Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-11-2015
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đà cải cách
Tại phiên họp Chính phủ tháng 11-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu năm 2016 cần tiếp tục đà cải cách của năm 2015, phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng cạnh tranh của từng mặt hàng, sản phẩm, phải đạt được các mục tiêu về giảm thời gian nộp thuế, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa…, những lĩnh vực đã đạt được mục tiêu cải cách như tiếp cận điện năng thì phải phấn đấu làm tốt hơn nữa.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp, về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng qua, trong năm 2015, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện rõ rệt. Các tổ chức quốc tế mới đây cũng ghi nhận bước tiến của Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 3 bậc về môi trường kinh doanh, trong khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng xếp Việt Nam tăng 12 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trước những cơ hội và sức ép cạnh tranh, không có cách nào khác là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, từng mặt hàng, tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Thủ tướng đặc biệt lưu ý giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong bối cảnh Việt Nam có tới 45 triệu người sử dụng Internet và cơ chế, chính sách cũng đã khá đầy đủ. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.
“Chẳng hạn trong ngành Thuế, cuối năm nay phấn đấu 90% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử thì người dân sẽ không phải xách xe, xách tiền đi nộp nữa, nếu làm được thì cải cách rất lớn, rất thuận tiện. Các nước làm được thì không có lý do gì ta lại không làm được?” - Thủ tướng đặt vấn đề.
Trong số các nội dung cải cách, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các bộ ngành, địa phương về các điều kiện kinh doanh. Theo đó, phải hết sức tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bởi không có doanh nghiệp, người dân không kinh doanh thì đất nước không phát triển được. Đồng thời Thủ tướng cũng lưu ý cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thì cũng cần bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Những điều kiện kinh doanh nào cần đáp ứng vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng thì giữ lại, nhưng phải sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục, không gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
“Môi trường kinh doanh phải vào nhóm đầu của ASEAN và không có cách nào khác là các đồng chí Bộ trưởng phải vào cuộc trực tiếp, sửa đổi các quy định gây vướng mắc ngay trong các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2016
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2052/QĐ-TTg ngày 23-11-2015 phê duyệt tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 272.916 biên chế.
Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước 271.916, trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 110.559 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện 160.272 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế; biên chế công chức dự phòng 1.000 biên chế.
Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016 là 686 biên chế. Như vậy, so với năm 2015, năm 2016 giảm 4.139 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Bước tiến trong xây dựng ngành tài chính điện tử
Ngày 26-11, Bộ Tài chính khai trương giao diện mới Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước, đánh dấu bước tiến trong việc xây dựng một ngành tài chính điện tử.
Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính được xây dựng, nâng cấp trên tiêu chí lấy người dùng là trọng tâm, giao diện mới của Cổng đã được sắp xếp thành những khối chính có tương tác thân thiện, dễ truy cập (tại địa chỉ mof.gov.vn); thể hiện đầy đủ thông tin, nội dung số và dịch vụ điện tử của ngành tài chính. Trong đó, chuyên trang "Tin tức tài chính" được thiết kế theo xu hướng tích hợp nhằm tăng cường cung cấp tin tức thời sự trong lĩnh vực này. Chuyên trang "Bộ thủ tục hành chính và Dịch vụ công" cung cấp toàn bộ thông tin về hướng dẫn sử dụng, đường truy cập trực tiếp đến dịch vụ công trực tuyến, các biểu mẫu điện tử, trạng thái xử lý hồ sơ cho các tổ chức và cá nhân.
Hiện tại, đã có 57 thủ tục hành chính được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Đây là cấp độ cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ, gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng.
Về Cổng Thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước (tại địa chỉ vst.mof.gov.vn), ông Đặng Đức Mai cho biết, đây là kênh giao tiếp để công dân, tổ chức trong và ngoài nước có thể nhanh chóng tiếp cận với thông tin về hoạt động, quy trình thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của Kho bạc Nhà nước, hướng tới kho bạc điện tử, “kho bạc không có bạc”.
Trước mắt, trong giai đoạn 2015-2016, sẽ cung cấp 3 ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 trên Cổng Thông tin điện tử và Trang Dịch vụ công Kho bạc nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, Bộ Tài chính coi hệ thống Cổng Thông tin điện tử là “nơi đón tiếp đầu tiên”. Việc khai trương giao diện mới của Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và Kho bạc nhà nước sẽ là nền tảng quan trọng để giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, ngành tài chính có thể triển khai thành công “Bộ Tài chính điện tử”, “Kho bạc Nhà nước điện tử” trong Chính phủ điện tử, theo định hướng của Chính phủ và của Bộ.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai lưu ý Cục Tin học và Thống kê tài chính phải tuyệt đối bảo đảm an toàn an ninh mạng. Phấn đấu đến năm 2020, 100% dịch vụ công trong lĩnh vực tài chính được cung cấp ở cấp độ 3 và 30% được cung cấp ở cấp độ 4. Thiết kế và nội dung thông tin cần phải sinh động, phong phú, bảo đảm triển khai dịch vụ công thuận lợi nhất cho người dân.
Bảo hiểm xã hội: Giảm từ 263 xuống còn 33 thủ tục hành chính
“Đến cuối năm nay, Hệ thống giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử có thể cung cấp dịch vụ cho toàn bộ các đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam. Thủ tục hành chính giảm từ 263 xuống còn 33 thủ tục”. Đây là thông tin được đưa ra trong Hội nghị cung cấp thông tin kết quả cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, tổ chức ngày 26-11, tại Hà Nội.
Đến nay, Bảo hiểm xã hội ở 63 tỉnh, thành phố đã có hệ thống giao dịch điện tử, thu hút 82 nghìn đơn vị sử dụng lao động đăng ký sử dụng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giảm từ 263 thủ tục hành chính xuống còn 33 thủ tục. Trong đó, giảm được 56% số lượng hồ sơ, 82% chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu, 78% quy trình, thao tác thực hiện. Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để tham gia và hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của các đơn vị, doanh nghiệp cũng được rút ngắn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao, giảm từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm vào năm 2016. Giao dịch điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời khắc phục những lỗi kỹ thuật, góp phần tăng nhanh số lượng đơn vị đăng ký và giao dịch điện tử.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Giai đoạn 2016-2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hộ, bảo hiểm y tế. Đồng thời, thông tin bảo hiểm xã hội phải được tiếp cận dễ dàng nhằm cải thiện và phục vụ hệ thống an sinh xã hội toàn dân: “Khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ năm 2016, ngày 02-01-2016, thủ tục hành chính chỉ còn 45 giờ. Chúng ta phải phấn đấu bằng cách rà soát các thủ tục hành chính, lược bỏ những thủ tục rườm rà, quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào. Đến cuối năm 2017, toàn bộ các thông tin, dữ liệu từ cấp huyện cho đến Bảo hiểm xã hội cấp trung ương liên thông với các ngành như Lao động, Y tế, Tài chính thành một mạng thống nhất. Năm 2020 sẽ cấp thẻ điện tử cho những người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.
Quy chế về đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính
Cải cách hành chính được Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xác định là một trong 7 chương trình đột phá từ nay đến năm 2020. Để có thể tạo ra những bước đột phá thực sự, thành phố đang nỗ lực cải cách ở những vấn đề cụ thể, thiết thực đối với người dân.
Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, mới đây UBND thành phố ban hành Quy chế hoạt động của cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Việc thực hiện quy chế này sẽ giúp đánh giá được tác động của thủ tục hành chính, rà soát đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng quyết định công bố thủ tục hành chính, niêm yết công khai thủ tục hành chính, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính...
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh cho biết: Quy chế này tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho tổ chức và hoạt động của cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại các đơn vị trên địa bàn thành phố. Vì việc thiết lập đội ngũ cán bộ đầu mối tại các đơn vị cũng như hoạt động cụ thể của cán bộ đầu mối trước nay được thực hiện chủ yếu trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và UBND thành phố, chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể tại một văn bản quy phạm pháp luật.
Quy chế này cũng giúp quán triệt nhận thức đúng, đủ về vai trò của cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại các đơn vị thông qua việc quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của cán bộ đầu mối, của cán bộ chuyên môn trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính; mối quan hệ phối hợp của hai bộ phận. Hiệu quả hoạt động của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính của thành phố cũng sẽ được nâng cao, góp phần giải quyết các vấn đề còn hạn chế, tồn tại trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại các cơ quan hành chính. Chính đội ngũ cán bộ đầu mối thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại các đơn vị giữ vai trò là bộ phận tham mưu cho lãnh đạo đơn vị triển khai có hiệu quả hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính tại từng đơn vị, góp phần tạo nên hiệu quả chung của công tác cải cách thủ tục hành chính toàn thành phố.
Tuyên Quang: Mô hình “cà phê doanh nhân”
Từng đứng "đội sổ" (vị trí 63) trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước năm 2013, chỉ một năm sau, năm 2014, Tuyên Quang nhảy vọt lên vị trí 50 (tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng CPI). Kết quả đó là sự ghi nhận những nỗ lực với hàng loạt biện pháp quyết liệt được triển khai để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hải Anh chia sẻ Tuyên Quang xác định phải thực sự đổi mới mạnh mẽ để phát triển. Một trong những chủ trương được đưa ra là: “Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xã hội”. Chủ trương này được xác định là một trong bốn chiến lược phát triển của tỉnh trong 5 năm tới, 2015-2020".
Để thực hiện được chiến lược cải cách môi trường đầu tư tỉnh đã triển khai hàng loạt các biện pháp, trong đó hiệu quả nhất phải kể đến là mô hình “cà phê doanh nhân”. Theo đó, hằng tháng, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tham gia đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào Tuyên Quang. Trong buổi đối thoại này, lãnh đạo tỉnh sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc, tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, đồng thời tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Tất cả các đại biểu tham dự chương trình “cà phê doanh nhân” đều có chung một cảm nhận, đó là tinh thần đổi mới thực sự, thái độ cầu thị và quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của tỉnh cũng như sự tin tưởng từ doanh nghiệp.
Từng tham dự chương trình “cà phê doanh nhân” của tỉnh Tuyên Quang, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá cao những nỗ lực của Tuyên Quang trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thời gian qua, nhất là những giải pháp linh hoạt trong cải cách thể chế, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng để mời gọi đầu tư./.
Con phải hơn cha để nhà có phúc  (30/11/2015)
Pháp huy động hơn 1 vạn cảnh sát đảm bảo an ninh COP 21  (29/11/2015)
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chủ nghĩa xã hội  (29/11/2015)
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp xúc cử tri tại Bắc Giang  (29/11/2015)
Míttinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS  (29/11/2015)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam