TCCSĐT - Ngày 05-01-2016, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015, mã số KX.04/11-15. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình dự và chỉ đạo Hội nghị.
Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận - chính trị giai đoạn 2011 - 2015 có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ trực tiếp xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới và việc soạn thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Để đạt được những mục tiêu đề ra, Chương trình KX.04/11-15 đã triển khai 31 đề tài. Đến ngày 31-12-2015, về cơ bản, Chương trình đã hoàn thành tiến độ theo hợp đồng đã ký kết với Bộ Khoa học và Công nghệ. 27/31 đề tài đã được bảo vệ cấp nhà nước, trong đó 25 đề tài đạt loại xuất sắc, 02 đề tài đạt loại khá.

Báo cáo kết quả của Chương trình KX.04/11-15 đã đánh giá: Các đề tài trong Chương trình đã bám sát mục tiêu, nội dung nghiên cứu, bám sát thực tế trong nước và thế giới đang diễn ra để bổ sung kịp thời những vấn đề cần tập trung nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của công tác lý luận và tổng kết thực tiễn. Các đề tài đã nghiên cứu, cung cấp các luận cứ phục vụ trực tiếp xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới và soạn thảo các dự thảo văn kiện trình Đại hội của XII của Đảng, trong đó tập trung vào 8 vấn đề:

Một là, làm rõ cục diện thế giới và khu vực, những biến động gần đây tác động đến Việt Nam; dự báo tình hình sắp tới.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đề xuất nhận thức mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn để xác định quan niệm về nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bốn là, cung cấp nhiều luận cứ mới, phục vụ việc xây dựng nghị quyết của trung ương về văn hóa, đặc biệt là những cơ sở để hoàn thiện định hướng nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Năm là, một số vấn đề xã hội trong tình hình mới được nghiên cứu, như: về định hướng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ở nước ta trong điều kiện mới; vấn đề liên minh giai cấp, vấn đề tôn giáo, dân tộc và có những kiến nghị mới với Đảng, Nhà nước.

Sáu là, về vấn đề bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các đề tài thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh tập trung nghiên cứu những vấn đề về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới; các giải pháp đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bảy là, đề xuất quan niệm đầy đủ hơn về hội nhập quốc tế, làm rõ những vấn đề mới đặt ra đối với Việt Nam, từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số giải pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục thực hiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tám là, các đề tài nghiên cứu về đổi mới hệ thống chính trị, thực hành dân chủ và xây dựng Đảng cầm quyền đã đóng góp nhiều luận cứ về tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, về định hướng lớn và những giải pháp để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về nội dung và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của 31 đề tài thuộc Chương trình và khẳng định, nhiều kết quả nghiên cứu của Chương trình đã cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 30 năm đổi mới, xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Nhiều kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Về phương hướng sắp tới, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị, để chuẩn bị cho "Chương trình nghiên cứu lý luận giai đoạn 2016-2020", việc xây dựng khung Chương trình nghiên cứu lý luận giai đoạn 2016-2020 cần đáp ứng yêu cầu hoàn thiện định hướng nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực luận giải những vấn đề do thực tiễn đặt ra để trình Bộ Chính trị khóa XII xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Hội đồng Lý luận Trung ương cũng sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tuyển chọn, xét chọn chủ nhiệm các đề tài, cơ quan chủ trì đề tài, đồng thời phối hợp với
Ban Chủ nhiệm Chương trình tổ chức, triển khai nghiên cứu các đề tài một cách nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển đất nước./.