Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh: Không có thẻ “kim bài” miễn tội
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội hết sức quan tâm không chỉ bởi quy mô, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, mà còn bởi hầu hết bị cáo đều từng giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, thậm chí từng là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Vụ án được đưa ra xét xử ngay trong những ngày đầu của năm 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo vào cuối tháng 11-2017, đó là phải “tập trung làm cho bằng được,” “phải tích cực, quyết liệt hơn” và “bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.”
Và chỉ hơn một tháng sau Phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị đưa ra xét xử công minh trước pháp luật, cho thấy sự vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương của các cơ quan, ban, ngành chức năng, khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.
Thông tin từ các cơ quan tiến hành tố tụng, phiên tòa này có tới 22 bị cáo; hai nguyên đơn dân sự là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), sáu giám định viên, 60 người tham gia tố tụng là những người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo có 42 luật sư, trong đó riêng bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, có ba luật sư; bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC, có năm luật sư.
Số lượng các thành phần tham gia tố tụng không chỉ nói lên quy mô và tính chất phức tạp của vụ án, mà còn cho thấy phiên tòa được chuẩn bị tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch, theo đúng luật định.
Các bị cáo đều bị truy tố trước tòa với khung hình phạt cao nhất của mỗi tội danh. Trong số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử có 12 bị cáo bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 3 Điều 165 - Bộ luật Hình sự năm 1999 (mức hình phạt từ mười năm đến hai mươi năm tù); tám bị cáo bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại khoản 4 Điều 278 - Bộ luật Hình sự năm 1999 (mức hình phạt từ hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Riêng Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị truy tố về cả hai tội danh trên.
Lật lại từng khâu trong quy trình tố tụng có thể thấy để đưa được các bị cáo ra xét xử trước tòa là cả một quá trình đấu tranh khó khăn và phức tạp của các lực lượng, cơ quan, ban, ngành liên quan. Bởi các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người từng giữ vị trí chủ chốt trong các đơn vị kinh tế quan trọng, có trình độ và kinh nghiệm công tác, được Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao quản lý, thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Tuy nhiên, vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, về lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng EPC, tạm ứng tiền và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, lập khống hồ sơ để rút tiền chiếm hưởng cá nhân. Với những chứng cứ rõ ràng, các đối tượng liên quan không thể chối cãi đã bảy lần chuyển và rút số tiền nhiều tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD, trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Hành vi nêu trên của Đinh La Thăng đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại khoản 3, Điều 165 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Còn Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng số tiền trên, sau đó sử dụng hơn một ngàn tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, Trịnh Xuân Thanh còn đề ra chủ trương và chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng để chia nhau sử dụng cá nhân. Hành vi của Trịnh Xuân Thanh phạm các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” được quy định tại khoản 3, Điều 165 và khoản 4 Điều 278 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Với mỗi bị cáo, hành vi sai phạm đã được làm rõ và sẽ phải chịu mức hình phạt tương ứng theo quy định của pháp luật. Những hành vi đó không chỉ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, mà còn gây hậu quả nặng nề hơn gấp nhiều lần - đó là làm mất lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức Đảng, đến danh dự và phẩm chất cách mạng của người đảng viên. Bởi vậy, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có “vùng cấm” trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, bất cứ ai có hành vi vi phạm đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng và trước pháp luật.
Việc cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy, tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, khởi tố, bắt tạm giam, đưa bị cáo Đinh La Thăng ra xét xử trước tòa; việc không công nhận tư cách Đại biểu Quốc hội, khai trừ khỏi Đảng, khởi tố bị can, phát lệnh truy nã quốc tế, rồi truy tố Trịnh Xuân Thanh để xét xử đồng thời về hai tội danh nói trên với khung hình phạt cao nhất, cho thấy sự quyết liệt trong việc xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng dù khó khăn đến đâu vẫn phải kiên trì, kiên quyết làm cho bằng được, lấy lại niềm tin của nhân dân. Và chắc chắn không có thẻ “kim bài” miễn tội cho bất kỳ ai có hành vi sai phạm, gây tổn hại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
Chương trình nghệ thuật 'Vang mãi giai điệu Tổ quốc'  (07/01/2018)
Hỗ trợ dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài  (07/01/2018)
Trung Quốc nỗ lực thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài  (07/01/2018)
Bài viết của Chủ tịch Quốc hội kỷ niệm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên  (07/01/2018)
Phát triển bền vững các “đặc khu thiên nhiên” vùng biển  (07/01/2018)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên