TCCSĐT - Ngày 29-10-2016, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Thành ủy Đà Nẵng phối hợp đồng tổ chức Hội thảo Khoa học - Thực tiễn “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Tham dự Hội thảo có hơn 80 đại biểu là các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đào tạo và các nhà doanh nghiệp ở Trung ương, khu vực và các địa phương trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. PGS,TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản; TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản và đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đồng chủ trì Hội thảo.

 

Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng phát biểu khai mạc và chào mừng

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí phát biểu khai mạc, chào mừng Hội thảo và giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế tư nhân nói riêng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng nói chung.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo do Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, TS. Phạm Tất Thắng trình bày cùng hơn 80 bài tham luận gửi tới Ban Tổ chức và 12 ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân; nêu lên thực trạng phát triển kinh tế tư nhân và những vấn đề đặt ra, đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân để khu vực này thật sự là động lực quan trọng của nền kinh tế

Các tham luận cho rằng, Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”, là bước tiến mới trong nhận thức của Đảng về vai trò của các thành phần kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cho thấy tư duy lý luận của Đảng không ngừng vận động và phát triển, ngày một phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Từ nóng vội chủ quan cải tạo sớm các thành phần kinh tế tư nhân, tư bản đến chỗ thừa nhận vị trí, vai trò của chúng nhằm mục đích giải phóng mọi sức sản xuất; tiếp đến xác định sự tồn tại lâu dài và xem các thành phần kinh tế là những bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Và, đến Đại hội lần thứ XII, Đảng ta có nhận thức mới về vai trò của kinh tế tư nhân, xem kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thực tiễn qua 30 năm đổi mới, diện mạo của khu vực kinh tế tư nhân đã có sự thay đổi rõ rệt, số lượng doanh nghiệp tư nhân không ngừng phát triển với quy mô rộng lớn hơn, kinh tế tư nhân đã tham gia ở tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến thương mại, dịch vụ hay thậm chí cả những dịch vụ công… Tất cả đang đóng góp ngày càng nhiều cho kinh tế và xã hội. Hiện cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân, chiếm 90% số doanh nghiệp cả nước và khoảng 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ. Trong giai đoạn 2006 - 2015, so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực FDI, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP của cả nước; 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp; khoảng 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ; 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển. Giai đoạn 2006 - 2010, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 35% tổng vốn đầu tư phát triển; giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 36%. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm.

 

 Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu kết luận Hội thảo


Các tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý và doanh nhân ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã vẽ nên bức tranh khá khởi sắc của kinh tế tư nhân trên địa bàn. Hiện doanh nghiệp chiếm tỷ lệ trên 92% trong tổng số doanh nghiệp trong khu vực và thực sự trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Giai đoạn 2010 - 2015, kinh tế các tỉnh, thành phố ở miền Trung - Tây Nguyên đều phát triển ổn định và đạt tốc độ khá. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của các tỉnh, thành phố ở miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) là 8,95%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 34,8 triệu/năm; tương ứng các tỉnh ở Tây Nguyên là 12,2% và 36,4 triệu/năm,…

Các đại biểu tham gia Hội thảo còn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển, như: Năng lực kinh tế còn nhỏ bé, trình độ công nghệ và quản lý kinh doanh phần lớn còn yếu kém, sức cạnh tranh còn yếu, còn mang tính chất tự phát, chưa chấp hành nghiêm luật pháp trong sản xuất kinh doanh; hầu hết doanh nghiệp tư nhân quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, các đại biểu còn chỉ ra những rào cản cho sự phát triển của kinh tế tư nhân nói chung, doanh nghiệp nói riêng, như: Sự thiếu bảo đảm các quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp; tồn tại nhiều rào cản gia nhập thị trường với doanh nghiệp; trật tự và kỷ luật thị trường không có nhiều cải thiện. Do đó, thời gian tới, cần hoàn thiện thể chế để kinh tế tư nhân đóng vai trò đầu tàu phát triển; thiết lập khung khổ pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu tài sản tốt hơn; khắc phục tình trạng chồng chéo và mâu thuẩn giữa các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường tính minh bạch và nhất quán của chính sách, pháp luật; xóa bỏ tình trạng bị khu vực nhà nước lấn át khi tiếp cận nguồn lực; tiếp tục triển khai nghiêm túc các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn cho rằng, Hội thảo đã hoàn thành những nội dung cơ bản Hội thảo đặt ra. Các tham luận và ý kiến phát biểu đã tập trung phân tích đa dạng, nhiều chiều, gợi mở được nhiều vấn đề quan trọng, như: trình bày về quá trình chuyển biến của kinh tế tư nhân ở nước ta; nêu lên những vấn đề lý luận chung về chức năng, vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân; đề cập đến thực trạng của kinh tế tư nhân; nhận dạng những rào cản đối với sự phát triển kinh tế tư nhân; kiến nghị và đưa ra nhiều giải pháp phát triển hơn nữa kinh tế tư nhân, để thành phần này thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế,... Theo Phó Tổng Biên tập Phụ trách, các tham luận tại Hội thảo sẽ được Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản chọn lọc, biên tập và công bố trên các ấn phẩm của Tạp chí; đồng thời sẽ báo cáo, đề xuất lên trên về những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu về các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng./.