Giải quyết ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất ở đồng bằng sông Cửu Long
Giải quyết rác thải để môi trường trong sạch Ảnh: TL |
Trong tiến trình đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, môi trường tự nhiên càng bị khai thác thiếu kiểm soát, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Trước thực tế đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã quan tâm thích đáng đến việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và phát triển.
Những vấn đề đặt ra
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, điểm quan trọng được Đảng ta xác định là: áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn các hành vi khai thác tài nguyên trái phép, hủy hoại hoặc gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt tập trung khắc phục ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm ở các đô thị và khu chế xuất, khu công nghiệp, các làng nghề, nơi có đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế, khôi phục môi trường ở những nơi khai thác khoáng sản. Điều đó yêu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất phải thực hiện các quyết sách và hành động của mình theo hướng phát triển sản xuất, kinh doanh đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân, bảo vệ và cải thiện môi trường và các tác động về mặt xã hội.
Mấy năm qua, công tác bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Các cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể đã quan tâm nhiều hơn đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Nhận thức về môi trường của cán bộ, công nhân được nâng lên. ý thức bảo vệ môi trường đang dần trở thành thói quen, nếp sống của họ. Các khu công nghiệp, khu chế xuất bước đầu đã hạn chế được một phần mức độ gia tăng ô nhiễm, chú trọng khắc phục suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; quan tâm hơn đến khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; cố gắng góp phần ngăn chặn việc đổ phế thải, nước chưa qua xử lý ra đồng ruộng, ao hồ, kênh rạch và tích cực trồng các cây nguyên liệu có giá trị. Điều kiện vệ sinh môi trường ở đây đang từng bước được cải thiện, người dân ở quanh vùng có điều kiện môi trường ngày càng tốt hơn.
Theo điều tra của chúng tôi, đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường của công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Chỉ riêng ở tỉnh Đồng Nai hiện nay, có khoảng hơn 300.000 lao động làm việc thường xuyên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó khoảng 69% là lao động giản đơn, mức thu nhập khoảng 1,1 triệu đồng/tháng, 31% là lao động có tay nghề, mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng, còn lại là nhóm công nhân cổ cồn, mức thu nhập cao, có thể từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/tháng (nhóm này thường là người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh). Họ làm việc xong lại về nhà, không ở lại khu công nghiệp. Nhìn chung người lao động tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai là những lao động trẻ, tuổi đời trung bình là 26,3, diện tích ở bình quân là 6,43 m2/người. Trong những năm gần đây, mức sống của người lao động tại các khu công nghiệp đã được cải thiện đáng kể về thu nhập, tiện nghi sinh hoạt và nhà ở, các hoạt động an sinh xã hội được chăm lo hơn, nhất là các điều kiện vệ sinh môi trường khu vực họ ở và làm việc không ngừng được chú trọng, vệ sinh sạch sẽ, trồng thêm cây xanh, bảo đảm nước sạch cho sinh hoat. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, khu chế xuất nên mức hưởng thụ văn hóa, vệ sinh môi trường của người lao động vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cần phải được khẩn trương giải quyết. Nhiều hệ thống nhà máy, công ty hầu như rất ít chú ý tổ chức hoạt động văn hóa cho người lao động, nhất là chưa chú trọng đúng mức đến đầu tư thay đổi công nghệ, quy trình kỹ thuật để giảm thiểu ô nhiễm về khói, bụi, tiếng ồn, nước thải công nghiệp...
Nhìn chung, môi trường tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tiếp tục xuống cấp, nhiều nơi ô nhiễm đến mức báo động. Công tác phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường chưa tốt. Chưa xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường quá mức cho phép; chưa kiên quyết đình chỉ hoạt động, hoặc buộc di dời đối với những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư và chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Ở một số nơi, tài nguyên và đất đai bị tàn phá, khai thác bừa bãi. Đa dạng sinh học tiếp tục bị suy giảm. Một số khu công nghiệp, khu chế xuất vùng ven sông, kênh rạch đang gây ra ô nhiễm nặng nề. Nguồn rác thải các loại ngày càng tăng trong khi việc xử lý không triệt để. Nguồn nước mặt và nước ngầm tiếp tục bị ô nhiễm. Điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở quanh vùng còn rất thấp. Những vấn đề rắc rối nói trên đang ngày càng trầm trọng hơn do quy mô khu công nghiệp, khu chế xuất tăng nhanh và kỹ thuật xử lý ô nhiễm, nước thải, chất thải còn chưa giải quyết được một cách cơ bản.
Nguyên nhân cơ bản
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là: lãnh đạo ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất ở đồng bằng sông Cửu Long chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các tác động về mặt xã hội, chưa xác định rõ tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo, điều hành trong công tác bảo vệ môi trường và chưa có các biện pháp hữu hiệu phát huy vai trò của cán bộ, công nhân trong công tác này. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý còn thiếu đồng bộ, năng lực quản lý về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, đầu tư cho bảo vệ môi trường còn thấp, nhiều vấn đề như: xử lý nước thải, chất thải, rác thải... chưa được đặt ra và giải quyết đúng với vị trí và tầm quan trọng của nó.
Với nhịp độ các khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển nhanh như hiện nay sẽ kéo theo một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chất thải từ sản xuất, tiêu dùng ngày càng tăng. Điều đó cho thấy, các khu công nghiệp, khu chế xuất muốn phát triển sản xuất, kinh doanh thì phải có khoa học - công nghệ hiện đại; mặt khác, phải đặc biệt quan tâm đến mục tiêu kế hoạch hóa bảo vệ môi trường, phát triển các vùng nguyên liệu, bảo vệ sự sống của con người xung quanh vùng. Sự kết hợp biện chứng giữa hai mục tiêu này là đòi hỏi tất yếu khách quan của việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Có thể nhận thấy, các khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa thực hiện có hiệu quả Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chưa quan tâm đúng mức đến cuộc sống cộng đồng xung quanh vùng; chưa bảo vệ tốt sự sống và tính đa dạng của thiên nhiên và hạn chế đến mức thấp nhất việc làm suy giảm các nguồn tài nguyên không tái tạo; chưa làm thay đổi được tận gốc thái độ và hành vi của cán bộ, công nhân trong việc tự quản lý môi trường của cơ quan, đơn vị, xí nghiệp- nơi bản thân họ đang sinh sống và làm việc; xây dựng quy chế bảo vệ môi trường chưa thống nhất, thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo mối liên kết mật thiết giữa các đơn vị, cơ quan chức năng và người dân quanh vùng trong việc bảo vệ môi trường.
Định hướng giải quyết
Từ nay đến năm 2010, chúng ta phải thực hiện được chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng: 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng sẽ áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 50% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% số đô thị loại 3 trở lên, 50% số đô thị loại 4 và tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải; xử lý 90% chất thải rắn thông thường, 60% chất thải nguy hại... Chính phủ yêu cầu ngay trong năm 2008, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 60%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom: 80%; tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại: 64% và xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: 60%.
Để đạt được các chỉ tiêu đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực đồng bằng sông Cửu Long tập trung nỗ lực bảo vệ và cải thiện tài nguyên môi trường, bảo đảm cho mọi người dân quanh vùng đều được sống trong môi trường trong sạch và lành mạnh. Chấm dứt nạn đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa lượng rác chôn lấp. Đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào kế hoạch, chương trình, dự án và coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá các giải pháp phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất. Lồng ghép đầy đủ và cụ thể các vấn đề môi trường vào các quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất, kinh doanh của các khu công nghiệp, khu chế xuất, bảo đảm quy hoạch phát triển bền vững và không làm giảm tài nguyên. Không ngừng cải thiện chất lượng môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Chú trọng tăng cường đa dạng sinh học ở các vùng tài nguyên do các khu công nghiệp, khu chế xuất khai thác. Cải thiện chất lượng vùng nguyên liệu và có thể đầu tư trồng rừng, nâng cao giá trị các hệ sinh thái nghèo, bảo đảm tính ổn định của các hệ sinh thái ở các vùng này.
Bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vừa là điều kiện, vừa là mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở đồng bằng sông Cửu Long, như sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý nước, quản lý chất thải và bố trí hợp lý nơi ăn ở, điều kiện làm việc cho công nhân. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động của môi trường đối với khu vực phát triển sản xuất, kinh doanh. Thử nghiệm các phương án, chính sách để tăng thêm sự tham gia của người dân khu vực trong các dự án sản xuất; bảo đảm tiếp cận lâu dài nguồn nước bằng cách tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt. Khuyến khích phát triển áp dụng các công nghệ sạch và quy trình sản xuất ít chất thải, ít gây ô nhiễm môi trường. Các nhà máy, khu tập trung nguyên liệu, chăn nuôi tập trung có thể sử dụng khí đốt sinh học và phát triển năng lượng mặt trời, gió và các nguồn nhiệt năng khác. Tăng cường đầu tư phục hồi các vùng nguyên liệu đã được khai thác để không xuất hiện nguy cơ làm tổn hại đến tài nguyên môi trường. Các khu chế xuất, khu công nghiệp cần hỗ trợ các hoạt động môi trường dựa trên cộng đồng để tăng nhận thức và sự tham gia của người dân quanh vùng.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất cần kiểm soát ô nhiễm và ứng cứu sự cố môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên các dòng sông, hồ ao, kênh mương do mình gây ra... Thực hiện các dự án về cải tạo, bảo vệ môi trường: trồng cây xanh, giữ gìn đa dạng sinh học, xây dựng các công trình làm sạch môi trường ngay trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phát triển các dịch vụ môi trường như trồng vườn hoa, thu gom rác thải, cung cấp nước sạch, xây dựng các vườn sinh thái, vườn cây cảnh... Kết hợp hài hòa giữa sản xuất kinh doanh, dịch vụ với xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường và các tác động về mặt xã hội.
Giáo dục ý thức, trách nhiệm và đạo đức môi trường, nếp sống văn hóa sinh thái trong toàn đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Có chính sách khen thưởng cụ thể đối với người thực hiện tốt các quy định bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp và xử phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm nguyên tắc bảo vệ môi trường. Nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm cho sự thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thành công./.
Cải cách thể chế ở Việt Nam trước thách thức của toàn cầu hóa  (17/09/2008)
Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực  (17/09/2008)
Tổng kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến phòng, chống tội phạm  (17/09/2008)
Nga nối lại đàm phán đa phương về gia nhập WTO  (17/09/2008)
Lập nhóm công tác Việt - Mỹ giải quyết vấn đề da cam  (17/09/2008)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên