Trong Di chúc năm 1969, cuối phần nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
 

Đó là di chúc chính trị, cũng là di chúc về đạo đức. Chỉ vẻn vẹn trong 57 từ, Bác Hồ đã khái quát yêu cầu bản chất nhất về đạo đức của cán bộ, đảng viên; và yêu cầu đó là xuất phát từ bản chất cách mạng của Đảng ta, từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.

Theo cách hiểu thông thường, về mặt chính trị, lãnh đạo và phục vụ là hai phạm trù có nội hàm khác nhau; người lãnh đạo và người đầy tớ (người phục vụ) cũng có những chức trách không giống nhau. Thế nhưng, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng ra đời từ phong trào cách mạng của nhân dân, có thiên chức lãnh đạo cuộc cách mạng ấy vì mục đích phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm lợi ích cao nhất của mình, thì hoàn toàn không có một bức tường ngăn cách nào giữa nhiệm vụ lãnh đạo và nhiệm vụ phục vụ.

Ngày 3-3-1951, trong lời kết thúc buổi lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

“Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà:

- Giàu sang không thể quyến rũ,

- Nghèo khó không thể chuyển lay,

- Uy lực không thể khuất phục”.

Bác còn nói: “Nói về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ:

“Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ,

Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”

Xin tạm dịch là:

“Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,

Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.

Ý nghĩa của hai câu thơ đó được Bác giải thích như sau: “Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ.

“Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân.

Và Bác kết luận: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(1).

Tháng 1-1960, tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng ta, Bác Hồ lại nói:

...“thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó khăn hơn nhiều. Ngày nay ở miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đảng đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta thi đua kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi, no ấm và mỹ tục thuần phong. Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hăng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta.

Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(2).

Đảng ta là như vậy. Vậy đảng viên, cán bộ của Đảng phải như thế nào? Phải hiểu mối quan hệ giữa lãnh đạo và phục vụ như thế nào cho đúng?

Tháng 2-1947, nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

... “Phải nhớ Đoàn thể làm việc cho dân, Đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”(3).

Trong Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947), Bác đặt ra câu hỏi: “Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào?” và Bác trả lời:

“Cố nhiên không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh.

Lãnh đạo đúng nghĩa là:

1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhât định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.

2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.

3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có

quần chúng giúp mới được.

... Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(4).

Ngày 18 - 1 - 1947, nói chuyện tại buổi lễ bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, Bác nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Muốn lãnh đạo được quần chúng, trước tiên phải có đạo đức cách mạng". "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.

Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó.

Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”(5).

Tháng 7-1955, nói chuyện tại Phân hiệu II Trường Nguyễn Ái Quốc, Bác nói: "...Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp”(6).

Nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, ngày 20-3-1961, Bác dặn: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân; đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân; đều phải theo đúng chính sách của Đảng và đi đúng đường lối quần chúng”(7).

Nói chuyện với cán bộ tỉnh Hà Tây, ngày 10-2-1967, Bác chỉ rõ:

“Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng.

Vì vậy, đã là đảng viên thì phải cố thành một đảng viên “bốn tốt”, tức là phải hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, làm đúng chính sách của Đảng, nếu không thì vào làm gì? Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay khoan là hãy vào.

Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân. Bác nhấn mạnh: làm đầy tớ nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân”(8).

Tư tưởng đảng viên và cán bộ “vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân” là tư tưởng nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, đặc biệt là từ khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong tác phẩm Hồ Chủ tịch - Hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại (Nxb Sự thật, 1947) đã viết: “Trước đây, chúng ta thường nghe, trong Di chúc chúng ta lại đọc một câu rất có ý nghĩa của Hồ Chủ tịch: “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Câu đó phải được tất cả chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm từ trên xuống dưới trong bộ máy của Đảng và của Nhà nước suy nghĩ. Đó là quan điểm cách mạng vô sản, một luận điểm có ý nghĩa cơ bản và sâu sắc về quan hệ giữa cơ quan lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của quần chúng”
 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 6, tr 184 - 185
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 4;
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 5, tr 54 - 55
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 5, tr 285 - 290
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 5, tr 552
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 34
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 323
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t 12, tr 221 - 222