Tư tưởng nhân văn sâu sắc trong Di chúc Bác Hồ

Chu Thái Thành
16:35, ngày 21-08-2009

TCCSĐT - Trên thế giới có nhiều nhà lãnh đạo thiên tài, kiệt xuất, nhưng có lẽ ít ai trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng đã để lại bản Di chúc lịch sử cụ thể, chu đáo và cẩn trọng như Bác Hồ. Di chúc của Bác khiến lòng ta xúc động, trước hết vì tư tưởng nhân văn sâu sắc của vị lãnh tụ vô cùng kính yêu mà hình ảnh và sự nghiệp vĩ đại của Người mãi mãi không thể phai mờ trong trái tim của người đương thời cũng như của bao thế hệ nối tiếp. Đó còn là muôn vàn tình thương yêu Bác để lại cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng...

Bác dành tình cảm đặc biệt cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công

Ngày 19-5-1968, sau khi tiếp khách đến chúc thọ, Bác Hồ thấy cần phải “viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết” vào Di chúc. Trong mấy điểm ấy, Bác nhấn mạnh: Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong..), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của họ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.

Những lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với thương binh, gia đình liết sĩ và người có công với cách mạng thấm đượm truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác Hồ thường xuyên dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh và gia đình liệt sĩ. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến trước lúc đi xa, hầu như năm nào Bác cũng gửi thư, tặng quà tới thương binh và gia đình liệt sĩ. Trong giáo dục lòng yêu nước, Bác thường căn dặn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ “Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”, phải chăm lo đến thương binh, gia đình liệt sĩ. Họ là những người vì độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân mà đã anh dũng hy sinh, cống hiến xương máu. Bác dạy: Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Bác quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân

Trong Di chúc Bác thể hiện sự thông cảm và thương yêu vô bờ bến “nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”. Người ca ngợi: “ nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng”. Bởi vậy, “ Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Trăn trở nhiều đến nông dân, Bác nói: “ Trong bao năm chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau mỗi lần chiến thắng, ông cha ta lại có kế sách để bồi dưỡng sức dân, tăng cường lực lượng. Di chúc của Bác đã kế thừa truyền thống lâu đời đó của dân tộc ta.

Tình thương bao la của Bác còn tỏa sáng đến một lớp người của xã hội cũ để lại. Bác dặn chúng ta: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v., thì Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Bác chú trọng đến việc vạch kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng, “to đẹp sáng trời Đông”. Hơn nữa, phải khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Trong muôn vàn tình thân yêu để lại cho toàn dân, toàn Đảng, Bác không bỏ sót một ai. Lòng nhân ái của Bác thật rộng rãi, bao la, như một nhà văn đã viết: Hồ Chí Minh là con người của chủ nghĩa nhân đạo theo ý nghĩa đầy đủ nhất.

"Về việc riêng...", cũng là suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước

"Về việc riêng...", Bác không nói "cá nhân" hay "bản thân", mà nói riêng, việc riêng. Bởi vì, suốt đời Bác phấn đấu cho hạnh phúc chung của toàn dân. Cái riêng của Bác hòa trong cái chung của dân tộc. Suốt đời Bác vì dân, vì Đảng cho nên hầu như không có lúc nào nghĩ đến bản thân mình. Vì thế, trước lúc đi xa, Bác "không có điều gì phải hối hận". Bác đã phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân hết lòng. Bình sinh cho đến trọn đời, Bác đã không làm bất cứ điều gì để phải ân hận, hối tiếc. Bác chẳng tiếc gì cho bản thân mình khi đã hy sinh tất cả cho dân, cho nước. Chỉ có một điều duy nhất Bác thấy tiếc - một điều thật cơ bản, đáng nói hơn cả, là "không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa" cho nhân dân, đất nước.

Trong ý định của Bác, việc đầu tiên sau ngày đất nước toàn thắng là đi chúc mừng đồng bào và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão và các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng yêu quý khắp hai miền Nam, Bắc. Riêng với miền Nam thương nhớ, kể từ buổi ra đi trên bến nhà Rồng, ròng rã mấy mươi năm, Bác chưa một lần trở lại, thì đây là một cuộc hành hương có một không hai. Bác còn có ý định thay mặt nhân dân ta đi thăm các nước anh em, thăm hỏi bạn bè quốc tế đã từng hết lòng giúp đỡ và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đọc Di chúc, chúng ta ai cũng đau lòng xúc động, vì ao ước đó của Bác đã không kịp thực hiện.

Chan chứa “muôn vàn tình thân yêu”

Cuối cùng, trong bản Di chúc Bác "để lại muôn vàn tình thân yêu" cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng... Có lẽ đây là tình cảm lắng đọng, gây xúc động mạnh nhất. Như trước đây, Bác thường "gửi nhiều cái hôn thân ái" đến các chiến sĩ và các cháu nhi đồng, lần này Bác gửi lại, để lại "muôn vàn tình thân yêu". Và lời này của Bác đã là đề tài phong phú cho văn học, nghệ thuật về tấm lòng của Bác đối với nhân dân. "Để lại muôn vàn tình thân yêu", cách nói sao mà nghe thân thuộc, tha thiết, cháy bỏng. Bác ra đi, không đem theo gì cho mình; tất cả, Bác để lại trọn vẹn cho đồng chí, đồng bào, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng: cuộc sống và tình yêu, lý tưởng và ước nguyện, ham muốn tột bậc đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành...

Chỉ riêng hai tiếng "muôn vàn" thôi cũng thật lạ lùng. “Vàn” chứ không phải “vạn”; nó đâu phải để nhấn mạnh số nhiều, đâu phải chỉ là con số. Nếu coi là số đếm, thì đây không thể đếm được, không tài nào đếm được. Hóa ra, "muôn vàn" chỉ để nói về những gì không sao kể xiết và dường như chỉ nói những gì thuộc về tình cảm. Ở đây, chúng ta còn thấy được sự tinh tế đến mức kỳ diệu trong cách thể hiện của Bác. Bác không nỡ dùng từ chết với nghĩa đen trần trụi và phũ phàng, cũng như từ qua đời, bởi cả hai từ này đều có nghĩa là "mất hẳn", lại bao hàm sắc thái bị động; mà nói là "từ biệt thế giới này". Cũng giống như cách nói “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin", có hàm nghĩa chủ động. "Từ biệt thế giới này" là để đi sang một thế giới khác, một cõi khác một cách có ý thức.

Lúc sống Bác dành tất cả tấm lòng hiền từ ấm áp cho đồng bào, con cháu, già trẻ, gái trai khắp hai miền Nam, Bắc, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Khi ra đi, Bác để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng.

Học tập và làm theo tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Bác

Tư tưởng nhân văn của Bác là chân lý cách mạng của thời đại. Học tập tư tưởng nhân văn của Bác là để giác ngộ cách mạng, trao dồi tính nhân văn xã hội chủ nghĩa. Bác đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin bắt đầu từ lòng yêu nước, từ tình cảm cách mạng. Ngày nay, nghiên cứu tư tưởng nhân văn của Bác, chúng ta có toàn bộ những lời kêu gọi và những trước tác của Bác, trong đó Di chúc được xem là một kiệt tác về tư tưởng nhân văn. Di chúc là sự thể hiện tuyệt vời những tình cảm lớn, tư tưởng lớn của một con người chỉ có một ham muốn tột bậc là "nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Ở đây, tất cả tình cảm, tư tưởng và hoài bão lớn hòa quyện làm một trong người anh hùng giải phóng dân tộc, và chính Người đã làm rạng rỡ non sông ta, đất nước ta.

Từ ngày Bác đi xa đến nay, toàn Đảng, toàn dân ta luôn ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác; đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm, gắn với phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần xã hội. Qua hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn suy giảm tốc độ tăng trưởng, đạt mức tăng trưởng khá cao; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số lĩnh vực và sản phẩm có sự chuyển biến tích cực và căn bản. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Kinh tế nước nước ta đang vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế thế giới và đạt được những thành tựu đáng phấn khởi. Kinh tế các thành phần, các ngành, các vùng, các tỉnh, thành phố đều có bước phát triển khá so với trước đây. Kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới; quan hệ kinh tế quốc tế tiếp tục được củng cố và mở rộng. Thời gian qua, chúng ta đã thu hút được nhiều dự án đầu tư của nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt đến hàng chục tỉ USD.

Chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện ham muốn tột bậc của Bác - “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng phấn đấu để phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện các chính sách xã hội; đã làm được nhiều việc tốt trong lĩnh vực chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng.

Đến nay, cả nước đã không còn hộ đói nghèo; số hộ nghèo giảm rỏ rệt; số hộ khá, hộ giàu ngày một tăng. Cả nước đã có 75% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của cộng đồng nơi cư trú. Giải quyết việc làm cả ở thành thị, nông thôn và xuất khẩu lao động được chú trọng hơn. Chỉ trong ba năm qua, số lao động được giải quyết việc làm đạt khoảng 4,3 triệu người (nông nghiệp: 2,6 triệu; công nghiệp: trên 90 vạn; dịch vụ du lịch: khoảng 76 vạn).

Sự nghiệp đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau đã có những bước tiến khá dài. Đến nay, nước ta đã hoàn thành công cuộc xóa mù chữ và đang tiến gần đến phổ cập trung học cơ sở; phong trào xã hội hóa giáo dục đang lan rộng trong cả nước.

Điều quan trọng là, phải giữ cho Đảng trong sạch, phát huy vai trò lãnh đạo, thật sự là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đảng ta đang nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình nhằm xây dựng Đảng trong sạch trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức; nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.

Qua thực hiện cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có thể thấy phần lớn cán bộ, đảng viên hiện nay đều tin tưởng vào công cuộc đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí đã tạo được một số chuyển biến theo hướng tích cực; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; việc xét xử các vụ án và việc xem xét kỷ luật trong Đảng nghiêm minh hơn; việc xử lý các vụ việc nổi cộm, các vụ khiếu nại tố cáo được cấp ủy quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã có tác dụng cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, làm lành mạnh hơn các quan hệ trong nội bộ Đảng, Nhà nước và xã hội.

Thực hiện Di chúc của Bác, cán bộ, đảng viên chúng ta càng luôn luôn nhớ tới lời Bác căn dặn: phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đồng thời, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định và có tầm cao trí tuệ để “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Di chúc của Bác đã truyền cho chúng ta tình cảm cách mạng, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và quan niệm nhân sinh tuyệt vời. Bốn mươi năm qua, bản Di chúc lịch sử và 5 lời thề thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân ta trước giờ phút vĩnh biệt Bác vẫn còn nguyên vẹn trong chúng ta những ấn tượng và cảm xúc ban đầu. Mãi mãi tưởng nhớ Bác, hằng năm cứ tới sinh nhật và ngày Bác đi xa, mỗi chúng ta lại muốn giở ra, đọc lại một lần nữa và thực hiện nghiêm túc bản Di chúc thiêng liêng của Bác./.