Diễn đàn vừa diễn ra sáng nay (3-3) tại Hà Nội, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp vùng Kansai và Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam khẳng định phát triển công nghiệp phụ trợ là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp từ nay đến năm 2020. Việt Nam chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ theo hướng phát huy tối đa năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế đặc biệt là các đối tác chiến lược - các công ty đa quốc gia… Việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ gắn liền với việc phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho các xí nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư Nhật Bản phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam giúp đào tạo nguồn nhân lực cũng như chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.

Trong số 80 doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm và tìm hiệu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam lần này chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất, chế tạo, thương mại, hệ thống, tư vấn, tiếp nhận nhân lực,…

Phát biểu tại đây, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba nhận định, ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam tuy chậm nhưng cũng đang dần từng bước phát triển, tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm đầu tư thích đáng.

Với quan điểm vận mệnh của ngành công nghiệp Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai phát triển kinh tế của đất nước, ảnh hưởng đến quan hệ đầu tư thương mại và chính sách ODA trong tương lai giữa Nhật Bản và Việt Nam… Ông Mitsuo Sakaba khuyến cáo chính phủ Việt Nam nên chú trọng đầu tư hơn nữa phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ, làm sao xây dựng Việt Nam trở thành một “cứ điểm trong liên kết sản xuất”.

Cùng chung quan điểm, ông Kyoshiro Ichikawa, chuyên gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) - người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam cho rằng, nếu biết nâng tầm quốc gia, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam sẽ có một bước tiến lớn và Việt Nam hoàn toàn có thể là một “cứ điểm liên kết sản xuất”.

Để cụ thể hoá mục tiêu này, ông Kyoshiro Ichikawa nêu 3 việc Việt Nam cần tiến hành 3 cải cách, đó là: cải cách ý thức của lãnh đạo; cải cách ý thức đối với chất lượng và cải cách phương thức đào tạo nhân lực./.