Đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở
TCCSĐT - Ngày 19-10-2017, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Văn hóa của 57 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Hội nghị này nhằm đánh giá lại thực trạng và hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên toàn quốc, những thành tựu đạt được từ năm 2015 đến nay; giới thiệu, biểu dương, nhân rộng những mô hình, cách làm hay ở các địa phương. Đồng thời, Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong tổ chức hoạt động, từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và tiêu chí của các Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở, hiện nay, cả nước có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao,…); 613/713 quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà Văn hóa (đạt tỷ lệ 86%); 5.996/10.230 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao (đạt tỷ lệ 58,5%); 66.513/109.727 thôn, bản, buôn,… có Nhà Văn hóa (đạt tỷ lệ 64%). Ngoài ra, còn có nhiều thiết chế văn hóa, thể thao do các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện thành lập; nhiều cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí, thể thao do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Thời gian qua, Cục Văn hóa cơ sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Các cuộc giao ban định kỳ hằng năm đã tạo diễn đàn để những người làm công tác văn hóa cơ sở có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các mô hình thiết chế văn hóa hiệu quả và qua đó nhân rộng những mô hình, điển hình đặc thù của mỗi địa phương, vùng, miền, dân tộc. Cục đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa nghệ thuật; tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm văn hóa cơ sở về các nội dung: xây dựng đời sống văn hóa, kỹ năng - nghiệp vụ công tác cổ động, thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới,... Đến nay, cả nước có 41 tỉnh, thành đã quy hoạch quỹ đất dành để xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao; đã xây mới 64 Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện để trợ giúp xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh phí để duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở,…
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể là:
Ở cấp Trung ương, việc xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu và chậm; việc tham mưu xây dựng Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở còn một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho nhiều địa phương trong tổ chức thực hiện.
Ở cấp địa phương, một số nơi chưa quan tâm quy hoạch quỹ đất dành để xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao hoặc đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai xây dựng hay sử dụng quỹ đất này cho mục đích khác. Một số nơi, tuy đã xây dựng các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, xã nhưng bộc lộ nhiều bất cập về địa điểm xây dựng, trang thiết bị hoạt động,… Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở nhiều nơi còn hạn chế về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ. Thiếu kinh phí cho việc nâng cấp sửa chữa các thiết chế văn hóa và chi trả cho các hoạt động văn hóa cơ sở,…
Hội nghị đã đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong thời gian tới:
Trước hết, cần xác định công tác nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác này.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Trong đó, cần chú trọng phát huy tính chủ động của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng, miền,…
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các mô hình thiết chế văn hóa cơ sở phù hợp với nhu cầu của các tầng lớp nhân dân; đa dạng hóa nội dung, phương thức tổ chức thực hiện để thu hút sự tham gia đông đảo, tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Bốn là, có cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở, nhằm huy động tốt các nguồn lực xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân.
Năm là, Nhà nước cần tăng ngân sách cho hoạt động văn hóa cơ sở. Đồng thời, ban hành chế độ ưu đãi đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, thể thao đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian; chế độ khuyến khích các cá nhân, tập thể tích cực tham gia các hoạt động văn hóa cơ sở.
Sáu là, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp, các ngành nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở ở các xã xây dựng nông thôn mới.
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận, góp ý cho Bản Dự thảo (lần thứ 2) Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”./.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước Lào Viengthong Siphandone  (19/10/2017)
Thủ tướng ban hành kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm  (19/10/2017)
Khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ  (19/10/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết thúc chuyến thăm Kazakhstan  (19/10/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay