TCCS - Những năm qua, nhất là từ khi được công nhận là thành phố (10-4-2009), quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, diễn ra nhanh chóng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ người lao động trong nông nghiệp giảm xuống còn gần 45% năm 2009. Thực trạng đó cùng với những yêu cầu mới đã và đang đặt ra cho thành phố tập trung giải quyết tốt những vấn đề đối với nông nghiệp và nông dân sau khi thu hồi đất phục vụ đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Công nghiệp hóa, đô thị hóa dẫn tới quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đường giao thông, các thiết chế văn hóa và các khu công nghiệp... Những năm qua, ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã thu hồi hàng ngàn héc-ta đất để phục vụ đầu tư xây dựng các khu công nghiệp: Hòa Bình (100 ha), Sao Mai (130 - 150 ha); 2 khu sản xuất gạch ngói tập trung (quy mô 125 ha); khu làng nghề tiểu, thủ công nghiệp (quy mô 18 ha đã triển khai xong công tác bồi thường); triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đô thị mới: Khu sân bay cũ đường Bà Triệu; khu vực nhà máy bia cũ phường Trường Chinh; khu dân cư phía tây bắc phường Duy Tân (khu lò gạch cũ); khu sân vận động (cũ) phường Quyết Thắng; 2 kè chống sạt lở sông Đăk Bla và quốc lộ 24 và đang xúc tiến kêu gọi các tập đoàn kinh tế nước ngoài đầu tư xây dựng: Khu đô thị mới Nam Đăk Bla; khu đô thị sinh thái dọc sông Đăk Bla (đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch theo hướng đầu tư khu trung tâm thương mại, dịch vụ và khu công viên cây xanh); Khu thương mại, du lịch, giải trí Casino; Bệnh viện đa khoa tiêu chuẩn cấp quốc tế...

Việc thu hồi đất nông nghiệp là vấn đề nhạy cảm, tác động đến chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế; chuyển đổi ngành nghề của người lao động; giải quyết việc làm; công tác xóa đói, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa... Để giải quyết có hiệu quả vấn đề trên, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã đề ra nhiều giải pháp, nhằm bảo đảm phát triển đô thị, đẩy mạnh công nghiệp hóa, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là người dân có đất thu hồi:

1 - Hỗ trợ và khuyến khích chuyển đổi ngành nghề từ nông dân thuần túy sang nông dân kết hợp với phát triển các hộ tiểu thương; đào tạo nghề cho người lao động để có thể đáp ứng chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ và khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống tiểu, thủ công nghiệp như nghề đan lát, dệt thổ cẩm và phục vụ du lịch,... tạo điều kiện cho bà con nông dân có thể tận dụng thời gian nông nhàn để đan lát, dệt thổ cẩm hay phục vụ khách du lịch khám phá bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa (sinh hoạt cộng đồng, nhà rông, rượu cần, biểu diễn cồng chiêng, lễ hội của người đồng bào dân tộc thiểu số). Riêng trong năm 2009, thành phố đã đào tạo nghề cho gần 5.000 lượt người, trong đó lao động nông thôn chiếm trên 90%; tạo việc làm cho hơn 2.000 lượt người. Ngoài ra, thành phố còn thực hiện công tác bồi thường thỏa đáng cho người dân có đất thu hồi góp phần ổn định đời sống và sản xuất, bình quân hơn 30% tổng kinh phí của dự án phục vụ cho công tác bồi thường. Số tiền nhận bồi thường có thể phát triển kinh doanh hộ tiểu thương tại khu dân cư: cung cấp các mặt hàng thiết yếu, thu mua nông sản hay buôn bán vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đưa nhà máy vào sản xuất, kinh doanh phải ưu tiên giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ; đầu tư xây dựng phát triển các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân.

2 - Chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giống mới, mô hình mới phù hợp với diện tích đất ngày càng thu hẹp nhưng vẫn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động. Thành phố tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân, đưa các loại giống mới năng suất cao vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; khuyến khích mở rộng các mô hình trồng rau, hoa ở những nơi có điều kiện thuận lợi; xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình thâm canh lúa lai, lúa thuần chủng; mô hình thâm canh cây ngô lai trên vùng đất bán ngập; mô hình trồng cà chua ghép trái vụ; mô hình sản xuất rau an toàn; mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng giống đực lai Sind; hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của địa phương vào sản xuất, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và hình thành vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến.

Nhờ đó, trước đây, người dân chỉ biết trồng đơn thuần lúa, sắn, ngô... nhưng đến nay, người dân đã biết chuyển đổi sang trồng rau, hoa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của thành phố, thu nhập của nhiều hộ dân đã tăng lên 3 - 4 lần, mặc dù diện tích đất sản xuất giảm đi. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành 10 tổ sản xuất rau sạch; hình thành các làng trồng hoa ở các xã, phường như: Vinh Quang, Thắng Lợi, Ngô Mây, Lê Lợi, Nguyễn Trãi,... thành lập mới 4 hợp tác xã, 15 tổ hợp tác, 175 trang trại phát triển theo mô hình vườn - ao - chuồng.

3 - Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực bị thu hồi đất. Chỉ riêng trong năm 2009, thành phố đã đầu tư hơn 300 tỉ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, chủ yếu là hệ thống điện, đường giao thông, trường học, nước sạch... Đến nay, trên 80% hệ thống đường giao thông của các phường đã được nhựa hóa, bê-tông hóa; các đường liên xã, liên thôn được đầu tư xây dựng bảo đảm nhân dân lưu thông thuận lợi; gần 100% số người dân đã được sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất (còn một ít hộ dân sống ở những vùng đồi núi, địa hình chia cắt); có hơn 85% số người dân ở các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 75% số hộ dân sử dụng hố xí hợp vệ sinh; 100% các tuyến đường trung tâm của các xã, phường đều có điện công lộ. Đối với các hộ dân bị thu hồi 100% diện tích đất, phần lớn thành phố bố trí tái định cư ở nơi mới có chất lượng cao hơn nơi ở cũ.

Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trên nên kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm giai đoạn 2005 - 2010 ước đạt 16,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/ năm; công nghiệp - xây dựng tăng trưởng cao và ổn định bình quân 17,8%, thương mại - dịch vụ tăng bình quân 18,4%; nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 7,5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,2% (năm 2006) xuống còn 6,32% (năm 2009). Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Hệ thống thương mại, dịch vụ đáp ứng, phục vụ kịp thời cho đời sống của nhân dân. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Tình hình trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác thu hồi đất để phát triển đô thị, xây dựng các khu, cụm công nghiệp được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhân dân đã tự hiến hàng chục héc-ta, không có khiếu kiện kéo dài, vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn.

Qua thực tiễn công tác thu hồi đất phục vụ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa trên địa bàn thành phố, có thể rút ra được một số kinh nghiệm bước đầu như sau:

Trước hết, xác định việc thu hồi đất để phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp,... nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do vậy, trước khi thực hiện công tác thu hồi đất, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến tận thôn, làng, tổ dân phố phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động làm cho nhân dân nhận thức và ủng hộ các chủ trương thu hồi đất của Nhà nước. Công khai lấy ý kiến của nhân dân; công khai phương án bồi thường để các hộ dân có liên quan được biết, giám sát; vận động nhân dân hiến đất, nhận tiền đền bù hoặc nhận đất tái định cư để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình.

Thứ hai, thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đúng theo quy định của Nhà nước, bảo đảm chi trả tiền bồi thường đúng tiến độ, kịp thời. Ngoài ra, có thể vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ riêng của địa phương để hỗ trợ việc ngừng sản xuất, khen thưởng giải phóng mặt bằng đúng thời gian quy định...

Thứ ba, thực hiện đồng bộ giữa công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện theo quy hoạch. Tránh trường hợp đã thu hồi đất nhưng tiến độ triển khai thực hiện dự án quá chậm gây dư luận không tốt, bức xúc trong nhân dân. Có thể thực hiện trước công tác bồi thường, sau đó để nhân dân tiếp tục sản xuất các loại cây ngắn ngày trên diện tích đất đã thu hồi và cam kết sẽ tự hoàn trả lại diện tích đã thu hồi khi triển khai thực hiện dự án.

Thứ tư, giải quyết có hiệu quả công tác đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm cho nhân dân có đất thu hồi không bị xáo trộn về đời sống và sản xuất. Đối với các hộ dân hết phần diện tích đất canh tác hoặc diện tích đất ở thì hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sang phi nông nghiệp (như: đan lát, kinh doanh nhỏ, phục vụ du lịch...), gắn với khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, sản xuất rượu cần, hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm...

Thời gian tới, với mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2015, thành phố Kon Tum tiếp tục đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa trên địa bàn. Công tác phát triển không gian đô thị và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là yêu cầu bức thiết, góp phần xây dựng thành phố ngày càng khang trang và có diện mạo mới. Tuy vậy, vấn đề giải quyết hài hòa giữa việc thu hẹp diện tích đất sản xuất của nhân dân để thực hiện đô thị hóa, công nghiệp hóa... đòi hỏi thành phố vừa triển khai vừa tự điều chỉnh để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Nhà nước, vừa vận dụng linh hoạt cơ chế của địa phương để bảo đảm lợi ích tốt nhất, thiết thực nhất của nhân dân. Trước mắt, thành phố Kon Tum tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả cộng đồng trong việc chăm lo việc làm và đời sống cho người nông dân có đất thu hồi để phát triển công nghiệp và đô thị. Gắn kết chặt chẽ việc hưởng lợi trực tiếp của người dân bị thu hồi đất với dự án, nhà máy, xí nghiệp khi đi vào hoạt động. Các nhà doanh nghiệp phải cam kết sử dụng lao động của địa phương để giải quyết việc làm cho nhân dân.

- Trước khi tổ chức thu hồi đất cần lập kế hoạch cụ thể, bảo đảm công khai, dân chủ, tổ chức thu hồi từng bước để nhân dân có đủ thời gian chuyển đổi ngành nghề hoặc chuẩn bị cho sản xuất tại vị trí mới.

- Tiếp tục triển khai đồng bộ công tác quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch. Việc xây dựng kế hoạch thu hồi đất phải đi đôi với việc khảo sát, lập kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho số lao động nông nghiệp có đất bị thu hồi một cách hợp lý để bảo đảm đời sống cho các hộ gia đình được ngang bằng hoặc khá hơn trước khi bị thu hồi đất.

- Tích cực hỗ trợ việc khôi phục làng nghề truyền thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo việc làm, đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư thâm canh tăng năng suất, khuyến khích phát triển hình thức chăn nuôi trang trại kết hợp theo mô hình vườn - ao - chuồng nhằm tạo ra giá trị hàng hóa lớn và tăng giá trị sử dụng đất trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, hỗ trợ khuyến khích các mô hình trồng rau, hoa trên địa bàn thành phố./.