TCCSĐT - Ngày 22-11-2016, tại thành phố Bạc Liêu, Tỉnh ủy Bạc Liêu phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Bạc Liêu 20 năm - Một chặng đường phát triển”. Các đồng chí: Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu; TS. Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Quảng Trọng Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu; Nguyễn Bình Tân, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu đồng chủ trì hội thảo.

 
Đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Hội thảo

Tham dự hội thảo có hơn 80 đại biểu là nguyên lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau qua các thời kỳ; lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh xuất thân từ Bạc Liêu; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bạc Liêu, các nhà khoa học; lãnh đạo, biên tập viên Cơ quan Thường trực Miền Nam - Tạp chí Cộng sản.

Báo cáo đề dẫn hội thảo do đồng chí Quảng Trọng Ninh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu trình bày nhấn mạnh: Hội thảo khoa học “Bạc Liêu 20 năm - một chặng đường phát triển” là hoạt động rất có ý nghĩa, là cơ hội tốt để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bạc Liêu cùng nhau nhìn lại 20 năm tái lập tỉnh. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn sinh động của 20 năm xây dựng và phát triển, làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối lãnh đạo phát triển Bạc Liêu trong những chặng đường tiếp theo; phấn đấu đưa Bạc Liêu phát triển, sánh vai cùng các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tỉnh Bạc Liêu tái lập năm 1997, được chia tách từ tỉnh Minh Hải cũ (gồm 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau hiện nay). Khi mới tái lập, Bạc Liêu là một trong những tỉnh nghèo nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; đời sống của đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp (chỉ đạt khoảng 2,4 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo cao (28,9% theo tiêu chí năm 1997), hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội không đáp ứng được yêu cầu. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, với sự quan tâm, giúp đỡ to lớn của Trung ương; với quyết tâm, nỗ lực, chung sức của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay, Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm trên 10%; tổng sản phẩm quốc nội năm 2016 ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2016 ước đạt hơn 48 triệu đồng, tăng hơn 8 lần so với năm 1997. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển vững chắc theo hướng sản xuất hàng hóa, diện mạo nông thôn và đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều thành tựu nổi bật, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ rõ rệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh của tỉnh được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, tỉnh Bạc Liêu cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức. Đó là: cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn chuyển dịch chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra qua nhiều nhiệm kỳ; đầu tư phát triển hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt,…) còn nhiều khó khăn, hạn chế; tỉnh có tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển nhưng việc đầu tư phát triển lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng, chưa thực sự đưa kinh tế biển trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới đa chiều còn khá cao (hộ nghèo là 15,55%, hộ cận nghèo là 7,03%); chất lượng giáo dục, đào tạo có một số mặt chưa đạt so với yêu cầu; đóng góp của khoa học - công nghệ cho phát triển kinh tế, xã hội còn thấp; hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho nhân dân;…

Tại hội thảo, với 23 tham luận và 11 ý kiến trình bày, các đại biểu đã tập trung góp ý, trao đổi 7 nội dung để đưa Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Một là, làm thế nào để đẩy mạnh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện địa - kinh tế của tỉnh gặp nhiều bất lợi, xa các trung tâm kinh tế lớn. Hai là, giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp, huy động nguồn lực trong doanh nghiệp và nhân dân còn nhiều khó khăn. Ba là, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế biển trong điều kiện kết cấu hạ tầng vùng ven biển còn yếu kém, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Bốn là, nâng cao đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh; nhất là thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đền ơn đáp nghĩa. Năm là, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa của tỉnh. Sáu là, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông. Bảy là, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 
 TS. Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
phát biểu tại Hội thảo

Trình bày tham luận “Xây dựng thương hiệu kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, kinh tế du lịch gắn với công nghiệp dịch vụ và văn hóa sông nước đặc trưng - nền tảng và động lực phát triển Bạc Liêu thịnh vượng và bền vững”, TS. Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nêu vấn đề: Phải chăng Bạc Liêu chọn cho mình: Toàn lực tiếp tục xây dựng thương hiệu kinh tế biển gắn với kinh tế nông nghiệp trong mối liên hệ hữu cơ với công nghiệp dịch vụ phục vụ kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp song hành với phát triển theo chiều sâu kinh tế du lịch - ngành “công nghiệp không có khói” - cấu thành nền tảng và là động lực chủ yếu để Bạc Liêu phát triển thịnh vượng và bền vững? Trên cơ sở đó, TS. Nhị Lê nhận định: Xung lực cất cánh của Bạc Liêu trong thời gian tới là ba lực đẩy chủ lực: Đô thị hóa phù hợp (trước hết là phát triển hệ thống thị trấn, thị tứ) - nền nông nghiệp sạch trong môi trường nông thôn mới đa văn hóa tộc người - và phát triển cả về bề rộng và chiều sâu khu hội tụ lực lượng trí thức nắm giữ và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ (hệ thống đào tạo 2 trường đại học, các trường trung học nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trình độ cao gắn với và phục vụ kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, kinh tế du lịch…) - phát triển công nghiệp chế biến theo chuỗi sản phẩm và chuỗi dịch vụ công nghiệp với tính cách là động lực chủ yếu.

Để đưa Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới, đồng chí Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, đề cập đến những nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá là: Triển khai xây dựng nhanh khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nuôi tôm Bạc Liêu, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; ưu tiên đầu tư và khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch tín ngưỡng; củng cố, phát triển các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ của địa phương nhằm tạo tiền đề hình thành các cơ sở công nghiệp có quy mô sản xuất lớn; tập trung huy động vốn để đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đa dạng hóa nguồn lực đầu tư mà trọng tâm là hình thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và công dân, theo hướng tinh gọn, minh bạch, công khai để thu hút đầu tư và tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, xuất thân từ Bạc Liêu, nguyên Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bạc Liêu có thể tận dụng lợi thế nước mặn để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm đầu tư chiều sâu cho những lĩnh vực có thế mạnh, làm sao cho những sản phẩm văn hóa, du lịch đã có ngày càng thêm hấp dẫn cùng với những sản phẩm mới, giàu bản sắc; Trường Đại học Bạc Liêu cần tập trung đào tạo những ngành, nghề đáp ứng cho yêu cầu phát triển của địa phương, khu vực với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng chí Trần Thanh Khiêm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau, đề nghị: Song song với các giải pháp phát triển kinh tế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh cần chú trọng đầu tư phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; thực hiện tốt hơn nữa các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công với nước, người nghèo và đồng bào dân tộc Khmer; xây dựng Đảng bộ Bạc Liêu thật trong sạch, vững mạnh. Đồng chí Trương Minh Chiến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu khóa XIII, mong muốn trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, kiên trì thực hiện đến cùng những quyết sách đúng đắn đã đề ra. Đặc biệt, cần có cơ chế đảm bảo cho người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén trong lãnh đạo, điều hành; tránh áp đặt, quy chụp, cứng nhắc,…

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu, khẳng định: Những thành tựu đạt được trong 20 năm qua đã tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển của Bạc Liêu trong tương lai. Thông qua hội thảo, những tham luận và những ý kiến đóng góp chân tình của các đại biểu, đặc biệt là những những giải pháp, kiến nghị được đề xuất trên nhiều lĩnh vực, sẽ giúp lãnh đạo tỉnh có thêm cơ sở khoa học, cái nhìn tổng thể, những kinh nghiệm quý báu, làm cơ sở để hoạch định những chủ trương, quyết sách xây dựng và phát triển Bạc Liêu. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu, từ đó đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn, tiếp tục đưa Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới./.