Phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh mới của năm 2009
Năm 2008, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi của điều kiện khách quan (đặc biệt là diễn biến cung cầu và giá cả hàng hóa trên thế giới, thiên tai và dịch bệnh trong nước), thị trường Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định cần thiết và phát triển với tốc độ khá. Năm 2009, mục tiêu phấn đấu là tăng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lên trên 1.200 nghìn tỉ đồng, tăng trên 25% so với năm 2008; CPI tăng dưới 15% so với tháng 12-2008.
Tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của toàn xã hội thông qua thị trường năm 2008 ước đạt xấp xỉ 970.000 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2007. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và kiềm chế có kết quả, nhất là từ giữa quý III trở đi, nên cả năm chỉ tăng 19,89% so với tháng 12 năm 2007 (thấp hơn nhiều so với cảnh báo trong quý I và quý II là cả năm phải tăng tới 30%). Để đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2009 không phải là quá cao. Tuy nhiên, lưu ý rằng, năm nay, thị trường nội địa sẽ phát triển trong bối cảnh được quy định bởi hai điều kiện mới:
Một là, phải thực thi các cam kết gia nhập WTO về dịch vụ phân phối. Thị trường sẽ cạnh tranh hơn, nhưng thị trường cũng cần hơn sự ổn định để phát triển bền vững. Muốn vậy, phải có “cốt vật chất”, phải có các hệ thống phân phối “rường cột” trên thị trường trong nước.
Hai là, phải mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu mua sắm trong xu hướng tiết chế tiêu dùng trong nước. Thị trường và tiêu thụ hàng hóa phải tạo động lực để gia tăng sản xuất, tạo tiền đề để thúc đẩy chu trình tái sản xuất, góp phần chặn đà suy giảm kinh tế đất nước.
Trong bối cảnh đó, “cốt lõi” của phương hướng, nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước năm 2009 là phát triển các hệ thống phân phối, cùng với đó là nâng cao chất lượng các dịch vụ phân phối, trước hết và chủ yếu là phân phối bán lẻ. Nói cách khác, để mở cửa thành công phải có các hệ thống phân phối mạnh, để kích cầu tiêu dùng phát triển phải có các dịch vụ phân phối tốt.
1- Về phát triển các hệ thống phân phối
Trên phạm vi thị trường cả nước, phát triển các hệ thống phân phối chuyên nghiệp thuộc các tổng công ty, tập đoàn chuyên ngành như lương thực, xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng và các hệ thống phân phối tổng hợp hàng tiêu dùng của Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA), Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO), Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Thái... Tùy theo dung lượng thị trường, căn cứ vào chiến lược phát triển kinh doanh và bám sát quy hoạch phát triển ngành của các bộ và địa phương, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hệ thống các cơ sở bán buôn và bán lẻ của mình, trong đó trọng tâm là các kho dự trữ, các trung tâm bán buôn và đặc biệt là hệ thống đa dạng các loại hình bán lẻ, trấn giữ tại những địa bàn trọng yếu của thị trường. Bên cạnh đó hệ thống tổng đại lý và đại lý bán lẻ (hoa hồng) cho doanh nghiệp do doanh nghiệp lập ra và quản lý, kiểm soát. Các hệ thống phân phối này sẽ là lực lượng phân phối chủ lực và nòng cốt trên thị trường nước ta trong tình hình mới của năm 2009 và những năm tiếp theo.
Tại thị trường các địa phương, nhất là thị trường nông thôn và miền núi, cần tiếp tục củng cố, cải tạo, nâng cấp và mở rộng mạng lưới chợ bán buôn, bán lẻ; phát triển các siêu thị và trung tâm mua sắm vừa và nhỏ; định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức cho đông đảo những người buôn bán nhỏ lẻ, quy mô gia đình chuyển hóa thành các cơ sở hoặc những chuỗi cơ sở bán lẻ thuộc các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại và chuyên nghiệp với nhiều loại hình và cấp độ khác nhau.
Về quản lý nhà nước, dựa trên tính chất và trình độ phát triển của các hệ thống phân phối nêu trên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước các hệ thống phân phối cho phù hợp, từ trung ương đến địa phương, bảo đảm sự vận hành tự nhiên và khách quan của cơ chế thị trường trong sự định hướng, kiểm soát và điều tiết của Nhà nước, vì mục tiêu ổn định và phát triển bền vững thị trường trong từng thời kỳ, qua đó góp phần ổn định và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
Về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, Bộ Công Thương kiên trì trình Chính phủ các nguyên tắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; nâng cấp và phát triển các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuộc các hệ thống phân phối nòng cốt và chủ lực theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, giống như ưu đãi và hỗ trợ đầu tư phát triển cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác (về đất đai, thuế, tín dụng và “vốn mồi”) như đã được nêutại Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15-2-2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo hướng này, thực tế trong năm 2008, thị trường đã có bước chuyển động tích cực. Hầu hết các địa phương đã và đang rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới quy hoạch phát triển thương mại, trong đó trọng tâm là quy hoạch mạng lưới các cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn. Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương xây dựng quy hoạch đó trên phạm vi cả nước. Bám sát các quy hoạch, từ nhiều nguồn vốn và huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia, các công trình thương mại tiếp tục được mở rộng và phát triển, so với năm 2007: số chợ tăng 2,8%; số siêu thị tăng 135% và số trung tâm mua sắm tăng 158,5%. Bên cạnh hệ thống phân phối theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp được phát triển mạnh của Sài Gòn Co.op, SATRA, HAPRO và Phú Thái, các chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ tiện lợi như VINATEX (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam), hệ thống phân phối bán lẻ lương thực VNF1 mới hình thành của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, mạng lưới bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, hệ thống trung tâm và cửa hàng bán lẻ cùng mạng lưới đại lý phân bón thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... đang dần trở thành lực lượng tiêu biểu, có ý nghĩa tiền đề cho thị trường phân phối trong giai đoạn bước đầu của thời mở cửa. Quá trình triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển và quản lý các hệ thống phân phối bán lẻ nòng cốt, chủ lực trên thị trường nước ta hiện nay và những năm tiếp theo, sẽ được đẩy mạnh một bước cơ bản và rõ rệt ngay từ năm 2009 này.
2 - Các giải pháp mở rộng thị trường, kích cầu mua sắm, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước
Giải pháp này không chỉ có tác dụng ngắn hạn, mang tính tình thế, cấp bách mà còn có giá trị chiến lược lâu dài, vì tiêu dùng quyết định sản xuất trên 2 phương diện: kết thúc sản xuất, hoàn thành mục đích của sản xuất và mở đầu sản xuất, khởi động quy trình tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng. Giải pháp này, ngoài ý nghĩa chặn đà suy giảm kinh tế, cũng thể hiện “kịch bản” phát triển thị trường phân phối nước ta trong điều kiện mở cửa và cạnh tranh. Theo đó:
Thứ nhất, khẩn trương mở rộng và phát triển thị trường phi tập trung ở địa bàn nông thôn và miền núi bằng các loại hình chợ truyền thống, các trung tâm mua sắm, siêu thị vừa và nhỏ; mạng lưới cơ sở bán lẻ của các hệ thống phân phối lớn. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và cho ra đời các công ty bán lẻ chuyên nghiệp và hiện đại với lực lượng đông đảo các cơ sở bán lẻ “chân rết” là các cửa hàng tiện lợi ở thị trường đô thị.
Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối của các cơ sở bán lẻ bằng cách mở rộng các điểm bán hàng, tổ chức các hội chợ- giới thiệu hàng hóa, các đợt bán hàng hạ giá, các chương trình khuyến mãi và thưởng cho khách hàng, phát thẻ khách hàng thân thiện, thẻ mua hàng ưu đãi, thưởng theo hóa đơn tích lũy hoặc giảm giá, các đợt bán hàng lưu động, đưa hàng về phục vụ công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp, các cụm dân cư tập trung và các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trước mắt là đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, từ đó tạo đà mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng trong nước tiếp tục phát triển.
Thứ ba, các tổng công ty sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất (nhất là sắt thép, xi măng) cần bám sát các công trình, dự án thuộc diện kích cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh việc cung ứng vật tư, hàng hóa bằng nhiều kênh, nhiều phương thức linh hoạt và thuận lợi nhất. Chủ động tổ chức các hội nghị khách hàng để thỏa thuận, thống nhất lập các đơn hàng theo tiến trình đầu tư, xây dựng với khối lượng và giá cả phù hợp.
Thứ tư, thực hiện mô hình các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ liên kết và hợp tác với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng để hình thành cơ chế tín dụng khuyến khích tiêu dùng cá nhân dưới nhiều hình thức khác nhau (thế chấp, tín chấp, mua trả góp, trả chậm và bảo lãnh với sự ưu đãi phù hợp) hoặc thông qua quan hệ tay ba: Ngân hàng - Doanh nghiệp bán lẻ - Người tiêu dùng để kích thích nhu cầu mua sắm, trước hết là hàng hóa giá trị cao và sử dụng lâu bền rồi đến hàng tiêu dùng nói chung.
Thứ năm, tổ chức để các nhà sản xuất, nhà cung ứng hàng hóa và các nhà phân phối bán lẻ thỏa thuận, thống nhất với nhau cùng chia sẻ lợi ích, phân bổ hài hòa chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến cửa hàng bán lẻ để điều chỉnh lại giá bán phù hợp (theo hướng hạ thấp hơn), góp phần kích thích nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của số đông các tầng lớp nhân dân; trong đó, trọng tâm là hàng thực phẩm chế biến, đồ dùng gia đình, tạp phẩm... Hiện tại, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn và Liên minh Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai giải pháp này. Hơn lúc nào hết, quan hệ bạn hàng ổn định, lâu dài và “thủy chung” với các hệ thống phân phối là lẽ sống còn của các nhà sản xuất và nhà cung cấp. Tới đây, hàng hóa trong nước làm ra phải chiếm được tỷ trọng áp đảo trong kênh đưa vào các hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài và qua đó đi tới mạng lưới bán lẻ toàn cầu của các nhà phân phối này.
Một điểm quan trọng nữa là, văn hóa và tập quán về mua sắm, tiêu dùng và lối sống của người Việt Nam là những sức mạnh và lợi thế riêng có, độc đáo mà nhà phân phối trong nước cần khai thác và phát huy triệt để, vừa kích thích tiêu dùng phát triển, vừa lôi cuốn khách hàng, lan tỏa thương hiệu, mở rộng và xâm lấn thị phần, ngày một lớn mạnh và bền vững./.
Du lịch Việt Nam: Nhân việc cấp bách tính chuyện lâu dài  (09/02/2009)
Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ trẻ em  (09/02/2009)
Nam Phi công bố chương trình kích thích kinh tế 70 tỉ USD  (08/02/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên