Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn, phải có tầm nhìn vượt trước
TCCS - Ngày 30-10-2021, tại Thủ đô Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (30-10-1996 - 30-10-2021). Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự, phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Lý luận Trung ương qua các nhiệm kỳ...
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, cách đây 25 năm, trước yêu cầu tăng cường và đổi mới công tác nghiên cứu lý luận chính trị, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 06-QĐ/TW, ngày 30-10-1996, thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương. Kế thừa, phát huy kinh nghiệm của các tổ chức tiền thân là Ban Nghiên cứu Lý luận Trung ương, Viện Mác - Lê-nin, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ nhất, về nhiệm vụ tư vấn phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bám sát chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nắm bắt, tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trước yêu cầu phát triển của đất nước, phát huy cao độ trí tuệ của đội ngũ trí thức, khoa học trong cả nước, Hội đồng Lý luận Trung ương chủ động xác định, lựa chọn những vấn đề lý luận chính trị cốt lõi, cấp bách để xây dựng các báo cáo tư vấn; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ tư vấn do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp giao. Nội dung các báo cáo tư vấn ngày càng toàn diện, phong phú, có chất lượng cao, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận chính trị mới, luận giải những bất cập, những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển đất nước, góp phần xây dựng các nghị quyết, chỉ thị và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; trong hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, về tổ chức hoạt động nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn.
Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn là công tác trung tâm, luôn được Hội đồng Lý luận Trung ương coi trọng và đẩy mạnh. Các chương trình, đề tài, đề án, báo cáo chuyên đề do Hội đồng Lý luận Trung ương thực hiện đã góp phần xác định rõ hơn mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; làm rõ các mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết trong quá trình đổi mới; khẳng định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phân tích, luận giải về nội dung và bước đi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Thứ ba, về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hội đồng Lý luận Trung ương chủ động đề xuất, cung cấp những luận cứ lý luận - thực tiễn, trực tiếp vạch trần và phản bác đanh thép âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc, phủ nhận các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 35 của Trung ương tổ chức các hoạt động nghiên cứu, xây dựng luận cứ đấu tranh, vừa trực tiếp cùng các cơ quan, tổ chức của Đảng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, nhất là trên lĩnh vực lý luận, vừa góp phần giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về nội dung, cách thức chống phá của các thế lực thù địch, qua đó uốn nắn những nhận thức mơ hồ, lệch lạc...
Thứ tư, về hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi lý luận, khoa học lý luận chính trị.
Với vai trò là cơ quan chủ trì, Hội đồng Lý luận Trung ương chủ động phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan có liên quan tổ chức thành công 42 cuộc hội thảo lý luận giữa Đảng ta với một số đảng cộng sản, đảng cầm quyền trên thế giới, như Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Cộng sản Nhật Bản, Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Dân chủ xã hội Đức... Qua đó, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn đường lối phát triển, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng ta, góp phần tăng cường sự ủng hộ của quốc tế với sự nghiệp đổi mới đất nước của Việt Nam.
Thứ năm, về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của Hội đồng, cơ quan Hội đồng.
Mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương trong 25 năm qua luôn được quan tâm kiện toàn, từng bước phát triển theo hướng tinh gọn, thực chất, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Hội đồng Lý luận Trung ương xây dựng, hoàn thiện các quy chế, nhằm tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng như quyền hạn của các tiểu ban, của đội ngũ cán bộ, công chức, thư ký khoa học, cộng tác viên, chuyên gia, người lao động, để có một cộng đồng đoàn kết, gắn bó vì công việc chung.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao những thành tích to lớn của Hội đồng Lý luận Trung ương đóng góp cho công tác lý luận của Đảng, cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Thường trực Ban Bí thư trân trọng cảm ơn và ghi nhận công lao đóng góp của thành viên Hội đồng qua các nhiệm kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học đối với sự phát triển và trưởng thành của Hội đồng Lý luận Trung ương 25 năm qua.
Trải qua 25 năm, với 5 nhiệm kỳ hoạt động, Hội đồng Lý luận Trung ương đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình, quy tụ, kết nối trí tuệ, tri thức; kiên định, sáng tạo; không ngừng đổi mới mô hình và phương thức hoạt động; tập hợp đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, các viện nghiên cứu, học viện và các trường đại học; nghiêm túc kế thừa thành quả, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ, đạt được những bước phát triển quan trọng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của Đảng và đất nước. Những thành tựu nổi bật của Hội đồng Lý luận Trung ương trong một phần tư thế kỷ qua là: Thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn những vấn đề lý luận chính trị, nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ trực tiếp sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như phục vụ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng. Hội đồng Lý luận Trung ương đã tiến hành nghiên cứu lý luận cơ bản, gắn với tổng kết thực tiễn một cách hệ thống, góp phần luận giải về lý luận nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn công cuộc đổi mới. Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì tổ chức nghiên cứu hệ thống các đề tài khoa học lý luận chính trị trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu nhất quán, góp phần đổi mới, bổ sung, phát triển tư duy lý luận, thống nhất nhận thức về những vấn đề lý luận chính trị; từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Các nghiên cứu của Hội đồng khẳng định những giá trị bền vững, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; cung cấp tri thức mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cao cấp và lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng; cung cấp luận cứ đấu tranh và trực tiếp tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Hội đồng Lý luận Trung ương phát huy tốt vai trò là cơ quan chủ trì về mặt chuyên môn, tổ chức có hiệu quả các cuộc trao đổi lý luận với một số đảng cộng sản và đảng cầm quyền, góp phần duy trì, củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các cơ quan nghiên cứu lý luận của nhiều chính đảng trên thế giới; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quý, những bài học thành công của các nước, cũng như giới thiệu đường lối, chính sách, thành tựu của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lý luận đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng như vai trò, trọng trách của Hội đồng Lý luận Trung ương trước yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương cần quán triệt sâu sắc mục tiêu, nhiệm vụ công tác lý luận trong thời gian tới theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2016 - 2021, ngày 17-4-2021, góp phần khắc phục tình trạng còn lạc hậu về lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn, thúc đẩy phát triển lý luận vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn, có tầm nhìn vượt trước. Đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một bước để hoàn thiện hơn nền tảng tư tưởng của Đảng; và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ rất hệ trọng và rất vẻ vang, Hội đồng Lý luận Trung ương cần sớm cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Tại lễ kỷ niệm, các thành viên Hội đồng đã đánh giá cao kết quả của những nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ, công chức, thư ký khoa học, cộng tác viên, chuyên gia, người lao động trong cơ quan Hội đồng, các đồng chí ủy viên Hội đồng qua các nhiệm kỳ và đặc biệt là sự đoàn kết, trách nhiệm cao, chủ động và sáng tạo của tập thể các đồng chí trong Thường trực Hội đồng trong suốt 5 nhiệm kỳ qua.
Phát biểu bế mạc lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng trân trọng cảm ơn đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương đã tới dự lễ kỷ niệm. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với công tác lý luận của Đảng, là nguồn động viên to lớn đối với đội ngũ những người làm công tác lý luận nói chung và với Hội đồng Lý luận Trung ương nói riêng./.
Ngày làm việc thứ ba của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  (06/10/2021)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (26/09/2021)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên