55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương

Vũ Thùy Linh
Tạp chí Cộng sản
06:33, ngày 30-08-2024

TCCS -  Ngày 29-8-2024, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)”. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo. 

Toàn cảnh Hội thảo_Ảnh: Thùy Linh

Các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; TS Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Phạm Thanh Hà, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; đại diện thường trực, trưởng ban tuyên giáo, các đảng viên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của các đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối và đoàn viên, thanh niên xuất sắc, tiêu biểu trong các cơ quan Trung ương.

Hội thảo được tổ chức trong những ngày tháng tám lịch sử, cùng với nhiều hoạt động trên cả nước hướng tới kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, là hoạt động có ý nghĩa thiết thực thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo_ Ảnh: Thùy Linh

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, 55 năm qua, tư tưởng và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nghị lực và ý chí toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, “thoả lòng mong ước của Người”. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và then chốt. Xây dựng Đảng về đạo đức gắn với xây dựng văn hóa liêm chính, coi văn hóa liêm chính là nền tảng xây dựng ý thức và đạo đức của cán bộ, đảng viên, đồng thời, “xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực. Muốn xóa bỏ triệt để, tận gốc tham nhũng, tiêu cực, việc xây dựng văn hóa liêm chính với tinh thần như đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” chính là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Thời gian qua, công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan Trung ương có nhiều chuyển biến tích cực. Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đội ngũ cán bộ các cơ quan Trung ương cần thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để triển khai toàn diện, đồng bộ, sâu sắc công tác xây dựng Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo, hạt nhân chính trị của tổ chức đảng, trước hết tập trung thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Phát huy tinh thần trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”” và Chuyên đề năm 2024 của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương “Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của các cơ quan Trung ương”. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng; lựa chọn vấn đề trọng tâm, then chốt, khâu đột phá để ban hành các nghị quyết chuyên đề và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Đồng thời, tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong các cơ quan Trung ương, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo_Ảnh: Thùy Linh

Phát biểu đề dẫn và khai mạc hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô cùng quý giá ở tầm cương lĩnh của Đảng - một bảo vật quốc gia, kết tinh tình cảm và tâm huyết suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, tận trung Tổ quốc, với Đảng, tận hiếu với nhân dân; hội tụ trí tuệ lỗi lạc, thể hiện sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách mẫu mực, trái tim nhân ái bao la của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Bao quát trong Di chúc của Bác vẫn là tình cảm cao đẹp, đạo đức trong sáng và nghĩa tình sâu nặng suốt đời vì nước, vì dân của Hồ Chí Minh - Người mà từ thủa thiếu niên cho đến lúc từ biệt thế giới này đã sống “một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc đã trọn đời phấn đấu, hy sinh cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và sự tiến bộ của nhân loại. Suốt chặng đường 55 năm trôi qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại và luôn là nguồn sáng dẫn đường, sọi rọi cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững vàng tiến bước trên hành trình cách mạng. 

Hội thảo nhận được hơn 100 báo cáo và 9 tham luận phát biểu tại hội thảo của các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu,… từ nhiều cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương, trong đó tập trung phân tích, lý giải, góp phần làm sáng rõ hơn nội dung, tầm vóc và giá trị của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm thực hiện Di chúc của Người trong các cơ quan Trung ương. Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã đề cập tới những vấn đề cốt lõi liên quan tới thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó tập trung vào một số nội dung: Triết lý đổi mới và phát triển trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa đối với công cuộc đổi mới hiện nay; thực hành dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những giá trị trường tồn về đoàn kết quốc tế trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Từ đó nêu bật những thành tựu, bài học kinh nghiệm qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương; làm rõ ý nghĩa định hướng trong Di chúc của Người đối với cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương.

PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo_Ảnh: Thùy Linh

Phát biểu tại hội thảo, với tham luận “Phát huy giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tạp chí Cộng sản”, PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện giá trị lý luận và thực tiễn trên 5 điểm. Thứ nhất, xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhiệm  vụ  quan  trọng  hàng  đầu, là nền tảng cho mọi thành công của sự nghiệp cách mạng. Thứ hai, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là tư tưởng lớn trong Di chúc, có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc. Thứ ba, trong Đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Thứ tư, tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng là tư tưởng lớn, xuyên suốt trong Di chúc, có giá trị lý luận và thực tiễn đặc biệt sâu sắc. Thứ năm, kiên định mục tiêu cách mạng của Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vận dụng giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tạp chí Cộng sản thời gian qua, đồng chí PGS, TS Lê Hải Bình khẳng định, là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tạp chí Cộng sản có nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền lý luận chính trị. Những giá trị lý luận và thực tiễn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò, ý nghĩa to lớn, là định hướng cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng nói chung và Tạp chí Cộng sản nói riêng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, nhân dân giao phó.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đánh giá cao các ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết của các đại biểu. Các ý kiến trao đổi tại hội thảo đều khẳng định, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô cùng quý giá của Đảng và dân tộc Việt Nam, của nhân loại tiến bộ trong thời đại mới. Các tham luận đã tập trung nghiên cứu, luận giải tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn kiện đã soi đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó làm sáng rõ từng nội dung của Di chúc liên quan đến lĩnh vực hoạt động, công tác của các ban, bộ, ngành Trung ương; khắc họa lên bức tranh rõ nét, sinh động về kết quả qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan, đơn vị.

TS Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phát biểu kết luận hội thảo_Ảnh: Thùy Linh

Đồng chí Nguyễn Văn Thể khẳng định, qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, trong thành tựu chung đó có kết quả đóng góp của các cơ quan Trung ương. Nhiều tham luận đã thể hiện sự trăn trở, tâm huyết và mạnh dạn đề xuất các kiến nghị, định hướng giải pháp để tiếp tục xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, hoàn thành di nguyện tha thiết và thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhiều kiến nghị, định hướng giải pháp trong các tham luận khá sát hợp, có tính khả thi cao, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn. Các ý kiến của đại biểu, các nhà khoa học sẽ được ban tổ chức hội thảo tiếp thu, trên cơ sở đó biên tập làm tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo di sản Hồ Chí Minh; góp phần thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và sự nghiệp cách mạng do Người tìm đường, mở đường và dẫn đường; xây dựng thành công nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như di nguyện cuối cùng của Người.

Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)” một lần nữa khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của bản Di chúc; truyền trao, khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội ý chí quyết tâm, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, từ đó chuyển hóa thành hành động để mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng./.