Kể từ khi thành lập (1-10-1949) đến nay, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hết sức quan tâm xây dựng một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhằm đào tạo cho đất nước những con người phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, có văn hóa, có giác ngộ về chủ nghĩa xã hội, đủ sức đưa Trung Quốc vươn lên thành một trong những quốc gia hùng mạnh của thế giới. Sau hơn một nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, nền giáo dục Trung Quốc đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Đáng chú ý nhất là trong những năm “cách mạng văn hóa”, do có nhiều chủ trương và việc làm không đúng, nền giáo dục ở Trung Quốc bị tổn thất nghiêm trọng.

Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc (họp từ 18 đến 22 tháng 12 năm 1978) với đường lối cải cách mở cửa toàn diện đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử hiện đại Trung Quốc nói chung và cho sự nghiệp giáo dục nói riêng. Từ đó cho đến nay, dưới ánh sáng của các nghị quyết mới, Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc cải cách xây dựng đất nước khiến cả thế giới phải khâm phục và thừa nhận.

Giáo dục là một bộ phận của xã hội, trong quá trình phát triển, giáo dục có nhiệm vụ đào tạo con người, chuẩn bị lực lượng sản xuất theo yêu cầu phát triển của một quốc gia. Vì vậy, khi điều kiện kinh tế - xã hội biến đổi tất nhiên phải tiến hành cải cách và phát triển giáo dục, làm cho giáo dục đáp ứng được yêu cầu mới do sự biến đổi gây ra. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng và phát triển, sự nghiệp giáo dục phải thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế quốc dân. Giáo dục phải đào tạo được một đội ngũ chuyên gia, một lực lượng lao động hậu bị thích ứng với nền kinh tế theo một tỷ lệ có kế hoạch. Chất lượng giáo dục, trình độ dạy và học văn hóa, khoa học, không chỉ nhằm mục tiêu phục vụ tốt hơn nữa sự nghiệp xây dựng trước mắt, mà còn phải chuẩn bị cho nhua cầu phát triển lâu dài; không những phải căn cứ vào nhu cầu xây dựng và phát triển sản xuất, mà còn nhằm đáp ứng đầy đủ xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật trong tương lai. Như vậy, cải cách và phát triển giáo dục là yêu cầu bắt buộc đáp ứng quy luật phát triển kinh tế xã hội, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân nào. Muốn đáp ứng quy luật phát triển, tất yếu phải nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất, vì vậy sự nghiệp giáo dục, đào tạo con người giữ vai trò quan trọng.

Ý thức được ý nghĩa của vấn đề, Trung Quốc đã từng bước nâng cao vị trí của nền giáo dục và đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt phải kể tới sự thay đổi nhận thức về giáo dục trong toàn dân. Trung Quốc đã xác định đúng vị trí chức năng, mục tiêu của giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng trong việc nâng cao tố chất dân tộc trong mỗi con người Trung Hoa, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và hiện đại hóa đất nước. Một số vấn đề khác như chương trình đào tạo, kết cấu chương trình phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chế độ tuyển sinh và các biện pháp kế hoạch để khắc phục những bất cập trong thi tuyển, v.v.. Trung Quốc cũng đã có những thành công nhất định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện tại.

Tuy giáo dục Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhưng cũng bộc lộ một số điều bất cập ví dụ như: chất lượng giáo dục không đồng đều, trình độ của người lao động, kết cấu tri thức của lực lượng lao động vẫn còn thấp, thích ứng không tốt với yêu cầu điều chỉnh ngành nghề và cạnh tranh quốc tế. Mặt khác, do yêu cầu bức thiết phải phát triển nhanh đối với giáo dục nên xuất hiện xu thế quá thiên về bề rộng mà chưa chú ý đúng mức về bề sâu, nghĩa là chất lượng chưa được quan tâm đúng đắn nên chất lượng học tập phổ thông ở hầu hết các vùng nông thôn, miền núi cao, vùng sâu, vùng xa là tương đối thấp. Vì vậy, tiếp tục hoàn thiện thể chế giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc trong thời gian tới.

Công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc đã trải qua chặng đường hơn một phần tư thế kỷ. Tuy thời gian không dài, nhưng do có đường lối đúng đắn, thực sự cầu thị, mạnh dạn tìm tòi đúc rút kinh nghiệm nên Trung Quốc đã từ một nước nghèo nàn lạc hậu vươn lên trở thành một nền kinh tế có mức tăng trưởng cao liên tục, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế được nâng cao. Chính vì vậy, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam đặt vào vị trí hàng đầu. Giáo dục cũng làm một lĩnh vực được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng đã có quan hệ từ lâu đời. Do đặc điểm về địa lý và lịch sử nên nền giáo dục hai nước có nhiều ảnh hưởng, giao lưu qua lại. Ngày nay, hai nước đang cùng tiến hành công cuộc cải cách kinh tế nhằm xây dựng một nền kinh tế phát triển. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam và công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc có nhiều nét tương đồng về mục tiêu cũng như tương tự về cách làm, do vậy giáo dục hai nước cũng có nhiều vấn đề giống nhau. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng xác định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là “quốc sách hàng đầu”, cũng thời gian này ở Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “khoa giáo hưng quốc” (Khoa học Giáo dục chấn hưng đất nước). Vì vậy, nghiên cứu về giáo dục ở Trung Quốc xét từ góc độ khoa học cũng như thực tiễn sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn tổng thể về quá trình phát triển của nền giáo dục tiến bộ xã hội chủ nghĩa, vai trò của nó trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và tiếp thu, tham khảo những kinh nghiệm, góp phần gợi mở, tạo luận cứ khoa học cho các chủ trương chính sách trong quá trình đổi mới và phát triển giáo dục ở Việt Nam hiện nay.

Với mong muốn góp một phần nhỏ vào nhiệm vụ trên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách Quá trình cải cách giáo dục ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của TS. Nguyễn Văn Căn, Viện Nghiên cứu Trung Quốc. Cuốn sách nghiên cứu những diễn biến cụ thể của quá trình phát triển và cải cách giáo dục ở Trung Quốc, qua đó làm rõ những thành tựu cơ bản và những hạn chế chủ yếu của sự nghiệp giáo dục đối với các cấp, các ngành học, các khu vực, các địa phương ở Trung Quốc trong thời kỳ 1978-2003. Đồng thời, cuốn sách cũng hệ thống hóa quá trình phát triển và cải cách giáo dục ở Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 2003 thông qua việc sưu tầm, tập hợp và hệ thống một cách toàn diện và tương đối đầy đủ các nguồn tài liệu như các luật, chỉ thị, nghị quyết, chính sách giáo dục của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong thời kỳ 1978 – 2003 đối với các cấp, các ngành học, các khu vực, các địa phương qua từng giai đoạn trên chặng đường 25 năm cải cách phát triển của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trọng tâm của cuốn sách là thời kỳ 1978 – 2003, nhưng để có cái nhìn toàn diện hơn, phần đầu tác giả trình bày khái quát về tình hình giáo dục ở Trung Quốc từ năm 1949 đến năm 1978. Trên cơ sở nghiên cứu những thành tựu và hạn chế của giáo dục Trung Quốc, cuốn sách gợi mở một số bài học tham khảo cho những người quan tâm đến giáo dục Trung Quốc và giáo dục Việt Nam.