TCCS - Việc ông Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong một buổi lễ hoành tráng tại Đồi Ca-pi-tôn với sự tham dự của hơn 2 triệu người dân Mỹ đánh dấu niềm vinh quang tột đỉnh dành cho một công dân Mỹ da màu, xuất thân từ một gia đình bình thường khi nước Mỹ bắt đầu đổi mới sau 233 năm tồn tại. Tuy nhiên, niềm vui nào cũng đến lúc tàn và thay vào đó là những lo toan và kế hoạch hành động nhằm đón nhận những thời cơ và đối phó với những thách thức tương lai. Đối với chính quyền Ô-ba-ma, thời cơ là rất lớn nhưng thách thức còn lớn hơn vì ông chỉ có 4 năm để giải quyết một khối di sản nặng nề cả về đối nội và đối ngoại do chính quyền tiền nhiệm để lại...

Trong diễn văn nhậm chức và cũng là thông điệp liên bang đầu tiên của mình, ông B.Ô-ba-ma chủ yếu tập trung vào các vấn đề đối nội, xem ưu tiên hàng đầu là phải đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng tiền tệ - kinh tế có tầm thế kỷ hiện nay. Theo Ngoại trưởng Hi-la-ry Clin-tơn, chính quyền Ô-ba-ma sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Chính sách đó sẽ dựa trên sự kết hợp khéo léo giữa quân sự và sức mạnh ngoại giao và chỉ dùng quân sự như liệu pháp cuối cùng. Đó là sự kết hợp giữa các nguyên tắc và chủ nghĩa thực dụng chứ không phải theo ý thức hệ cứng nhắc.
 
Trong quan hệ quốc tế, ngoại giao và sự thuyết phục sẽ đi tiên phong. Phương châm của nền ngoại giao ấy là thêm đối tác, bớt đối thủ. Mục tiêu của chính sách đối ngoại Mỹ là: 1 - Bảo vệ an ninh cho dân tộc, đất nước và đồng minh; 2 - Thúc đẩy phát triển kinh tế và chia sẻ sự phồn vinh ở trong nước cũng như ở nước ngoài; 3 - Tăng cường vị trí của Mỹ trong sự lãnh đạo toàn cầu bằng việc nêu gương.

Theo lời ông B.Ô-ba-ma, "Mỹ muốn là bạn của tất cả các nước", xem Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế quan trọng nhất và sẽ hợp tác chặt chẽ với tổ chức lớn nhất này vì nền hòa bình và ổn định của thế giới.

Để thực hiện chính sách ngoại giao mới, chính quyền Ô-ba-ma chủ trương có sự tham gia của hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa) và đã cử ra một ê-kíp đảm trách công tác đối ngoại có nhiều kinh nghiệm do bà H.Clin-tơn đứng đầu. Tham gia ê-kíp đối ngoại còn có Phó Tổng thống Giô Bi-đen, nguyên Chủ tịch lâu năm của ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Tướng Giêm L.Giôn, nguyên Tổng chỉ huy NATO ở châu Âu giữ chức Cố vấn An ninh quốc gia và ông Rô-bớt Ghết, Bộ trưởng Quốc phòng thuộc Đảng Cộng hòa được lưu nhiệm. Tất nhiên, đây là một công việc không dễ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế - tài chính Mỹ đang bị khủng hoảng nghiêm trọng; di sản nặng nề về đối ngoại mà chính quyền Bu-sơ để lại và vẫn còn hàng chục triệu cử tri không bỏ phiếu cho ông B.Ô-ba-ma. Tuy nhiên, ông B.Ô-ba-ma có một lợi thế là nhân dân Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới đều chán ghét chính sách của ông G.W.Bu-sơ và tỏ cảm tình với B.Ô-ba-ma khi ông thắng cử; hứa sẽ hợp tác với ông để cùng giải quyết các thách thức của thế kỷ cũng như những mâu thuẫn với Mỹ trong 8 năm cầm quyền của G.W.Bu-sơ.

Trong quá trình vận động tranh cử, B.Ô-ba-ma đã phê phán một cách toàn diện chính sách ngoại giao của G.W.Bu-sơ, từ chính sách chống khủng bố đến quan hệ với đồng minh cũng như đối với các đối tượng khác.

Về chính sách chống chủ nghĩa khủng bố, B.Ô-ba-ma cho rằng phải xem xét nguồn gốc cũng như nhân tố chính trị và kinh tế thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố và không tán thành các biện pháp chống chủ nghĩa khủng bố của G.w Bu-sơ là "dùng quân sự đánh đòn phủ đầu trước khi đối thủ có thể hành động". Đặc biệt, các đòn "đánh phủ đầu" này lại dựa trên các bằng chứng ngụy tạo như ở I-rắc. B.Ô-ba-ma chủ trương cần ủng hộ các lực lượng ôn hòa trong đạo Hồi, giúp họ phát triển và giải quyết các vấn đề khó khăn trong nước để họ có thể hội nhập với cộng đồng thế giới.

Nhằm thực hiện cam kết của mình trong vận động tranh cử về vấn đề I-rắc, ông B.Ô-ba-ma đã ký lệnh rút quân Mỹ khỏi I-rắc trong vòng 16 tháng. Phía I-rắc cũng hoan nghênh việc này. Song, do thỏa thuận an ninh mà chính quyền Bu-sơ đã ký với I-rắc và được Quốc hội I-rắc phê chuẩn ngày 4-12-2008 đã hợp pháp hóa sự có mặt của quân đội Mỹ tại I-rắc thêm 3 năm, nghĩa là đến 31-12-2011, có lẽ B.Ô-ba-ma phải có kế hoạch thương lượng lại với chính quyền I-rắc để có thể đẩy nhanh quá trình rút quân. Liên quan đến vấn đề này, ông B.Ô-ba-ma đã cử Phó Tổng thống Giô Bi-đen đến I-rắc trước ngày nhậm chức một tuần. Tuy nhiên, đây chỉ là một mặt của vấn đề. Vấn đề chính là tình hình I-rắc vẫn còn đầy bất ổn về mặt an ninh mà quân đội I-rắc chưa đủ mạnh để đảm nhận trách nhiệm này.

Tổng thống B.Ô-ba-ma cũng đã ký lệnh đóng cửa nhà tù Goan-ta-na-mô trong vòng 1 năm, nhưng việc này cũng không đơn giản vì còn gặp nhiều vấn đề chính trị và pháp lý phức tạp, nhất là việc cho hồi hương các nghi can khi một số nước không nhận. Một số nghi can khi hồi hương có thể bị tử hình, do đó một số nghị sĩ tỏ ra do dự.

Tình hình Áp-ga-ni-xtan lại càng phức tạp hơn vì lực lượng Ta-li-ban đang trở lại. Theo tình báo phương Tây, hiện nay ít nhất có đến 70% vùng nông thôn của nước này chịu sự kiểm soát hay ảnh hưởng của Ta-li-ban. Chính phủ của Tổng thống Ka-dai đã đưa ra đề nghị bảo đảm an ninh cho M.Ô-ma, thủ lĩnh Ta-li-ban để mở các cuộc thương lượng giữa Chính phủ và lực lượng nổi dậy. Điều này làm một số giới chức ở Mỹ lo ngại và ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ và Chính phủ của ông Ka-dai. Mặt khác, việc tăng quân Mỹ ồ ạt sang áp-ga-ni-xtan cũng không đơn giản. Trước mắt, chính quyền Mỹ đã quyết định tăng thêm 30.000 quân nhưng cũng phải hết quý I/2009 mới thực hiện được.

Giải quyết vấn đề an ninh của I-rắc và Áp-ga-ni-xtan liên quan mật thiết đến quan hệ giữa Mỹ với I-ran, nước mà chính quyền Bu-sơ đã liệt vào hàng ngũ "trục ma quỷ". Chính quyền Bu-sơ chủ yếu quan tâm đến tham vọng hạt nhân của I-ran và đối phó với vấn đề này bằng biện pháp "trừng phạt cưỡng chế". B.Ô-ba-ma cho rằng, I-ran là một chủ thể có ảnh hưởng trong khu vực, nhất là trong vấn đề an ninh của cả Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. ảnh hưởng của I-ran ở Trung Đông rất lớn và khá phức tạp. Do đó, ngay từ những tuần đầu cầm quyền, chính quyền Ô-ba-ma đã cử ngay đặc phái viên và tuyên bố sẽ thương lượng trực tiếp với I-ran. Động thái này bước đầu đã vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt và cưỡng chế I-ran của chính quyền tiền nhiệm.

Giữa I-ran và Mỹ có mục tiêu chung là không muốn để các lực lượng Săn-ni cực đoan lên nắm quyền ở Áp-ga-ni-xtan. Nhà cầm quyền I-ran đã rất lạc quan trước sự đắc cử Tổng thống của B.Ô-ba-ma. Lần đầu tiên sau 30 năm cắt quan hệ ngoại giao với Mỹ, Tổng thống I-ran M.A-ma-đi-nê-giát đã gửi điện chúc mừng thắng lợi của B.Ô-ba-ma và đề nghị ông thay đổi triệt để chính sách của Mỹ đối với I-ran. Về phần mình, B.Ô-ba-ma vẫn khẳng định "việc I-ran phát triển vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được" và cho rằng cần "phải cùng nỗ lực để điều đó không xảy ra". Việc bà H.Clin-tơn giữ chức ngoại trưởng cho thấy ít có khả năng chính quyền Ô-ba-ma có thể nhân nhượng gì đối với I-ran. Cuộc mặc cả do đó còn kéo dài, song với Mỹ vẫn là một điều có ích khi tiến hành các cuộc đối thoại với I-ran. Rõ ràng, cách đề cập của chính quyền Ô-ba-ma về vấn đề I-ran có khác với cách làm của chính quyền tiền nhiệm.

Đối với vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, tuy hiện nay B.Ô-ba-ma chưa đưa ra một chính sách gì mới nhưng cách đề cập tỏ ra linh hoạt hơn. Mặc dù tình hình trên bán đảo Triều Tiên diễn biến xấu đi, nhưng B.Ô-ba-ma vẫn ủng hộ việc chính quyền Bu-sơ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng đưa ra những tín hiệu lạc quan trước việc B.Ô-ba-ma thắng cử.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên tuyên bố: Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phấn đấu loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi bán đảo Triều Tiên, sau khi Chủ tịch Kim Châng In tiếp Trưởng Ban Đối ngoại của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này khiến Hàn Quốc tỏ ra lo ngại khả năng B.Ô-ba-ma có chương trình bình thường hóa với CHDCND Triều Tiên vì đã hứa khi vận động tranh cử là "với tư cách cá nhân sẽ gặp các nhà lãnh đạo các nước đỏ" mà không có điều kiện tiên quyết nào. Các động thái cho thấy, chính quyền Ô-ba-ma vẫn chủ trương giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ đàm phán 6 bên (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên) và coi trọng vai trò của Trung Quốc trong vấn đề này. Để yên lòng Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ hứa sẽ có những nỗ lực cứng rắn hơn trong việc ngăn chặn kế hoạch phổ biến vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề "công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc".

Vấn đề Trung Đông vốn không phải là một ưu tiên hàng đầu trong quá trình vận động tranh cử của B.Ô-ba-ma vì đây là một vấn đề phức tạp đối với Mỹ, đặc biệt là vấn đề quan hệ giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Cho đến nay, từ tiến trình hòa bình Ô-xlô của chính quyền Clin-tơn đến Hội nghị An-na-pô-lít của chính quyền Bu-sơ đều đã thất bại trong việc tìm ra một giải pháp cho vấn đề này. Điều này có thể giải thích bởi hai nguyên nhân.

Một là, ảnh hưởng của Ủy ban vận động hành lang thân I-xra-en ở Mỹ AIPAC (American Ixraen Public Affairs Committee) đối với chính sách đối ngoại của Mỹ rất lớn. Do đó, các chính quyền Mỹ (Cộng hòa hay Dân chủ) đều trung thành với một truyền thống vững chắc là "luôn luôn khẳng định mối quan hệ duy nhất giữa I-xra-en và Mỹ, bất cứ giải pháp nào cũng phải bảo đảm an ninh cho Nhà nước I-xra-en và thừa nhận sự cần thiết phải thành lập Nhà nước Pa-le-xtin nhưng trong khuôn khổ hiệp định đã ký kết".
 
Đầu năm 2008, trước khi bước vào cuộc vận động tranh cử, B.Ô-ba-ma đã viết thư cho đại diện của Mỹ ở Liên hợp quốc để yêu cầu bất cứ nghị quyết nào của Liên hợp quốc liên quan đến tình hình dải Ga-da trước hết phải lưu ý tới "quyền tự vệ của I-xra-en". Giờ đây sau khi nhậm chức và đã có một sự ngừng bắn tạm thời giữa I-xra-en và Ha-mát, chính quyền Ô-ba-ma mới thực sự đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm biến cuộc ngừng bắn tạm thời thành một cuộc ngừng bắn lâu dài, tiền đề cho một giải pháp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. B.Ô-ba-ma đã cử Thượng nghị sĩ Gioóc-giơ Mít-sen, người đã có kinh nghiệm lập lại hòa bình ở Bắc Ai-len làm đại sứ ở Trung Đông.

Hai là, sự chia rẽ trong nội bộ Pa-le-xtin, chủ yếu giữa lực lượng Pha-ta và Ha-mát. Theo bà H.Clin-tơn, Mỹ sẽ "quyết tâm hơn trong việc tìm kiếm một hiệp định công bằng và lâu dài bảo đảm an ninh thật sự cho I-xra-en, quan hệ bình thường và tích cực giữa I-xra-en với các nước láng giềng và nền độc lập, tiến bộ kinh tế và an ninh cho người Pa-le-xtin trong nhà nước của họ". Mỹ sẽ không đối thoại với Ha-mát trừ phi tổ chức này công nhận I-xra-en và từ bỏ vũ lực.

Tuy nhiên, hành động thế nào thì Mỹ không nói rõ. Theo phỏng đoán của giới báo chí, có lẽ chính quyền Ô-ba-ma sẽ quay trở lại tiến trình hòa bình Ô-xlô được đưa ra dưới thời B.Clin-tơn.

Để đối phó với những thách thức mà một mình Mỹ không thể nào đương đầu nổi như ông B.Ô-ba-ma đã nhìn nhận, vấn đề cấp bách hàng đầu đối với chính quyền mới ở Mỹ là phải điều chỉnh quan hệ với các nước lớn, cụ thể là với châu Âu và Nga. Mối quan hệ này đã bị chính sách đơn phương của chính quyền Mỹ làm xấu đi trong thời gian cầm quyền của G.W.Bu-sơ. Dự thảo "Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đến năm 2020" cũng dự đoán triển vọng mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ ấm lên sau khi Tổng thống B. Ô-ba-ma nhậm chức; rằng Nga sẽ cố gắng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược bình đẳng với Mỹ trên cơ sở những lợi ích trùng nhau có tính đến ảnh hưởng quyết định của quan hệ Nga - Mỹ đối với tình hình quốc tế nói chung.

Đối với châu Âu, trong thời gian tranh cử, tháng 7-2008, B.Ô-ba-ma đã thăm châu lục này và đã được 20 vạn người đón tiếp nồng nhiệt ở Béc-lin và hoàn toàn chia sẻ cách đề cập rất thẳng thắn nhưng đầy trách nhiệm của ông về mối quan hệ này. B.Ô-ba-ma thừa nhận giữa Mỹ và châu Âu có những bất đồng và chắc chắn sẽ còn bất đồng trong tương lai, nhưng "nước Mỹ không có đối tác nào tốt hơn là châu Âu".

Dẫu vậy, chưa phải mọi vấn đề giữa Mỹ và Liên minh châu Âu đều đã "xuôi chèo mát mái". Một số nước lớn ở châu Âu cho rằng, sự quan tâm của Mỹ đối với châu Âu giờ đây không còn quan trọng như trước. Thứ nhất, Mỹ cho rằng châu Âu như thế là tạm ổn đối với Mỹ. Thứ hai, do cán cân quyền lực chính trị và kinh tế trên thế giới đang chuyển dần sang châu Á nên với chính sách thực dụng của mình, Mỹ coi trọng châu Á - Thái Bình Dương hơn vì nó liên quan sát sườn đến lợi ích an ninh và kinh tế của Mỹ. Thứ ba, việc Mỹ hòa hoãn với Nga là phù hợp với EU, song một số vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, như việc B.Ô-ba-ma chủ trương sẽ thương thuyết với Nga để loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân đã làm cho một số nước châu Âu như Pháp lo ngại. Pháp xem vũ khí hạt nhân là "át chủ bài" trong chiến lược quốc phòng vì lực lượng thông thường của Pháp yếu, không đủ tin cậy.

Một vấn đề cấp bách khác của nền ngoại giao Mỹ dưới chính quyền Ô-ba-ma là quan hệ với Nga. Trong tình hình thế giới hiện nay khi Nga đang tự khẳng định mình là "một cực chính" trong thế giới đa cực, thì đứng về mặt hòa bình và an ninh, mối quan hệ quan trọng hơn cả là quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO. Cuộc chiến Cáp-ca-dơ (tháng 8-2008) suýt đưa thế giới trở lại thời kỳ "chiến tranh lạnh" do việc Mỹ và NATO đã đứng về phía Gru-di-a chống lại Nga. Có lẽ B.Ô-ba-ma ngay khi chưa nhậm chức cũng đã thấy được mối hiểm họa đó nên không có một phát biểu nào về vấn đề này cũng như về các vấn đề tiếp tục mở rộng NATO sang phía Đông và thiết lập các cơ sở của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ ở Ba Lan và Séc.
 
Trong tuyên bố chính thức tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bà H.Clin-tơn cũng tránh nói đến các vấn đề gay cấn này; đồng thời tuyên bố "Tổng thống đắc cử Ô-ba-ma và tôi tìm kiếm một tương lai của sự hợp tác với Chính phủ Nga về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược". Đó là Chính quyền Ô-ba-ma sẽ cùng Nga làm việc để đạt được một hiệp định về việc theo dõi và kiểm chứng các điều khoản của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) trước khi hết hạn vào tháng 12-2009 và tiếp tục đạt được các hiệp định cắt giảm hơn nữa vũ khí hạt nhân; sẽ làm việc với ủy ban Đối ngoại Thượng viện về việc Mỹ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) và làm sống lại các cuộc đàm phán về một hiệp ước có thể kiểm chứng về việc cắt giảm các vật liệu phân hạch (FMCT); hợp tác với Nga để có hành động nhanh chóng nhằm ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên và I-ran.
 
Trước chính sách mới của Mỹ, Nga đã có những phản ứng tích cực là quyết định đình chỉ việc bố trí lại hệ thống tên lửa I-xcan-đơ ở Ka-li-nin-grat. Mỹ và Nga trở lại chính sách hòa hoãn là có lợi cho cả hai bên, đặc biệt nó phù hợp ý đồ của B.Ô-ba-ma muốn mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ quốc tế. Tất nhiên nó sẽ làm cho các nước gọi là "châu Âu trẻ" thất vọng vì chính sách thù địch của họ đối với Nga sẽ bị cô lập.

Với việc quyền lực kinh tế - chính trị trên thế giới đang chuyển dần từ Tây sang Đông, châu Á - Thái Bình Dương có một vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Điều đó lại càng đúng với bản thân Tổng thống B. Ô-ba-ma - người mà từ thời trẻ đã sống nhiều năm ở In-đô-nê-xi-a và Ha-oai. Trong hàng ngũ của ông có rất nhiều chuyên gia thành thạo về tình hình châu Á và có nguồn gốc từ châu Á. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một văn kiện chính thức nào của chính quyền Ô-ba-ma phác thảo những nét cơ bản về chính sách mới của Mỹ đối với châu Á. Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bà H. Clin-tơn cũng chỉ tập trung nói ngắn gọn mấy nét lớn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Ô-ba-ma đối với hai đối tượng chính: một là, với các đồng minh và bạn bè và hai là, với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Với đồng minh và bạn bè, chính quyền Ô-ba-ma xem liên minh với Nhật Bản là hòn đá tảng của chính sách ngoại giao của Mỹ đối với châu Á và Mỹ tiếp tục có quan hệ đối tác quan trọng với Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và các nước ASEAN về các vấn đề kinh tế và chính trị. Ấn Độ tuy không phải là đồng minh nhưng được xem là nền dân chủ lớn nhất thế giới nên Mỹ sẽ xây dựng quan hệ đối tác với quốc gia này trong các vấn đề kinh tế và chính trị.

Trung Quốc được xem như "một diễn viên cực kỳ quan trọng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi và Mỹ mong muốn có quan hệ hợp tác tích cực với quốc gia này. Mặt khác, Mỹ sẽ đề cập thẳng với Trung Quốc những bất đồng nảy sinh". Nguyên thủ quốc gia hai nước đã cam kết cùng làm việc để đưa quan hệ Mỹ - Trung Quốc có những bước phát triển tích cực hơn.

Chính sách đối ngoại của vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ có những điểm khác với chính sách đối ngoại của các tổng thống Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Song, chính sách đó vẫn không ngoài mục đích phục hồi vị trí đứng đầu của nước Mỹ trong cộng đồng thế giới. Không ai phủ nhận rằng, sức mạnh của Mỹ là nhất trên thế giới, nhưng "nhất trong số những nước ngang hàng" (First amongst the equals) như người dân Mỹ thường nói. Như vậy là đúng với thực tế.

Chưa đầy 2 tháng kể từ ngày ông B.Ô-ba-ma nhậm chức nên chưa thể kết luận chính sách đối ngoại này có hiện thực hay không, câu trả lời còn ở phía trước./.