Nhớ đồng chí Đào Duy Tùng và những kỷ niệm khó quên

Phạm Quang Nghị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội
23:15, ngày 24-05-2014

TCCSĐT - Nhân dịp Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng, nguyên Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có bài viết, ghi lại những kỷ niệm và cũng là những bài học sâu sắc thu hoạch được qua những năm tháng được sống, làm việc, giúp việc đồng chí Đào Duy Tùng. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:

Hôm nay, một ngày của Tháng Năm lịch sử và đầy ý nghĩa, ngày cả nước ta kỷ niệm lần thứ 124 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân ta, một nhà lãnh đạo kiệt xuất và có uy tín lớn đối với nhân dân thế giới. Chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về đồng chí Đào Duy Tùng, "nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, người chiến sỹ cộng sản xuất sắc, trung thành, tận tụy, suốt đời kiên trì phấn đấu vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập tự do hạnh phúc của nhân dân", đã xa chúng ta, gần tròn 16 năm. Một con người, như trong lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết: “giản dị, khiêm nhường, đạm bạc, dễ gần như bao người lao động bình thường, song lại ẩn chứa một trái tim sâu nặng nghĩa tình với Đảng, với nhân dân, với đồng chí, và một bộ óc không lúc nào ngừng suy nghĩ vì sự nghiệp chung. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ nơi đâu và cương vị công tác nào, đồng chí đều tận tụy, quên mình cho công việc và đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng”.

Những lời đánh giá đó thật là cô đọng và sâu sắc biết bao. Chỉ với những người là đồng chí gần gũi, am hiểu và cả với sự kính trọng tự đáy lòng mới chọn ra những lời như vậy để nói về một con người cùng đứng trong hàng ngũ gồm hàng triệu cán bộ, đảng viên của Đảng, đồng thời là người anh, người bác, người thầy trong cuộc sống đối với mỗi người. Và chung nhất, tiêu biểu hơn cả, về một trong những học trò mẫu mực, đã học tập, thực hiện được trong cuộc sống nhiều phẩm chất tốt đẹp của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
 
Nhớ về đồng chí Đào Duy Tùng, viết về đồng chí Đào Duy Tùng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh gọi đồng chí là "một con người tài đức"; quý trọng đồng chí ở "những giá trị qúy báu về nhân cách, về thái độ chân thành, nhân hậu, về cuộc sống thanh đạm và giản dị. Bạn bè và đồng chí tin yêu Anh, không phải vì quyền uy mà Anh có, mà vì Anh có được những phẩm chất tốt đẹp". Còn đồng chí Hà Đăng thì lại muốn nói về một người làm báo, người làm công tác lý luận và là người đồng chí, đồng nghiệp, một người luôn có cái nhìn, có tư tưởng tìm tòi, đổi mới, luôn "biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến, miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay, trong tinh thần xây dựng".

Là một trong số rất nhiều người được làm việc, được gần và học được ở đồng chí Đào Duy Tùng những phẩm chất mà ai cũng nên học và mong học được, từ khi về làm việc cho tới lúc xa Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương gần 20 năm, từ 1978 đến 1997, tôi luôn được sống, làm việc gần đồng chí Đào Duy Tùng.

Khi đồng chí Đào Duy Tùng qua đời, tôi có bài viết mang tựa đề: "Xin được nói về Anh như thế". Vào dịp Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc thi viết "Kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng làm công tác tuyên giáo", trong bài viết, và sau đó được trao giải Nhất cuộc thi, tôi cũng có đôi lời nhắc lại những kỷ niệm, hay nói đúng hơn là những bài học sâu sắc mà tôi rút ra từ tấm gương cao đẹp về "một nhà lãnh đạo tư tưởng - văn hóa rất giàu kinh nghiệm và tràn đầy lòng nhân ái; một con người đức độ và khiêm nhường hiếm có và rất biết lắng nghe".

Trải qua hàng chục năm công tác, tôi luôn cố gắng học tập ở đồng chí Đào Duy Tùng, dù chỉ với bấy nhiêu từ ngữ, đức tính mà cá nhân tôi tự rút ra được cũng đã là một di sản thật sự có giá trị lớn lao, sâu sắc và bổ ích biết dường nào.

Đã nhiều lần tôi muốn cầm bút viết về những kỷ niệm vừa chân thật, gần gũi, bình dị nhưng cũng vô cùng lớn lao ở con người đồng chí Đào Duy Tùng. Đó là những phẩm chất của một nhân cách luôn tỏa sáng, có sức thuyết phục, hấp dẫn, cảm hóa, giáo dục mạnh mẽ đối với mọi người. Tôi luôn nhớ những kỷ niệm vô cùng sinh động từ những sự việc, những câu chuyện mà đồng chí đã làm, đã thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Trước hết, có lẽ nên bắt đầu từ phong cách làm việc, phong cách tư duy của đồng chí, một phong cách thật sự khoa học, biện chứng; lấy lý luận soi sáng cho thực tiễn; và đồng thời luôn lấy thực tiễn để bổ sung, phát triển không ngừng lý luận. Trong những tổng kết lý luận của Đảng ta, nhất là thời kỳ chuyển sang giai đoạn Đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp vô cùng quan trọng. Trước hết là từ phương pháp, cách làm: tập hợp, so sánh, đối chiếu giữa cái cũ và cái mới; giữa những quan điểm, ý kiến khác nhau, có lúc tưởng như không thể dung nạp, chấp nhận nhau; khảo sát, đánh giá, tổng kết thực tiễn; rồi thảo luận, tranh luận, từ đó góp phần đề ra những nguyên tắc đổi mới, hay nói đúng hơn là đổi mới có nguyên tắc. Không chấp nhận thái độ phủ định sạch trơn, nhưng cũng không giản đơn bê nguyên xi kinh nghiệm của thế giới. Đó là thời điểm đất nước, xã hội đang cần một thái độ khoa học khi xử lý mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tiếp thu kinh nghiệm thế giới - lúc bấy giờ là cải tổ ở Liên Xô, cải cách mở cửa ở Trung Quốc, và kinh nghiệm sáng tạo trong chiến tranh cũng như trong cải tạo, hòa bình xây dựng ở Việt Nam. Một trong những điều đồng chí hết sức trăn trở, băn khoăn vào thời điểm đó, là việc xuất bản cuốn sách của M.X. Goóc - ba - chốp “Cải tổ và tư duy đổi mới với nước ta và thế giới”, một cuốn sách mang tính chỉ đường cho công cuộc cải tổ ở Liên Xô, nhưng đáng tiếc lại sai lầm cả về quan điểm và phương pháp, nhưng vào thời điểm ấy lại được tung hô, tán thưởng hết sức ồn ào trên thế giới. Một cuốn sách đã làm phân tâm tư tưởng chính trị đối với chúng ta, nhưng vì nhiều lẽ, chúng ta vẫn phải dịch, xuất bản đúng vào dịp đoàn đại biểu Đảng ta sang dự kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, để làm quà tặng Đảng Cộng sản Liên Xô và M.X. Goóc - ba - chốp. Một cuốn sách mà hai đồng chí lãnh đạo tư tưởng của Đảng ta, là Đào Duy Tùng và Hoàng Tùng đã không ai đứng tên viết lời giới thiệu. Vào thời điểm nhạy cảm như vậy, tôi đã hiểu được sự cân nhắc, băn khoăn của đồng chí Đào Duy Tùng về những quan điểm sai lầm trong đường lối cải tổ nói chung và trong tác phẩm của M.X. Goóc - ba - chốp nói riêng. Đó cũng chính là phẩm chất chính trị trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê nin, với chủ nghĩa xã hội, sự nhạy bén, tầm nhìn chính trị của đồng chí Đào Duy Tùng trong thời điểm ấy.

Tôi chỉ nêu một, hai việc cũ để hôm nay chúng ta hình dung lại chặng đường đổi mới mà đất nước ta, Đảng ta, nhân dân ta đã trải qua thật sự khó khăn, gian khổ, phức tạp biết chừng nào. Và qua đó, nói lên sự tỉnh táo, thông minh, sáng suốt của trí tuệ Việt Nam, của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng ta, trong đó có đồng chí Đào Duy Tùng.

Nói về đạo đức, nhân cách của đồng chí Đào Duy Tùng, một trong những học trò mẫu mực của Bác Hồ, những ai sống gần, làm việc gần đều có những ấn tượng, những kỷ niệm thật sự khó quên. Một con người giản dị, khiêm tốn, dễ gần; luôn giữ gìn từng li, từng tí; ở mọi nơi, mọi lúc; từ trong suy nghĩ cho tới việc làm, tuyệt đối không có gì là cố làm ra quan trọng nhưng lại rất kiên quyết, kiên định khi thực hành những nguyên tắc sống. Đồng chí không phải là một nhà lãnh đạo có tài diễn trên sân khấu chính trị mà là một con người thật sự nói đi đôi với làm.

Một lần, vào quãng những năm 1986-1987, đồng chí Đào Duy Tùng về làm việc với thành phố Hải Phòng. Ăn, nghỉ tại Nhà khách số 2 Bến Bính. Đó là thời bao cấp, sống bằng tem phiếu. Đi công tác, cán bộ ai cũng phải thanh toán tiền ăn và phiếu gạo. Nhưng đây là nhà khách dành để bố trí ăn nghỉ đối với lãnh đạo cao cấp Trung ương, nên thủ tục thanh toán tiền cơm vốn không đặt ra ở nhà khách này. Mặc dù vậy, đồng chí Đào Duy Tùng lại quyết định không chấp hành quy định ngoại lệ ấy. Sau mấy ngày làm việc, trước lúc ra về, đồng chí yêu cầu tôi làm thủ tục thanh toán tiền ăn. Cả nhà khách lúng túng, bối rối, thành thật trả lời rằng, "ở đây chúng tôi không thanh toán tiền cơm khách". Mặc dù xe đã đỗ sẵn trước sân, Bí thư Thành ủy Lê Danh Xương đã tới để tiễn đoàn, song đồng chí Đào Duy Tùng kiên quyết yêu cầu tôi phải thanh toán xong tiền ăn mới ra về. Cuối cùng, lãnh đạo Thành phố đành phải gọi một chị nhân viên văn phòng tới. Nhưng vì không biết cụ thể công việc phải làm, nên chị đã không đem theo sổ sách, biên lai, hóa đơn gì cả. Thôi đành vậy, hai bên đồng ý cứ ghi ra một tờ giấy xé trong cuốn vở học sinh, kê biên đầy đủ số người, số ngày, số tiền ăn của đoàn. Thanh toán, ký tá xong xuôi, đồng chí mới chào lãnh đạo Thành phố đang trong tâm trạng chắc là rất lấy làm bối rối - rồi lên xe trở về Hà Nội.

Lại một lần khác, giữa lúc các địa phương, nhất là những tỉnh có đông công nhân, thiếu lương thực trầm trọng. Đồng chí Đào Duy Tùng được Tổng Bí thư Đỗ Mười cử lên làm việc với tỉnh Bắc Thái. Trong các buổi báo cáo tình hình, lãnh đạo tỉnh luôn trình bày khó khăn, thiếu gạo, thiếu thực phẩm cho khu công nghiệp thành phố Thái Nguyên và đề nghị Trung ương hỗ trợ. Thế nhưng, vào buổi trưa, tỉnh tổ chức ăn mời rất đông người, và lại có cả thịt dê 5-7 món. Cỗ bàn, bia hơi bày ra đầy mâm. Tôi chợt nhận ra vẻ mặt không được hài lòng, nếu diễn đạt đúng, phải nói là nét bực bội, khó chịu trên gương mặt đồng chí Đào Duy Tùng hôm đó. Mà đồng chí vốn là người luôn ôn tồn, điềm tĩnh. Ngồi vào bàn, đồng chí ăn vội hai lưng cơm, rồi đứng lên ra xe về cơ quan, không nói không rằng. Tôi không hiểu buổi trưa hôm đó, bữa tiệc của thành phố Thái Nguyên khoản đãi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư diễn biến tiếp ra sao, vì tôi cũng phải vội vàng buông đũa chạy ra xe để về cùng đồng chí.

Và rồi cũng trong lần làm việc ấy, tỉnh có kế hoạch tổ chức bữa cơm kết thúc tiễn chân đoàn về Hà Nội. Đồng chí lãnh đạo tỉnh với lời đề nghị xem ra rất chính đáng: “Mấy hôm nay Anh lên làm việc, mới chỉ có anh em Thường trực được ăn cơm với Anh. Hôm nay là buổi kết thúc, tập thể Ban Thường vụ muốn được dự bữa cơm tiễn Anh và đoàn công tác”.  Đã có kế hoạch từ trước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Thái đoán là đồng chí Đào Duy Tùng sẽ chấp nhận lời đề nghị chân thành, tha thiết ấy. Nhưng không ngờ, buổi chiều làm việc xong đồng chí Đào Duy Tùng nhất định lên xe về Hà Nội, bỏ lại phía sau bữa cơm với tập thể Ban Thường vụ, dù lãnh đạo tỉnh có mời mọc, khẩn khoản, giải trình thế nào cũng không được. Nhờ thư ký nói hộ cũng không xong. Và điều làm cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh còn bất ngờ hơn, là trong chuyến công tác ấy, đồng chí Đào Duy Tùng đã đưa chị Tùng kết hợp lên thăm lại người thân mà gia đình đồng chí đã ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Về việc này, đồng chí đã giấu biệt, yêu cầu tôi và lái xe không cho địa phương biết có chị đi cùng. Trước khi ra về, lái xe được giao nhiệm vụ đón chị tới cơ quan Tỉnh ủy để cùng về Hà Nội.

Ngồi trên xe ô tô, tôi thầm nghĩ có lẽ đồng chí Đào Duy Tùng cảm thấy thanh thản hơn, vui hơn là phải ở lại ăn bữa cơm chia tay Ban Thường vụ. Một bữa cơm, dù gì cũng sẽ bầy biện thêm mâm, thêm bát, giữa lúc cả nước đang lo ăn từng bữa cho công nhân. Một chuyến đi công tác không quà cáp, phong bì, phong bao, không cho phu nhân ra mắt địa phương, và cũng không để địa phương phải phiền vì thành phần riêng của đoàn công tác đi cùng.

Đồng chí Đào Duy Tùng của chúng ta là con người như vậy. Có lần, tôi tò mò hỏi: Vì sao Anh lại quá giữ gìn, khắt khe, chặt chẽ trong chuyện ăn uống, đón tiếp lễ tân như vậy? Anh cười: “Mình cũng đã từng đi theo những đoàn công tác của Trung ương, thấy nhiều địa phương họ làm to quá, cồng kềnh, tốn kém. Đó là chưa nói, có khi họ làm thịt con gà, con lợn, sau đó họ nói là làm trâu, làm bò khoản đãi Trung ương. Vì vậy, mình phải giữ”.

Rồi có những lần, tôi theo đồng chí đi từ thành phố Hồ Chí Minh tới An Giang. Trên đường đi phải qua Cần Thơ, chặng dừng chân ăn nghỉ trưa mà đoàn nào cũng không thể bỏ qua. Hoặc có lần từ thành phố Hồ Chí Minh ra dự hội nghị kiểm điểm tập thể Ban Chấp hành tỉnh Phú Khánh. Cũng tương tự như vậy, đồng chí kiên quyết không dừng lại ở các tỉnh dọc đường để khỏi làm phiền các địa phương phải tổ chức ăn trưa, đón tiễn. Một thầy, một trò, một lái xe, một ấm nhôm nước chè tươi và ba ổ bánh mỳ do nhà bếp T78 chuẩn bị, lên xe, chạy thẳng một lèo. Dọc đường gặp chỗ nào thoáng đãng, có bóng cây mát mẻ, thầy trò dừng chân, mở suất bánh mỳ ăn trưa ra thưởng thức. Vừa ăn, thủ trưởng lại vừa kể chuyện tấm gương Bác Hồ đi công tác để dạy lại chúng tôi.

Hôm nay, đúng ngày 19-5-2014, trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang ra sức thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi rất vui và cảm động được kể lại với các đồng chí những câu chuyện, những bài học mà tôi đã học được ở đồng chí Đào Duy Tùng, một nhà lãnh đạo cấp cao, rất có uy tín của Đảng, một học trò gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
 
--------------------------------------------------------------------

(1) Những trích dẫn trong bài từ Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương và các bài viết về đồng chí Đào Duy Tùng của các tác giả.