TCCSĐT - Ngày 04-01, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ tổ chức tọa đàm về mô hình tổ chức chính quyền địa phương và chính sách ưu đãi về đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đông đảo các nhà lập pháp, lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu,…

Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là dự án luật quan trọng, có nhiều nội dung rất mới, chưa có tiền lệ ở nước ta. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật. Và chỉ còn chưa đầy 5 tháng để Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan vừa tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, vừa tiến hành thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết về thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2018). Khối lượng công việc phải thực hiện là rất lớn, yêu cầu cao về chất lượng, trong khi thời gian hết sức hạn hẹp, tuy nhiên, không vì tiến độ mà bỏ qua các yêu cầu về tính khoa học, chất lượng của dự thảo Luật. Vấn đề mô hình tổ chức bộ máy chính quyền và chính sách ưu đãi đất đai được Ban Tổ chức Tọa đàm lựa chọn để xin ý kiến là những nội dung trọng tâm còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo, xây dựng dự án luật cũng như trong quá trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua.

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương và chính sách ưu đãi về đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là những vấn đề lớn, mới, phức tạp, ý kiến còn khác nhau qua thảo luận, nhưng lại là những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chi phối, tác động đến các chính sách khác của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động, sự phát triển của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tập trung làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phân tích toàn diện và sâu sắc hơn về cơ sở lý luận, thực tiễn của từng phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhất là sự phù hợp với chủ trương của Đảng, với quy định của Hiến pháp, vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng ngừa sự lạm quyền… Yêu cầu đặt ra là mô hình tổ chức chính quyền địa phương do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định phải thể hiện được đầy đủ các nguyên tắc Hiến định; mô hình tổ chức cụ thể có thể khác với quy định của các luật khác nhưng phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng thời phải phù hợp với đặc điểm đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thứ hai, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải bảo đảm yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp, phân quyền và giao quyền tự chủ mạnh cũng như phải rõ chế độ trách nhiệm; khắc phục được những bất cập về tệ quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, thủ tục hành chính rườm rà, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả… Do đó, trong phương án tổ chức bộ máy, cần thiết kế các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, xử lý các mối quan hệ ngang/dọc của từng thiết chế trong bộ máy chính quyền địa phương, cơ chế vận hành... để có thể “khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước” theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị. Các quy định của dự thảo Luật phải được đặt trong tổng thể chung để bảo đảm sự kết nối giữa đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng như chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với cả nước.

Thứ ba, cần phân tích, so sánh thêm với kinh nghiệm của các nước. Kinh nghiệm thế giới rất phong phú, mỗi quốc gia phụ thuộc vào thể chế chính trị, kinh tế, điều kiện địa lý, dân cư có thể có những mô hình đặc khu kinh tế khác nhau. Cần phân biệt rất rõ ở đây là chúng ta xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở một đơn vị hành chính với đầy đủ các yếu tố của một cơ quan thực thi quyền lực nhà nước, chứ không phải mô hình quản lý của các khu kinh tế tập trung. Vậy thì, có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các mô hình cụ thể nào, tổ chức quyền lực của họ ra sao,...

Thứ tư, các chính sách thu hút đầu tư cũng rất quan trọng. Cần phân tích, làm rõ hơn các chính sách thu hút đầu tư thông qua ưu đãi về đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; cung cấp thêm thông tin về kinh nghiệm nước ngoài liên quan đến vấn đề này; làm rõ các điều kiện cần ràng buộc đối với nhà đầu tư khi Nhà nước giao đất thực hiện dự án đầu tư hoặc nhà đầu tư thực hiện quyền chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, mua bán, sở hữu nhà ở, bất động sản… ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tránh tình trạng lạm dụng các chính sách này, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước; việc quy định thời hạn sử dụng đất đến 99 năm, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả đời dự án… như trong dự thảo Luật đã thực sự hợp lý chưa, trong khi thực trạng quỹ đất và nhu cầu thu hút đầu tư thông qua chính sách ưu đãi về đất đai ở Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong cũng rất khác nhau.

Trong phần tham luận, thảo luận tại Tọa đàm, các ý kiến đã phân tích toàn diện và sâu sắc về cơ sở lý luận, thực tiễn của từng phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhất là sự phù hợp với chủ trương của Đảng, với quy định của Hiến pháp, vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng ngừa sự lạm quyền…. Nhiều ý kiến chop rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt phải bảo đảm yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp, phân quyền và giao quyền tự chủ mạnh cũng như phải rõ chế độ trách nhiệm; khắc phục được những bất cập về tệ quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, thủ tục hành chính rườm rà, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả…

Nhiều đại biểu đề xuất thiết kế các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, xử lý các mối quan hệ theo chiều ngang, chiều dọc của từng thiết chế trong bộ máy chính quyền địa phương, cơ chế vận hành... để có thể khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước theo đúng như yêu cầu của Bộ Chính trị. Ngoài ra, các quy định của dự thảo Luật cần phải được đặt trong tổng thể chung để bảo đảm sự kết nối giữa đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng như chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng do ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chỉ tổ chức chính quyền một cấp (không có đơn vị hành chính cấp xã) nên chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là chính quyền cấp cơ sở, phải thể hiện sự gần dân, sát dân và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Nhìn chung, các phát biểu tham luận đã phân tích, làm sâu sắc hơn cơ sở lý luận, thực tiễn, dự báo tác động của các vấn đề để Ủy ban Pháp luật và các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5./.