Sáng 29-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.


Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nêu rõ ngày 02-6-2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.

Cuộc cải cách lần này diễn ra đúng thời điểm Đảng đã và đang lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Qua 9 năm thực hiện, chiến lược cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp thời gian qua cơ bản thực hiện đúng định hướng; góp phần quan trọng cho việc quán triệt, triển khai thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp và thực thi pháp luật trong hoạt động tư pháp. Thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp đã giúp các cấp lãnh đạo trong việc phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, hạn chế oan sai.

Mặt khác, công tác thông tin, tuyên truyền tốt đã góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; tăng cường sự hiểu biết của toàn xã hội và tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương cải cách.

Đặc biệt, trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Kết luận số 92 của Bộ Chính trị ngày 12-3-2014, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 38 ngày 15-8-2014 về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Tuy Kế hoạch mới được ban hành hơn 4 tháng nhưng hoạt động thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp của các bộ, ngành, cơ quan báo chí đã có bước khởi sắc.

Báo cáo đề dẫn của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cũng nêu rõ, từ khi có Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp đã có bước chuyển biến rõ nét, góp phần thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp thời gian qua.

Lực lượng làm công tác tuyên truyền của Đảng, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên trong toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh, thành đến cơ sở đã luôn nỗ lực, bằng nhiều phương pháp, hình thức đưa chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp đến cán bộ, nhân dân.

Cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực tuyên truyền các nhiệm vụ về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Ngoài việc thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền, giáo dục, báo chí còn thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội; đã có những phóng sự, điều tra, đưa tin góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ, việc sai phạm, thiếu sót trong hoạt động tư pháp...

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp và các chủ trương cải cách tư pháp chưa được thực hiện thường xuyên; hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, thiếu linh hoạt...

Tại Hội thảo, đại biểu đã tập trung thảo luận về các kết quả đạt được, đồng thời phân tích, làm rõ những vướng mắc, khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp trong thời gian qua.

Trên cơ sở đó, đề xuất và kiến nghị các giải pháp thiết thực tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong tình hình mới.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cần tăng cường, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để kịp thời chỉ đạo, cung cấp thông tin chính xác, đúng định hướng; tập huấn kiến thức nghiệp vụ pháp luật và tạo điều kiện cho phóng viên đi thực tế để thông tin rõ nét, sát thực hơn về hoạt động cải cách tư pháp; nghiên cứu hỗ trợ kinh phí...

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đề nghị các cơ quan chức năng chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho báo chí để đưa tin, phản ánh kịp thời, chính xác, đúng đường lối, định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; tổ chức lớp tập huấn cho phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên về công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.

Đồng chí Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam đề xuất Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về những nội dung tuyên truyền và cung cấp thông tin kịp thời các kết quả hoạt động cải cách tư pháp của các cơ quan, ban, ngành, địa phương.

Các cơ quan thực hiện những nhiệm vụ trong chiến chiến lược cải cách tư pháp cần công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tiếp cận kết quả để tuyên truyền chính xác, đúng định hướng./.