Chính trường Thái Lan: Sóng gió chưa tan

Đỗ Hồng Anh
17:23, ngày 09-10-2008

Ngày 17-9-2008, 298/480 nghị sĩ của Hạ viện Thái Lan đã bỏ phiếu chọn ông Xổm-chai Vông-sà-oặt, Phó Chủ tịch Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), em rể cựu Thủ tướng Thạc-xỉn Xin-na-vắt làm Thủ tướng thứ 26 của nước này. Trước đó, ông Xổm-chai Vông-sà-oặt đã làm công việc của một quyền Thủ tướng sau khi ông Xạ-mạc Xun-đa-ra-vệt rời khỏi chức vụ này vào ngày 9-9-2008.
 

Dù Quốc vương Bu-mi-bôn A-đun-da-đệt đã phê chuẩn Nội các của ông Xổm-chai Vông-sà-oặt, nhưng không vì thế mà “sóng gió” trên chính trường Thái Lan đã tan. Ngược lại, những căng thẳng về chính trị vẫn đang hiện hữu ở nước này. Phe đối lập, Liên minh Dân chủ vì Nhân dân (PAD), từng tổ chức những cuộc biểu tình đông người ngoài đường phố yêu cầu ông Xổm-chai Vông-sà-oặt từ chức, trước sau vẫn tuyên bố không chấp nhận bất cứ thành viên nào của PPP làm Thủ tướng. Trường hợp của ông Xổm-chai Vông-sà-oặt cũng không ngoại lệ, nhất là việc Nội các của ông lại bao gồm không ít những khuôn mặt cũ mà PAD vốn chẳng mấy thiện cảm, vì thế họ nhấn mạnh sẽ tiếp tục chống đối cho đến khi nào ông này từ chức.

Cũng với cách thức cáo buộc Thủ tướng vi hiến như đã làm với ông Xạ-mặc Xun-đa-ra-vệt, hiện phe đối lập đang chỉ trích ông Xổm-chai Vông-sà-oặt vì đã nắm giữ cổ phần (khoảng 100.000 cổ phiếu) trong công ty cung cấp dịch vụ Internet CS Loxinfo. Không chỉ có vậy, con gái ông, hạ nghị sĩ Chin-ni-cha Vông-sà-oặt, cũng có cổ phiếu trong Công ty M-Link. Cả 2 công ty này đều có quan hệ làm ăn với doanh nghiệp quốc doanh (Tập đoàn Viễn thông Quốc doanh CAT Telecom). Trong khi đó, Hiến pháp Thái Lan cấm các thành viên của Quốc hội sở hữu cổ phần của các công ty là đối tác của doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, hành động này của cha con ông Xổm-chai Vông-sà-oặt đã được báo cáo lên Ủy ban Bầu cử Thái Lan với yêu cầu điều tra làm rõ. Và, nếu bị kết luận phạm tội, ông Xổm-chai Vông-sà-oặt sẽ buộc phải rời khỏi Quốc hội; điều này cũng đồng nghĩa với việc không còn giữ được chiếc ghế Thủ tướng.

Ngoài việc đối mặt với cáo buộc vi hiến, ông Xổm-chai Vông-sà-oặt hiện còn đang gặp phải rắc rối liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp (do chính quyền quân sự lập ra từ sau cuộc đảo chính vào tháng 9-2006). Đây được coi là vấn đề gây tranh cãi chính giữa những người ủng hộ Chính phủ và phe đối lập, với yêu cầu được tham gia các tiến trình chính trị rộng rãi hơn. Đó là chưa kể đến việc PPP còn bị cáo buộc “gian lận” trong cuộc tổng tuyển cử ngày 23-12-2007 và hiện đang bị cơ quan công tố điều tra.

Gỡ thế nào?

Lên nắm quyền điều hành đất nước trong lúc xã hội Thái Lan đang có chiều hướng phân cực sâu sắc giữa những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thạc-xỉn Xin-na-vắt và những người chống đối ông cũng như đảng cầm quyền PPP; ông Xổm-chai Vông-sà-oặt, một người dù có rất nhiều kinh nghiệm chính trường, vẫn cần có những hành động thực sự thận trọng. Chính vì thế, sau khi được Hạ viện thông qua, ông Xổm-chai Vông-sà-oặt phát biểu rằng, hòa giải dân tộc sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông, nhất là trong hoàn cảnh hàng loạt cuộc biểu tình chống Chính phủ kéo dài nhiều tuần lễ vẫn đang diễn ra.

Trong một nỗ lực giảm thiểu tình trạng bế tắc chính trị trong nước, ông Xổm-chai Vông-sà-oặt đã tiến hành các cuộc tiếp xúc, đối thoại với những người chống đối, và với các nhà lãnh đạo trong PAD. Thủ tướng Thái Lan cho biết, ông không mang mối hiềm khích nào và nhấn mạnh rằng, những dị biệt với người chống đối có thể được giải quyết qua đối thoại. “Đảng (PPP) đã khẳng định rất rõ với công chúng rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là khuyến khích sự hòa giải - điều mà chúng ta gọi là hòa giải dân tộc - để đem trở lại tình đoàn kết đất nước và bảo đảm với công chúng rằng PPP sẽ tránh sự đối đầu với bất cứ nhóm người nào trong xã hội”, ông Kudeb Saikrajang, người phát ngôn của PPP nói. Về vấn đề sửa đổi Hiến pháp, ngày 3-10-2008 vừa qua, các chính trị gia chủ chốt của đảng cầm quyền và đảng đối lập lớn nhất Thái Lan đã đạt được thỏa thuận rằng, cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay là sửa đổi điều 291 trong Hiến pháp, tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn vào các họat động chính trị. Trao đổi với các nhà báo, Thủ tướng Thái Lan khẳng định: Chính phủ của ông sẽ không can thiệp vào việc sửa đổi này. Thay vào đó, ông khuyến khích công chúng đưa ra những đề nghị thích hợp cho việc sửa đổi Hiến pháp.

Sóng gió chưa tan

Nổi tiếng nhờ phong cách lịch thiệp, hòa nhã và mềm mỏng, có kinh nghiệm chính trường, lại xác định được một đường hướng rõ ràng, song, giới quan sát vẫn không khỏi lo lắng trước khả năng Thủ tướng Thái Lan Xổm-chai Vông-sà-oặt có thể không xoa dịu được căng thẳng cũng như giải quyết được những khó khăn. Bản thân ông lại đang đối mặt với cáo buộc vi hiến. Theo một số nhà phân tích, nếu tất cả những điều này xảy ra, rất có thể, cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan sẽ tiếp tục cho đến khi nước này tổ chức được các cuộc bầu cử mới. Hoặc, một sự kiện “động trời” nào đó xuất hiện có thể làm thay đổi Chính phủ đương nhiệm, chẳng hạn một cuộc đảo chính.

Trong trường hợp suôn sẻ, không bị buộc phải từ chức thì vị trí Thủ tướng của ông Xổm-chai Vông-sà-oặt cũng vẫn là chiếc “ghế nóng” bởi rất nhiều những rắc rối có thể đến từ sự bất hợp tác của phe đối lập, đặc biệt là trong việc thông qua các quyết sách mang tính sống còn.

Nếu không sớm giải quyết được những bất đồng, không chỉ chính trường Thái Lan “nổi sóng” mà nền kinh tế của nước này cũng… có chuyện. Bởi vì, triển vọng kinh tế Thái Lan hiện nay khá u ám, xuất khẩu bị thiệt hại nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo giới chức của Sở Chứng khoán Thái Lan, sự bất ổn chính trị đã khiến thị trường chứng khoán thiệt hại tới 45 tỉ đôla trong năm nay. Còn ngành công nghiệp du lịch, vốn chiếm tới 6% GDP (với doanh thu dự kiến trong năm 2008 lên tới hơn 17 tỉ đô la) cũng đang gặp khó khăn, do một số quốc gia cảnh báo công dân nước họ tránh đến Thái Lan vì e rằng bạo động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nửa đầu năm nay, Thái Lan đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,7%, tuy nhiên, trước những biến động của thế giới, đặc biệt là các mối căng thẳng chính trị, Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự đoán, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong 6 tháng cuối năm sẽ bị suy giảm mạnh./.