Vị thế Thủ đô và yêu cầu phát triển văn hóa, con người
TCCSĐT - Phát triển văn hóa và con người là nhiệm vụ trọng tâm mà Hà Nội đã và đang tích cực thực hiện, nhằm hướng tới xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hiến ngàn năm, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, tiêu biểu cho cả nước.
Vị thế của Thủ đô Hà Nội
Ngày 29-5-2008, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01-8-2008, đã chính thức mở ra trang mới trong lịch sử phát triển ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói, sự mở rộng Hà Nội lần này có ý nghĩa quan trọng nhất cả về lượng và chất so với bất kỳ sự điều chỉnh nào trước đó. Với 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện, tổng diện tích là 3.344,7 km² và số dân hơn 7 triệu người hiện nay, Hà Nội thực sự trở thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Năm 2013, với dân số chiếm 7,84% dân số cả nước, Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu, 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước. Giai đoạn 2008 - 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội bình quân đạt 9,23%/năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2014 tăng 7,4%, bằng 1,5 lần mức tăng cả nước, thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2014 (theo giá thực tế) ước đạt 70 triệu đồng/người, gấp 4,49 lần năm 2005. Thủ đô cũng là trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước, là nơi tập trung nhiều cán bộ khoa học đầu ngành với nhiều công trình nghiên cứu giá trị. Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với trên 60 thủ đô, thành phố của nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, được biết đến là một thành phố của hòa bình, hữu nghị. Năm 1999, Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” cho những đóng góp trong cuộc đấu tranh vì hòa bình cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng thành phố phù hợp với những tiêu chí do UNESCO đề ra về bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Ngày 04-10-2000, Hà Nội đã vinh dự đón nhận danh hiệu “Thủ đô anh hùng” vì những công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là thành phố có chiều dài lịch sử, bề dày văn hóa và tầm cao trí tuệ được kết tinh và hội tụ hàng ngàn năm, Hà Nội có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo với hơn 5.000 di tích, danh thắng lịch sử, tiêu biểu là Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng long, Di sản Ký ức văn hóa thế giới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), chùa Hương (huyện Mỹ Đức), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất)... cùng nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Ngày nay, Hà Nội đã và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, an toàn với các du khách trong khu vực và trên thế giới. Năng động, sáng tạo trong đổi mới và phát triển, kế thừa truyền thống, quy tụ và lan tỏa được nhiều tiềm lực chính là tiền đề và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô - trái tim của cả nước.
Hành động vì sự phát triển văn hóa, con người Thủ đô
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội những cũng đặt ra không ít những thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Sự phát triển văn hóa - xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tuy phong phú và năng động nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc đến từng gia đình, đến các quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng, làm thay đổi kết cấu dân cư cũng như nếp sống và những quan niệm về giá trị sống... Do vậy, công tác chăm lo, đầu tư cho sự phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh là vô cùng quan trọng và cần thiết trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Hà Nội là nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc Việt Nam, vì thế người dân Thủ đô càng phải tiêu biểu cho nhân dân cả nước về tất cả các mặt. Việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chính là góp phần xây dựng văn hóa Thủ đô và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xác định rõ điều này, các cấp ủy đảng và chính quyền Hà Nội luôn coi trọng việc thực hiện nội dung xây dựng “người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với những tiêu chí được định hướng dựa trên nền tảng xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có bổ sung những nét tinh tế, thanh lịch đặc trưng của người Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, nhằm ngăn ngừa mặt trái của cơ chế thị trường và những tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế, giữ gìn thuần phong mỹ tục với việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới. Chỉ thị số 53-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, ngày 23-3-2000 về “Tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại, chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội” đã đưa ra vấn đề xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Khi xây dựng chương trình kỷ niệm 990 năm Thăng Long và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đều đưa chương trình xây dựng con người Thủ đô là một nội dung chính. Các chương trình công tác của các nhiệm kỳ Đảng bộ thành phố đều có một chương trình riêng về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trên cơ sở định hướng đó, Ủy ban nhân dân thành phố có các kế hoạch cụ thể giao cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện có tính liên tục, kế thừa. Nghị quyết 15/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 15-12-2000, về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2001 - 2010” cũng khẳng định: xây dựng văn hóa Thủ đô giàu bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống Thăng Long - Hà Nội; xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và phong cách lao động sáng tạo của con người Việt Nam.
Ngày 18-10-2011, Thành ủy Hà Nội đã đề ra Chương trình 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015” với các chuẩn mực định hướng cơ bản về con người Thủ đô là: Yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô, trung thực, tự trọng, nghĩa tình; có lối sống và nếp sống trong sạch lành mạnh; có tri thức, năng động, sáng tạo, chủ động và vững vàng trong phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, tiêu biểu cho phong cách học tập, lao động mới; có thể chất tốt và luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Chương trình đưa ra những mục tiêu cần thực hiện được là: phát triển văn hóa Thủ đô thực sự xứng tầm là trung tâm văn hóa lớn, đi đầu cả nước theo hướng hiện đại, hội nhập với quốc tế trên cơ sở kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình; tạo một bước chuyển căn bản về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, được biểu hiện bằng các quan hệ ứng xử, giao tiếp ở những nơi công cộng, trong văn hóa giao thông, quản lý văn hóa đô thị; bảo đảm có đủ hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở để phục vụ nhu cầu của nhân dân Thủ đô… Xây dựng môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, tạo tiền đề cho con người phát triển toàn diện; thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh; nâng cao hiệu quả các chính sách xã hội. Tạo sự chuyển biến thực sự trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, những quy định trong xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa; tạo chuyển biến căn bản trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, giao tiếp ở nơi công cộng; phấn đấu để mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô đều trở thành những công dân tiêu biểu. Đến năm 2015, Hà Nội phấn đấu 85% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 55% làng, thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa; 65% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; 60% đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu Đơn vị văn hóa.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, từ năm 2000 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo thành phố đã khẩn trương xây dựng Đề cương xây dựng “Người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại” trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, đội ngũ các nhà quản lý văn hóa, các nhà khoa học, các cơ quan truyền thông đại chúng thông qua các chương trình hội thảo về “Xây dựng nếp sống người Hà Nội”.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong quá trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, như hướng dẫn Liên đoàn Lao động thành phố xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động Thủ đô theo tiêu chí “Tiên tiến - Sáng tạo; Đoàn kết - Kỷ cương; Gìn giữ môi trường; Thanh lịch - Nhân ái”; hướng dẫn Hội Nông dân xây dựng “Người nông dân Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại” theo tiêu chí “tích cực nâng cao trình độ; năng động trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; đoàn kết cộng đồng và tuân thủ pháp luật”; hướng dẫn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố phát động và triển khai mạnh mẽ phong trào hành động “Tuổi trẻ Thủ đô sức khoẻ, trí tuệ - đoàn kết, sáng tạo - thanh lịch, tình nguyện” với nhiều hoạt động có ý nghĩa văn hóa - xã hội sâu sắc; hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tuyên truyền vận động các tầng lớp phụ nữ Thủ đô rèn luyện, phấn đấu đạt các chuẩn mực “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch”, xây dựng gia đình văn minh - hạnh phúc, định hình lối sống, nếp sống ứng xử văn hóa, thanh lịch phù hợp với truyền thống dân tộc, Thủ đô.
Qua thực hiện, các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán đẹp của văn hóa Tràng An, xứ Đoài ngày càng được phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có những chuyển biến tích cực với nhiều nội dung hoạt động đa dạng, các mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa, thôn văn hóa dần dần đã được ổn định và tiếp tục phát huy vai trò tích cực. Bên cạnh việc xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa Thủ đô phong phú, lành mạnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội còn tập trung chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến; phát triển toàn diện, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Nhiều làng nghề truyền thống được đầu tư phát triển, các di tích lịch sử văn hóa được tu bổ, tôn tạo định kỳ và không ngừng phát huy giá trị, nhất là trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thành phố đã xác định những giải pháp quan trọng cần thực hiện là:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Chú trọng công tác xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử trong gia đình và cộng đồng dân cư; đồng thời tích cực tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh công sở gắn với quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan công quyền ở địa phương. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển con người toàn diện về thể chất, phẩm chất đạo đức và trí tuệ đáp ứng với yêu cầu phát triển.
Thứ hai, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng văn hóa, xã hội. Hoàn thành việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở; xây dựng các công trình văn hóa mới tương xứng với phát triển kinh tế - văn hóa với quy hoạch phát triển đô thị.
Thứ ba, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của Thủ đô; phục hồi, phát huy có chọn lọc các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu, một số lễ hội truyền thống, các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian. Xây dựng cơ chế tạo nguồn lực phục vụ tôn tạo, tu bổ hệ thống di tích đang xuống cấp; xây dựng và triển khai một số dự án bảo tồn, tôn tạo di sản tiêu biểu để phục vụ du lịch và đời sống dân sinh.
Thứ tư, đổi mới nội dung hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, có tác dụng thiết thực, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua “Người tốt - Việc tốt” và Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
Thứ năm, tăng cường giao lưu và hợp tác về văn hóa, du lịch nhằm quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu các thành tựu văn hóa, nghệ thuật, sản phẩm du lịch của Thủ đô với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại và quảng bá một cách hiệu quả hình ảnh Hà Nội ra nước ngoài.
Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ thành phố tới cơ sở nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể. Hướng dẫn các địa phương tập trung hoàn thiện, triển khai sâu rộng các phong trào, các cuộc vận động đã và đang có tác dụng thiết thực, như: cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn hóa công nghiệp” trong công nhân viên chức lao động Thủ đô (của Liên đoàn Lao động Thành phố”; cuộc vận động xây dựng “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch” trong hệ thống trường học (của Sở Giáo dục và Đào tạo); tạo lập dần nền nếp “Văn minh xe buýt” trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng (của Sở Giao thông - Vận tải); mở rộng các “Tuyến phố văn minh thương mại” (của Sở Thương mại)... thực sự có chất lượng. Coi trọng việc phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến./.
Tổng kết các hoạt động kỷ niệm 60 năm ký Hiệp định Geneva  (09/10/2014)
Việt Nam - Belarus triển khai các thỏa thuận hợp tác quốc phòng  (09/10/2014)
Bảo đảm phục vụ Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội an toàn, tiết kiệm  (09/10/2014)
Cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế  (08/10/2014)
Việt Nam tham dự Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 8  (08/10/2014)
Bộ Y tế phát động chiến dịch Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển  (08/10/2014)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay