Vĩnh Long sau 5 năm xây dựng nông thôn mới

Bảo Ngọc
21:59, ngày 22-10-2015

TCCSĐT - Là tỉnh thuần nông, xuất phát điểm bước vào xây dựng nông thôn mới rất hạn chế về nguồn lực, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã đổi thay khá rõ.

Đảng bộ chỉ đạo sát sao, chính quyền triển khai quyết liệt thực hiện Chương trình

Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 23-CTr/TU. Theo đó, từ tỉnh đến các địa phương đều thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do đồng chí bí thư cấp ủy làm Trưởng ban và lãnh đạo ủy ban nhân dân, các ngành, đơn vị chuyên môn là thành viên. Trong chỉ đạo ở cơ sở, Tỉnh ủy có phân công các đồng chí là Tỉnh ủy viên và cán bộ chủ chốt của các sở, ban ngành trực tiếp phụ trách địa bàn tại 89/89 xã. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng phân công các sở, ngành theo dõi, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, phân công một số doanh nghiệp hỗ trợ 22 xã điểm; Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đồng phối hợp với các ban chỉ đạo huyện khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tại các xã điểm; Định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức các hội nghị sơ kết để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, rút ra những cách làm hay, bài học kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và khuyến khích, khen thưởng những đơn vị đạt thành tích xuất sắc, xây dựng kế hoạch thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.

Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới rất được chú trọng. Sau gần 5 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 71.333 cuộc hội nghị chuyên đề và hội nghị lồng ghép có nội dung tuyên truyền về lợi ích của nông thôn mới, quyền lợi và trách nhiệm của người dân khi tham gia Chương trình cho gần 2,5 triệu lượt người tham dự; mở 32 lớp tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới cho 3.184 lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát hành 150.000 tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn, hỏi đáp về xây dựng nông thôn mới. Hằng tuần, Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long đều xây dựng các chuyên mục riêng phục vụ tuyên truyền Chương trình. Ngoài ra, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, đảng viên và người dân nông thôn qua các buổi họp tổ dân phố.

Nhiều phong trào thi đua xoay quanh chủ đề nông thôn mới thường xuyên được lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh phát động, điển hình như: “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Theo định kỳ, các phong trào đều có sơ kết, tổng kết, tính đến nay đã có 942 tập thể, 2.627 cá nhân đạt thành tích cao từ các phong trào được trung ương, tỉnh, huyện khen thưởng và nhân rộng kịp thời.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình, tỉnh đã đầu tư 3.792 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước có 2.497 tỷ đồng (chiếm 66%), vốn huy động từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn khác là 1.295 tỷ đồng (chiếm 34%). Đến nay, về cơ bản có 22 xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 24,7% tổng số xã xây dựng nông thôn mới, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra 1 xã; từ chỗ năm 2010 bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,1 tiêu chí nhưng đến năm 2015 bình quân đã vượt lên tới 14,6 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Diện mạo nông thôn đã khởi sắc

Trong quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy chỉ đạo cho Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh cùng các sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện chủ trương xây dựng quy hoạch được tiến hành song song với lập đề án xây dựng xã nông thôn mới. Thường xuyên có sự tham gia, phối hợp đóng góp của các ngành, các cấp. Nhờ vậy, đến cuối năm 2012 tất cả 89/89 xã đã hoàn thành và được phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới.

Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được xem là khâu trọng tâm của Chương trình. Đầu tư cho giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, tỉnh đã đầu tư mới 644,2km và cải tạo nâng cấp 122,2km đường giao thông, xây mới và sửa chữa 590 cầu, đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Xây mới 85 và nâng cấp sửa chữa 2.011 công trình thủy lợi, kết quả diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh bảo đảm thủy lợi hoàn chỉnh ước đạt 92% (tăng 8,5% so với năm 2010). Điện nông thôn được nâng cấp và mở rộng, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,48%, tỷ lệ hộ có điện kế chính đạt 95,73%. Về môi trường, xây mới, cải tạo 101 công trình nước sạch tập trung, nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 60% (tăng 31,57% so năm 2010); đã có trên 90% xã ký hợp đồng với doanh nghiệp thu gom rác thải; xây mới 10 cụm nghĩa trang liên xã. Hầu hết người dân khu vực nông thôn được sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông. Có 51 chợ được xây mới, về cơ bản đáp ứng yêu cầu người dân trong trao đổi, lưu thông hàng hóa. Đầu tư 258 điểm trường học và nâng cấp, sửa chữa 400 điểm trường/phòng học, có 93 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 25% tổng số trường. Y tế được tăng cường cả về lượng lẫn chất, đến nay 89/89 xã có trạm y tế, mỗi trạm đều có bác sĩ và thực hiện việc khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Có 29 trung tâm văn hóa, thể thao xã và 25 nhà văn hóa - khu thể thao liên ấp. Nhà ở dân cư được quan tâm hỗ trợ từ các chương trình an sinh xã hội, người dân nông thôn đã tự đầu tư nâng cấp góp phần tạo nên một diện mạo mới cho nông thôn.

Về phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích tăng từ 101,39 triệu đồng/ha lên đến 160 triệu đồng/ha, tăng bình quân 9,55% năm. Phát triển làng nghề được quan tâm đầu tư, công tác đào tạo nghề từng bước gắn kết với Chương trình góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2014 đạt 24,87 triệu đồng, tăng 1,83 lần so năm 2010. Đã có 45/89 xã đạt tiêu chí thu nhập, chiếm tỷ lệ 51% tổng số xã; 89/89 xã đạt tiêu chí việc làm, chiếm tỷ lệ 100% tổng số xã và 86/89 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 97% tổng số xã.

Toàn tỉnh có 66/89 xã được công nhận xã “Văn hóa”, 72/89 xã đạt tiêu chí văn hóa, chiếm tỷ lệ 81% tổng số xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, làm tốt công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phong trào “Dân vận khéo” được gắn kết các mô hình tự quản về trật tự, an toàn xã hội và triển khai thực hiện tốt, nhất là ở các xã điểm nông thôn mới của tỉnh, huyện. Có 84/89 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự xã hội, chiếm tỷ lệ 94% tổng số xã.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh rất được chú trọng, nhiều cấp ủy đảng cơ sở chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc, những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ trong những buổi họp cấp ủy, chi bộ, đưa vào nghị quyết để lãnh đạo thực hiện có kết quả, nhờ vậy uy tín được nâng cao. Đội ngũ cán bộ cơ sở được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đã có bước trưởng thành nhanh chóng, năng lực, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, kỹ năng vận động quần chúng được nâng lên rõ rệt. Có 65/89 xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội, chiếm 73% tổng số xã.

Những khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, các xã xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, nguồn lực thực hiện Chương trình rất hạn chế. Việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và các nguồn khác chưa nhiều; sự đóng góp của cộng đồng còn ở mức thấp, nhiều nơi vẫn còn tình trạng trông chờ vốn Nhà nước; cùng với gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất xây dựng công trình… dẫn đến tiến độ thực hiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi của một số xã còn chậm, chưa đạt theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Thứ hai, vốn sự nghiệp của Chương trình quá thấp, kéo theo hệ lụy nguồn vốn phân bổ cho các mô hình phát triển sản xuất nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân quá khiêm tốn. Cho nên các mô hình đa phần dừng lại ở quy mô nhỏ, thiếu sức lan tỏa, khả năng nhân rộng không cao, kém bền vững.

Thứ ba, còn có hạn chế về chủ quan. Một vài Ban Chỉ đạo cấp xã chưa chủ động, sáng tạo trong thực hiện Đề án; Trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện chưa tập trung, quyết liệt; Cán bộ cấp huyện còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, cán bộ phụ trách cấp xã thường xuyên thay đổi nên quá trình triển khai Chương trình chưa đúng tiến độ.

Thứ tư, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, chưa ổn định do giá vật tư, nông sản luôn biến động, thiên tai và dịch bệnh thường xuyên đe dọa, thị trường tiêu thụ hẹp, thu nhập của người dân bấp bênh. Đồng thời, chính sách ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, chưa kịp thời, do đó việc huy động vốn từ doanh nghiệp trực tiếp vào Chương trình chưa đáng kể.

Bài học kinh nghiệm và một số kiến nghị

Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, sơ kết bước đầu tỉnh Vĩnh Long rút ra được một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, cần khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng hợp về chính trị - kinh tế - xã hội, là hình thức thể hiện tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Để thực hiện thành công Chương trình cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao, cùng với các cấp ủy, đảng, chính quyền có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát và liên tục... Chỉ như vậy, mới có thể huy động toàn xã hội vào cuộc nhanh chóng, có hiệu quả.

Hai là, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ ở tổ, ấp, xã. Mỗi cán bộ, đảng viên trở thành những điển hình gương mẫu, nhiệt huyết trong thực hiện Chương trình. Làm tốt công tác tuyên truyền giúp khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của người dân. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tại địa phương.

Ba là, Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân vì đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, nắm chắc tình hình, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên sơ, tổng kết để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chương trình; chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện thì tiến độ sẽ nhanh hơn.

Với mục tiêu, phấn đấu đến năm 2017 có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến hết năm 2020 có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới và các xã còn lại tăng ít nhất 1 tiêu chí trở lên mỗi năm, trong thời gian tới, Vĩnh Long tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân; Tăng cường sự lãnh đạo, điều hành của đảng ủy, chính quyền các cấp để đẩy mạnh thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới”… Để đạt được mục tiêu trên, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Vĩnh Long rất cần sự trợ giúp từ phía Trung ương, cụ thể:

1. Tăng kinh phí đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ưu tiên tăng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng; nâng hạn mức phân bổ vốn sự nghiệp Chương trình để hỗ trợ, đầu tư thích đáng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả cao nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn...

2. Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ nên mang tính định hướng chung, còn lại phân cấp mạnh mẽ cho địa phương tự quyết định từng tiêu chí tùy theo điều kiện, đặc điểm của địa phương, vùng miền, ví dụ như các tiêu chí: cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, môi trường... Chỉ như vậy, chính quyền địa phương và người dân mới phát huy đầy đủ được vai trò chủ động, trách nhiệm trong quản lý trước, trong và sau xây dựng các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời, sẽ khắc phục đươc tình trạng chạy theo chỉ tiêu, tiềm ẩn lãng phí trong đầu tư.

3. Tạo điều kiện cho các xã đã hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia sớm được công nhận trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể, khi đạt đủ 19/19 tiêu chí, xã chủ động hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị về huyện, tỉnh để được công nhận ở bất cứ thời điểm nào, không nhất thiết phải đợi mỗi năm 1 đợt như quy định trình tự, thủ tục hồ sơ và thời gian xét công nhận theo như quy định hiện nay.

4. Xuất phát từ thực tế của tỉnh Vĩnh Long, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh địa bàn ưu đãi đầu tư. Cụ thể, đề nghị điều chỉnh huyện Trà Ôn từ địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sang địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và bổ sung các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Bình Tân, Tam Bình là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn./.