Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển các ngành dịch vụ tốt nhất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2007, tổng doanh thu thương mại, dịch vụ đạt trên 40.000 tỉ đồng, tăng 24,77% so với năm 2006, riêng doanh thu dịch vụ tăng 20,35%. Bà Rịa - Vũng Tàu đang từng bước thực hiện tốt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ

Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, là cửa ngõ hướng ra biển của khu vực, có tiềm năng kinh tế biển, tiềm năng du lịch rất phong phú, là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước với lợi thế: trung tâm khai thác dầu khí, nhà máy phân đạm, nhà máy nhiệt điện...

Là một tỉnh ven biển, có những khu rừng nguyên sinh dọc theo bãi biển, có núi, đồng bằng; bờ biển dài thoải, nhiều bãi tắm đẹp; nhiều khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng... Ưu đãi của thiên nhiên đã tạo cho Bà Rịa - Vũng Tàu có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch sinh thái, biển đảo...

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có tổng số 37 cảng với chiều dài tuyến bến là 22.636 m, diện tích 1.163 ha, dự kiến tổng công suất là 101 triệu tấn/ năm. Hiện đã xây dựng được 15 cảng với chiều dài 4.500m. Bên cạnh việc phát triển hệ thống cảng biển, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có hệ thống giao thông đường bộ khá hoàn chỉnh, thường xuyên được nâng cấp, nối liền với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ qua trục đường chính quốc lộ 51, quốc lộ 56 và tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Bình Châu nối với tỉnh Bình Thuận.

Tỉnh đã có 9 khu công nghiệp đang cho thuê đất đạt tỷ lệ lấp đầy 75,63%. Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 6 khu công nghiệp với diện tích khoảng 5.650 ha; đang trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đề án thành lập thêm 8 khu công nghiệp mới với diện tích trên 4.500 ha. Ngoài ra tỉnh đang thực hiện chủ trương giao cho các doanh nghiệp đầu tư 34 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích 1.794 ha, triển khai lập quy hoạch chi tiết và chuẩn bị các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư...

Với những điều kiện tự nhiên ưu đãi, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế phát triển các ngành dịch vụ du lịch, vận tải biển, tài chính, thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế. Thềm lục địa thuộc vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu thô và khí đốt, có tiềm năng để phát triển các ngành dịch vụ phục vụ cho khai thác và vận chuyển dầu khí, vận tải biển, cung cấp kỹ thuật...

Bước chuyển mình với những thành tựu khả quan

Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như vai trò, vị trí của kinh tế dịch vụ trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung các nguồn lực, đề ra các giải pháp hợp lý phát triển các ngành dịch vụ của địa phương. Nhờ vậy , kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát triển với tốc độ khá nhanh. Cơ cấu kinh tế của tỉnh có bước chuyển biến tích cực, trong giai đoạn 2000 - 2005, GDP của khu vực dịch vụ tăng trưởng khá cao, bình quân tăng 10,75%/năm. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, đúng hướng. Doanh thu các ngành dịch vụ sau 5 năm tăng 2,2 lần, tốc độ tăng bình quân 17,1%/năm. Các thành phần kinh tế đã chú trọng đầu tư khá mạnh vào các ngành dịch vụ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào các ngành dịch vụ tăng từ 685,5 tỉ đồng lên 1.548,3 tỉ đồng, tăng 2,26 lần, tương đương với tốc độ tăng bình quân 17,7%/năm. Đầu tư nước ngoài vào khu vực dịch vụ có 31 dự án, chỉ chiếm 27% tổng số dự án đầu tư nước ngoài, nhưng chiếm tới 41,19% về tổng số vốn đăng ký và tổng số vốn pháp định. Các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực dịch vụ như thương mại, khách sạn, nhà hàng, thông tin liên lạc, tài chính, tín dụng,... Các ngành dịch vụ cũng đang ngày càng thu hút nhiều hơn lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Số lao động đang làm việc trong khu vực dịch vụ chiếm tới 22,38% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, cao hơn so với 21,31% số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp - xây dựng.

Năm 2006, tổng doanh thu ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh đạt 32.138 tỉ đồng, tăng 9,32% so với năm 2005, riêng doanh thu dịch vụ tăng 21,18%. Năm 2007, tổng doanh thu thương mại, dịch vụ trên 40.000 tỉ đồng, tăng 24,77% so năm 2006, trong đó doanh thu dịch vụ tăng 20,35%. Dịch vụ dầu khí doanh thu khoảng 4.980 tỉ đồng, tăng 18,29% so với năm 2006. Dịch vụ du lịch doanh thu khoảng 1.075,425 tỉ đồng, tăng 12,02% so với năm 2006.

Đạt được những kết quả trên, ngoài sự chủ động khai thác và phát huy những lợi thế vốn có còn phải kể đến những yếu tố thuận lợi khác, đó là những chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tăng trưởng, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong các ngành dịch vụ, xây dựng môi trường pháp luật và mở cửa thị trường dịch vụ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Những thách thức phải vượt qua

Trong giai đoạn 2001-2005, tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ chỉ đạt bình quân 10,75%/năm, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh (12,98%/năm) và chỉ bằng khoảng 1/2 so với tốc độ tăng trưởng 21,02%/năm, nếu không tính dầu khí. Tỷ trọng kinh tế dịch vụ trong GDP của tỉnh cũng có xu hướng giảm từ 40,64% xuống còn 27,72%. Đây là xu hướng trái ngược với xu hướng tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ trên thế giới. Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng vốn đầu tư xã hội vào khu vực dịch vụ giảm từ 38,33% tổng số vốn đầu tư xã hội trên địa bàn xuống còn 11,72%, tăng chậm hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và xây dựng (53,71% lên 87,22%). Xu hướng này đang và sẽ bộc lộ những bất cập trong đầu tư phát triển ít nhất trên hai khía cạnh: Thứ nhất, các ngành sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp sẽ phải tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ từ bên ngoài để bảo đảm sự phát triển. Thứ hai, các ngành sản xuất sẽ thiếu sự hỗ trợ cần thiết từ khu vực dịch vụ và khó có khả năng phát triển nhanh trong thời gian tới.

Cơ cấu sở hữu và thị phần của các thành phần kinh tế trong các ngành dịch vụ đã có sự thay đổi theo hướng mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhưng chưa tạo ra sự thay đổi lớn trong phát triển các ngành dịch vụ. Hầu hết các ngành dịch vụ còn ở trình độ phát triển thấp.

Những khó khăn, hạn chế nêu trên cũng đã được các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu, phân tích, đánh giá để xác định cụ thể những nguyên nhân và đề ra những giải pháp khắc phục.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành dịch vụ

Dịch vụ ngày càng chiếm vị trí quan trọng của nền kinh tế nước ta nói chung, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và là yếu tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Dịch vụ góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Như vậy, phát triển kinh tế dịch vụ có vai trò hết sức quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong những năm tới, để đáp ứng được yêu cầu công nghiêp hóa, hiện đại hóa và thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện Việt Nam đã gia nhập WTO, cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi khu vực dịch vụ trên địa bàn phải phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng và chất lượng dịch vụ, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đây là nhiệm vụ có tầm chiến lược đặt ra đối với phát triển các ngành dịch vụ của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí của kinh tế dịch vụ trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như những yêu cầu của tình hình thực tế tại địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ IV đã xác định mục tiêu tổng quát 5 năm 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015 là phấn đấu xây dựng, phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển, có hệ thống thương cảng quốc gia và quốc tế vào đầu những năm 2010 - 2015; là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hải sản của khu vực và cả nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh khu vực dịch vụ và đạt kết quả: công nghiệp, xây dựng: 63,33% - 65,79%, dịch vụ 30,10% - 32,51%, nông nghiệp 4,11% - 4,16%.

Trên thực tế, những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương đối với kinh tế dịch vụ. Nhưng để phát triển một cách có hệ thống, có tổ chức nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của kinh tế dịch vụ trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đang xem xét thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế dịch vụ. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Tỉnh ủy về lĩnh vực kinh tế dịch vụ. Theo đó, Uy ban nhân dân tỉnh sẽ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt đề án "Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế dịch vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2005 - 2015 và tầm nhìn đến 2020". Định hướng tập trung phát triển kinh tế dịch vụ, phấn đấu doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 19,3%/năm, trong đó doanh thu dịch vụ công nghiệp tăng 21,65%/năm, dịch vụ cảng tăng 46,79%/năm, dịch vụ du lịch tăng 14,61%/năm.

Chương trình phát triển kinh tế dịch vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở rộng nhiều loại hình dịch vụ, tạo nên một thị trường dịch vụ đa dạng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu phát triển của xã hội trên địa bàn tỉnh như: các loại hình dịch vụ mới, dịch vụ công nghệ viễn thông, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ phục vụ khu công nghiệp, dịch vụ cảng, hàng hải, vận tải, sửa chữa tàu thuyền, kho bãi, dịch vụ y tế, dịch vụ dầu khí, dịch vụ thể thao, văn hóa, giải trí...

Tuy nhiên, cùng với việc phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, tỉnh cũng xác định những loại hình dịch vụ cần tập trung đầu tư phát triển mà không dàn trải. Các loại hình được tập trung chủ yếu là những ngành dịch vụ mà tỉnh có thế mạnh như: du lịch, kinh tế biển (dịch vụ hàng hải, kho bãi, sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá), công nghiệp.

Những giải pháp cụ thể

1 - Phát triển nhu cầu sử dụng dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động các khu cụm công nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động liên kết, sáp nhập để mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh, duy trì giá cả dịch vụ trên địa bàn tỉnh ở mức hợp lý.

2 - Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Từng bước chuyển đổi các cơ quan, tổ chức sự nghiệp sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trước hết tập trung chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp. Thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong nước vào các ngành dịch vụ công nghệ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn như viễn thông, tư vấn chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động kỹ thuật cao,... Hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nâng cao năng lực quản lý chất lượng dịch vụ, tìm kiếm các chương trình hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp trong tỉnh do các tổ chức quốc tế (chính phủ và phi chính phủ) hoặc các công ty nước ngoài cung cấp.

3 - Xây dựng các trung tâm cung cấp dịch vụ có sức lan tỏa trên phạm vi toàn tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hình thành trung tâm cung cấp dịch vụ tại khu đô thị mới Phú Mỹ, trong đó tập trung phát triển các loại hình dịch vụ quan trọng cho công nghiệp, dịch vụ cảng và các dịch vụ phục vụ cộng đồng. Tập trung xây dựng thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch, dịch vụ hàng hải, dịch vụ dầu khí và các dịch vụ phục vụ cộng đồng. Đẩy nhanh việc hình thành trung tâm cung cấp dịch vụ cảng, dịch vụ vận tải đường biển, đường sông tại các cảng Thị Vải - Cái Mép và Côn Đảo. Tập trung xây dựng thị xã Bà Rịa trở thành trung tâm cung cấp đồng bộ các dịch vụ, trong đó tập trung vào các ngành dịch vụ phân phối, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, tư vấn đầu tư. Chuyển giao công nghệ, y tế, giáo dục và các dịch vụ hành chính công.

4 - Tăng tỷ trọng vốn đầu tư phát triển các ngành dịch vụ của tỉnh từ 15% tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh hiện nay lên 30% - 35% vào năm 2010. Trong đó, ưu tiên đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, du lịch, cảng biển (phối hợp với nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương). Thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án lớn trong lĩnh vực du lịch, đào tạo, hệ thống phân phối. Vốn ngân sách tỉnh tập trung chủ yếu vào xây dựng trường học, trụ sở làm việc, chợ, trung tâm thương mại, các dự án hạ tầng kinh tế và xã hội khác. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đầu tư. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện tốt việc đền bù giải phóng mặt bằng. Củng cố, mở rộng hơn nữa các hình thức hỗ trợ tín dụng, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp...

5 - Về công tác điều hành, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế dịch vụ và giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành với tiến độ thực hiện cụ thể. Ngoài ra, Uy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế biển để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho việc phát triển ngành kinh tế dịch vụ.

Dưới sự lãnh đaọ, chỉ đạo, định hướng đúng đắn của Tỉnh ủy, cùng với việc tổ chức thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp phù hợp của các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ giúp cho các ngành dịch vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời, qua đó phát huy được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế dịch vụ và phát huy vai trò hỗ trợ đối với các ngành sản xuất vật chất, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, đổi mới bộ mặt nông thôn và vùng ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. /.