"Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI" ở Vê-nê-xu-ê-la: Những nhiệm vụ cơ bản và cấp bách
Trong diễn văn tại Lễ đăng quang của Chính phủ đắc cử ngày 8-1-2007, Tổng thống U. Cha-vét tuyên bố cách mạng Vê-nê-xu-ê-la đang bước vào một giai đoạn mới với Dự án quốc gia Si-môn Bô-li-va 2007 - 2021 hướng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước này. Dự án với 5 nội dung chủ yếu, được xem như 5 động lực của công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Năm động lực đó là: luật quyền hạn đặc biệt, cải cách hiến pháp, giáo dục nhân dân, cải tổ các cơ quan quyền lực và tăng cường quyền lực công xã. Để những động lực nêu trên được khởi động, cách mạng Vê-nê-xu-ê-la còn rất nhiều nhiệm vụ phải giải quyết, trong đó có một số nhiệm vụ cấp bách và cơ bản nhất sau:
Tháo dỡ bộ máy nhà nước tư sản bằng biện pháp hiến định
Bộ máy nhà nước ở Vê-nê-xu-ê-la cho đến nay, về cơ bản, vẫn là bộ máy nhà nước tư sản, nhưng hoạt động trong bối cảnh cách mạng, cho nên bộ máy ấy không thể là công cụ để giai cấp tư sản áp đặt sự thống trị của mình đối với xã hội. Mặt khác, bộ máy ấy cũng chưa trở thành công cụ để các lực lượng cách mạng thiết lập chính quyền thật sự của nhân dân; thậm chí còn là không gian cho các thế lực quan liêu, đối lập phá hoại sự nghiệp cách mạng. Đây là một trong những đặc điểm và cũng là thách thức của sự nghiệp cách mạng. Một khi chưa cải tạo được bộ máy nhà nước, thì chính cái nhà nước ấy sẽ bị biến thành công cụ chống phá cách mạng. Điều này đã được khối quần chúng cách mạng nhận thức rõ. Để cải tạo và thay thế bộ máy nhà nước đó, các lực lượng cách mạng Vê-nê-xu-ê-la đang nỗ lực tiến hành cải cách, điều chỉnh, thay đổi Hiến pháp hiện hành.
Điều 136 của bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi xác định: "Nhân dân là chủ nhân của chủ quyền quốc gia và thực hiện chủ quyền đó một cách trực tiếp bằng chính quyền nhân dân. Chính quyền này sinh ra từ những nhóm xã hội cơ sở có tổ chức của toàn dân. Chính quyền nhân dân thực thi quyền lực của mình bằng cách xây dựng những cộng đồng, công xã và cơ quan tự quản của các đô thị; thành lập các hội đồng công xã, hội đồng công nhân, hội đồng nông dân, hội đồng sinh viên và các thiết chế cần thiết khác". Như vậy, đất nước sẽ có hai hệ thống quyền lực quản lý: một hệ thống quyền lực nhà nước từ liên bang đến quận, huyện; và một hệ thống quyền lực nhân dân hoạt động ở cơ sở.
Chính quyền Vê-nê-xu-ê-la chủ trương cải tổ hệ thống phân chia hành chính quốc gia theo hướng xác lập hệ thống các thành phố, đô thị toàn quốc, lấy thành phố, đô thị làm trung tâm cho mỗi đơn vị hành chính mới. Đây cũng là cơ sở để xây dựng hệ thống quyền lực nhân dân các cấp. Hệ thống quyền lực nhân dân được tổ chức như sau: trên hết là Đại hội công dân của Chính quyền nhân dân; Đại hội bầu ra (và có quyền bãi nhiệm) Chính quyền công xã; Chính quyền hoạt động ở các cấp công xã, cộng đồng và các không gian khác thuộc một thành phố. Mỗi thành phố được xác định là một đơn vị hành chính cơ bản, bao gồm lãnh thổ của một quận (huyện). Trong thành phố, có các công xã, được xác định là các tế bào địa - xã hội; mỗi công xã có các cộng đồng. Mỗi cộng đồng là một hạt nhân địa lý cơ sở không thể chia nhỏ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Vê-nê-xu-ê-la. Mục đích của hệ thống quyền lực nhân dân là bảo đảm cho nhân dân là chủ nhân tối thượng của quyền lực; nhân dân tham gia trực tiếp vào tổ chức, quản lý các quá trình kinh tế - xã hội; trực tiếp quyết định sự phát triển của địa phương và quốc gia.
Để hệ thống quyền lực nhân dân không trở thành "đồ trang sức chính trị", dự thảo Hiến pháp sửa đổi ghi rõ sẽ ban hành đạo luật quy định hệ thống quyền lực nhà nước phải được phi tập trung hóa, chuyển cho hệ thống quyền lực nhân dân chức năng tổ chức và quản lý các hoạt động dịch vụ sau đây:
1 - Nhà, đất, thể thao, văn hóa, các chương trình xã hội, môi trường, quản lý các khu công nghiệp, quản lý đô thị, chăm sóc y tế, xây dựng và khai thác các công trình công cộng.
2 - Tham gia, thậm chí trực tiếp quản lý các doanh nghiệp nhà nước ở địa bàn.
3 - Tham gia các quá trình kinh tế, ủng hộ mọi biểu hiện của một nền kinh tế mang tính xã hội và sự phát triển bền vững thông qua quá trình xây dựng các hợp tác xã, quỹ tín dụng, doanh nghiệp thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu hỗn hợp hướng tới sự ra đời của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
4 - Xúc tiến sự tham gia của người lao động vào quản lý các doanh nghiệp công cộng.
5 - Thành lập các tổ chức, hợp tác xã và doanh nghiệp dịch vụ cộng đồng nhằm vừa tạo việc làm vừa tăng phúc lợi xã hội cho người dân.
6 - Tham gia quản lý và kiểm soát mọi dịch vụ công cộng hiện hành của nhà nước liên bang hoặc chính quyền địa phương theo nguyên tắc đồng trách nhiệm.
7 - Tham gia tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao...; ưu tiên các hoạt động văn hóa quần chúng và văn hóa dân gian.
Rõ ràng, hệ thống quyền lực nhân dân là đối trọng với hệ thống quyền lực nhà nước do các chính quyền tư sản trước kia thiết lập trên phạm vi toàn quốc. Chỉ khi nào hệ thống quyền lực nhân dân thay thế được hệ thống quyền lực nhà nước tư sản thì Vê-nê-xu-ê-la mới có một hệ thống quyền lực của cách mạng - nhân tố không thể thiếu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Nguyên lý mác-xít về nhu cầu đập tan bộ máy nhà nước tư sản vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn đối với cách mạng Vê-nê-xu-ê-la, nhưng nhất thiết phải tìm được cách thức thực hiện phù hợp. Tổng thống Cha-vét không thể dùng bạo lực cách mạng để đập tan, mà đã sáng tạo vạch ra cách thức tháo dỡ bộ máy nhà nước tư sản bằng các biện pháp hiến định. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của cải cách Hiến pháp mà Cha-vét quyết tâm tiến hành từ đầu năm 2006 đến nay.
Cũng liên quan đến quyền lực nhà nước, cách mạng Vê-nê-xu-ê-la còn phải xử lý vấn đề xây dựng các lực lượng vũ trang. Mặc dù cuộc cách mạng này giành thắng lợi bằng con đường hòa bình, nhưng thực tiễn đấu tranh giai cấp, đấu tranh chính trị đã làm cho số đông nhận thức rõ rằng cách mạng cần được trang bị đầy đủ lực lượng vũ trang như công cụ bạo lực chống lại mọi âm mưu của bạo lực phản cách mạng và chủ nghĩa đế quốc. Ban lãnh đạo cách mạng đã từng bàn đến các giải pháp chiến lược như: tăng quân dự bị lên đến 2 triệu người; thành lập lực lượng quân địa phương; vũ trang toàn dân; biến quân đội thành công cụ chính trị - quân sự của Đảng cầm quyền... Cá nhân Tổng thống Cha-vét thì khẳng định mạnh mẽ rằng đây là những giải pháp tất yếu nhằm phòng chống sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc. Tiếc rằng đến nay các vấn đề sống còn này chưa có sự thống nhất quan điểm ngay trong lãnh đạo các lực lượng cách mạng Vê-nê-xu-ê-la.
Thực hiện kế hoạch hóa nền kinh tế
Chỉ khi nào hệ thống quyền lực nhân dân thay thế được hệ thống quyền lực nhà nước tư sản thì Vê-nê-xu-ê-la mới có một hệ thống quyền lực của cách mạng - nhân tố không thể thiếu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. |
Từ năm 1998 đến nay, kinh tế Vê-nê-xu-ê-la liên tục tăng trưởng cao nhờ hàng loạt động lực được tạo ra từ các chính sách, biện pháp cải tạo kinh tế. Trong 7 - 8 năm qua, với tốc độ tăng trưởng bình quân 12,4%/năm, Vê-nê-xu-ê-la chiếm vị trí số một trong khu vực Mỹ La-tinh và thứ hạng hàng đầu trong nền kinh tế thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 15% năm 1999 xuống còn 8,3% năm 2007; tỷ lệ dân nghèo giảm từ 55,1% xuống còn 30,4% trong cùng thời gian. Tuy nhiên, bên cạnh những khởi sắc đầy ấn tượng đó, kinh tế đất nước cũng ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề nan giải: khu vực kinh tế tư nhân bị tê liệt do cả khó khăn khách quan mà chủ yếu là do các thế lực thù địch cố ý chống phá; các ngân hàng thương mại do tư bản tài chính độc quyền nắm giữ không chịu cho vay đầu tư vào các dự án kinh tế và các chương trình xã hội; các loại hình thị trường chủ yếu đều bị đầu cơ, lũng đoạn... Hậu quả bất lợi đã xảy ra đối với quá trình cách mạng: đời sống của nhân dân lao động chưa được cải thiện như mong muốn; một số nội dung trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống chưa được thực hiện đầy đủ làm suy giảm phần nào niềm tin của quần chúng... Phức tạp và quyết liệt, cuộc đấu tranh "ai thắng ai" trên mặt trận kinh tế đã công khai diễn ra, buộc ban lãnh đạo cách mạng phải tính đến những bước đi chiến lược, triệt để và cơ bản hơn nhằm thủ tiêu cơ sở kinh tế của chế độ cũ.
Một trong những chức năng đặc trưng của mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa Vê-nê-xu-ê-la là thực hiện kế hoạch hóa nền kinh tế quốc gia trên cơ sở phát huy sự tham gia trực tiếp của quần chúng. Kế hoạch hóa kinh tế nhằm bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của mọi vùng miền được xem như vấn đề có tính nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Thiếu kế hoạch hóa kinh tế thì không thể có chủ nghĩa xã hội và thiếu dân chủ hóa thì không thể có kế hoạch hóa kinh tế. Tại Điều 112 dự thảo Hiến pháp sửa đổi xác định: Nhà nước xúc tiến phát triển mô hình kinh tế sản xuất trung gian, đa dạng dựa trên nền tảng của những giá trị hợp tác và đặt các lợi ích chung lên trên các lợi ích riêng; sẽ hỗ trợ phát triển nhiều hình thức doanh nghiệp và đơn vị kinh tế thuộc sở hữu xã hội; sẽ xúc tiến thành lập các doanh nghiệp và đơn vị kinh tế thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước, khu vực tư nhân và tập thể; tạo điều kiện tiến tới quá trình hợp tác xây dựng một nền kinh tế - xã hội chủ nghĩa. Dự thảo Hiến pháp cũng khẳng định không cho phép các hoạt động làm tổn hại đến nền sản xuất xã hội mang tính tập thể, đến chế độ sở hữu toàn dân và tập thể, đến quá trình phân phối công bằng mọi của cải xã hội.
Về chế độ và các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, dự thảo Hiến pháp khẳng định: Nhà nước Vê-nê-xu-ê-la bảo đảm tôn trọng tính đa dạng sở hữu. Sở hữu công cộng là sở hữu của nhà nước, do các thiết chế nhà nước nắm giữ. Sở hữu xã hội là sở hữu thuộc toàn dân và được thể hiện dưới hai hình thức: sở hữu gián tiếp và sở hữu trực tiếp. Sở hữu gián tiếp là khi Nhà nước, với tư cách đại diện cho toàn dân, đứng ra làm chủ sở hữu. Sở hữu trực tiếp là khi từng cộng đồng, hoặc vài cộng đồng đứng ra nhận trách nhiệm trước Nhà nước sở hữu các tư liệu sản xuất được giao. Sở hữu tập thể là sở hữu của một nhóm xã hội gồm nhiều người cùng góp tư liệu sản xuất vào khai thác chung. Sở hữu hỗn hợp là sự kết hợp giữa các loại sở hữu nêu trên nhằm khai thác tối ưu các nguồn lực kinh tế. Sở hữu tư nhân là sở hữu của cá nhân, thể nhân đối với tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt.
Kế hoạch hóa kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ tước đoạt từ tay đại địa chủ, tư bản lũng đoạn và chủ nghĩa đế quốc những công cụ kinh tế sống còn mà chúng đang sử dụng nhằm phá hoại quá trình cách mạng. Cuộc chiến đấu trên mặt trận kinh tế thực sự trở thành cuộc đụng đầu trực tiếp và gay gắt giữa cách mạng và phản cách mạng; giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc. Điều 307 của bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi vạch rõ: "Chế độ địa chủ mang bản chất chống lại lợi ích xã hội nên nó phải bị loại trừ. Mọi ruộng đất của địa chủ sẽ được chuyển thành sở hữu của nhà nước, hoặc sở hữu tập thể". Đối với tư bản lũng đoạn, trước hết là tư bản tài chính - ngân hàng, dự thảo Hiến pháp tuyên bố thủ tiêu cơ chế tự chủ của Ngân hàng Trung tâm Vê-nê-xu-ê-la và xác định mục đích hoạt động mới cho thiết chế kinh tế quan trọng này là: "Hệ thống tiền tệ phải phục vụ các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước xã hội chủ nghĩa và quyền lợi của nhân dân, phải coi đó là những ưu tiên trên mọi mục đích khác". Rõ ràng, đây là đòn tiến công trực diện vào chủ nghĩa tư bản trong nước và các thế lực tư bản tài chính độc quyền quốc tế được tổ chức trong các thiết chế hùng hậu như IMF, WB, WTO đang hưởng nguồn lợi khổng lồ ở Mỹ La-tinh nói chung và đất nước Vê-nê-xu-ê-la nói riêng.
Đề án Kế hoạch hóa kinh tế xã hội chủ nghĩa của Vê-nê-xu-ê-la nhấn mạnh yêu cầu giảm giờ làm cho người lao động theo chuẩn mới là: giờ làm việc ban ngày của mỗi lao động không quá 6 giờ/ ngày và không quá 36 giờ/tuần; giờ làm việc ban đêm của mỗi lao động không quá 6 giờ/ngày và không quá 34 giờ/tuần; so với mức chung hiện nay là 8 giờ/ngày và 44 giờ/tuần trên phạm vi cả nước. Những người làm việc tự do để tự nuôi sống mình và nuôi gia đình cũng sẽ được hưởng các quyền của người lao động như: quyền đóng bảo hiểm xã hội, có lương hưu, trợ cấp, chế độ nghỉ hè, nghỉ đẻ...
Thành lập Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Vê-nê-xu-ê-la (PSUV)
Tính đến cuối năm 2007, có gần 6 triệu người đăng ký gia nhập Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Vê-nê-xu-ê-la. Theo phân tích ban đầu, ít nhất cũng có khoảng 2,5 triệu người đủ tiêu chuẩn gia nhập Đảng. Khối quần chúng - đảng viên đông đảo này đã được tổ chức thành các "trung đội, tiểu đoàn xã hội chủ nghĩa"; đã tổ chức hội nghị từ cơ sở thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn để góp phần xây dựng cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ở Vê-nê-xu-ê-la. |
Cuộc Cách mạng Bô-li-va ở Vê-nê-xu-ê-la từ năm 1998 đến nay do Phong trào nền Cộng hoà thứ V (MVR) lãnh đạo. Tham gia cuộc cách mạng có nhiều lực lượng chính trị, đảng phái với khuynh hướng tư tưởng, đường lối chính trị và cương lĩnh khác nhau. Mặc dù MVR đương nhiên được thừa nhận là đội tiền phong chính trị và thủ lĩnh Cha-vét là lãnh tụ của cuộc cách mạng, nhưng việc thành lập PSUV như đội tiền phong thống nhất và duy nhất trở thành yêu cầu sống còn của cách mạng Vê-nê-xu-ê-la. Với PSUV, không chỉ các lực lượng chính trị tiền phong có điều kiện thống nhất lại như một bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức duy nhất, mà còn tạo ra cho cách mạng Vê-nê-xu-ê-la một cương lĩnh duy nhất đi tới một tiến trình ngày càng triệt để. Chỉ có như vậy, các lực lượng cách mạng mới có khả năng thoát khỏi nguy cơ rơi vào chủ nghĩa cải lương, hữu khuynh, cơ hội đã từng là một trong những đường nét xuyên suốt lịch sử và làm phá sản nhiều cuộc đấu tranh cách mạng hàng thế kỷ qua của khu vực Mỹ La-tinh nói chung và Vê-nê-xu-ê-la nói riêng. Ngay trong không khí cách mạng hiện nay, vẫn xuất hiện những giọng điệu cơ hội rằng: cải cách hay cách mạng, điều đó không quan trọng(!). Họ không chỉ muốn xoá nhòa ranh giới giữa cải cách và cách mạng, mà chủ yếu muốn lái cách mạng đi vào con đường cải cách, cải lương.
