Tạo đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
TCCS - Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, ngành nông nghiệp Thủ đô đã chọn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm những mũi nhọn tạo đột phá cho giai đoạn phát triển mới.
Những kết quả bước đầu
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 120 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, huyện Mê Linh có 18 mô hình, huyện Gia Lâm 17 mô hình, huyện Thường Tín 14 mô hình… 20 nhãn hiệu tập thể được xây dựng cũng đang phát triển rất hiệu quả như Khoai lang Đồng Thái (huyện Ba Vì), Bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng), Nhãn chín muộn (huyện Hoài Đức).... Tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố đạt trên 30%. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10% - 12%. Nhờ đó, giá trị kinh tế gia tăng từ 25 - 30%.
Nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội đem lại thành quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, các mô hình mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần. Vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là nguồn vốn và quỹ đất. Để đầu tư cho 1 ha đất ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp cần số vốn từ 1,5 tỷ đến hơn 2 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, quỹ đất và nguồn vốn là hai rào cản lớn nhất đối với Hà Nội trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp ở những cấp độ khác nhau. Cụ thể, như Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND, ngày 8-7-2015, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình có dự án, phương án đầu tư phát triển sản xuất giống; sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao vay vốn từ các quỹ của thành phố… Đặc biệt, trong Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019-2020, thành phố dành hơn 204 tỷ đồng hỗ trợ chương trình nông nghiệp công nghệ cao; 233 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Đối với quỹ đất, ngoài việc quy hoạch các khu công nghệ cao để tạo quỹ đất sạch, các địa phương cũng đã linh hoạt triển khai nhiều phương thức thu hút đầu tư.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, ngoài các chính sách hỗ trợ của thành phố và địa phương, doanh nghiệp cần chủ động vận dụng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, như gói vay 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao… Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự tham gia của các người dân, doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Để khai thác hiệu quả các lợi thế riêng có của Hà Nội, giai đoạn 2020 - 2025, ngành nông nghiệp Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 2,7% đến 3%/năm... Thành phố sẽ chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ có công nghệ cao hỗ trợ trong khâu tạo giống, làm đất, bón phân, bảo vệ thực vật... để cho năng suất, chất lượng tốt nhất.
Do đặc thù diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn manh mún - dù đã dồn điền đổi thửa nhưng mỗi hộ cũng chỉ có 2-3 sào ruộng nên chỉ có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mới tạo được bước chuyển mới về năng suất và chất lượng nông sản. Thực tế cho thấy, Hà Nội khó có thể hình thành những mô hình ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn như các tỉnh, nhưng với quy mô từ 1 đến 2 ha, nếu ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn sẽ mang đến hiệu quả không nhỏ. Mặt khác với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Hà Nội có thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 8 triệu dân và hàng triệu khách du lịch mỗi năm... Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ nên đây là thị trường rất tiềm năng để nông dân Hà Nội hướng tới. Đặc biệt, để xây dựng những sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho xuất khẩu, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển thương hiệu; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất nông sản hướng tới xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Cùng với đó, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ... Đặc biệt, ngành nông nghiệp tập trung vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thành phố và làm trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương khác... Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung đầu tư các công trình đê điều, thủy lợi quan trọng, như Cụm công trình đầu mối Liên Mạc; cải tạo, nâng cấp Trạm bơm tưới Phù Sa; dự án cải tạo, khôi phục sông Tích,... để bảo đảm tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh vai trò của Nhà nước, chính quyền, doanh nghiệp và các nhà khoa học, cần có sự tham gia của truyền thông, bởi sản phẩm làm ra nhưng người dân không biết đến, khó tiếp cận và không được thụ hưởng, hiệu quả sản xuất cũng không đạt yêu cầu. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của thành phố Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ lên đời sống kinh tế - xã hội. Để đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, trước hết, Hà Nội phải gỡ được các rào cản cơ bản, nhất là về nguồn vốn và đất đai, tạo đà cho sự phát triển./.
Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội  (15/10/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội  (14/10/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển