TCCSĐT - Ngày 19-9-2016, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư và đại diện các bộ, ban, ngành trung ương đã làm việc với đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã báo cáo tình hình hoạt động của Học viện những năm qua, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Học viện đã đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn lý luận với thực tiễn; tích cực chỉ đạo triển khai các lớp bồi dưỡng theo chức năng;... Từ đó, góp phần quan trọng trong việc tham gia chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XII của Đảng, cũng như tiếp tục chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt đương chức và dự nguồn của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Học viện đã triển khai nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, nổi bật là Chương trình nghiên cứu, tổng kết làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã hoàn thành nhiều công trình, bộ sách có giá trị, tiếp tục cung cấp cơ sở khoa học cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ của Học viện được chăm lo xây dựng về chính trị tư tưởng, đạo đức và tri thức, trình độ chuyên môn; chủ động và tích cực mở rộng hợp tác quốc tế;...

Đề cập mặt hạn chế, khó khăn của Học viện, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết một trong những hạn chế hiện nay là Học viện chưa thực sự chủ động giữ vững và làm đậm đà hơn nữa bản sắc của Trường Đảng Trung ương; chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế và vị thế của Học viện. Ngoài ra, chương trình, nội dung đào tạo, tuy đã điều chỉnh, đổi mới, nhưng vẫn có biểu hiện bị khô cứng, thiếu hơi thở thực tiễn đang thay đổi nhanh, không tạo sự hấp dẫn đối với người học; chất lượng nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học chưa cao, động lực nghiên cứu khoa học bị giảm sút. Bên cạnh đó, tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, quy chế lãnh đạo, quản lý còn bất hợp lý, chưa tuyển dụng được nhiều nhân lực đủ đức, đủ tài, vừa được đào tạo cơ bản, vừa có hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn. Chưa kể đến cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, thiếu so với yêu cầu công việc; không đáp ứng với chuẩn chung và có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với xu thế giáo dục, đào tạo hiện đại.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Đinh Thế Huynh biểu dương những nỗ lực và kết quả công tác mà các đồng chí cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhất trí với những đánh giá của Ban Giám đốc về những ưu điểm, thế mạnh và những hạn chế, khó khăn của Học viện. Để tiếp tục phát triển Học viện ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Học viện cần nhất quán các phương hướng sau:

Trước hết, Học viện phải củng cố vị thế với tư cách là Trường Đảng cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; là một trong các cơ quan trung ương của Đảng và là trung tâm quốc gia duy nhất có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho toàn bộ hệ thống chính trị. Để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ này, Học viện cần tiếp tục đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm: cơ bản, hệ thống, hiện đại và thực tiễn; xây dựng chương trình cao cấp lý luận trong đó chứa đựng những nội dung riêng có của Trường Đảng Trung ương, không tồn tại ở bất cứ cơ sở đào tạo nào khác. Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học vừa để phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng vừa góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh nhân tố suy cho cùng quyết định chất lượng công tác của toàn Học viện trong thời gian tới chính là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị các bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội quan tâm, tạo điều kiện cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trên một số công việc, cần ưu tiên đầu tư phát triển Học viện trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, Học viện cần xây dựng các Đề án phát triển trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ xem xét, quyết định./.