền nếp, thói quen, khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào với trang phục truyền thống của mỗi người dân Bình Liêu.
Tại trường Tiểu học Húc Động, xã Húc Động, huyện Bình Liêu, vào ngày khai giảng năm học mới, hay cố định vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần, các thày cô giáo và các em học sinh lại rực rỡ trong những bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc. Em Trần Diệp Anh, dân tộc Sán Chỉ, học sinh lớp 5A, cho biết, khi nhà trường chưa phát động mặc trang phục truyền thống, em chỉ có một bộ trang phục dân tộc truyền thống nên phải giữ gìn rất cẩn thận. Giờ thì em đã có mấy bộ, nên không chỉ các ngày nhà trường yêu cầu, mà em mặc cả thứ 2, thứ 4, thứ 6 với niềm tự hào riêng về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Được biết, phong trào mặc trang phục dân tộc không chỉ được nhân rộng ở trường Tiểu học Húc Động, mà còn lan tỏa đến tất cả các trường học, đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Bình Liêu. Việc mặc trang phục dân tộc không còn là quy định, mà đã dần trở thành niềm yêu thích, tự hào của mỗi học sinh, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân huyện Bình Liêu.
Đầu năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu ban hành Công văn số 367/UBND-VHTT, “Về việc triển khai mặc đồng phục và trang phục truyền thống dân tộc trong cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc”. Bên cạnh đó, Huyện ủy Bình Liêu cũng ban hành công văn về việc triển khai mặc trang phục dân tộc tại các cơ quan, đơn vị nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, tạo nét đẹp văn hóa của đồng bào các DTTS huyện Bình Liêu. Theo đó, huyện sẽ triển khai đồng loạt mặc trang phục truyền thống 2 ngày/tuần và vào các ngày lễ hội, các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước.
Chị Long Thị Hải, giáo viên trường Tiểu học Húc Động chia sẻ: Khi Phòng Giáo dục triển khai phong trào mặc trang phục dân tộc vào một số ngày trong tuần, bản thân chị cảm thấy rất hào hứng và thật sự vui mừng khi phong trào nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thày cô giáo, các em học sinh và phụ huynh học sinh. Ngoài mặc trang phục dân tộc nhà trường còn phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện mở lớp hát Soóng cọ cho các em học sinh, lồng ghép đưa vào chương trình giảng dạy những nội dung liên quan đến văn hóa dân tộc; qua đó, góp phần giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, bồi đắp thêm niềm tự hào về truyền thống dân tộc.
Xác định việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 31-7-2015, “Về phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 29-6-2016, “Về việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, giai đoạn 2016 - 2020”. Những nghị quyết này đã đi vào cuộc sống, góp phần cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số và toàn thể nhân dân huyện Bình Liêu gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc cho các thế hệ hiện tại và mai sau.
Nhằm trao truyền và phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian, huyện đã tích cực triển khai bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của các dân tộc. Huyện đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả 26 câu lạc bộ văn nghệ từ cấp xã đến thôn. Đây là nơi các nghệ nhân thực hành, sáng tác, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ trong cộng đồng dân cư, đóng góp, làm dày thêm kho tàng văn hóa dân gian sẵn có và tạo nguồn cho các hoạt động lễ hội, du lịch của huyện và của tỉnh; tổ chức các lớp truyền dạy hát Then - đàn tính, hát Soóng cọ, hát Pả dung vào trong trường học.
Các nghi lễ truyền thống, như lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán, lễ đón dâu của người Sán Chỉ, nghi lễ lẩu then, giải hạn đầu năm của người Tày… được dày công nghiên cứu, sưu tầm, sân khấu hóa trở thành điểm nhấn hấp dẫn du khách trong các lễ hội, sự kiện của huyện, như Hội mùa vàng, Hội hoa sở. Để văn hóa trở thành tài nguyên cho phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân, những năm qua, huyện Bình Liêu tập trung đầu tư và gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng trong toàn tỉnh về phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Từ việc duy trì tổ chức các hội và lễ hội truyền thống theo hướng ngày càng quy mô, chuyên nghiệp, huyện Bình Liêu không chỉ phục dựng được nhiều nghi lễ cổ xưa có nguy cơ bị mai một, mà còn tôn vinh và nâng tầm di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Tiêu biểu là nghi lễ Then cổ của dân tộc Tày Bình Liêu nằm trong hợp phần di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghi lễ này và nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ ở Bình Liêu cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây chính là động lực quan trọng để các làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ của huyện Bình Liêu ngày càng được lan tỏa, phát huy mạnh mẽ.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu có 4 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; 4 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; 1 loại hình lễ hội truyền thống; 11 di sản loại hình nghề thủ công truyền thống; 22 di sản thuộc tri thức dân gian. Chính sự đa dạng, phong phú về văn hóa đã mang lại cho huyện Bình Liêu một nguồn tài nguyên giá trị về văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc cần bảo tồn và phát triển. Đây cũng là nguồn tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch.
Những chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của huyện Bình Liêu đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách ứng xử với văn hóa của người dân. Chị Loan Thị Thúy, Homestay Hoa Sở (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu), chia sẻ: “Du khách khi đến bản du lịch, họ thích được nghe giới thiệu và trải nghiệm phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt hằng ngày, các làn điệu hát Then của người Tày. Để có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách Homestay, chúng tôi thường xuyên kết nối với các Câu lạc bộ văn nghệ Hoành Mô, Lục Hồn, thị trấn để có thể truyền tải những hình ảnh đẹp nhất về phong tục, tiếng nói, lời ca của dân tộc mình đến du khách. Thời gian tới, tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc mình và tìm hiểu thêm văn hóa các dân tộc Dao, Sán Chỉ để giới thiệu cho du khách, và tích cực vận động bà con tham gia bảo tồn văn hóa truyền thống”.
Tiếp tục giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bình Liêu
Quán triệt Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, xác định văn hóa chính là trụ cột bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của nhân dân, thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng bản người Tày tại thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn), bản người Dao tại Sông Moóc (xã Đồng Văn) và bản người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù (xã Húc Động); tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư, huy động nhân dân tham gia xây dựng mô hình bản văn hóa, biến nơi đây trở thành những “bảo tàng sống”, hướng tới mục tiêu xây dựng Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh.
Ngoài ra, huyện Bình Liêu đã và đang nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Huyện đã hoàn thành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đang hoàn thiện đề cương Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”... nhằm bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống, tạo sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Huyện Bình Liêu cũng quan tâm mở các lớp tập huấn về kỹ năng hướng dẫn viên du lịch. Tăng cường quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch, liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu phối hợp với một số xã, trường học tổ chức các lớp truyền dạy hát Then, đàn tính, hát Soóng cọ,…. nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân; tạo điều kiện để các hạt nhân văn nghệ và quần chúng nhân dân được sáng tạo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ; từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp trên địa bàn.
Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, nên “từ chỗ không có du lịch” đến nay Bình Liêu đã trở thành điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trong bản đồ du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Quảng Ninh và trên bản đồ du lịch Việt Nam. Năm 2023, huyện đón 150.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú 39.170 lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 76,7 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Bằng cách phục hồi, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với du lịch, huyện Bình Liêu đã giữ gìn được các di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn; đồng thời, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống từ những nét đẹp truyền thống của chính dân tộc mình./.
Đổi mới mô hình tăng trưởng tại huyện Sóc Sơn  (03/11/2024)
Bình Liêu chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số  (02/11/2024)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tham gia giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên  (01/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay