Sáng ngày 25-3-2008, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc tiếp xúc cử tri của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội về một số cơ chế, chính sách để kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển bền vững sau khi Việt Nam là thành viên WTO.

Các đồng chí: Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Lê Văn Hoạt, Ủy viên Hội đồng nhân dân, Trưởng ban Kinh tế ngân sách - Hội đồng nhân dân thành phố; đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thương mại Hà Nội, cùng đông đảo đại biểu cử tri đến từ các hiệp hội doanh nghiệp, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh... 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã khẳng định những thành công to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong năm 2007 và quý I/ 2008. Đồng chí cũng nhấn mạnh yêu cầu cần phát triển bền vững Thủ đô sau khi Việt Nam là thành viên WTO và đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến nhằm gợi mở và góp phần hoàn thiện một số cơ chế, chính sách cần thiết mà Thành phố cần sớm triển khai cho mục tiêu này.

Tại Hội nghị, đồng chí Triệu Đình Phúc, Giám đốc sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội đã trình bày vắn tắt một số kết quả và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong quý I năm 2008 và những tháng còn lại trong năm. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoàng, Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đã trình bày 7 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển Thủ đô bền vững sau khi Việt Nam là thành viên của WTO và nêu danh mục các cơ chế, chính sách có liên quan sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố năm 2008.

8 cơ chế chính sách trình Hội đồng Nhân dân Thành phố tại kỳ hợp thứ 12 khóa XIII, gồm:

- Cơ chế khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao trên địa bàn Thành phố.
- Cơ chế hỗ trợ và đào tạo nghề cho người lao động khi thu hồi đất nông nghiệp.
- Cơ chế hỗ trợ đầu tư cho chăn nuôi theo hướng tập trung xa khu dân cư trên địa bàn Hà Nội.
- Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Cơ chế khuyến khích nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Cơ chế khuyến khích phát triển các trường cao đẳng, trung cấo dạy nghề trình độ cao, chất lượng cao của Thành phố Hà Nội.
- Cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Cơ chế xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
 
13 cơ chế, chính sách sẽ trình trong kỳ họp tiếp theo, gồm:
 
- Chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến 2020.
- Chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của Thành phố, giai đoạn 2007-2012.
- Ba cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất áp dụng biện pháp xử lý chất thải tiêu chuẩn môi trường; áp dụng chương trình sản xuất nước sạch hơn; áp dụng tiêu chuẩn ISO 14000.
- Cơ chế áp dụng các hình thức đầu tư mới có sử dụng vốn đầu tư nước ngoài như BTO, BOT, BT, PPP... trong đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cung cấp dịch vụ.
- Cơ chế hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO và sở hữu trí tuệ.
- Thành lập Quỹ xúc tiến du lịch Hà Nội.
- Cơ chế khuyến khích đầu tư các chợ đầu mối, trung tâm bán buôn, trung tâm logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội.
-Cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ tại các xã khó khăn trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Cơ chế bình đẳng của nhà đầu tư trong, ngoài nước với các dự án sử dụng đất.
- Chính sách xã hội hóa trong công tác quản lý, vận hành, khai thác nhà chung cư phục vụ tái định cư thực hiện các dự án phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Khuyến khích phát triển dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Quy chế hỗ trợ doanh nghiệp Công nghệ thông tin nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề cũng nêu lên những khó khăn, bức xúc liên quan đến thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước đối với kinh tế.

Đại biểu đại diện cho ngành công nghiệp ô tô của Hà Nội cho rằng chưa bao giờ chính sách đối với doanh nghiệp lại cởi mở như bây giờ... nhưng điều đó chưa đủ vì vấn đề vướng mắc hiện nay là ở chỗ Hà Nội có nhiều “khoảng trống” trong khâu sử dụng công nghệ nhất là công nghiệp sử dụng công nghệ cao. Những công nhân có tay nghề cao có thể sử dụng được các máy móc hiện đại hiện nay vô cùng khan hiếm. Các sinh viên tốt nghiệp công nghệ thông tin ở trong nước phải học thêm 4-5 năm nữa mới làm việc được.

Đại biểu cũng chỉ rõ sự bất cập của chính sách tỷ giá hiện nay, khiến các doanh nghiệp bị “đắt đỏ” trong khâu nhập nguyên liệu đầu vào ... Các doanh nghiệp rất mong Thành phố có cơ chế hỗ trợ về đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Đại biểu đại diện cho làng nghề gốm Bát Tràng cũng nêu nguyện vọng của làng nghề về các sản phẩm thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất.

Năm 2008 là năm trọng tâm, bản lề có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo hoàn thành thắng lợi và phấn đấu về đích trước các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2006-2010); là năm tập trung các nguồn lực triển khai Chương trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh việc xin ý kiến đóng góp và đề xuất, kiến nghị của cử tri về các cơ chế, chính sách kể trên, Hội nghị còn tập trung bàn biện pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình biến động giá cả, tài chính hiện nay.