Thấy gì từ một xã bị mất nhiều đất cho công nghiệp
TCCS - Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chủ trương này diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương đã bị thu hẹp lại để dành cho phát triển công nghiệp. Kéo theo đó có nhiều vấn đề phát sinh đặt ra cho lãnh đạo các ngành, các cấp phải nghiên cứu và giải quyết...
Vân Dương là một xã ven đô, mới được nhập về thành phố Bắc Ninh. Trước đây Vân Dương hoàn toàn là một xã thuần nông, có diện tích tự nhiên là 173 ha và đất canh tác là 380 ha. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đảng và Nhà nước, nhân dân xã Vân Dương rất đồng tình và ủng hộ việc tỉnh lấy một phần đất canh tác để chuyển sang xây dựng khu công nghiệp tập trung Quế Võ. Kết quả là đến nay 2/3 diện tích đất canh tác của Vân Dương đã được thu hồi, xã chỉ còn 130 ha đấtcho sản xuất nông nghiệp.
Thực tế, khi thu hồi đất tỉnh đã có chính sách đền bù cho người dân có đất bị mất, trong đó bao gồmcả kinh phí chuyển đổisang nghề mới. Tuy nhiên, sau một vài năm phát triển kinh tế, bên cạnh thành tích đạt được là cơ cấu kinh tế thay đổi (tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương nghiệp và dịch vụ tăng nhanh trong GDP), thì xã Vân Dương đang phải đối mặt với những vấn đề không chỉ sát sườn, hằng ngày của người dân, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị, trật tự xã hội của xã. Đó là giải quyết công ăn việc làm và bảo đảm thu nhập cho người dân bị mất đất. Trước thực tế đó, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã họp nhiều lần để bàn bạc, tính toán các giải pháp giúp dân tháo gỡ.
Ngay sau khi đất bị thu hồi, chính quyền đã kịp thời tổ chức các lớp dạy nghề cho dân nơi đây có thể chuyển đổi sang nghề mới, nhất là đối với những hộ không còn đất canh tác (nhiều hộ bị thu hồi tới 99% - 100% đất canh tác). Cụ thể, xã đã mở 4 lớp dạy nghề như: mây tre đan xuất khẩu, trồng hoa, thêu ren xuất khẩu và chăn nuôi thú y; đào tạo được 150 người (có giấy chứng chỉ). Thế nhưng hầu hết những người dân này hiện đều không sống được bằng nghề đã qua đào tạo do sản phẩm họ làm ra, vì nhiều lý do không có thị trường tiêu thụ. Số người có sức khỏe hơn tìm cách xoay xở đi làm thuê mà chủ yếu làm phụ hồ ở những nơi xây dựng đang phát triển với hy vọng được thu nhập cao hơn.
Tỉnh đã có chính sách yêu cầu các khu công nghiệp tập trung phải tuyển người tại địa phương vào làm việc. Nhưng do trình độ của lao động tại địa phương rất thấp nên chỉ đáp ứng được các công việc dưới dạng lao động phổ thông, với mức lương trung bình 1.050.000 đồng/tháng và cũng chỉ tiếp nhận lao động ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi, nhưng nếu là nữ thì khi sinh con lại phải nghỉ việc. Hợp đồng ký với người lao động dài nhất là từ 3 - 6 tháng. Do người dân ở đây không có công ăn việc làm, sự hiểu biết về pháp luật kém, nên họ chấp nhận mọi công việc, cũng như khi bị các khu công nghiệp sa thải mà không được ai bảo vệ. Thực tế trong các nhà máy (trừ nhà máy liên doanh với Nhật Bản) đều không có các tổ chức Công đoàn, Đảng, đoàn thể để bảovệ quyền lợi cho người công nhân.
Để kiếm kế sinh nhai nông dân đã làm bằng mọi cách, như: xây dựng nhà trọ cho công nhân ở các khu công nghiệp thuê với giá từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/ phòng/tháng. Tuy nhiên khi nhà máy gặp khó khăn không bán được hàng, sản xuất cầm chừng, công nhân tạm thời nghỉ việc, về quê thì nguồn thu nhập này cũng bị giảm sút.
Về đất còn lại cho nông nghiệp, theo chủ trương chung sẽ phải được thâm canh tăng năng suất, sản xuất có hiệu quả để công, nông nghiệp cùng phát triển, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa song vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phát triển bền vững. Thế nhưng trong thực tế tại xã Vân Dương thì có hai dạng:
- Số hộ bị thu hồi phần lớn đất canh tác, thì với diện tích đất canh tác còn lại ít ỏi (của mỗi hộ), lại bị chia sẻ một cách manh mún, họ cũng không "bõ" để mua sắm cày bừa cho canh tác.
- Số hộ bị thu hồi ít đất hoặc chưa bị thu hồi thì có tâm lý chờ đợi khi quy hoạch chưa công khai, rõ ràng, nên kết quả là không ai muốn chuyển đổi theo phương thức dồn điền, đổi thửa. Mà với số đất chia làm nhiều mảnh như hiện nay sẽ rất khó khăn trong việc áp dụng khoa học- kỹ thuật, máy móc hiện đại, sản xuất theo hướng hàng hóa, tối ưu hóa sản xuất để giảm chi phí.
Vì vậy hướng sản xuất theo chủ trương chung để bảo đảm đời sống của bà con nông dân khó thực hiện được. Do đó đến nay ở xã Vân Dương - một xã có diện tích đất thu hồi cho phát triển khu công nghiệp rất cao, đời sống người dân bị mất đất vẫn đang là một bài toán khó giải. Chính quyền xã lo ngại chỉ trong vòng 5 năm nữa khi việc xây dựng đã đi vào ổn định và những người sức khỏe yếu không thể phụ hồ được nữa thì sẽ không có việc làm, lại rơi vào cảnh tái nghèo, tỷ lệ nghèo của xã sẽ tăng cao.
Để thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của những người dân bao đời sống ở làng quê nay chuyển sang đô thị hóa không phải là điều dễ dàng. Những vấn đề hiện đang nổi cộm ở xã Vân Dương tỉnh Bắc Ninh chắc chắn không phải là mới, lạ đối với nhiều địa phương trên cả nước, nơi có người dân phải thu hồi đất cho phát triển công nghiệp, đô thị hóa. Song từ một xã có những nét tương đồng với những xã ở các địa phương khác, có thể thấy chúng ta cần phải giải quyết như thế nào giữa những cái được và cái mất, giữa cái trước mắt và lâu dài.
Cái được đều đã rõ, đó là các khu công nghiệp tập trung tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài để tranh thủ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm tiên tiến, tăng nguồn thu ngân sách nhằm cải thiện kết cấu hạ tầng... Nhưng cái mất lại là đời sống của một bộ phận người nông dân hết sức khó khăn, tác động không nhỏ đến ổn định trật tự xã hội, tăng khoảng cách giàu nghèo, gây ô nhiễm môi trường... Vì vậy thiết nghĩ:
+ Về lâu dài, giải pháp chủ đạo vẫn là các cấp chính quyền cần có những biện pháp tạo thêm nhiều nghề mới phù hợp (về nhu cầu thị trường, khả năng, điều kiện của người dân) cho người dân ở những nơi mất đất. Công tác đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Điều mà hiện nay ngân sách thường mắc phải là cấp phát dàn trải đều cho các địa phương theo hệ thống ngành dọc, trong lúc nơi có nhu cầu đào tạo nhiều như khu vực nông dân bị thu hồi đất lại không được ưu tiên gì về chính sách đào tạo. Ngoài ra, trong đào tạo lại phải tùy từng loại nghề mà có thời gian đào tạo, kinh phí hỗ trợ một cách hợp lý. Trong quá trình đào tạo cũng nên giao cho những tổ chức có chuyên môn sâu để những người được đào tạo khi ra trường có thể đáp ứng ngay được cho thị trường lao động. Cần có sự ràng buộc và gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với những khu công nghiệp tập trung đóng tại địa bàn trong đào tạo và tuyển dụng người tại địa phương.
Đối với những người không làm tại các khu công nghiệp mà sản xuất các sản phẩm mới trước đây chưa bao giờ làm thì, một mặt, vừa dạy nghề cho họ, mặt khác, vừa phải hướng dẫn cả kiến thức thị trường, giúp đỡ họ khi gặp bất cứ khó khăn gì, cả trong tìm kiếm đầu vào, đầu ra hoặc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Có như vậy người nông dân chuyển đổi nghề mới yên tâm làm và phát triển sản xuất của mình. Để làm được những việc trên tất nhiên cần có thời gian và vốn đầu tư. Điều này có thể thực hiện được bằng cách quy định những doanh nghiệp tại các khu công nghiệp sử dụng đất của dân phải đóng góp theo kiểu lấy công nghiệp để đầu tư, làm đà cho phát triển nông nghiệp và các loại dịch vụ khác. Nguồn thu ngân sách của tỉnh có các khu công nghiệp đó cũng phải trích một phần lớn để đầu tư và phải có chính sách riêng theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho các vùng bị mất đất cho công nghiệp.
+ Cùng với các biện pháp trên, do diện tích đất nông nghiệp của các xã có khu công nghiệp tập trung bị thu hẹp nhiều, nên các cấp chính quyền cần nghiên cứu để sử dụng diện tích còn lại một cách hiệu quả, không chỉ trồng lúa đơn thuần như trước đây, mà nên trồng, nuôi những loại cây, con có nhu cầu trên thị trường nhưng không cần nhiều đất vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu cho các khu công nghiệp liềnkề, nhằm bảo đảm thu nhập và đời sống cho bà con nôngdân.
+ Trước mắt mỗi thôn nên quy hoạch khoảng chừng 1-2 ha đất, được tỉnh đầu tư cấp kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng để hình thành các trung tâm thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho nhân dân và công nhân tại các khu công nghiệp. Phát triển những loại hình này vừa không đòi hỏi đào tạo công phu, lại có thể huy động được một lực lượng lớn lao động với các độ tuổi rất phong phú mà thu nhập khá ổn định. Bởi vậy, đây cũng là một hướng giúp hoạt động kinh tế phát triển và có thể tăng ngay được thu nhập cho bà con ở những vùng bị mất đất./.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu  (09/04/2009)
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu  (09/04/2009)
Họp báo Bộ Ngoại giao ngày 9-4-2009  (09/04/2009)
Bộ Chính trị kết luận về "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình"  (09/04/2009)
Phát triển mạng lưới đô thị đồng bộ, hiện đại  (09/04/2009)
Cu-ba và Mỹ mong muốn sớm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước  (09/04/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên