TCCSĐT - Ngày 09-11-2014, tại thành phố Cần Thơ diễn ra Hội thảo khoa học “Tạo mối liên kết giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông, tạo chuỗi liên kết giá trị, hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học - kỹ thuật về nông nghiệp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thành ủy Cần Thơ, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển Thương hiệu Việt phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo có gần 350 đại biểu, đại diện lãnh đạo Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các viện nghiên cứu; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân, Trung tâm khuyến nông, các doanh nghiệp và nông dân tiêu biểu ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nhấn mạnh: Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt là những tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản, cây ăn quả. Hàng năm, toàn vùng sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu, cung cấp hơn 52% sản lượng thủy sản, chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và trên 70% sản lượng trái cây cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, chưa phát huy đúng mức những tiềm năng, lợi thế to lớn của vùng; nhiều sản phẩm nông nghiệp làm ra chưa đảm bảo chất lượng và yêu cầu ngày càng cao trên thị trường trong nước và quốc tế; môi trường ngày càng bị ô nhiễm; đời sống của nhiều hộ nông dân còn khó khăn do thiếu điều kiện tiếp cận các tiến bộ khoa học - công nghệ, vốn, các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong sản xuất nông nghiệp… Hội thảo này là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông trao đổi kinh nghiệm, đề xuất những kiến nghị, giải pháp để tăng cường hơn nữa mối liên kết “bốn nhà” (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) nhằm tạo bước đột phá trong việc hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học - kỹ thuật về nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết giá trị để xây dựng thương hiệu nông sản, gia tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long trên thị trường trong nước và quốc tế.

Mười bẩy tham luận và nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề về: Biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học và phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; liên kết “bốn nhà” trong phát triển mô hình “Cánh đồng lớn”; nâng cao hiệu quả sản xuất lúa; vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long; khoa học - kỹ thuật và khuyến nông với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vai trò ngân hàng trong hỗ trợ vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt an toàn, thân thiện với môi trường;…

Hội thảo đã nhất trí một số giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết “bốn nhà”, tạo ra chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học - kỹ thuật về nông nghiệp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Đó là:

Nhà nước chú trọng việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, cơ chế để gia tăng sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học, tạo điều kiện xây dựng chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông sản theo từng ngành hàng, sản phẩm.

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời và phù hợp để các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển thị trường, liên kết với nông dân xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực của vùng.

Nhà khoa học cần được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn về cơ chế, chính sách trong nghiên cứu, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp liên kết tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ, nhằm gia tăng chất lượng, giá trị các loại nông phẩm trên thị trường.

Liên kết hoạt động khuyến nông theo nhóm nông dân theo mô hình “Cánh đồng lớn”, mô hình hợp tác xã, nhằm tạo thuận lợi trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất. Sự liên kết này phải dựa trên cơ sở phát triển sản xuất theo quy hoạch của Nhà nước, theo nhu cầu của thị trường, theo hợp đồng với doanh nghiệp.

Trong sản xuất lúa gạo, mỗi địa phương cần xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo phù hợp với yêu cầu thị trường, khuyến khích nông dân sản xuất có chứng nhận VietGAP, tăng cường đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất và sau thu hoạch để gia tăng chất lượng lúa gạo, giảm thất thoát, xây dựng thương hiệu gạo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.