Sự chống phá của các thế lực đối lập, thù địch, phản cách mạng và của chủ nghĩa đế quốc cũng đang đặt cách mạng Vê-nê-xu-ê-la trước thách thức nghiêm trọng và càng khẳng định thêm tính cấp thiết của việc thành lập PSUV. Phải thừa nhận rằng các lực lượng này vẫn còn cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội rất lợi hại. Về kinh tế, đó là cơ cấu kinh tế do tư bản đang chi phối; hệ thống các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện hành; hoạt động của tư bản tài chính và các tập đoàn độc quyền... Về xã hội, đó là sự tồn tại và hoạt động đầy thủ đoạn của giai cấp tư sản lôi kéo được một số tầng lớp dân cư, trong đó có tầng lớp trung lưu. Thêm vào đó, tệ nạn quan liêu, tham nhũng trong bộ máy chính quyền và tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ các lực lượng cách mạng càng làm cho sự chống phá của các thế lực thù địch trở nên nguy hiểm hơn.
Nhận thức được các tiền đề, điều kiện thuận lợi và cả những thách thức gay gắt, Tổng thống Cha-vét vừa khẩn trương, vừa thận trọng tiến hành nhiều hoạt động chuẩn bị cho việc thành lập chính Đảng tiền phong. Trong bài phát biểu ngày 15-12-2006, ông chính thức công bố kế hoạch thành lập PSUV. Ông cũng nghiên cứu, rút ra bài học kinh nghiệm từ lịch sử hoạt động và tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây, nhất là bài học về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng. Ông nêu ra định hướng xây dựng PSUV theo mô hình chính đảng từ dưới lên, coi trọng tiếng nói, quyền lực của cơ sở; coi trọng dân chủ trong đảng, mọi chức vụ trong đảng nhất thiết phải do tập thể người lao động là đảng viên bầu ra; tránh nguy cơ quan liêu, xa rời thực tiễn, độc đoán, chuyên quyền. Quần chúng cách mạng được tự do đăng ký gia nhập PSUV và tính đến cuối năm 2007, có gần 6 triệu người đăng ký. Theo phân tích ban đầu, ít nhất cũng có khoảng 2,5 triệu người đủ tiêu chuẩn gia nhập PSUV. Khối quần chúng - đảng viên đông đảo này đã được tổ chức thành các "trung đội, tiểu đoàn xã hội chủ nghĩa"; đã tổ chức hội nghị từ cơ sở thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn để góp phần xây dựng cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ở Vê-nê-xu-ê-la. Ngày 20-10-2007, Đại hội thành lập PSUV đã diễn ra tại thủ đô Ca-ra-cát. Tuy không hợp nhất với nhau, nhưng Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la tuyên bố ủng hộ PSUV và lãnh tụ Cha-vét.
Đã 10 năm, quần chúng cách mạng Vê-nê-xu-ê-la chiến đấu chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và trong những năm qua đã công khai ủng hộ ngọn cờ chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Một thập kỷ hành động cách mạng đầy nhiệt huyết và trí tuệ đã thể hiện tầm cao của phong trào cách mạng, của quần chúng nhân dân. Dấu hiệu này là rất mới mẻ, tích cực so với các cao trào cách mạng trước kia ở Vê-nê-xu-ê-la và khu vực Mỹ La-tinh. Nâng phong trào lên trình độ đấu tranh tự giác, hay để mặc phong trào trong tình trạng tự phát - điều đó phụ thuộc vào đội tiền phong cách mạng, Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Vê-nê-xu-ê-la.
Thành phố Cần Thơ trên con đường đổi mới và hội nhập  (29/03/2008)
Vấn đề công hữu trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa  (29/03/2008)
Phát huy thành quả, thực hiện thắng lợi mục tiêu của quốc hội về giảm nghèo năm 2008  (29/03/2008)
Thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thể hiện quyết tâm cao trong việc khắc phục khó khăn  (29/03/2008)
Vinh danh “vì sự phát triển cộng đồng”  (28/03/2008)
Vinh danh “vì sự phát triển cộng đồng”  (28/03/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên