Để bộ máy công quyền tinh gọn, trong sạch
Chỉ thị số 07 chỉ rõ, bên cạnh nhiều ưu điểm đạt được thời gian qua, công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng của ta còn nhiều khuyết điểm, chưa công khai, minh bạch; thực hiện không đúng quy trình; thiếu kiên quyết, ít kiểm tra, giám sát; đánh giá còn hình thức, chạy theo thành tích… Những hiện tượng yếu kém trên làm cho kết quả thực thi nhiệm vụ của cơ quan công quyền hạn chế, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, phương pháp, tác phong công tác, ý thức trách nhiệm,… của cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu.
Vài năm gần đây, dư luận không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi về những hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực quản lý cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan công quyền. Dư luận cho rằng, mặc dù quy trình tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá,… cán bộ, công chức, viên chức và xét thi đua, khen thưởng được Chính phủ quy định khá chặt chẽ, nhưng việc thực hiện không đúng vẫn xảy ra thường xuyên. Đơn cử như muốn có một việc làm và tiến thân được trong bộ máy công quyền, được ăn lương Nhà nước, để nhận được “bổng lộc”, người ta sẵn sàng bỏ công, bỏ tiền để lo lót. Để có vị trí công tác “thơm”, phải hội tụ 4 điều kiện cơ bản mà nhân gian đã rút ra: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ và thứ tư (mới đến) trí tuệ”. Lộ liễu hơn có trường hợp học trái chuyên môn cũng được tuyển dụng. Nhiều cán bộ, công chức khi đã vào biên chế thì yên tâm “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Từ xưa tới nay, chưa có hiện tượng đào thải cán bộ, công chức, viên chức do năng lực kém nên một số đối tượng cứ phởn phơ, nghĩ rằng không bị kỷ luật thì chắc chắn sẽ về hưu và “hạ cánh” an toàn. Còn với những người làm công tác tuyển dụng thì tìm mọi kẽ hở để “vận dụng”, báo cáo, giải trình để cấp có thẩm quyền đồng ý, ngay cả khi lượng nhân sự đã bằng hoặc thừa so với định biên. Thế là trong khi hô hào giảm biên chế thì nhân sự cứ thừa ra, Nhà nước hay chính xác là nhân dân phải nuôi không những đối tượng không làm được việc.
Một điều đặc biệt nguy hại là công tác đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay rất nặng về cảm tính và chạy theo thành tích, tiến hành mang tính hình thức. Khi không đánh giá đúng chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thì không thể sử dụng hiệu quả và lâu dài. Hơn nữa, việc đánh giá không chính xác này còn làm thui chột sự cạnh tranh lành mạnh trong tập thể, khiến những người có năng lực làm được việc tỏ ra chán nản trong công tác.
Dư luận cũng phản ánh nhiều bất cập trong công tác khen thưởng. Điển hình là trong Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, ngày 15-4-2010, của Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi đua, Khen thưởng của Chính phủ, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải đạt được tiêu chí là có giải pháp công tác hữu ích hoặc sáng kiến, sáng chế… làm lợi cho tập thể, đơn vị. Thế nhưng, đa phần là cứ bình xét chung chung theo kiểu “bó đũa chọn cột cờ” để cho đủ tỷ lệ. Đấy là chưa kể các trường hợp tích cực “vận động hành lang” để nhận được một hình thức khen thưởng nào đó vào dịp kỷ niệm thành lập, hoặc là để đánh bóng thương hiệu của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Việc ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng ở giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, tuy rằng dư luận mong muốn những động thái “mạnh tay” như thế này phải ra đời sớm hơn nữa. Để Chỉ thị mang lại hiệu quả cần giải quyết các vấn đề chính, như kiên quyết loại những đối tượng cán bộ, công chức yếu kém ra khỏi bộ máy cơ quan công quyền; chỉ tuyển dụng những vị trí cần thiết; lựa chọn cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ và tuyển dụng nhân sự phải chuẩn xác, những cán bộ đó phải công tâm, không bị sa ngã trước đồng tiền và danh lợi vật chất khác. Quá trình đánh giá cán bộ, công chức phải tiến hành dân chủ, công bằng, khách quan, chặt chẽ; không vì tình cảm mà đánh giá thiếu chính xác. Đặc biệt, cần dựa chắc vào quần chúng để đánh giá tâm, tài, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức. Việc lựa chọn cán bộ để điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cũng cần tiến hành khoa học và chính xác hơn, mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ kết hợp với việc bồi dưỡng những mặt còn hạn chế ngay trong môi trường làm việc. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá; kịp thời xử lý những cơ quan, đơn vị, địa phương có sai phạm trong công tác thi đua, khen thưởng. Để công tác này đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng cũng cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các công đoạn trong quá trình quản lý và trong thi đua, khen thưởng,…
Thành công của cách mạng Việt Nam trong những giai đoạn trước có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ mà nổi bật lên là cách lựa chọn và sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, đúng sở trường, hạn chế sở đoản. Đây là một kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút ra từ mấy chục năm qua. Hy vọng, thời gian tới các cơ quan từ trung ương tới địa phương thực hiện quyết liệt, triệt để Chỉ thị số 07, góp phần làm cho bộ máy công quyền tinh gọn, trong sạch và liên tục hoạt động hiệu quả vì nhân dân./.
Việt Nam - Pháp đẩy mạnh hợp tác về an ninh và phòng, chống tội phạm  (07/11/2014)
Tổng thống Slovakia đánh giá cao thành tựu phát triển của Việt Nam  (07/11/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Myanmar  (07/11/2014)
Kiến nghị bổ sung tội danh tra tấn vào Bộ luật Hình sự  (07/11/2014)
Để tinh thần thượng tôn pháp luật thấm sâu vào ý thức mỗi người  (07/11/2014)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên