Cần cơ chế tôn vinh thợ giỏi trong bảo tồn và phát triển nghề làng nghề truyền thống ở Ninh Bình
TCCS - Trên hành trình phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề, nghệ nhân luôn đóng một vai trò quan trọng. Là tỉnh có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp được hình thành, phát triển từ rất sớm, Ninh Bình triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giúp các nghệ nhân truyền nghề và giữ nghề, trong đó có lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Nơi sản sinh ra nhiều nghệ nhân, thợ giỏi có tay nghề cao
Giống như nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, trong lịch sử phát triển kinh tế của Ninh Bình, bên cạnh các hoạt động nông nghiệp truyền thống, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng được hình thành và phát triển từ rất sớm. Từ thế kỷ thứ IX và X, Ninh Bình đã có các nghề thủ công khá phát triển, như sản xuất gạch, ngói trang trí, chế tác xây dựng, sản xuất bát đĩa và đồ gốm sứ tráng men, nghề rèn, mộc, đúc đồng, đan lát, chạm khắc đá mỹ nghệ…
Đến nay, các làng nghề truyền thống Ninh Bình cơ bản vẫn hoạt động theo mô hình kinh tế truyền thống, song một số làng đã có sự thay đổi nhất định, tìm được nguồn xuất khẩu sang nước ngoài với số lượng lớn, đẩy mạnh quá trình sản xuất và tiêu thụ của làng nghề. Theo đó, các loại hình kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình tăng lên, với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng thủ công truyền thống được hình thành.
Hiện nay, toàn tỉnh có 77 làng nghề được công nhận, trong đó có 63 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Đa số các làng nghề đều hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Tổng doanh thu của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp năm 2018 là 526 tỷ đồng, năm 2019 đạt 769 tỷ đồng, năm 2020 đạt 1.060 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.199 tỷ đồng và đến năm 2022, tổng doanh thu của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp là 2.477 tỷ đồng.
Nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp có lịch sử hình thành lâu đời, người dân tích lũy kinh nghiệm qua nhiều thế hệ, quy trình sản xuất qua thời gian cơ bản đã hoàn thiện. Uy tín, tên tuổi của nhiều làng nghề được khẳng định trên thị trường, như làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng nghề gốm cổ Bồ Bát, làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm... Trải qua quá trình hình thành và phát triển, các làng nghề thu hút nhiều lao động, đồng thời cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều nghệ nhân, thợ giỏi có tay nghề cao, giàu tâm huyết với sự phát triển của làng nghề. Nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã được tỉnh chú trọng vinh danh, góp phần thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến năm 2021, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình - cơ quan thường trực Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú tại tỉnh Ninh Bình - đã tham mưu trình Hội đồng chuyên ngành cấp bộ xem xét trình Hội đồng cấp nhà nước và Chủ tịch nước tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho bốn cá nhân thuộc nghề gốm sứ, gỗ mỹ nghệ, đá mỹ nghệ và nghề thêu. Kết quả, cả bốn cá nhân đều được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Thực hiện Kế hoạch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ lần thứ 5, năm 2022, Sở Công Thương tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi cư trú của các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, tham mưu cho Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân của tỉnh trình Hội đồng xét tặng nghệ nhân cấp bộ xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực thủ công mỹ nghệ cho hai cá nhân trong lĩnh vực nghề nghề thủ công mỹ nghệ. Đến nay, Hội đồng chuyên ngành cấp bộ đã trình đề nghị Hội đồng cấp nhà nước để phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực thủ công mỹ nghệ cho hai cá nhân đã đề xuất.
Bám sát quan điểm, định hướng được đặt ra trong Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7-7-2022, tại Quyết định số 801/QĐ-TTg, các sở, ngành tỉnh Ninh Bình thường xuyên chủ động phối hợp tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các chính sách phát triển làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển các nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống và làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; chú trọng thực hiện một trong bốn nhiệm vụ đề ra của Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 là phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi.
Cần cơ chế tôn vinh thợ giỏi tiêu biểu cấp tỉnh
Tuy nhiên, thực tế đặt ra những khó khăn trong việc phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi ở tỉnh Ninh Bình. Thực hiện Thông tư số 01/2007/TT-BCN, ngày 11-1-2007, của Bộ Công nghiệp hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú; Thông tư số 26/2011/TT-BCT, ngày 11-7-2011, của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2007/TT-BCN, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND, ngày 8-1-2013, về việc Quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình và Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND, ngày 6-7-2016, của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh cho nhiều cá nhân. Song, khi Nghị định số 123/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được ban hành, các văn bản khác trước đây trái với quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ. Như vậy, Thông tư số 01/2007/TT-BCN, ngày 11-1-2007, hết hiệu lực thi hành.
Thêm vào đó, trong Nghị định số 123/2014/NĐ-CP (và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, như Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua - Khen thưởng, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP…) không phân cấp cho ủy ban nhân tỉnh ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh. Vì vậy năm 2020, Ủy ban nhân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND, ngày 8-1-2013 và Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND, ngày 6-7-2016, về việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh.
Theo đó, tỉnh Ninh Bình hiện không tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh. Trong khi đó, Nghị định số 43/2024/NĐ-CP, ngày 19-4-2024, của Chính phủ, quy định chi tiết xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đòi hỏi nghệ nhân phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương… Với Nghệ nhân nhân dân, phải có thời gian hoạt động nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với Nghệ nhân ưu tú, phải có thời gian hoạt động nghề từ 15 năm trở lên.
Như vậy, để đạt danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo Nghị định số 43/2024/NĐ-CP là rất khó, nhiều nghệ nhân sẽ phải chờ đợi khá lâu. Tuy nhiên, trong quá trình làm nghề, trong mặt bằng chung, đối với những người thợ giỏi, có tay nghề cao, việc đạt được một danh hiệu nhất định, như Nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh mà tỉnh Ninh Bình từng tổ chức xét tặng cũng là một danh hiệu ý nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm nghề, khuyến khích họ theo đuổi nghề, là động thái ý nghĩa thể hiện sự quan tâm đối với người làm nghề. Nhiều nghệ nhân từng đạt được danh hiệu Nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh của Ninh Bình cũng khẳng định điều này. Các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh trước đây đều là các cá nhân có uy tín, có nhiều cống hiến, tâm huyết, tận tụy với nghề; có kỹ năng, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt trong thiết kế, kỹ thuật chế tác làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế và mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Ninh Bình. Việc công nhận Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ đã tạo động lực cho các cá nhân được phong tặng phát huy tinh thần yêu nghề, tâm huyết với nghề, truyền nghề qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương.
Chính vì vậy, theo quy định, việc Ủy ban nhân tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND, ngày 8-1-2013 và Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND, ngày 6-7-2016, về việc xét tặng danh hiệu nghê nhân thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh là bắt buộc, song cũng không khỏi khiến nhiều người làm nghề, đặc biệt những tay nghề giỏi tâm tư. Thực tế cũng cho thấy, việc ghi nhận, biểu dương công lao đóng góp nhằm tôn vinh những người thợ giỏi tiêu biểu cấp tỉnh nếu không được kịp thời, sẽ giảm đi phần nào các phong trào thi đua phát triển nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh.
Rõ ràng, việc tôn vinh nghệ nhân là một trong những yếu tố quan trọng để bảo tồn làng nghề. Đây là chỗ dựa vững chắc cho làng nghề tồn tại và phát triển. Vì vậy, tỉnh Ninh Bình rất mong muốn cơ quan có thẩm quyền xem xét, giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ tiêu chuẩn Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú để ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ; đồng thời động viên, khích lệ các cá nhân có tay nghề giỏi phát huy tài năng, trí tuệ để bảo tồn và phát triển nghề, nhất là các nghề truyền thống lâu năm có xu hướng bị thất truyền./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  (29/05/2024)
Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương  (22/12/2023)
Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới  (14/10/2023)
Ninh Bình: Định dạng bản sắc gắn với xây dựng thương hiệu địa phương  (27/08/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên