TCCSĐT - Chiều 15-4-2015 (theo giờ địa phương), Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) bế mạc tại thành phố Lübeck, miền Bắc nước Đức với Tuyên bố chung đề cập 11 vấn đề nóng của thế giới.

Ngoại trưởng G7 ra Tuyên bố về các vấn đề thế giới

 

Hội nghị Ngoại trưởng G7 thông qua Tuyên bố chung đề cập 11 vấn đề nóng của thế giới. Ảnh: g7germany.de

Chiều 15-4-2015 (theo giờ địa phương), Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Lübeck, miền Bắc nước Đức, đã bế mạc sau hai ngày làm việc. Trong Tuyên bố chung, các ngoại trưởng G7 đề cập 11 vấn đề nóng của thế giới.

Về cuộc khủng hoảng Ukraine, Tuyên bố kêu gọi Nga đóng vai trò tích cực hơn nữa nhằm tác động để lực lượng đòi độc lập thực thi đầy đủ Thỏa thuận Minsk; kêu gọi các bên xung đột tuân thủ lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng một cách có thể kiểm chứng. G7 tuyên bố ủng hộ vai trò cầu nối của Đức và Pháp nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine. Về vấn đề an ninh hàng hải, các ngoại trưởng G7 đã ra một tuyên bố riêng gồm 11 điểm, nhấn mạnh tầm quan trọng của hàng hải trong cuộc sống cũng như giao thương. Các ngoại trưởng G7 cam kết tôn trọng trật tự hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tuyên bố tiếp tục theo dõi tình hình Biển Đông, đồng thời phản đối mọi hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng cho khu vực… Liên quan vấn đề Iran, các ngoại trưởng G7 hoan nghênh việc các bên cuối cùng đã khép lại cuộc tranh cãi dai dẳng kéo dài hơn 10 năm; kêu gọi Tehran đóng “vai trò có trách nhiệm và xây dựng” trong khu vực, tiếp tục hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Hàng triệu người Yemen thiếu lương thực trầm trọng

 

 Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), gần hàng triệu người Yemen đang lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Ảnh: theguardian.com

Ngày 15-4-2015, Người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric dẫn số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết gần 10,6 triệu người Yemen đang lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, trong đó 4,8 triệu người ở trong tình trạng “khẩn cấp”, bị suy dinh dưỡng rất nặng và bị mất đi kế sinh nhai. Ông Stephane Dujarric nhấn mạnh, các cuộc xung đột ở Yemen đã ngăn cản việc tiếp tế lương thực tới những khu vực cấp thiết.

Trước tình hình đó, ngày 16-4, lần đầu tiên kể từ khi Saudi Arabia phát động chiến dịch không kích chống phiến quân Hồi giáo Houthi ba tuần trước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức tại Yemen. Ông khẳng định “tiến trình ngoại giao được Liên hợp quốc ủng hộ là cách tốt nhất để thoát khỏi một cuộc chiến tranh dai dẳng kéo theo các tác động nghiêm trọng đến sự ổn định của toàn khu vực”. Tổng Thư ký cho biết thêm Saudi Arabia nhất trí cần một tiến trình chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Yemen và kêu gọi tất cả người dân Yemen tham gia tiến trình này.

G20 lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới

 

Hội nghị Bộ trưởng tài chính G20 đánh giá cao những tín hiệu kinh tế tích cực tại các nước phát triển. Ảnh: TTXVN

Ngày 17-4-2015, trong Tuyên bố chung, Hội nghị Bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đánh giá cao những tín hiệu kinh tế tích cực tại các nước phát triển trong bối cảnh những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đã giảm bớt. Tuyên bố nhận định tăng trưởng kinh tế tại các nước giàu được củng cố sẽ góp phần hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu mạnh hơn. Tuy nhiên, Tuyên bố cũng lưu ý đến sự tăng trưởng chậm chạp tại các nền kinh tế mới nổi, cũng như những thách thức đặt ra đối với triển vọng kinh tế thế giới, như sự biến động về tỷ giá, lạm phát thấp kéo dài, nợ công cao và những căng thẳng địa chính trị tại nhiều nước. Các quan chức tài chính G20 cam kết hợp tác nhằm củng cố vững chắc nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi các nước cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng cần phải bảo đảm các chính sách sẽ được triển khai không gây nên sự hỗn loạn trên thị trường.

Tại phiên họp, các nước G20 cũng kêu gọi IMF cần thúc đẩy những nỗ lực nhằm hối thúc Quốc hội Mỹ sớm thông qua chương trình cải tổ tổng thể IMF như kế hoạch đặt ra hồi năm 2010, theo đó trao cho các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ nhiều ghế hơn trong Hội đồng quản trị.

Nước nắm giữ vai trò cốt lõi trong phát triển bền vững

 

Tuyên bố chung của WWF 7 ủng hộ việc đưa các mục tiêu liên quan đến nước vào Chương trình phát triển sau năm 2015 của Liên hợp quốc. Ảnh: worldwatercouncil.org

Ngày 17-4-2015, sau 6 ngày thảo luận, Diễn đàn Nước Thế giới (WWF) lần thứ bảy đã bế mạc tại Hàn Quốc với Tuyên bố chung tái khẳng định nước nắm giữ vai trò cốt lõi trong phát triển bền vững, ủng hộ việc đưa các mục tiêu liên quan đến nước vào Chương trình phát triển sau năm 2015 của Liên hợp quốc, đồng thời cam kết sẽ hợp tác để bảo đảm thành công cho kỳ họp thứ 21 của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Paris (Pháp) vào tháng 12 năm nay. Tuyên bố chung cũng đưa ra lời kêu gọi nỗ lực toàn cầu, trong đó nhất trí rằng các nước phát triển cần hỗ trợ một cách tích cực, còn các nước đang phát triển cần đầu tư vào các nỗ lực để có được những kết quả khả quan. Các nhà tổ chức cho biết tại Diễn đàn lần này, các đại biểu tham dự đã lần đầu tiên tập trung thảo luận để tìm cách giải quyết các khía cạnh khoa học - công nghệ của các vấn đề liên quan đến nước.

WWF là sự kiện lớn nhất thế giới về nước, được tổ chức 3 năm một lần và lần đầu tiên là vào năm 1997. Đây cũng là nơi để các nhà lãnh đạo thế giới, chuyên gia, quan chức doanh nghiệp và nhóm hoạt động thảo luận các khía cạnh chính trị và công nghệ của các mối lo ngại toàn cầu đối với tình trạng thiếu nước.

Thảm họa lật tàu ngoài khơi Libya

 

Một con tàu của những người nhập cư trái phép được giải cứu trên biển Địa Trung Hải. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 19-4-2015, Cơ quan Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết hơn 700 người được cho là đã thiệt mạng khi một chiếc tàu đánh cá chở người di cư bất hợp pháp đến châu Âu bị lật ngoài khơi Libya, cách hòn đảo Lampedusa của Italy 120 dặm (193km) về phía Nam. Báo chí Italy đã chỉ trích EU “thờ ơ” đối với các thảm họa nhân đạo và “phó mặc” cho Italy đối phó với tình hình khủng hoảng về người nhập cư, đồng thời cho rằng dòng người nhập cư trái phép bằng đường biển là một âm mưu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các lực lượng Hồi giáo cực đoan nhằm gây bất ổn châu Âu.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi tạm ngưng chương trình tranh cử Hội đồng địa phương cho Đảng Dân chủ (Pd) để trở về Thủ đô Rome trực tiếp chỉ đạo việc tìm kiếm người bị nạn và chăm sóc cho những người sống sót. Ông Matteo Renzi cũng điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande về vấn đề cứu nạn người nhập cư. Trong khi đó, thủ lĩnh Đảng Liên đoàn Phương Bắc Matteo Salvini đã chỉ trích chính sách tiếp nhận người nhập cư trái phép của Chính phủ Italy, đồng thời yêu cầu Italy và cộng đồng quốc tế phải tiến hành “phong tỏa ngay tức khắc” bờ biển Libya nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư đang hướng về Italy. Giáo hoàng Francis I cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế cần phải hành động ngay lập tức, với “sự quyết đoán và sẵn sàng”, để tránh tái diễn những thảm họa tương tự./.