Người An-ba-ni có câu ngạn ngữ rất thú vị là: "Căn nhà vững chắc không phải xây dựng trên mặt đất mà là xây dựng trên người phụ nữ". Câu này đã nói lên công lao của người phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng như kỳ vọng mà xã hội trao cho họ. Vì lẽ đó, vấn đề phụ nữ vẫn là một trong những vấn đề hấp dẫn, nhạy cảm và được đề cập nhiều nhất trong xã hội hiện đại.

Giống như phụ nữ trên thế giới, phụ nữ Việt Nam cũng có những đóng góp mang tính "thiên chức" như mang thai, sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ và những đóng góp mang tính "xã hội chức" là xây dựng, phát triển gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trong các xã hội phụ quyền, sự ghi nhận công lao của phụ nữ không tương xứng với các đóng góp của họ. Hiện tượng này được gọi là sự "vắng mặt" của phụ nữ trong lịch sử. Hàng nghìn năm, chỉ có rất ít phụ nữ lỗi lạc được lịch sử đề cập đến và tình trạng đó khiến mọi người có thể lầm tưởng rằng lịch sử nhân loại là do nam giới tạo ra.

Ngày nay, do quan điểm tiến bộ của nhà nước và nhân dân Việt Nam về bình đẳng Giới, những hoạt động và đóng góp của phụ nữ đã được luật pháp bảo vệ và xã hội ghi nhận. Những đóng góp đó đã không chỉ tạo ra một xã hội tiến bộ, văn minh mà còn phát triển chính bản thân người phụ nữ. Trong bài viết này, tác giả không có tham vọng trình bày được hết những hoạt động và sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong những năm qua mà chỉ có thể trình bày những nét cơ bản cũng như những bước tiến quan trọng của phụ nữ trong những năm gần đây trên hai lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế - văn hóa - xã hội và phát triển con người.

Đóng góp trong tăng trưởng kinh tế - văn hóa - xã hội

Phụ nữ chiếm hơn 51% dân số và 49,95% trong lực lượng lao động. Điều này chứng tỏ phụ nữ ngang tầm với nam giới trong sản xuất cũng như trong đời sống xã hội. Từ sau đổi mới kinh tế (1986) đến nay, đặc biệt là từ những năm đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế Việt Nam đã có những tăng trưởng mạnh mẽ và đều đặn mà quốc tế rất ca ngợi. GDP trung bình đạt chỉ số từ 7% - 8% một năm, GNP theo đầu người không ngừng tăng lên từ 400 đô la Mỹ đầu người/năm (1996) nay đã tăng lên gấp đôi (2007) mặc dù dân số đang tăng lên khá nhanh (84 triệu người năm 2007). Nông nghiệp, từ một nước đói trong những năm trước đổi mới, đến nay Việt Nam trở thành một nước đứng thứ hai về xuất khẩu gạo. Công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ không ngừng phát triển. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện với tỷ số người giàu tăng lên và tỷ lệ người nghèo giảm mạnh đến hơn 60%. Số lượng người nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo đã được tạo cơ hội tiếp cận với các nguồn lực, các dịch vụ xã hội đang tăng lên nhanh chóng. Pháp luật ngày càng được hoàn thiện hơn. Nhiều luật mới ra đời, nhiều luật, bộ luật cũ đang được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Chẳng hạn, luật quy định mọi công dân (cả nam và nữ) đều có quyền bình đẳng, tự do cư trú, tự do kinh doanh, có quyền sở hữu và thừa kế tài sản, quyền đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền tự do giao kết hợp đồng. Luật Bình đẳng giới đã khẳng định cả nam và nữ đều có cơ hội và điều kiện như nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực, thị trường và công nghệ. Điều này đã giúp cho phụ nữ có cơ hội làm việc và đóng góp bình đẳng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Chính sách lớn của nhà nước trong những năm gần đây là chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp là chủ đạo tiến dần sang nền kinh tế đa dạng, nhiều thành phần trong đó xây dựng nền công nghiệp hiện đại, phát triển dịch vụ, du lịch, đưa Việt Nam từ một nước nghèo sang một nước có nền kinh tế phát triển trung bình. Chẳng hạn, từ khi là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam có những thuận lợi cơ bản để thâm nhập, mở rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh công nghiệp hóa và tăng cường năng lực của nền kinh tế. Từ năm 2004 - 2006, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục tăng. Tới cuối 2006, lượng vốn từ các dự án FDI trong cả nước lên tới 10,2 tỉ USD, vựơt chỉ tiêu của năm là 6,5 tỉ USD. Chưa bao giờ cơ hội phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp lại mạnh mẽ như hiện nay. Các doanh nghiệp Việt Nam không còn tình trạng chỉ trông chờ vào vốn vay ngắn hạn ngân hàng mà đã có thể liên kết với các tổ chức đầu tư của nước ngoài để phát triển sản xuất.

Trong thành tích chung đó, sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam đã được đánh giá là xấp xỉ với nam giới, trong đó có một số lĩnh vực thấp hơn nhưng cũng có những lĩnh vực cao hơn như lao động trong gia đình, sinh đẻ và chăm sóc, dạy dỗ con cái.

Hiện nay, phụ nữ chiếm tới 49,95% lực lượng lao động trong trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Cùng với nam giới, phụ nữ đã giữ vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng kim ngạch xuất khẩu. Ở nông thôn, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh, giá cả, áp lực cạnh tranh... phụ nữ nông dân vẫn chủ động đầu tư phát triển sản xuất, học tập và áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng ngành nghề, tăng sản phẩm có giá trị kinh tế cho tiêu dùng, xuất khẩu, góp phần phát triển nông thôn, làm giàu cho gia đình và đất nước.

Những năm sau đổi mới, công nghiệp là ngành sản xuất mũi nhọn, là bộ mặt của nền kinh tế mới của Việt Nam. Từ khi mới ra đời, công nghiệp vẫn được coi là lĩnh vực đặc quyền của nam giới nhưng ngày nay, sự góp mặt của phụ nữ ngày càng nhiều trong công nghiệp không chỉ cao về số lượng mà còn cao về chất lượng đã dần thay đổi các định kiến trên vấn đề này. Chẳng hạn, phụ nữ chiếm 36,69% trong công nghiệp, xây dựng. Tính đến năm 2006, lao động của phụ nữ đã góp phần tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp và xây dựng là 41,52% GDP.

Phụ nữ cũng là lực lượng đông đảo trong các ngành chế biến, dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp. Họ chiếm tới 53,98% lao động trong các doanh nghiệp (Niên giám thống kê, 2006 ), 30% chủ doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là phụ nữ (Phòng Thương mại, 2007), trong đó có khoảng 20% doanh nghiệp nữ là các doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ xuất hiện ở hầu hết các ngành, nghề sản xuất kinh doanh, từ các nghề truyền thống như làm bún, làm bánh, thêu ren, mây tre... đến các nghề mới xuất hiện trong thời kỳ đổi mới như kinh doanh bất động sản, khu du lịch sinh thái, sân gôn, tin học, nội thất... Các doanh nghiệp này đã hoạt động rất có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động, tăng nguồn thuế cho nhà nước, làm từ thiện và tham gia vào thị trường của thế giới và khu vực, chẳng hạn như khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) hay Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Theo một số khảo sát của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thì doanh nhân nữ tại Việt Nam đang ngày càng chiếm nhiều vị thế quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, tạo ra một phong cách kinh doanh độc đáo, mềm dẻo, linh hoạt rất có hiệu quả. Năm 2006, Hà Nội có khoảng trên 4.000 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo tài liệu của Câu lạc bộ doanh nhân nữ Hà Nội, hiện câu lạc bộ có khoảng 700 hội viên. Phần lớn doanh nhân nữ sinh hoạt trong câu lạc bộ đều có trình độ học vấn cao. Họ tích cực tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường và hợp tác với các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài tại Hà Nội, Chẳng hạn như các chị đang tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.

Phụ nữ cũng là người điều hành 60% kinh tế hộ gia đình trên toàn quốc. Đây là một trong những hình thái kinh tế chủ đạo ở nông thôn hiện nay, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Phụ nữ không chỉ chứng tỏ khả năng "tay hòm chìa khóa" của mình mà còn rất năng động, đảm đang, từng bước xây dựng kinh tế gia đình vững chắc. Hàng vạn phụ nữ đã phải xa gia đình, quê hương để di cư lao động tới những vùng kinh tế phát triển trong nước hoặc ở nước ngoài. Họ lao động chăm chỉ, tiết kiệm sinh hoạt để hy vọng có thể mang lại những cải thiện về thu nhập, nâng cao mức sống cho gia đình. Hiện nay đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về lòng hy sinh của phụ nữ cho chồng con.

Hoạt động dịch vụ cũng được phát triển mạnh trong nền kinh tế thị trường. Lĩnh vực này cũng đã thu hút nhiều lao động nữ, chiếm tới 51,8% (Số liệu Thống kê, 2006). Các loại hình dịch vụ đa dạng và phong phú đang ngày càng phát triển, phục vụ đời sống của con người thiết thực và chi tiết. Đây cũng là ngành thu hút nhiều ngoại tệ do gắn chặt với công nghệ du lịch. Phụ nữ trong lĩnh vực này đã năng động học hỏi, đổi mới phương thức kinh doanh, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần đưa tỷ trọng các ngành dịch vụ đến năm 2006 đạt 38,08% GDP. Đây là một đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc dân.

Phụ nữ cũng ngày càng chủ động tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực tham gia bảo vệ môi trường sinh thái. Đội ngũ cán bộ khoa học nữ ngày càng trưởng thành và có nhiều đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Tuy nhiên, so với nam giới, số lượng phụ nữ trong lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn. Hiện nay, nữ trí thức ở các cấp bậc học chỉ chiếm 19,9%, 1/3 số người được đào tạo nghề là phụ nữ. Theo thống kê năm 2004, phụ nữ chiếm 36,64% trong khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật là 33%, khoa học xã hội và nhân văn là 38,27%, y dược là 41,80%, 14,9% tiến sỹ khoa học. Số đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, ngành do phụ nữ chủ trì và tham gia là rất thấp so với nam giới. Chẳng hạn, năm 2004, phụ nữ chỉ chủ trì 17,6% đề tài cấp nhà nước,10% cấp bộ, 12,6% khoa học cơ bản, 15,9% cấp cơ sở. Trong giai đoạn 2001 - 2005 có 10 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước với 163 đề tài, tổng số đề tài do phụ nữ chủ trì chỉ chiếm 7,36%. Tình hình cũng không thay đổi gì nhiều trong những năm gần đây. Điều này đã hạn chế những đóng góp của phụ nữ trong những lĩnh vực mang tính chủ đạo của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, phụ nữ cũng đã chứng tỏ tài năng của mình trong lĩnh vực này: ngày càng nhiều học sinh, sinh viên nữ đỗ thủ khoa hoặc đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ghi nhận và động viên tài năng của các em gái. Tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, số lượng sinh viên nữ được khen thưởng hằng năm là rất cao so với nam sinh viên. Chăm chỉ, cần cù học tập đã là một trong những đặc tính tốt đẹp của phụ nữ đang được thế hệ trẻ phát huy có hiệu quả. Nhiều nghiên cứu khoa học kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn do phụ nữ lãnh đạo đã phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, cải thiện văn hóa - xã hội, làm thay đổi nhận thức của nhân dân hoặc ứng dụng vào sản xuất và chăm sóc sức khỏe như các nghiên cứu về phòng chống HIV/AIDS , nghiên cứu về Quy chế dân chủ và xã hội dân sự, nghiên cứu về bình đẳng giới, nghiên cứu can thiệp về phòng chống bạo lực gia đình, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, các nghiên cứu về chăn nuôi, trồng rau sạch, chế tạo phân vi sinh, chữa bệnh bằng thuốc nam...

Trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo, sự đóng góp của phụ nữ ngày càng được nâng cao về chất lượng mặc dù về số lượng cũng có lúc tăng, lúc giảm. Chẳng hạn, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XI chiếm 27,31%, khóa XII là 25,38%. Năm 2006, Việt Nam có 1 Phó Chủ tịch nước, 6 bộ trưởng và tương đương (chiếm 12,5%), 16 thứ trưởng và tương đương (chiếm 9,15%) nhưng đến nay số bộ trưởng nữ đã giảm do một số chị đến tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tăng hơn khóa trước, cấp tỉnh tăng 2,8%, cấp huyện tăng 2,02%, cấp xã tăng 2,92%. Trình độ lý luận chính trị, trình độ học vấn và trình độ quản lý kinh tế của phụ nữ lãnh đạo cũng được nâng cao hơn trước và họ có nhiều đóng góp thiết thực vào việc cải thiện luật pháp, chính sách. Các ý kiến tranh luận của các nữ đại biểu Quốc hội đã được ghi nhận là rất rõ ràng, thiết thực với nhu cầu của cử tri.

Những số liệu trên đây cho thấy, ngày nay nhiều phụ nữ không còn phụ thuộc vào nam giới về kinh tế và các mặt khác. Từ sự chủ động về kinh tế, phụ nữ ngày càng có quyền bình đẳng hơn trong gia đình và xã hội. Sự tham gia của phụ nữ vào các công việc của xã hội đã có chất lượng cao hơn, được xã hội ghi nhận công bằng hơn và chính nó đã giúp nâng cao địa vị của phụ nữ trong gia đình. Ngược lại, sự thông cảm, giúp đỡ, chia xẻ của chồng con sẽ tạo nền tảng vững chắc cho phụ nữ phát triển.

Phát triển con người

Càng tham gia vào nền kinh tế, phụ nữ càng có điều kiện tiếp cận và phát triển vốn tài chính, vốn con người và vốn xã hội. Đây là các điều kiện tốt nhất để phụ nữ có thể hoàn thiện và phát triển bản thân mình với tư cách là công dân, là người sản xuất, người vợ, người mẹ và người lãnh đạo. Phụ nữ cũng đang thể hiện mình với tư cách là một lực lượng phát triển xã hội quan trọng không thể thiếu được. Luật pháp đang từng bước cải thiện đã góp phần bảo vệ quyền chính đáng của người dân trong đó có phụ nữ.

Trong những năm qua, một điều dễ nhận thấy là khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục của phụ nữ đã được tăng lên. Chẳng hạn, phụ nữ chiếm tỷ lệ 69% lao động trong ngành giáo dục - đào tạo. Điều này có nghĩa là trình độ học vấn, trình độ văn hóa của phụ nữ đã thay đổi về chất so với những năm trước Cách mạng Tháng 8-1945. Thời kỳ này, có rất ít phụ nữ được đi học và số người làm nghề dạy học có thể đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay phụ nữ chủ yếu là giáo viên ở các cấp nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học và trung học. Càng lên đến bậc cao như đại học và sau đại học thì số lượng giáo viên là phụ nữ càng thấp dần. Tuy nhiên, sự tiến bộ vượt bậc của phụ nữ trong văn hóa, giáo dục ở Việt Nam được coi là một thành tích xuất xắc so với nhiều nước trong khu vực và nhiều nước có trình độ phát triển kinh tế tương đương.

Hiện nay, chất lượng dịch vụ giáo dục còn khác nhau giữa thành thị, nông thôn, miền núi nhưng trong những năm gần đây, chính sách của nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến các vùng sâu, vùng xa, vùng có khó khăn. Nhà nước cũng có những chính sách khuyến khích các em gái đến trường và chính sách đặc biệt cho con em các dân tộc ít người. Việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển cao bao gồm cả nam và nữ là một trong những chính sách đang được ưu tiên hiện nay. Mặc dù tỷ lệ người không biết chữ là phụ nữ vẫn còn cao hơn nam giới nhưng khoảng cách này cũng đang được rút ngắn dần.

Khoảng cách về trình độ giữa nam và nữ vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực. Tại cuộc khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2005 trên 41.102 doanh nghiệp trong cả nước cho thấy, trong số 33.487 doanh nghiệp tham gia trả lời thì có 270 chủ doanh nghiệp có trình độ tiến sĩ, trong đó nam giới chiếm 91,5%, nữ chỉ chiếm 8,5%; Có 958 chủ doanh nghiệp có trình độ thạc sĩ, trong đó nam giới chiếm 81,9%, nữ là 18,1%; Có 15.546 chủ doanh nghiệp có trình độ cử nhân, trong đó nam giới chiếm 82,8%, nữ là 17,2%. Điều này đang đặt ra cho nhà nước và các tổ chức xã hội những chính sách và hoạt động cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng bình đẳng giới trong thời gian tới.

Trong những năm qua, đội ngũ nữ văn nghệ sĩ, nhà báo, huấn luyện viên, vận động viên đã phát huy tài năng, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển văn hóa, thông tin, nghệ thuật, thể thao nước nhà. Đặc biệt, các đội bóng đá, bóng chuyền nữ và nhiều nữ vận động viên đã làm rạng danh đất nước trong thi đấu thể thao khu vực và quốc tế. Phong trào phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng cũng ngày càng phát triển. Lĩnh vực này là các cơ hội tốt cho sự phát triển tài năng và con người của phụ nữ

Phụ nữ chiếm 57,2% lực lượng lao động ngành y tế. Cơ hội này giúp phụ nữ có điều kiện tốt hơn trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, gia đình và bản thân mình. Phụ nữ đã phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, phụ nữ có vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Phụ nữ đang rất tích cực thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong đó phát triển con người lành mạnh không có ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Cùng với nam giới, đây cũng là trách nhiệm của phụ nữ trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình. Phụ nữ cũng là lưc lượng quan trọng làm công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác từ thiện, cứu giúp người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các vùng thiên tai.

Các cơ quan chuyên trách chăm lo đến quyền lợi của phụ nữ như ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em, các tổ chức nghiên cứu và hành động của chính phủ và phi chính phủ vì bình đẳng giới đã và đang hoạt động rất tích cực trong việc bảo vệ và thực hiện quyền phụ nữ. Đặc biệt việc thực hiện Công ước quốc tế chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) đã được thực hiện hằng năm với chiến lược rõ ràng và cụ thể. Các hoạt động vì bình đẳng giới ở Việt Nam cũng đã ghi nhận sự hợp tác quốc tế rất có hiệu quả hiện nay. Các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức chính phủ và phi chính phủ quốc tế đã đóng góp tài chính và kỹ thuật cho các chương trình vì bình đẳng giới ở Việt Nam tại nhiều địa phương. Các hoạt động này đã đưa đến nhiều thay đổi trong việc cải thiện chính sách và nhận thức của nhân dân.

Mặc dù vẫn còn đang là một nước nghèo nhưng chỉ số phát triển con người (HDI) và chỉ số bình đẳng giới (GDI) của Việt Nam vẫn được xếp hạng mức trung bình hằng năm. Đây là một thành tích rất đáng ghi nhận của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Chúng ta đang cố gắng san lấp khoảng cách về giới trong một tương lai không xa để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa công bằng và văn minh.