Thị xã Đông Triều phấn đấu trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu và đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) gắn liền với cội nguồn nhà Trần - một trong những triều đại vang danh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đông Triều hiện có 128 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và danh thắng, đền chùa, miếu,… trong đó, có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh, 98 di tích kiểm kê... Nơi đây được xem là một trung tâm lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng đặc biệt, là “Trung tâm Phật giáo - văn hóa - danh thắng tiêu biểu và đặc sắc” của nước Đại Việt dưới thời Trần. Với nguồn lực văn hóa này, thị xã Đông Triều phấn đấu xây dựng trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc và tiêu biểu của tỉnh.
Du lịch văn hóa tâm linh - nơi tìm về cội nguồn dân tộc
Văn hóa tâm linh được hiểu là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Tất cả những biểu hiện liên quan đến đời sống tâm linh con người tạo nên văn hóa tâm linh.
Ở Việt Nam, từ xa xưa, văn hóa tâm linh đã giữ một vị trí quan trọng. Trên khắp lãnh thổ Việt Nam mỗi một địa điểm, một vùng, miền đều tồn tại các kiến trúc tâm linh. Đây là nơi mà cứ mỗi dịp lễ, tết người dân Việt Nam thực hành nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của mình.
Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, du lịch tâm linh là một loại du lịch văn hóa, lấy yếu tố tâm linh để thỏa mãn nhu cầu tinh thần cho con người. Du lịch tâm linh thường gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo và những giá trị tinh thần khác. Đây là một trong những nhân tố quan trọng không chỉ mang lại sự tăng trưởng của nền kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần, lòng yêu nước, niềm tin, tinh thần đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước bền vững.
Thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) có 21 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 6 phường và 15 xã. Đông Triều là cửa ngõ phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, có quốc lộ 18A chạy qua mang lại những lợi thế quan trọng trong giao lưu kinh tế trong và ngoài tỉnh thông qua hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đông Triều có tên cổ là An Sinh, đời vua Trần Dụ Tông đổi thành Đông Triều. Một sự kiện lịch sử trên đất này được sử sách ghi là cuộc khởi nghĩa Lê Chân. Đông Triều cũng là quê hương của một chiến khu oanh liệt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (sau này được gọi là Chiến khu thứ tư hoặc Chiến khu Trần Hưng Đạo). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đông Triều là vùng đất chiến tranh du kích nổi tiếng, điển hình là chiến công và gương hy sinh của du kích xã Yên Đức. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đông Triều có hơn 19.000 thanh niên nhập ngũ, dân quân Đông Triều bắn rơi 2 máy bay Mỹ.
Có thể thấy, thị xã Đông Triều là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, vùng đất địa linh nhân kiệt. Với 128 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và danh thắng, đền chùa, nghè, miếu,… trong đó, có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh, 98 di tích kiểm kê… Đây là những di sản vô giá mà đất và người Đông Triều qua nhiều thế hệ đã bảo tồn và gìn giữ, tiêu biểu có thể kể đến như Am - Chùa Ngọa Vân - nơi vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành và nhập niết bàn, hóa Phật; đền An Sinh và lăng mộ các vua Trần đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1962; các khu lăng mộ thờ 8 vị vua Trần được tọa lạc, an vị trên vùng đất thiêng của vòng cung Đông Triều; chùa Trung Tiết (hay còn gọi là chùa Tuyết), nơi thờ 2 vị tướng kiên trung tiết nghĩa của vua Trần Anh Tông; chùa Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của triều đại phong kiến thời nhà Trần, nổi tiếng với bức tượng Phật Di Lặc - là một trong “An Nam tứ đại khí”; đền Thái - nơi thờ tổ tiên của nhà Trần và còn nhiều những điểm di tích, thuộc quần thể di tích nhà Trần ở Đông Triều mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tâm linh đặc sắc của một triều đại có 175 năm trị vì.
“Cú huých” để du lịch văn hóa tâm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Đông Triều có 4 tuyến, 15 điểm du lịch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định công nhận. Để phát triển du lịch nói chung, du lịch văn hóa tâm linh nói riêng, những năm qua, thị xã Đông Triều đã tập trung xây dựng các dự án hạ tầng giao thông kết nối di tích; tu bổ, tôn tạo di tích. Ngày 10-4-2016, Thị ủy Đông Triều ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về phát triển du lịch thị xã Đông Triều, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, thị xã Đông Triều đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, như tuyến đường vào các lăng mộ vua Trần, tuyến đường hành hương kết nối khu du lịch di tích Yên Tử với Hồ Thiên - Ngọa Vân, hình thành hệ thống cáp treo… Giai đoạn 2017 - 2021, phối hợp với Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup huy động nguồn lực phát tâm công đức gần 300 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích nhà Trần.
Bên cạnh đó, thị xã Đông Triều tăng cường triển khai công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền trực quan qua hệ thống pa-nô, băng-rôn, khẩu hiệu; xây dựng các website du lịch Đông Triều, xúc tiến đầu tư Đông Triều, di sản văn hóa nhà Trần,… Tổ chức các hội nghị, tọa đàm về du lịch, hội nghị báo cáo kết quả công tác khai quật khảo cổ đối với di tích trên địa bàn; thực hiện công khai đường dây nóng tại các điểm du lịch để tiếp nhận thông tin của người dân và khách du lịch; quyết liệt và xử lý kịp thời các ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan trong lĩnh vực du lịch. Nhờ đó, du lịch Đông Triều đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của thị xã; nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân về du lịch đã có những thay đổi rõ nét. Bước đầu các sản phẩm du lịch, các tuyến, điểm du lịch của thị xã Đông Triều được quản lý và khai thác hiệu quả. Giá trị từ hoạt động du lịch và dịch vụ có chiều hướng gia tăng. Thị trường khách du lịch nội địa đến với Đông Triều ngày càng nhiều và bảo đảm tính bền vững trong phát triển du lịch địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị xã Đông Triều đón gần 630.000 lượt khách, tăng 57,3% so với cùng kỳ, đạt 74% so với chỉ tiêu tỉnh giao và đạt 52,4% so với chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, du lịch chưa thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của thị xã Đông Triều. Doanh thu từ du lịch và tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của Đông Triều chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động du lịch còn mang tính thời vụ, công tác quảng bá chưa tạo được tiếng vang, sức hấp dẫn đặc thù, chưa tạo được những sản phẩm, thương hiệu du lịch đặc trưng. Xúc tiến đầu tư về du lịch còn hạn chế, thiếu đồng bộ, quy mô thiếu chặt chẽ, tính chuyên nghiệp chưa cao, hiệu quả thấp. Các điểm di tích, các vùng sinh thái chưa được khai thác hiệu quả. Lượng khách du lịch hằng năm tăng mạnh nhưng thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu bình quân của khách du lịch chưa cao nên doanh thu thấp. Nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; đội ngũ hướng dẫn viên và những người làm du lịch chuyên nghiệp còn thiếu, chưa chuyên sâu…
Phát huy lợi thế, đón vận hội mới
Xác định phát triển văn hóa - du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, thị xã Đông Triều đã dành nguồn ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; phối hợp với các cấp, ngành, tăng cường công tác huy động xã hội hóa đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, kết nối, tu bổ, tôn tạo các di tích, góp phần phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn. Ngày 7-9-2023, Thị ủy Đông Triều ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU “Về phát triển du lịch thị xã Đông Triều đến năm 2023, định hướng đến năm 2040”. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ: Phát triển du lịch thị xã Đông Triều theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột “Thiên nhiên - Con người - Văn hóa”, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ và phát huy điều kiện thiên nhiên, giá trị lịch sử văn hóa, con người Đông Triều; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Xây dựng ngành du lịch Đông Triều chất lượng đẳng cấp khu vực, vừa là điểm hấp dẫn, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh cao. Phát triển du lịch Đông Triều trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm đón du khách trong và ngoài nước; trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu ngành dịch vụ của thị xã, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh bền vững. Phát triển ngành du lịch thực sự chuyên nghiệp, trên cơ sở chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đổi mới, sáng tạo.
Trong thời gian tới, thị xã Đông Triều cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng về phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm du lịch và tăng cường hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch bền vững…
Cùng với đó là nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp với những hoạt động xúc tiến để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển mạnh thị trường khách nội địa với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái…; hình thành khu du lịch tâm linh gắn với nghỉ dưỡng; thực hiện liên kết vùng, thị xã, đầu tư nâng cấp đường giao thông phục vụ phát triển du lịch, như tuyến đường hành hương chạy theo thung lũng và trên triền núi từ kinh đô phật giáo Thiền phái Trúc lâm Yên Tử (thành phố Uông Bí) sang chùa Hồ Thiên, Ngọa Vân, Quỳnh Lâm (thị xã Đông Triều) kéo dài lên Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và con đường Tây Yên Tử đi sang chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang)…. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở lưu trú, ăn uống, kinh doanh dịch vụ văn hóa; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động du lịch nhằm xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh tại các khu, điểm du lịch, các loại hình vui chơi, giải trí…/.
Phát triển bền vững kinh tế biển, tạo bước phát triển đột phá của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn tới  (11/12/2023)
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh  (10/12/2023)
Tỉnh Quảng Ninh đổi mới tư duy phát triển và phương thức lãnh đạo  (08/12/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp